“THẾ HỆ F”: TÂM TÌNH, CẢM XÚC VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA MỘT THẾ HỆ

Thứ ba - 05/06/2012 08:26

(NCTG) “Cuốn sách ghi lại cảm xúc của những chàng trai, cô gái Việt Nam trước giờ xuống đường, trong những khoảnh khắc họ sát cánh cùng nhau tuần hành yêu nước, và những suy tư, phân tích của họ về các khái niệm lâu nay vốn bị coi là nhạy cảm, là “độc quyền” của Nhà nước, của chính quyền: biểu tình, quyền con người, quyền được… yêu nước, v.v… Các bạn có thể xem cuốn sách như một tập “nhật ký” lưu lại những ngày tháng đáng nhớ của cả một thế hệ...”. (Trích “Lời nói đầu” cuốn “Thế hệ F”).


Tròn một năm đã trôi qua kể từ ngày 5-6-2011, mốc diễn ra cuộc biểu tình đầu tiên trong loạt mười mấy cuộc xuống đường ôn hòa của những người Việt yêu nước, thể hiện tinh thần độc lập, tự cường và phản đối đường lối bá quyền nước lớn của Trung Quốc.

Cho dù con số những người tham gia trực tiếp mới dừng lại ở mức mấy ngàn, thậm chí mấy trăm, và phải tiến hành trong những điều kiện hết sức ngặt nghèo, tại một xứ sở chưa quen với những chuyển động mang tính dân chủ và tự lực, nhưng chuỗi biểu tình ấy - cả về số lượng lẫn chất lượng và tính chất của những cá nhân tham gia - đã tạo nên những dấu son chói lọi trong mùa hạ và mùa thu 2011.

Được sự tham gia và hưởng ứng rộng rãi - trực tiếp cũng như gián tiếp - của những đại diện của hầu hết các giai tầng trong xã hội Việt Nam, phong trào yêu nước năm 2011 là sự tiếp nối đẹp đẽ nhất của truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc, mà theo lời Hồ Chí Minh, “từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhận chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Nhưng, còn hơn thế nữa, ít nhiều có thể coi cuộc “thử lửa” năm 2011 còn là sự khởi đầu của một xã hội dân sự mới manh nha ở Việt Nam với tất cả những nỗ lực tìm đường, những ưu điểm, hạn chế và non nớt của nó. Đặc biệt, với sự góp mặt của rất nhiều người cầm bút thường được gọi bằng cái tên “dân báo” (blogger), phong trào dân chủ 2011 còn cho thấy, những tấm lòng nhiệt thành vì đất nước không chỉ biết “lên mạng” trao đổi, và còn có thể “xuống đường” vì lợi ích dân tộc, khi cần.
 
*

Kỷ niệm 1 năm mốc thời gian 5-6-2011, từ TP. HCM, TS. Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu đã chia sẻ trên trang blog cá nhân:

Một ngày tuyệt vời, khi mà những người dân Sài Gòn, Hà Nội đã thể hiện lòng yêu nước một cách đẹp tuyệt vời!

Blog của tôi tràn ngập hình ảnh bạn bè, những gương mặt trẻ già dễ thương rạng ngời tình yêu Tổ quốc, những gương mặt trong sáng đầy vẻ cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia. Họ bày tỏ lòng yêu nước một cách hồn nhiên, không vụ lợi, không suy tính, không đao to búa lớn. Họ là những người bạn của tôi, là những người tôi không quen bíêt, nhưng tất cả đều là những con người chân chính, là đồng bào của tôi! Nâng thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân - Lời người xưa dặn đó!

Tình yêu Tổ quốc là tình cảm thiêng liêng của mỗi con người, của mỗi dân tộc. Tình yêu đó thiêng liêng bởi vì nó xuất phát từ trái tim trong sáng, tình yêu Tổ quốc không có chỗ cho những gì giả trá. Ngày hôm nay nhân dân đã làm nên một “Hội nghị Diên Hồng” ở Hà Nội, ở Sài Gòn và kết nối hàng triệu trái tim.

Hôm nay tôi đã được chứng kiến những giờ phút giao hòa của mỗi con người với Hồn thiêng sông núi!”.
 

Những khởi đầu đẹp đẽ ấy của ý thức tự cường dân tộc, của bổn phận công dân, rất cần và phải được ghi nhận lại trong những ghi chép, trao đổi, thậm chí trong những công trình nghiên cứu, “biên niên sử” để lại cho mai sau. Sự ra đời của cuốn sách “Thế hệ F” (Nhà Xuất bản Liên Mạng ấn hành, năm 2011), như thế, có lẽ ít nhất cũng đáp ứng được một phần nhu cầu tìm hiểu đa chiều về những gì xảy ra trong mùa hè rực lửa năm 2011.

Dày 252 trang, hàm chứa 56 bài viết đã được đăng tải trên blog cá nhân hoặc mạng xã hội Facebook của 42 tác giả trong khoảng thời gian trước và sau khi diễn ra những cuộc xuống đường đầu tiên, “Thế hệ F” được phát hành theo lối samizdat (tự xuất bản). Đáng chú ý là sách đã được số hóa và đưa lên Liên mạng: độc giả có thể đọc miễn phí “tại chỗ” (online), hoặc tải xuống máy, in ra và đóng thành sách, nghiềm ngẫm và giữ làm kỷ niệm.

Với nhiều tác giả tuy độ tuổi có khác nhau nhưng đa phần đều quen biết với giới “công dân mạng”, “Thế hệ F” hấp dẫn ở chỗ nó đã phản ánh hết sức trung thực và đa dạng tâm tư, tình cảm của những con người cảm thấy cần có tiếng nói, có quan điểm và cần thể hiện nguyện vọng, tâm huyết của mình trước những vấn đề lớn của dân tộc, mà không đợi ai cho phép, phân công, vì tình cảm yêu nước không thể phụ thuộc cơ chế xin - cho của bất cứ ai.

Được chia làm 4 phần - “Đêm trước”, “Xuống đường”, “Yêu nước” và “Comment” - phù hợp với trật tự thời gian và hành trình của những người trẻ trong biến cố tháng 6-2011, cuốn sách còn là tư liệu rất quý vì nó phản ánh cả những thắc mắc, tranh luận về chuyện biểu tình (mà có thể các thế hệ sau sẽ cảm thấy ngạc nhiên vì tại sao, cha anh mình lại phải bận tâm lời qua tiếng lại cho những vấn đề dễ hiểu và hiển nhiên đến thế).

Bên cạnh đó, những băn khoăn, day dứt của không ít người, để tự trấn an, dẹp sang một bên và vượt qua nỗi sợ hãi trong hành trình trở lại với những cảm xúc, với tình cảm ái quốc chân thành và đẹp đẽ nhất của mình, cũng được khắc họa, thể hiện trong sách và có lẽ, đấy là những trang động lòng nhất của “Thế hệ F”, khiến cuốn sách không chỉ có giá trị về thông tin, thời sự và sử liệu, mà còn mang tính văn học đáng kể.
 
*

Một năm nhìn lại, có thể đặt câu hỏi: “quá trình dân chủ hóa, đa nguyên hóa lành mạnh, dẫu rằng trước hết chỉ là… trên mạng” bắt đầu từ những biến chuyển mùa hạ 2011 - như trong “Lời nói đầu” của “Thế hệ F” có nhắc đến - nay đã đi đến đâu, có những thành quả và hạn chế gì, và cần tiếp tục nó như thế nào cho một nước Việt Nam dân chủ và phú cường? Thiết nghĩ, đây cũng là một đề tài mà các nhà nghiên cứu, những trước hết là những cây bút đã góp mặt trong “Thế hệ F”, có thể suy ngẫm và trao đổi.

Một chặng đường đã qua, đọc “Lời nói đầu” cuốn sách, để nhớ lại những ngày tháng ấy, với “thước đo tình yêu nước của người dân, mà xuống đường biểu tình, bày tỏ chính kiến của mình, chống hiểm họa xâm lăng phương Bắc, là một trong những cách biểu hiện”. “Chẳng có hình ảnh nào thể hiện đẹp đẽ và cảm động hơn tình yêu nước ấy bằng hình ảnh những chàng trai cô gái trong sắc áo đỏ, trẻ trung, phơi phới, xuống đường phất cờ Tổ quốc và giương cao khẩu hiệu phản đối chính quyền Trung Quốc bá quyền, xâm lược”.
 
LỜI NÓI ĐẦU

Bạn đọc thân mến,

Bạn đang cầm trong tay một cuốn sách rất đặc biệt, bởi vì nó đề cập đến một sự kiện hết sức đặc biệt, một sự kiện mà chắc chắn không một báo chí chính thống nào có thể nhắc tới và công khai thừa nhận vào thời điểm này, trong khi cũng chắc chắn như thế, sự kiện ấy rồi sẽ đi vào lịch sử Việt Nam hiện đại như một cột mốc đáng nhớ trên con đường đi tới dân chủ hóa.

Đó là các cuộc biểu tình – “tuần hành chống xâm lăng” – của những người Việt Nam yêu nước trước hiểm họa bá quyền phương Bắc, vào hai ngày Chủ nhật 5-6 và 12-6-2011, đồng thời tại cả Hà Nội và Sài Gòn.
 

Hoàn toàn không được chính quyền và báo chí - truyền thông chính thống thừa nhận, nhưng các cuộc biểu tình đó, với quy mô không hề nhỏ, đã chứng tỏ quá nhiều điều:

Đó là sự bắt đầu của một quá trình dân chủ hóa, đa nguyên hóa lành mạnh, dẫu rằng trước hết chỉ là… trên mạng. Những cuộc tranh cãi, “bút chiến” gay gắt giữa những người ủng hộ và phản đối biểu tình, vào thời điểm “đêm trước cuộc xuống đường”, chẳng phải cũng là một biểu hiện của sự đa nguyên hay sao?

Đó là dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành về nhận thức, bản lĩnh của thế hệ người Việt Nam mới. Bất chấp hoàn cảnh thiếu thông tin, thiếu minh bạch của xã hội, bất chấp nền giáo dục còn nhiều yếu kém, lạc hậu, thế hệ ấy vẫn vươn lên, hướng ra bên ngoài thế giới toàn cầu hóa, để học hỏi, bổ sung kiến thức cho mình và chia sẻ với bạn bè, trên nền tảng “người thầy” vĩ đại của họ: Internet.

Đó là hồi chuông cảnh báo hố sâu cách biệt ngày càng lớn giữa một bộ phận cầm quyền vẫn mang trong mình đầu óc bảo thủ, phản tiến bộ, phi dân chủ, với một tầng lớp nhân dân đông đảo của “thế hệ Facebook”, đầy sự cởi mở, tự tin, năng động, tiến bộ về nhận thức chính trị. Chẳng phải là sự cách biệt đã tới mức báo động sao, khi cuộc biểu tình của hơn 3.000 con người ở cả hai đầu đất nước, lại chỉ được báo chí chính thống coi là “hành động tụ tập tự phát của một số ít người”, “đi ngang qua Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc”?

Và trên tất cả, đó là thước đo tình yêu nước của người dân, mà xuống đường biểu tình, bày tỏ chính kiến của mình, chống hiểm họa xâm lăng phương Bắc, là một trong những cách biểu hiện. Chẳng có hình ảnh nào thể hiện đẹp đẽ và cảm động hơn tình yêu nước ấy bằng hình ảnh những chàng trai cô gái trong sắc áo đỏ, trẻ trung, phơi phới, xuống đường phất cờ Tổ quốc và giương cao khẩu hiệu phản đối chính quyền Trung Quốc bá quyền, xâm lược.

Bạn đọc mến,

Cuốn sách mà bạn cầm trên tay đây là tập hợp những bài viết của hàng loạt blogger trong “thế hệ Facebook” đó.

Cuốn sách ghi lại cảm xúc của những chàng trai, cô gái Việt Nam trước giờ xuống đường, trong những khoảnh khắc họ sát cánh cùng nhau tuần hành yêu nước, và những suy tư, phân tích của họ về các khái niệm lâu nay vốn bị coi là nhạy cảm, là “độc quyền” của Nhà nước, của chính quyền: biểu tình, quyền con người, quyền được… yêu nước, v.v…

Bạn đọc có thể thấy, trong cuốn sách, có cả những bài viết theo một hướng khác, một giọng khác, trái ngược hẳn đa số còn lại. Nhưng những bài viết đó cũng phản ánh một góc nhìn mà người đọc cần ghi nhận và có thể đưa ra thảo luận, vì thế chúng được đưa vào tuyển tập, với sự tôn trọng tinh thần đa nguyên.

Các bạn có thể xem cuốn sách như một tập “nhật ký” lưu lại những ngày tháng đáng nhớ của cả một thế hệ. Về phần mình, người làm sách xin được coi đây như một món quà tinh thần để tôn vinh tất cả các bạn – những người đã và đang bằng cách của mình kiên trì và nỗ lực cho một nước Việt Nam dân chủ, tự do và phồn vinh.
 
Việt Nam, đêm 13-6-2011

Ảnh: Huy Minh, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: Thế hệ F
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn