BÓNG MA MẬT VỤ THỜI CỘNG SẢN VẪN ÁM ẢNH ĐÔNG ÂU

Thứ năm - 06/09/2012 09:21

Chế độ cộng sản “hiện thực” dù đã chấm dứt trong vùng Đông – Trung Âu từ cuối thập niên 80 thế kỷ trước, nhưng bóng ma của quá khứ mật vụ cũ vẫn tiếp tục ám ảnh và đe dọa hiện tại tại các nước XHCN cũ trong khu vực.


Nơi từng là đại bản doanh của Securitate ở Bucharest - Ảnh: Internet

Ngày 31-8-2012, phát biểu về việc Đại hội của các Đảng Xã hội Châu Âu chuyển địa điểm từ Romania sang Bruxelles (Bỉ), thủ tướng Romania Victor Ponta cho rằng thời gian gần đây báo chí Đức đã có cái nhìn hết sức nghiệt ngã đối với Bucharest, và đây là một trong những lý do khiến các thành viên Đảng Xã hội Dân chủ Đức sẽ không đến dự Đại hội nếu nó được tổ chức tại Romania.

Ông Victor Ponta nói thêm, sở dĩ có điều này, vì những cựu nhân viên xuất sắc nhất của cơ quan mật vụ Securitate thời Ceauşescu hiện vẫn đang làm việc trong các cơ quan truyền thông Đức, đứng về phía Tổng thống Băsescu để tấn công chính phủ.
 
Một câu hỏi được đặt ra: tuyên bố kể trên của thủ tướng Romania “thực” đến đâu, hay đây chỉ là một nhận định để tự bào chữa của chính phủ Ponta?

Không thấy báo giới và chính giới Romania bình luận gì nhiều về nội dung khẳng định nói trên, nhưng một điều rõ ràng: hơn hai thập niên sau ngày thể chế độc tài Ceausescu sụp đổ tại Romania, công luận ngày càng nhận ra, nhiều yếu nhân hiện giữ những vị trí quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội và văn hóa nước này đều từng là mật vụ, chỉ điểm một thời!
 
Chẳng hạn, có thể nhắc đến ở đây trường hợp của ông Dan Voiculescu, Chủ tịch Đảng Bảo thủ, một thành viên Liên minh Xã hội Tự do tập hợp các chính đảng đối lập tại Romania.

Kể từ năm 2006 ông này đã bị vạch trần là chỉ điểm thời cộng sản, nhưng tới mùa hạ năm ngoái Tòa án Tối cao Romania mới ra phán quyết có hiệu lực pháp luật để khẳng định điều này.
 
Theo đó, trong nhiều năm liền, vị chủ tịch đảng đã làm việc trên tư cách chỉ điểm cho cơ quan Securitate với biệt danh Felix. Cho dù, theo lời mình, ông Voiculescu cho rằng, ông là nạn nhân của chế độ cũ, chứ không phải chỉ điểm, và ông muốn đưa vụ việc lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu để được minh oan.
 
Đó là chuyện cách đây một năm. Gần đây nhất, trong số những bê bối của nội các Victor Ponta, công luận Romania để ý tới việc ông Andrei Marga, từng giữ cương vị Ngoại trưởng trong chính phủ trung tả này, đã bị báo chí phanh phui là từng cộng tác với Securitate từ thập niên 70 thế kỷ trước.

Hiện đang được đề cử giữ chức Chủ tịch Học viện Văn hóa Romania, vốn là một giáo sư đại học khả kính, nhưng uy tín của Andrei Marga đã sụt giảm nhiều kể từ khi ông lên những nấc thang cao trên con đường chính trị. Đầu tháng 8 vừa qua, báo giới Romania công bố một nguồn tin khả tín cho thấy, Marga đã tham gia hệ thống mật vụ cộng sản với ba tên hiệu.

Không chỉ hợp tác để chỉ điểm trong nước, ông còn cung cấp thông tin về các công dân nước ngoài cho Securitate. Sở dĩ làm được điều này vì từ năm 1975 trở đi, Marga được chính quyền cộng sản Romania đặc cách, cấp học bổng và cho phép sang Tây Đức nhiều lần để học hỏi, cho dù đến giờ bản thân ông vẫn phủ nhận việc mình có hợp tác với Securitate.

Không chỉ các nhân vật chính trị (thuộc cả phe tả lẫn phe hữu) mà nhiều tăng lữ, các yếu nhân của Giáo hội cũng bị dính bê bối chỉ điểm. Gần đây, vào cuối tháng 4, mục sư Tőkés László, dân biểu Nghị viện Châu Âu đã viết một thư ngỏ lên tiếng đòi hàng loạt yếu nhân trong Giáo hội Tin Lành nước này phải từ chức do đã hợp tác với mật vụ cộng sản, trong đó, trường hợp nghiêm trọng nhất là mục sư Nagy Sándor.

Nagy Sándor, người đã được nhận lương chọ hoạt động chỉ điểm của mình dưới thể chế cộng sản, đã từ 2 năm nay bị phanh phui vì quá khứ không mấy đẹp đẽ này, nhưng vẫn giữ được trọng trách trong Giáo hội. Mục sư Tőkés László cho rằng, cần trực diện một lần và dứt khoát với quá khứ cộng sản, cũng như quá khứ mật vụ, để Giáo hội được trong sạch và tẩy được những vết nhơ.
 
Không chỉ ở trong nước mà Securitate còn có những cựu mật vụ hiện đang ở nước ngoài, đã hoặc vẫn đang nắm giữ những vị trí quan trọng.

Một trong những ví dụ tiêu biểu là ông Heltai Péter, từng giữ cương vị TBT Đài Truyền hình Quốc gia Hungary, người cho đến thời gian gần đây còn có tên trong ban điều hành nhiều hãng truyền thông lớn tại Hungary.

Trong một thời gian dài, Heltai Péter làm việc cho Sucuritate dưới biệt danh Hegel, và những thông tin do ông ta cung cấp cho cơ quan mật vụ Romania còn có thể tìm thấy tại nhiều hồ sơ lưu trữ, trong đó có hồ sơ của một nghệ sĩ tạo hình người Romania gốc Hung, hiện đang sống ở Berlin, ông Gáll Tibor.
 
Chính Gáll Tibor là người đã đề nghị Hội đồng Quốc gia khảo sát Kho Lưu trữ của Securitate cho ông biết, ai là tay mật vụ mang biệt danh Hegel trong hồ sơ mà Securitate đã mở về ông. Thỏa mãn đề xuất đó, Hội đồng nói trên đã xác nhận rằng, người chỉ điểm không phải khác khác, mà chính là một nhân vật có quyền uy trong nền truyền thông Hungary, ông Heltai Péter.
 
Heltai Péter công nhận đã bị cơ quan mật vụ chính trị Romania triệu tập, gạn hỏi và ép buộc nhưng bác bỏ chuyện này. Như nhiều cựu nhân viên mật vụ khác, một điều khó phủ nhận là Heltai đã cung cấp nhiều thông tin cho Securitate - chính vì vậy mà sau khi mọi sự vỡ lỡ, ông đã lập tức từ chức khỏi các ghế lãnh đạo truyền thông, cho dù trước đó ông đã dọa sẽ kiện ra tòa nếu bị cáo buộc những điều thất thiệt.

Duới thời cộng sản, các cơ quan mật vụ chính trị như KGB của Liên Xô cũ, Stasi của Đông Đức, Securitate của Romania hoặc ÁVH của Hungary đều có quan hệ mật thiết với nhau. Cho dù đều đã bị giải thể, những cá nhân từng giữ những trọng trách tại các cơ quan đó vẫn còn duy trì quan hệ sau biến cố 1989 và vì trong nhiều trường hợp, họ vẫn giữ vai trò đáng kể trên chính trường thời “hậu cộng sản”, nên việc bao bọc, bảo vệ nhau để “cùng tồn tại” - vì đôi bên đều nắm giữ nhiều thông tin “nhạy cảm” về nhau - là điều không quá hiếm.
 
Đó là trường hợp của Alexandru Drăghici, được coi là một trong những “đao phủ” đẫm máu nhất của thể chế cộng sản Romania, người từng giữ cương vị Bộ trưởng Nội vụ - đồng thời là nhân vật chỉ đạo cơ quan Securitate - thời thập niên 50-60. Tuy nhiên, sau những cuộc tranh giành quyền lực từ giữa thập niên 60 khi Ceauşescu lên nắm quyền, Draghici bị thất sủng và phải về hưu từ năm 1972. Kể từ đó, ông ta sống một cuộc sống vương giả tại một biệt thự sang trọng. Năm 1991, khi các cựu tù nhân chính trị đề xuất việc quy trách nhiệm ông ta, Drăghici cùng vợ lánh nạn sang Hungary .
 
Một năm sau, chính phủ Romania đề nghị Hungary cho dẫn độ Drăghici vì những tội ác với lương dân và Giáo hội nước này. Tuy nhiên, nội các của thủ tướng Antall József thời đó đã bác bỏ yêu cầu nói trên với lý do những tội ác của trùm mật vụ Romania, sau hơn 20 năm, đã hết thời hiệu! Rốt cục, Alexandru Drăghici đã yên nghỉ tuổi già và qua đời tại Budapest mà không hề bị truy cứu trách nhiệm.
 
Khi một sử gia Hungary công bố câu chuyện này cách đây vài tuần, ông đã đặt câu hỏi: phải chăng chính giới lãnh đạo Hungary cũng có những bí mật mà trùm mật vụ Romania biết được và vì thế, cả đôi bên đều không muốn sự việc được đưa ra trước công luận, nên mới chọn giải pháp bảo vệ lẫn nhau?
 
Một câu hỏi khác cũng được đặt ra: còn bao nhiêu nhân viên mật vụ của Securitate còn ẩn náu, hoặc giả, hoành hành dưới một vỏ bọc khác, trong và ngoài nước, mà công luận chưa biết tới?

Vấn đề không minh bạch với quá khứ cộng sản, cụ thể là câu chuyện mật vụ thời cộng sản cũ, có ảnh hưởng gì đến đời sống chính trị hiện nay tại Romania và một số nước Đông Âu nói chung?

Không chỉ ở Romania, tại các nước XHCN cũ còn lại trong khu vực Đông - Trung Âu, quá khứ mật vụ vẫn là một bóng ma đe dọa hiện tại, do sự giải quyết không được triệt để và thấu đáo từ phía các chính phủ trong hơn hai chục năm qua.

Ảnh hưởng rõ nhất đến đời sống chính trị, là không ít nhân vật từng có vai vế trong các cơ quan an ninh mật hiện vẫn giữ quyền hành đáng kể, bao bọc lẫn nhau và với những thông tin từng có trong tay, họ thâu toán một phần sinh hoạt chính trường.

Những “nghi án chỉ điểm” được tung ra đúng vào các dịp bầu bán, hoặc nhằm triệt hạ các đối thủ chính trị, vẫn là điều hay thấy tại Đông Âu. Nhiều người đã trở thành con tin của hành vi mang tính khống chế này, bị lệ thuộc và dễ bề để các đối thủ điều khiển.

Trong khi đó, mặc dù có thể nhận biết những kẻ đã từng chỉ điểm mình trong quá khứ ở những mức độ khác nhau, nhưng các đạo luật ở nhiều nước - như Hungary - thường vẫn không cho phép hoặc không tạo điều kiện để “vạch mặt chỉ tên” những thủ phạm. Sự nghi kỵ trong đời sống xã hội, vì thế, vẫn còn lơ lửng.

Trở lại trường hợp Romania, bà Alina Mungiu-Pippidi, Chủ tịch Viện Hàn lâm, đồng thời là giáo sư về Quản trị Nhà nước ở trường đại học tư Hertie (Berlin), đã đưa ra một nhận định sâu sắc về ảnh hưởng dai dẳng cho đến giờ của thời cộng sản cũ, khi toàn xã hội bị đặt dưới sự kiểm soát của các cơ quan an ninh, mật vụ.
 
Theo AFP, bà nhấn mạnh một ý: “Tại một nước mà cảnh sát chính trị thời Cộng sản từng hoạt động mạnh, thâm nhập sâu rộng trong xã hội (với hàng nghìn chỉ điểm), thì dấu ấn của sự nghi ngờ ghê gớm giữa người dân với nhau còn lại rất mạnh, ảnh hưởng đến các hành động tập thể”.

Điều này đúng đến đâu với hoạt động chính trị lớn nhất sắp tới của Romania - cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào mùa thu năm nay - chúng ta hãy chờ xem!

(*) Bản tin đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn