Khi côn đồ Ba Lan vào cuộc - Ảnh: Fotó: Jerzy Dudek (Reuters)
Đoàn CĐV Nga tuần hành trên đường phố nhân kỷ niệm Ngày Độc lập 12-6, với sự yểm trợ và bảo vệ của rất nhiều cảnh sát cơ động Ba Lan, khi lên tới chiếc cầu Poniatoiwski gần sân vận động đã bất ngờ bị vài trăm tên côn đồ Ba Lan chửi bới thậm tệ và hành hung thô bạo. Đám côn đồ còn không từ cả cảnh sát, khiến các nhân viên công lực phải dùng hơi cay, súng phun nước và cả súng đạn thật bắn chỉ thiên để ngừng những kẻ quá khích ném pháo và chai lọ vào họ.
Sau bê bối này, Tổng thống Nga Putin đã bày tỏ sự lo ngại vì tình trạng của các CĐV Nga ở Ba Lan trong cuộc hội đàm qua điện thoại với Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, và cho rằng nước chủ nhà có bổn phận đảm bảo an ninh cho các CĐV đến từ các quốc gia khác. Trên truyền thông và Liên mạng, nhiều cư dân Ba Lan đã tỏ ra bất bình vì cách cư xử của một nhóm côn đồ mà theo họ, là rác rưởi không chỉ với người ngoại quốc, mà với người dân Ba Lan cũng vậy.
Vậy những phần tử quá khích đó là ai, mà chính những đồng hương cũng cho biết là phải hổ thẹn vì hành vi phá phách và gây gổ của họ?
“Hu-li-gan hung bạo nhất Châu Âu”
Đó là đánh giá của một số bình luận viên người Anh về những phần tử côn đồ sân cỏ Ba Lan, không phải bây giờ mà từ nhiều năm trước. Ngay từ năm 1993, trong lần chạm trán đầu tiên trong vòng loại World Cup 1994, chính giới hu-li-gan khét tiếng của Anh cũng phải tỏ ý khâm phục các đối thủ của mình. Đặc biệt là sau màn kịch chiến và gây tử vong, hai nhóm CĐV quá khích lại chung sức đánh trả lại cảnh sát Ba Lan đến giải tán họ.
Những năm gần đây, côn đồ sân cỏ Ba Lan rất có tiếng tăm trên đấu trường
quốc tế. Giới phân tích còn nhớ một bê bối lớn của họ trong mùa World
Cup 2006 tại Đức, khi vài trăm “đại diện” của hu-li-gan Ba Lan đụng độ
với các “đồng bạn” Đức, khiến cảnh sát phải ra tay bắt giữ 300 người. Đi
đến đâu thường gây họa tới đó, côn đồ Ba Lan còn gây khó cho chính
quyền ở chỗ phía Ba Lan không hề có những dữ liệu lưu trữ gì về họ để
tiện khi xử lý và điều tra.
Không chỉ gây rối ngoài sân cỏ và nhân các dịp bóng đá, hu-li-gan
Ba Lan còn triệt để tận dụng những sự kiện thu hút đông người để tới quá
phấy và gây gổ với người xung quanh, cũng như với cảnh sát. Những nhóm
côn đồ Ba Lan, sau khi đọ quyền cước với nhau, cũng thường hợp lực để
chống trả cơ quan công lực. Lễ Độc lập của Ba Lan vào “ngày đẹp”
11-11-2011 cũng đã tan tành vì những màn “đánh hội” của côn đồ sân cỏ,
nhân hiềm khích giữa hai phe tả và hữu trong cuộc tuần hành tại
Warszawa.
“Truyền thống” lâu năm
Để có được những “thành tựu” như hiện tại không chỉ là chuyện một
sớm một chiều. Thường được chính những tay hu-li-gan gọi bằng cái tên
“Liên đoàn Hu-li-gan Ba Lan”, xu hướng bạo lực sân cỏ tại nước này đã
manh nha từ gần bốn thập niên nay, khi các nhóm CĐV đầu tiên được thành
lập. Khét tiếng trong trào lưu bạo lực này là các nhóm côn đồ ủng hộ CLB
Cracovia, đội bóng của cố đô Kraków, chuyên đụng độ với CĐV một CLB
khác cùng thành phố.
Lực lượng cảnh sát đặc biệt phải vất vả ra tay - Ảnh: Krzysztof Miller (Reuters)
Sử liệu về thể thao Ba Lan cho biết, cuộc chiến giữa các nhóm côn đồ xảy ra hàng ngày, với bất cứ phương tiện gì có được trong tay. Những nhân vật “cấp tiến” nhất của hu-li-gan TP Gdansk còn tích cực tham gia phong trào chống chính quyền thời đầu thập niên 80 thế kỷ trưóc, và gây uy tín đáng kể về những hành vi mang tính “xã hội” đó. Cho đến những năm 1997-1998, côn đồ sân cỏ tại Ba Lan đạt đến đỉnh cao về tầm vóc thương vong và con số những trận chiến.
Thời gian sau, từ hình thức phá phách ẩu đả trên phố phường, các phần tử thích gây rối có xu hướng “rút vào bí mật”. Chọn trước các địa điểm chiến sự (cách xa sân vận động, xa khu dân cư và như thế tránh được sự để tâm của cảnh sát) qua điện thoại hoặc email, các nhóm côn đồ thường hẹn hò nhau đấu sức tay không một cách “quân tử”, “thượng võ” khi không bên nào mang nhiều “quân” hơn đối thủ.
Hiểm họa “mafia hóa”
Tuy nhiên, trong một thời gian dài, những kẻ côn đồ sân cỏ Ba Lan dừng lại ở mức họ muốn “thể hiện mình”, trút xả áp lực, stress trong cuộc sống hoặc thực hiện sở thích dùng bạo lực để tiêu khiển nên mối họa của họ nằm ở khía cạnh an ninh công cộng thuần túy. Hiểm họa đã đến trong năm năm gần đây, khi mối quan hệ giữa bạo lực sân cỏ và mafia được hình thành từng bước và trở nên ngày một bền chặt.
Ví dụ thường được đưa ra là một cuộc thanh toán đẫm máu xảy ra vào tháng Giêng năm nay. Tomasz Czlowiekez, thủ lĩnh một nhóm CĐV “cuồng” của CLB Cracovia bị các thành viên một nhóm đối địch sát hại bằng rìu và dao ở ngoài phố, giữa thanh thiên bạch nhật. Cảnh tượng này được các nhân chứng mô tả như một cảnh trong phim “Bố già”: chiếc xe Jeep của Czlowiekez bị chặn, nạn nhân định tìm cách tháo chạy thì bị 15 kẻ giữ lại và “đánh hội đồng” cho đến chết.
Vụ giết người trên được coi là sự thanh toán giữa các băng đảng mafia. Czlowiekez là chủ một lò võ Kick-box chuyên huấn luyện những “võ sĩ đường phố”, nhưng các nhóm hu-li-gan Ba Lan còn hay dính vào những thương vụ buôn bán vũ khí hoặc ma túy, và sự “thanh trừng” lẫn nhau vì lý do tranh giành ảnh hưởng hoặc mâu thuẫn trong kinh doanh. Như thế, sự có mặt và tham dự của một số kẻ côn đồ sân cỏ trong các tổ chức tội phạm có tổ chức là điều khiến chính quyền Ba Lan phải cảm thấy đau đầu nhất hiện tại.
*
Chọn những CĐV Nga để hành hung trong dịp này, ít nhiều, giới côn đồ Ba Lan đã lợi dụng những mâu thuẫn và đau thương trong lịch sử hai nước như một sự lý giải cho hành vi bạo lực của mình. Nhưng, có lẽ trái với điều mà hu-li-gan mong đợi, đa số công luận Ba Lan - mặc dù mang tinh thần ái quốc và dân tộc chủ nghĩa - đều phản đối “sở thích” tệ hại và ô nhục của họ, gọi họ là những kẻ “
xuẩn ngốc”, “
rác rưởi” của dân tộc.
Những kẻ “xuẩn ngốc”, “rác rưởi” của dân tộc Ba Lan… - Ảnh: Jerzy Dudek (Reuters)
“
Các bạn Nga, các bạn có một đội bóng tuyệt vời, và chúng tôi đã được xem một trận cầu ngoạn mục. Nhiều triệu người dân Ba Lan lương thiện cảm thấy hổ thẹn vì những tên hu-li-gan ấy” - lời giãi bày của một công dân Ba Lan trên ấn bản trực tuyến nhật báo Nga “Tin tức” (Izvestia) cũng có thể là câu kết luận cho hiện tượng côn đồ và bạo lực sân cỏ vừa qua, để những chuyện đáng tiếc như thế không xảy ra trong tương lai...
(*) Bài viết đã đăng trên “Tiền Phong”.