Tổng thống Băsescu rời phòng họp của Quốc hội Romania, nơi các dân biểu cầm quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm nhằm truất phế ông - Ảnh: Andrei Pungovschi (AFP)
Lý do được đưa ra, là tổng thống Romania đã vượt quá quyền hạn của mình trong nhiều trường hợp. Cho dù vào ngày hôm qua, Tòa Bảo hiến không đưa ra được ý kiến xác quyết về việc ông Băsescu có hành vi vi hiến hay không, nhưng dù có hay không thì ý kiến này cũng không là bắt buộc đối với Quốc hội.
Như vậy, với quyết định của Quốc hội, từ nay đến cuối tháng 7, ông Băsescu sẽ không được thực thi quyền tổng thống và số phận của ông sẽ được định đoạt trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào ngày 29-7 tới.
Động thái này có thể coi là đỉnh điểm của chuỗi những công kích mà nội các mới của Romania nhằm vào các định chế của nước này, kể từ khi tân Thủ tướng cánh tả Victor Ponta lên nắm quyền tháng 5 năm nay.
Có thể kể đến nhiều bê bối lớn xảy ra trong tuần qua, như lãnh đạo cơ quan phát thanh và truyền hình quốc gia, các chủ tịch Hạ và Thượng viện cũng như Cao ủy Quốc hội đều bị thay thế, quyền hạn của Tòa án Bảo hiến bị thu hẹp, và Hội đồng Chuyên môn thẩm định về vấn đề đạo văn của chính thủ tướng cũng bị giải tán.
Vị tổng thống “muôn mặt”
So với nội các cánh tả Romania hiện tại, Băsescu được coi là người dân chủ, nhưng các bình luận viên chính trị chỉ ra rằng ông có vô vàn gương mặt, lúc thì là người cộng sản, lúc xã hội dân chủ và lúc lại ra vẻ một người cánh hữu theo xu hướng tự do.
Sinh năm 1951 trong một gia đình quân nhân, Băsescu tốt nghiệp Đại học Hàng hải, thoạt tiên phục vụ trên các hải thuyền, và năm 1984 ông được phong chức thuyền trưởng trên con tàu chở hàng lớn nhất của Romania. Trong những năm cuối của thể chế Ceausescu, ông làm việc tại Bỉ trên cương vị một quan chức ngành Ngoại thương.
Sau biến cố tháng 12-1989, Băsescu gia nhập Mặt trận Cứu quốc và thổ lộ rằng trước đây ông vào đảng chỉ để thăng tiến. Ít lâu sau, ông trở thành Bộ trưởng Giao thông và lần lượt leo các nấc thang trên con đường chính trị. Sau hai lần giữ ghế Thị trưởng thủ đô Bucharest, được coi là một chính khách theo đuổi chủ trương bài trừ cộng sản và chống tham nhũng, Băsescu được cử tri bỏ phiếu bầu làm Tổng thống Romania lần đầu vào năm 2004.
Năm 2007, ông suýt bị phế truất, nhưng cuối cùng đã trụ lại được trong cuộc trưng cầu dân ý, và đến 2009 được bầu làm Tổng thống lần thứ hai. Băsescu được giới quan sát đánh giá là người có thể xuất hiện dưới nhiều “vỏ bọc” một cách khéo léo và do đó, cho đến nay, ông đã vượt qua được nhiều thăng trầm trong sự nghiệp chính trị.
Tuy nhiên, trước thử thách mới nhất này, nhiều khả năng là ông sẽ phải ra đi. Cho dù lời cáo buộc “lạm dụng quyền lực” một cách vi hiến - tiếm quyền của thủ tướng - thực chất rất khó diễn giải trên góc độ luật pháp, ngay Tòa Bảo hiến Romania cũng phải bó tay khi cần cho ý kiến tham vấn.
Đọ sức quyết liệt
“
Giữa Tổng thống Traian Băsescu và đảng cầm quyền hiện đang xảy ra một cuộc chiến toàn diện” - đó là nhận định của nhà xã hội học Kiss Tamás thuộc một viện nghiên cứu quốc gia Romania. Hai bên của cuộc chiến dai dẳng này, gồm vị tổng thống cánh hữu và chính đảng của ông (Đảng Dân chủ Tự do PDL), hiện đang trên đà suy yếu trầm trọng, và Liên minh Xã hội Tự do (USL) vốn hội tụ phe đối lập gồm những người xã hội dân chủ và tự do, mới lên nắm quyền được 2 tháng nay.
Ngay từ lúc đó, phe cầm quyền đã có ý định loại trừ Băsescu khỏi chính trường, nhưng họ đã chờ đến thử thách đầu tiên của liên minh cầm quyền là những cuộc bầu cử chính quyền tự quản địa phương. Kể từ đó, mâu thuẫn giữa hai bên trở nên mãnh liệt và các sự kiện cũng xảy ra dồn dập, đặc biệt là khi vào trung tuần tháng 6, báo chí nước ngoài loan tin Thủ tướng Ponta đã đạo văn khi bản luận án TS năm về Luật Quốc tế của ông có tới hơn một nửa là sao chép mà không ghi nguồn.
Bê bối lớn đã xảy ra khi vào tuần trước, Hội đồng Quốc gia thẩm định về các chức danh đại học và văn bằng của Romania đã xác nhận nghi án đạo văn này, và đề xuất việc tước bằng tiến sĩ của thủ tướng, nhưng ngay trong phiên họp đó, Bộ trưởng Giáo dục đã tuyên bố tái cơ cấu thành phần Hội đồng này và tước quyền điều tra các vụ đạo văn của nó. Trái với lời hứa hẹn trước đó với báo giới, Thủ tướng Ponta cho biết không từ chức, và cho đây là đòn bôi nhọ chính trị do Tổng thống Băsescu dàn dựng.
Bên cạnh cáo buộc đạo văn, phe chính phủ còn cho rằng, việc cựu Thủ tướng Adrian Nastase - được coi là người đỡ đầu của tân Thủ tướng Ponta - bị án tù giam 3 năm về tội tham nhũng cũng là một “đòn thù” của Tổng thống Băsescu và đảng của ông. Luật Bầu cử từng được sửa đổi để “bê-tông hóa” quyền lực của Băsescu, mới đây cũng đã được liên minh cầm quyền “chấn chỉnh” lại: thay vì cần số phiếu quá bán của tổng số 9 triệu cử tri, giờ chỉ cần số phiếu quá bán của những cử tri đi bỏ phiếu là cũng đủ truất quyền tổng thống.
Vai trò của Tòa Bảo hiến
Những xung đột kiểu “ăn miếng trả miếng” được dấy lên đến cực điểm trong tuần qua, khi Liên minh cầm quyền chiếm đa số trong Quốc hội đề xuất truất quyền của tổng thống Traian Băsescu và vị nguyên thủ quốc gia này - trong phát biểu tại Quốc hội - đã đáp trả lại rằng Thủ tướng Victor Ponta muốn hạ ông để thoát khỏi bê bối đạo văn. Cần nhắc lại rằng, cách đây ít tháng, Bộ trưởng Giáo dục Ioan Mang do ông Ponta bổ nhiệm cũng phải từ chức vì bị tố đạo văn và Băsescu đã buộc vị bộ trưởng mới phải tuyên bố không đạo văn thì mới được ông bổ nhiệm.
Hai kỳ phùng địch thủ, Thủ tướng Victor Ponta và Tổng thống Traian Basescu - Ảnh: Daniel Mihailescu (AFP)
Để trả lời, Thủ tướng Ponta chỉ trích Băsescu đã dùng những tin đồn và vu cáo đối với đối thủ chính trị và do đó, không xứng đáng với cương vị tổng thống. Những cáo buộc khác đối với ông Băsescu cũng được đưa ra, như khiêu khích làm gia tăng căng thẳng trong xã hội, đe dọa giới truyền thông và vi phạm sự độc lập của cơ quan tư pháp. Đồng thời, nội các cánh tả cho rằng Băsescu đã “tiếm quyền” khi không muốn trao quyền đại diện Romania cho Thủ tướng Ponta tại Hội nghị Thượng đỉnh của Hội đồng Châu Âu tại Brussels tuần qua.
Trái bóng được chuyển sang Tòa Bảo hiến, cơ quan có thể nói lời thẩm định trong các vấn đề này. Tuần trước, Tòa đã “xử thắng” cho Băsescu, khi cho rằng tổng thống có thẩm quyền quyết định người thay mặt cho Romania tại Bỉ. Tuy nhiên, Thủ tướng Ponta không chấp nhận phán quyết này, và trên cương vị người đứng đầu nội các, ông đã tự tới dự họp tại Brussels, trong khi Băsescu đành ở nhà, với lý do không muốn đụng độ giữa hai người có thể làm trò cười cho quốc tế.
Tiếp đó, như một hình thức trả thù, chính phủ của Thủ tướng Ponta đã ra một sắc lệnh khẩn, xóa thẩm quyền xem xét tính hợp hiến của các nghị quyết Quốc hội khỏi chức năng của Tòa Bảo hiến. Bên cạnh đó, nhiều thẩm phán của Tòa cũng bị ông Ponta chỉ trích và đề nghị thay thế, với lý do họ đã thiên vị phe Tổng thống. Bằng việc tấn công định chế cao nhất của nền dân chủ, liên minh cầm quyền đã khiến Tòa Bảo hiến không có vai trò và không thể can thiệp trong quá trình phế truất tổng thống Băsescu.
Sự tổn thương của các định chế dân chủ
Cái đích của đôi bên trong cuộc đấu quyết liệt hiện tại ở Romania là khá rõ ràng. Phe cầm quyền hiện đang chiếm thượng phong vì cánh hữu hầu như không còn được ai ủng hộ, sau những biện pháp thắt lưng buộc bụng để thực hiện yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF trong quá trình vay tín dụng. Nếu phế truất được Tổng thống Băsescu, liên minh cầm quyền có nhiều khả năng đưa được ứng viên của họ lên ghế nguyên thủ quốc gia.
Mặt khác, hạ bệ Băsescu thông qua trưng cầu dân ý cũng là cách để Thủ tướng Victor Ponta đánh lạc hướng sự chú ý của công luận khỏi bê bối đạo văn. Tuy nhiên, vị thế của ông Ponta trong liên minh cầm quyền cũng không phải là vững chắc: ngoài bê bối đạo văn, công luận còn tình nghi rằng ông đã nói dối khi cho rằng mình có theo học và lấy bằng cấp tại một trường đại học ở Ý. Cá nhân ông Ponta, như thế, ngày càng trở thành một gánh nặng cho phe chính phủ.
Dù sao đi nữa, cuộc đấu trực diện giành quyền lực giữa hai nhân vật quan trọng nhất của Romania cũng thể hiện sự yếu kém của nền dân chủ nước này. Tòa Bảo hiến Romania đã đưa vấn đề này lên các cơ quan của Châu Âu, trong số đó có Ủy ban Venice, và ngày càng có nhiều ý kiến quốc tế lo âu về tình hình Romania. Bà Viviane Reding, người phụ trách vấn đề tư pháp của Liên hiệp Châu Âu cho biết bà có những quan ngại sâu sắc về những đợt tấn công mà Tòa Bảo hiến nước này phải chịu đựng.
Mark Gitenstein, đại sứ Hoa Kỳ tại Bucharest thì nói rằng, rất đáng lo ngại cho sự độc lập của các định chế dân chủ Romania. Nhiều tổ chức dân sự Romania đã gửi thư cho ông Manuel Barroso, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, và vài trăm người đã tụ tập biểu tình trước tòa nhà Quốc hội vào thứ Tư vừa qua để phản đối những đụng độ phản dân chủ trong giới lãnh đạo thượng đỉnh.
Tuy nhiên, những ý kiến phản đối cũng không thống nhất: nhiều người lo ngại cho sự độc lập của các định chế dân chủ ở Romania, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng cả Tổng thống Băsescu và Thủ tướng Ponta đều nên từ chức để chấm dứt căng thẳng chính trị tại quốc gia này.
Còn quá nhiều câu hỏi đang được đặt ra, như số phận của Tòa bảo hiến Romania sẽ ra sao trước sự khuynh đảo của chính phủ, những phê phán quốc tế có đủ mạnh để nội các nước này phải lưu tâm hay không, v.v... nhưng giới bình luận cho rằng khả năng Tổng thống Băsescu phải ra đi là rất lớn. Một điều chắc chắn: cho dù kết quả có ra sao đi nữa, thì bản thân nền dân chủ vốn dĩ đã mong manh của Romania cũng đã bị thêm một đòn chí tử...
(*) Bài viết đã đăng trên RFI.