NHỮNG ĐỘNG THÁI CỦA NGA VÀ TRIỂN VỌNG HÒA BÌNH Ở UKRAINE

Thứ tư - 09/07/2014 10:53

(NCTG) “Có thể chính quyền Nga vẫn ngấm ngầm tiếp tục ủng hộ phiến quân nhưng rõ ràng tình hình hiện nay đã khác hoàn toàn so với những ngày đầu. Trong chiến dịch lấy lại Ukraine do Điện Kremlin chủ trương, tất cả mọi chiến lược, chiến thuật và hệ tư tưởng để thôn tính Ukraine hiện nay đều đã bị bẻ gãy”.


Việc Moscow chấp thuận tân đại sứ Hoa Kỳ tại Nga John Tefft cho thấy Moscow cũng cảm thấy cần cải thiện mối quan hệ với Mỹ

Trong cuộc chiến Chechen, nước Nga đã mất mười năm và hy sinh hơn một vạn quan nhân mới chính phục được nước cộng hòa “cứng cổ” này. Trong khi diện tích của Chechnya chỉ bằng một phần năm diện tích hai tỉnh miền Đông hiện đang bị phiến quân ly khai chiếm giữ.

So sánh về những thuận lợi và khó khăn, Chechnya và Ukraine mỗi nơi đều có những đặc điểm riêng nhưng thời đó, Liên bang Nga đã phải huy động một lực lượng quân đội lên tới 150 nghìn người kèm với các loại vũ khí tối tân nhất thời bấy giờ.

Quân đội Ukraine chỉ duy trì 30-40 nghìn quân với trang thiết bị và vũ khí lạc hậu. Trang phục, áo giáp chống đạn đa số huy động từ những nguồn đóng góp hảo tâm, thậm chí có lúc người lính phải tự bỏ tiền túi ra mua. Trực thăng tấn công của Ukraine được sản xuất từ thời Xô-viết, hiện trong tình trạng vừa thiếu vừa lỗi thời, liên tục bị bắn rơi vì khả năng phòng vệ kém.

Các chuyên gia ước tính có khoảng mười ngàn chiến binh ly khai đang cố thủ ở TP Donetsk và Lugansk. Nếu cuộc chiến diễn ra “sòng phẳng” và chính quyền Nga ngầm giúp phiến quân thì không biết phải bao nhiêu thập kỷ chính phủ Ukraine mới giải phóng hoàn toàn miền Đông.

Vậy, câu hỏi được đặt ra là dựa vào những yếu tố nào để đất nước Ukraine có thể thống nhất?

Quân đội Ukraina chiến đấu chuyên nghiệp hơn, tinh thần chiến đấu vì tính toàn vẹn lãnh thổ nên mạnh mẽ hơn phiến quân, và thời gian tới sẽ được trang bị hiện đại hơn. Hiện nay các công ty Phương Tây đang giúp ngành sản xuất quân sự Ukraine hiện đại hóa xe bọc thép hạng nhẹ BRT-3E. Các thiết bị trinh sát, súng bắn tỉa được đưa vào sử dụng nhiều hơn.

Bên cạnh đó, Tổng thống Poroshenko tuyên bố luôn mở rộng cửa cho các cuộc đàm phán hòa bình.

Đối với phiến quân ly khai, hiện nay tinh thần lực lượng này xuống rất thấp khi bị Nga từ chối giúp đỡ. Trong nội bộ bắt đầu có sự rạn nứt. Các lãnh đạo ly khai liên tục phải đưa ra những tuyên bố mang tính thanh minh như “chúng tôi đã thống nhất trục dọc về lãnh đạo”.

Thêm vào đó, các chỉ huy tối cao của quân ly khai đều từ Tổng cục Tình báo Quân đội Nga (GRU). Nếu những người này rút về nước, chắc chắn phiến quân sẽ khó có sự đoàn kết từ trên xuống dưới, chiến lược chiến thuật sẽ không nhất quán rõ ràng và được quán triệt từ trên xuống dưới, dẫn đến sự manh động và có thể họ tự tiêu diệt lẫn nhau.

Xét về đối ngoại, hiện tại Nga phải đối mặt với sự cứng rắn của Mỹ, EU và nhóm G7. Thêm vào đó, phiến quân ly khai ISIS (Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria) đang tiến mạnh như vũ bão tại chiến trường Iraq là quốc gia có quan hệ mật thiết với Nga trong những thương vụ mua bán vũ khí.

Trong những năm tới, vị trí cung cấp năng lượng của Nga đối với các nước Liên hiệp Châu Âu bị đe dọa từ chính Hoa Kỳ và Iran, một quốc gia hiện đang tìm kiếm sự đồng thuận với Mỹ bằng cách từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân để đối lấy việc quốc tế cho thu hồi lệnh cấm vận.

Thị trường vũ khí của nước Nga cũng bị đe dọa như việc cung cấp những chiến đấu cơ đánh chặn: Nga đã mang sang loại ưu việt nhất là dòng Mig-35 và Mi-35, Kamov-52 nhưng bị Ấn Độ từ chối, sau đó quốc gia này đã chọn Rafael của Pháp và trực thăng tấn công Apachi của Mỹ. Những bạn hàng truyền thống như Việt Nam cũng đang mong muốn Hạ viện Mỹ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương.

Nước Nga đang phải vật lộn với nền kinh tế không tăng trưởng, dòng vốn rút ra khỏi lãnh thổ lớn hơn sự tính toán của Điện Kremlin. Moscow cũng đang bị thâm hụt mậu dịch thương mại đối với bạn hàng truyền thống là EU. Sau bốn năm đầu tư nghiên cứu, hiện nay công nghệ tách đá phiến lấy khí đốt của Mỹ đã vượt lên trên Nga và Saudi Arabia.

Trong nước, những dòng tiền phải “bơm” vào Crimea để tái thiết và xây dựng bán đảo này khiến ngân khố Nga bị thu hẹp hơn. Những lời phàn nàn (tuy nhỏ bé) của những người dân Nga về chế độ ưu đãi đối với cư dân Crimea buộc Kremlin phải tính toán và suy nghĩ về hành động trắng trợn ủng hộ phiến quân ly khai tại miền Đông Ukraina.

Có thể chính quyền Nga vẫn ngấm ngầm tiếp tục ủng hộ phiến quân nhưng rõ ràng tình hình hiện nay đã khác hoàn toàn so với những ngày đầu. Trong chiến dịch lấy lại Ukraine do Điện Kremlin chủ trương, tất cả mọi chiến lược, chiến thuật và hệ tư tưởng để thôn tính Ukraine hiện nay đều đã bị bẻ gãy.

Xâu chuỗi các sự kiện - kể từ ngày bốn ngoại trưởng (Nga, Ukraine, Mỹ và Đức) gặp nhau tại CHLB Đức và trong ngày Lễ Độc lập 4-7 của Mỹ - dễ nhận thấy Liên bang Nga đã làm khác so với những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Putin, thề rằng sẽ bảo vệ bằng mọi giá cư dân gốc Nga và dân nói tiếng Nga tại miền Đông Ukraine.

Một điều dễ nhận thấy là trước đây, chưa bao giờ, trước Tổng thống Obama, ông Putin phải “cam kết chắc chắn” cùng với Mỹ giữ gìn an ninh hòa bình không chỉ trong khu vực (Ukraine) mà cả trên toàn thế giới. Trước đó, Tổng thống Putin thường chối bỏ những hành động hoặc lảng tránh các cáo buộc, đề nghị hoặc yêu cầu từ phía Ukraine, EU và Mỹ.

Còn nhớ, thậm chí có những giai đoạn, khi phóng viên hỏi Tổng thống Obama sẽ nói gì khi gặp mặt Putin tại Pháp nhân ngày kỷ niệm D-Day (ngày quân Đồng minh đổ bộ xuống Pháp trong Thế chiến thứ hai), vị nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ trả lời rằng “tôi không biết nói gì vì những gì tôi nói liên tục được lặp đi lặp lại từ tháng Ba”.

Còn hiện tại, động thái mới nhất - mang tính tích cực - từ Nga là việc chính quyền nước này im lặng trước yêu cầu cung cấp vũ khí và chiến binh của quân ly khai - và sau đó, quân đội Nga kết hợp với những tiểu đoàn tình nguyện đã giải phóng căn cứ chính của phiến quân.

Như đã biết, Đại sứ Hoa Kỳ đã không có mặt tại Mascow từ tháng Hai năm nay và đây là một tiền lệ chưa từng có ngay cả trong thời Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, hôm nay, thứ Tư 9-7, chính quyền Nga đã “bật đèn xanh” cho John Tefft, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Moscow, theo thông tin từ một phụ tá thân cận của Tổng thống Vladimir Putin.

Các quan chức Nga không hoàn toàn đồng ý việc ông Jonh Teft (cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, Georgia và Lithuania) làm đại sứ tại Moscow nhưng ông được chấp nhận bởi cuộc gọi của Tổng thống Putin với người đồng nhiệm Hoa kỳ Obama, với mục đích cải thiện mối quan hệ Nga - Mỹ.

Với những diễn biến hiện tại và những lý do nêu trên, hoàn toàn có thể hy vọng hòa bình sẽ đến sớm với miền Đông và toàn thể đất nước Ukraine!

Thanh Trúc, từ Kharkiv (Ukraine)


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn