Ngày ASEAN (8-8-1967 - 8-8-2010): NHỮNG THÁCH THỨC CỦA “TUỔI TRUNG NIÊN”

Thứ hai - 09/08/2010 11:47

Mọi chuyện có lặp lại như đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước do bị sa lầy chiến lược, Mỹ đã phải đổi màu da trên xác chết (địa phương hóa cuộc chiến), còn Trung Quốc thì hạ quyết tâm đánh Mỹ đến người Việt cuối cùng? Trong thế “long tranh hổ đấu” của những thập niên tới mà Bắc Kinh tự coi là “thế kỷ Trung Quốc”, Việt Nam và ASEAN không thể không nhìn lại lịch sử, mà cũng chỉ chưa đầy 40 năm trước đây thôi! - quan điểm của TS. Đinh Hoàng Thắng từ Hà Nội.

Các quốc gia thuộc Hiệp hội ASEAN

Tương lai nào dành cho ASEAN sau những thập kỷ hình thành và phát triển có thể tìm thấy trong diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 7-8 tại Hà Nội.

Vào thời điểm bản lề như 2010 này, câu trả lời chắc chắn còn hiển lộ ở mọi động thái sinh hoạt khác trong năm Việt Nam làm chủ tịch Hiệp hội. Tại lễ mừng sinh nhật ASEAN và kỷ niệm 15 năm Việt Nam tham gia Hiệp hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã điểm lại những giá trị và thành tựu to lớn của ASEAN cũng như những đóng góp của Việt Nam trong việc nâng cao vai trò và vị thế của tổ chức ở khu vực và trên thế giới.

Hiến chương ASEAN: bước tiến lịch sử

Một trong những thành tựu nổi bật không thể không nhắc đến là bản Hiến chương ASEAN sắp tròn hai tuổi vào cuối năm nay. Đây là bước tiến khởi đầu có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu một quá trình đón đợi từ lâu. Hiến chương thực sự là kết tinh của những nỗ lực dũng cảm và tầm nhìn xuyên thập kỷ của các lãnh đạo ASEAN.

Khác với Tuyên bố Bangkok thành lập ASEAN chỉ là một văn kiện chính trị, với Hiến chương, Hiệp hội trở thành một tổ chức liên chính phủ và có quy chế pháp lý, tuy không phải là một tổ chức siêu quốc gia (như EU) và cũng chưa đến lúc gọi nó là liên minh. Hiến chương chắc chắn sẽ thổi một luồng gió mới cho các xã hội dân sự, hơi thở thứ hai của ASEAN. Hiến chương cũng sẽ củng cố bộ khung thể chế-pháp lý cho cộng đồng ASEAN và các cơ chế khác.

Lãnh đạo Hiệp hội đã đặt ra mục tiêu phấn đấu cho một cộng đồng ASEAN gắn kết về chính trị, hội nhập về kinh tế và có trách nhiệm xã hội trong quan hệ giữa các thành viên và quan hệ với các đối tác. Tuy nhiên, ngay chính bên trong tổ chức cũng từng xuất hiện những chỉ trích cho rằng không phải tất cả thành viên ASEAN đã thực sự đồng tâm quyết chí hướng tới mục tiêu cao cả này vào năm 2015.

Nhưng dòng dư luận chủ lưu vẫn ghi nhận: Hiệp hội là ví dụ tiêu biểu nhất về sự hợp tác cấp vùng khá thành công, là các nước có nền kinh tế mở và khu vực thu hút FDI lớn nhất châu Á. Mặc dù so với với sự “trỗi dậy” của cặp Chindia, thì ASEAN có phần thấp cơ vì Trung Quốc và Ấn Độ hiện đều thu hút FDI hơn ASEAN rất nhiều.

Sau gần hai năm thực hiện Hiến chương, các nước thành viên đã cố gắng chia sẻ những giấc mơ và nguyện vọng hướng tới một chất lượng hội nhập cao hơn. Trọng tâm của bản Hiến chương là những dàn xếp về tổ chức để Hiệp hội có thể hoạt động như một thiết chế có các bộ máy thường trực và hiệu năng, từng bước xoá đi ký ức về ASEAN như một diễn đàn với các tuyên bố chính trị lỏng lẻo.

Dù chưa hoàn hảo nhưng nếu không có ASEAN thì Châu Á-Thái Bình Dương không thể phát triển như ngày nay. Hiệp hội đã đưa ra nhiều mục tiêu thay đổi lớn lao tuy rằng phần lớn đang trong giai đoạn thực hiện, chưa phải là lúc nói nhiều về thành tựu. Những vấn đề mà Hiệp hội đối mặt, cả về kinh tế, chính trị lẫn an ninh đều có xu hướng vượt khỏi cấu trúc khu vực hiện thời, đòi hỏi một cấu trúc mới và luật chơi mới để có thể giải quyết được rốt ráo các thách thức.

43 năm ra đời và trưởng thành, ASEAN đang rũ bỏ dần các di sản hậu thực dân, chiến tranh lạnh để hòa nhập vào dòng chảy của khu vực hóa và toàn cầu hóa. Nhưng cũng chưa bao giờ ASEAN phải đứng trước một thế trận “tiến thoái lưỡng nan” về địa-chính trị như những năm gần đây. Sự lựa chọn chính sách của các nước trong Hiệp hội quả thực không dễ dàng chút nào.

Bước ngoặt địa-chính trị ở Đông Nam Á

Các nước ASEAN một mặt, phải nương vào “đầu tầu tăng trưởng” của châu Á là Trung Quốc để ra khỏi mắt bão khủng hoảng kinh tế, mặt khác lại không thể không cần sự bảo lãnh bởi “cái ô an ninh” của Mỹ để vượt lên mọi sự lấn lướt ngày càng không che đậy của hải quân Trung Quốc trên biển Đông Nam Á.

Trước sự lựa chọn ngặt nghèo đó, ASEAN - “to be or not to be?” – hành động hay không hành động? (Tạm dịch nỗi băn khoăn của W. Shakespeare trong ngữ cảnh này như vậy!) Tuyên bố của ngoại trưởng Hillary Clinton tại Hà Nội hôm 23-7 đánh dấu chấm cho một giai đoạn chuyển đổi chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc tại miền Tây Thái Bình Dương, kể từ cuối năm ngoái.

Chiếu sách này sẽ thành công như thế nào trong tương lai còn tùy thuộc vào quyết tâm chính trị và chiến lược toàn cầu của Mỹ, và dĩ nhiên tùy thuộc cả vào ý chí tự cường và năng động khu vực của ASEAN. 12 tiếng nói đồng thuận trong ARF, diễn đàn an ninh cấp vùng lớn nhất và cũng là có uy tín nhất của thời kỳ hậu chiến tranh lạnh. Các nước dĩ nhiên rất cần Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Không thể để múa gậy vườn hoang, hành xử như thảo khấu trên biển của các quốc gia có chủ quyền!

Mỹ cần phải tỏ rõ lập trường cứng rắn bảo vệ các công ty dầu khí của mình làm ăn hợp lệ với các nước ASEAN. Cần khuyến khích công ty ExxonMobil ký lại hợp đồng với Việt Nam đã tạm ngưng từ 2008. Mỹ cũng cần giúp lập ra một cơ cấu đa phương để dàn xếp công việc “quốc tế hóa” quyền lợi kinh tế của các nước trong vùng theo khuôn khổ Luật Biển và tình hình trên thực tế, trong đó ASEAN có thể đóng vai trò trung tâm.

Việt Nam có thể ưu tiên phát triển hải lục không quân, nhất là hải quân và trang bị vũ khí, không giới hạn ở vũ khí quy ước. Cần nhanh chóng hiện đại hóa và quốc tế hóa một số cảng biển quan trọng để Việt Nam thành “hub” trong khu vực, với hệ thống nhiều thương cảng lớn làm nơi buôn bán, ẩn nấp gió bão và tiếp tế bảo trì cho tất cả tàu thuyền mọi quốc gia trên thế giới như một phần trong kế hoạch xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mỹ và Việt Nam cần giữ vững và củng cố lòng tin vào nhau, ở cả tầm trung và dài hạn để vượt thắng tâm lý hoài nghi. Hiện nước Mỹ của Obama cùng một lúc đang phải đương đầu với hai cuộc chiến và một cuộc suy thoái mà lối ra vẫn chưa chắc chắn trong khi món nợ nhà nước lên tới 2 ngàn tỷ USD. Điều gì xảy ra nếu một ngày đẹp trời, Trung Quốc sẽ trả cho Mỹ một cái giá hời nào đấy để đổi lại được tự tung tự tác trên Biển Đông?

Mọi chuyện có lặp lại như đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước do bị sa lầy chiến lược, Mỹ đã phải đổi màu da trên xác chết (địa phương hóa cuộc chiến), còn Trung Quốc thì hạ quyết tâm đánh Mỹ đến người Việt cuối cùng? Trong thế “long tranh hổ đấu” của những thập niên tới mà Bắc Kinh tự coi là “thế kỷ Trung Quốc”, Việt Nam và ASEAN không thể không nhìn lại lịch sử, mà cũng chỉ chưa đầy 40 năm trước đây thôi!

(*) Bài viết đã đăng trên “Sài Gòn Tiếp Thị“. Bản trên NCTG là bản gốc của tác giả.

TS. Đinh Hoàng Thắng


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn