Ba Lan & Ukraine: NHỮNG NÉT “ĐÔNG ÂU” GIỮA LÒNG EURO 2012

Thứ tư - 20/06/2012 14:38

Cho dù về thực lực, các đội tuyển vùng Đông - Trung Âu giờ đã nhiều khi “bằng vai phải lứa” với các đối thủ Tây Âu, thì việc tất cả các đại diện của họ đều phải chia tay trong vòng đấu bảng cho thấy, dầu sao, vẫn còn những khoảng cách nhất định.


Một nghệ sĩ đường phố chơi đàn với biểu tượng chính thức của EURO 2012 tại Lviv - Ảnh: Jeff Pachoud (AFP)


Đây cũng là điều mà giới báo chí để ý khi quan sát khía cạnh tổ chức trong một ngày hội bóng đá Châu Âu, lần đầu tiên được diễn ra tại hai đất nước Đông Âu từng là các quốc gia XHCN (cũ). Vào tuần thứ hai của giải, đã có thể thấy những hạn chế đặc thù, ngày một gia tăng, của khu vực Đông Âu, theo nhận xét của ký giả Hungary Ághassi Attila.

Nhà báo này nhận thấy có sự khác biệt khá đáng kể giữa Ba Lan và Ukraine, không chỉ vì Ukraine không thuộc EU, mà còn vì hai quốc gia này có nền văn hóa hoàn toàn khác nhau và sự phát triển lịch sử cũng không đồng nhất - do đó, ông đã tách rời hai nước để so sánh theo những góc độ sau đây.

Giao thông

Các chuyến xe buýt quốc tế không sang tới Ukraine, chỉ có vài hãng giao thông Ba Lan là có liên hệ với nước này, nhưng xe cộ cũng rất tồi tàn. Tàu hỏa thì đỡ hơn, nhưng giá cả cũng đáng ngại: nếu tại Warszawa, bạn lên chuyến tàu khởi hành từ Berlin để tới Kiev thì phải trả thêm 210 USD cho tiền vé một chiều, đấy là chưa kể toa nằm thì còn phải trả thêm.

Ukraine cũng rất muốn “chơi sang” và họ có mua của Hàn Quốc một chiếc tàu hỏa cao tốc nối Lviv và Kharkiv và thông qua Kiev. Tuy nhiên, họ quên mất rằng chỉ mua kỹ thuật thì không đủ, lẽ ra cần phải mua và lắp đặt cả đường ray, dây dẫn..., vì nếu không thì cao tốc 300km/h cũng chỉ chạy được tối đa là 100km/h.

Tàu hỏa Ba Lan thì có cái lạ là tàu tốc hành bình thường cũng được gọi là Intercity, khiến du khách ngoại quốc lầm lẫn thường xuyên. Bù lại, xe buýt liên tỉnh của nước này đã khá hiện đại, có hãng cho phép đặt vé trước qua Internet chứ không cần phải chờ mua ở chỗ tài xế. Ngược lại, ở Ukraine thì hiếm có tiệm café nào có mạng, nên du khách muốn xem lịch trình xe cộ để tính toán cân nhắc được trước khi mua vé cũng không đơn giản.

Đáng nói nhất là hàng không nội địa hai nước. Giá cả không chênh nhau là mấy (Ukraine đắt hơn chút đỉnh), nhưng trong khi hàng không giá rẻ của LOT được khẩu phần ăn miễn phí rất khá, thì loại máy bay Antonov mà Ukraine sử dụng đã có tới 40 năm tuổi, và các nhân viên UEFA không dám lên máy bay vì ngay trong chuyến đầu đã có trục trặc - thà họ chịu khó đi xe buýt 6 tiếng còn hơn.


Các PV báo chí tác nghiệp trước trận Thụy Điển - Ukraine - Ảnh: Jonathan Nackstrand (AFP)


Sân bãi

Sân nào cũng đẹp, ít nhất là dưới mắt người tới xem một lần, chứ không phải các chuyên gia. Đáng suy nghĩ là ở nhiều nơi, trung tâm báo chí là không ở trong SVĐ - như trong trường hợp Gdans, Kharkiv... - và được tạo dựng một cách tạm bợ, khiến các phóng viên khó tác nghiệp (tại Kiev, trung tâm báo chí và chỗ để các BLV làm việc cách nhau tới 17 phút đi bộ).

Không thật liên quan đến chuyện hiện tại, nhưng cũng đáng chú ý là cả Ba Lan và Ukraine - và đặc biệt là Ukraine - sẽ gặp vấn đề khi muốn tận dụng triệt để một số SVĐ và các công trình có liên quan sau kỳ EURO 2012 này.

Chẳng hạn, đội chủ nhà của SVĐ Gdansk là Lechia, đứng thứ 13 trong Giải vô địch Ba Lan, sẽ không lấy đâu ra nhiều CĐV để có thể sử dụng hiệu quả sân với sức chứa 43 ngàn người. Tương tự như vậy, CLB Karpaty Lviv đứng thứ 14 tại Giải Vô địch Ukraine, mỗi trận đấu của đội thu hút được không đầy 5 ngàn CĐV...

Ngoại cảnh và hạ tầng

Vấn đề lớn nhất - và trên góc độ này thì cả Ba Lan và Ukraine đều giống nhau - là ngoại cảnh và hạ tầng phục vụ sân bãi. Tại Warszawa và Kiev, SVĐ gần trung tâm thành phố, nhưng ở Lviv thì xa và hầu như rất khó đến nơi.

Báo chí ngoại quốc đã nêu ví dụ xe ngựa được sử dụng ở Lviv để vận chuyển CĐV - tất nhiên trong trường hợp một trận đấu trong nước thì không sao, nhất là khi người xà-ích biết cách làm sao để đến gần sân bãi, nhưng tại một giải quốc tế tầm cỡ Châu Âu thì quả là có vấn đề. Và cảnh sát thì, thay vì chặn chiếc xe đi trong đêm không hề có đèn, lại chỉ chủ tâm ngăn cánh nhà báo chụp ảnh cảnh tượng đó.

Ở Kharkiv, SVĐ Metalist tọa lạc giữa một khu tập thể hoang tàn, xung quanh đó không hề có gì, chỉ toàn là… nhựa đường.

Còn tại Gdansk, SVĐ cũng nằm giữa một công trình xây dựng: ai mà đi nhầm một cửa vào thì có thể buồn bã rút ra kết luận là nếu muốn tìm cửa vào gần nhất, cũng phải đi mất 50 phút, mà chỉ có thể đi bộ vì đường sá đã bị ngăn. Tất nhiên nếu... chạy thì cót hể rút ngắn thời gian, với điều kiện bạn phải nhìn ngắm thật kỹ và hỏi han luôn luôn, nhầm lẫn một chút là biến thành một tiếng rưỡi dạo bộ!


SVĐ Lviv tọa lạc ở nơi quá xa xôi...

Tất nhiên, người dân hai xứ Ba Lan và Ukraine vẫn tự hào vì thành tích xây dựng của họ. Tomas, bạn đồng hành của tôi trên chuyến bay hồ hởi: “Nhân dân Ba Lan rất tự hào về kết quả này. Trước đây dân tộc chúng tôi đã gặp phải bao nhiêu thảm họa, nhưng đến giờ rốt cục chúng tôi cũng đã làm được điều gì đó.

Tất nhiên chúng tôi thấy chứ, nhưng SVĐ này còn chưa xây xong, ngoại cảnh chúng quả là kinh khủng. Nhưng nhìn bên ngoài, các SVĐ đều đẹp và mang tính biểu tượng, cho thấy chúng tôi có thể sáng tạo. Trái tim chúng tôi đặt ở những SVĐ ấy”.

Nên nhớ, năm 2004, Athens đăng cai Thế vận hội, còn Bồ Đào Nha thì được tổ chức EURO. Khủng hoảng kinh tế tại hai đất nước này có một phần nguyên dân từ những công trình xây dựng “khủng” thời đó, nhưng Ba Lan thì vẫn tin rằng với họ điều tồi tệ đó sẽ không lặp lại.

Cảnh sát

Đa phần là lịch sự, ngay cả với dân phóng nhanh vượt ẩu. Số đông không rành ngoại ngữ. Có thể trách cảnh sát Warszawa không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đoàn tuần hành của các CĐV Nga, khi để nhóm côn đồ sân cỏ Ba Lan tấn công họ trên chiếc cầu dẫn đến SVĐ Quốc gia - lẽ ra không thể để hai nhóm CĐV có điều kiện “giao lưu” với nhau trên cầu như vậy.

Cảnh sát Ukraine thì trông có vẻ thiếu thiện cảm, lúc nào cũng có thể bắt gặp họ đi tuần với chiếc dùi cui ve vẩy liên hồi trong tay.

Quán xá, khu dành cho các CĐV

Người dân cả hai nước đều mến khách và vui vẻ với các CĐV mới gặp. Rất hay thấy cảnh người bản địa tập trung thành từng nhóm trước những quầy bar, nơi CĐV Anh hay Đức hát hò, rồi chạm cốc và cùng nhau cất tiếng hát. Đáp lại, các CĐV đa phần thân thiện, sẵn lòng vẽ lên mặt, lên tay cư dân bản địa màu cờ sắc áo của đội nhà, và cũng hay hò hét hoan nghênh hai nước đồng chủ nhà Ba Lan và Ukraine.


Các CĐV đa phần thân thiện... - Ảnh: Gleb Garanich (AFP)


Rất đông người tập trung trước những màn hình lớn đặt ở nơi công cộng, ở đây bầu không khí rất hòa bình. Vé vào cửa các trận đấu có thể đổi chác được, cho dù loại vé đặt mua trước trên mạng có đề tên “chính chủ”.

Giá cả

Bánh mỳ kẹp thịt giá 2 Euro trong trung tâm báo chí (ở Kharkiv là gần 3,5 Euro), tức là cực đắt so với giá cả thông thường ở Ukraine. Cả hai nước đều tranh thủ tăng giá trong dịp này, nhưng nếu ở Ba Lan giá taxi chỉ tăng 30% thì tại Ukraine tỉ lệ này là... 300%! Một chuyến từ phi trường Kiev vào thành phố bình thường mất chừng 100 đồng (tiền Ukraine), giờ thì là 300...

Khách sạn

Ukraine cũng vượt Ba Lan trong khoảng này: trong khi có thể thuê một buồng KTX ở Ba Lan với giá 50 Euro thì ở Lviv là gần 70 Euro. Lviv có tới 800 ngàn dân, hàng năm đón chừng 1 triệu du khách (già nửa số di tích của Ukraine nằm ở đô thị lịch sử này), nhưng số khách sạn thì khá ít.

Khu trung tâm thành phố được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO, nhưng ngay sau khi được nhận danh hiệu cao quý này thì một tòa nhà cổ liền bị sập và từ đó đến giờ vẫn trong trạng thái ấy. Đặc trưng cho tính cách Ukraine là không biết bao nhiêu lời hứa hẹn đã được đưa ra, nào là sẽ trùng tu, nào là sẽ xây một khách sạn mới tại đó... nhưng chẳng ai tin cả.

Tại khách sạn ở Kharkiv không xem được các trận EURO. Nửa năm trước trận Đức - Hà Lan, BLV của Đài Phát thanh và Đài Truyền hình Hungary đã không tìm được chỗ trong khách sạn - không một khách sạn nào được xây trong số mà chính quyền hứa hẹn. Cuối cùng họ phải thuê và ở tại một căn hộ hai phòng với giá trên trời!

Chuyện đặt phòng khách sạn rồi đến lại không có phòng xảy ra khá thường xuyên ở cả Ba Lan lẫn Ukraine. Những khi đấy, thông thường các nhân viên khách sạn đều sẵn sàng giúp đỡ khách và chỉ trích hệ thống đặt chỗ quốc tế. Chúng tôi được hứa hẹn là taxi sẽ đưa miễn phí đến một khách sạn khác, nhưng câu đầu của bác tài xế là “quý vị biết chứ, tôi cũng cần sống bằng cái gì đó chứ, không có chuyện miễn phí đâu”...

Những khi ấy, tranh cãi gì gì cũng vô hiệu, chẳng ai để tâm hai phút trước đó Pavel hay Igor đã nói gì...

(*) Bài viết đã đăng trên VTC News.

Trần Lê, theo index.hu


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn