LÁ THƯ TỪ UKRAINE

Thứ tư - 23/02/2022 06:06

(NCTG) “Nếu bạn ấy biết rằng, có một người mà bạn không hề quen biết, vẫn còn mang theo những hình ảnh rất đẹp của vùng rừng núi, nơi biên ải của Tổ quốc, cùng với những hình ảnh rất xa lạ, ở tít tận xứ xở xa xăm bên trời Âu?” - tác giả Thành Lê từ Hoa Kỳ thuật lại một ký ức 54 năm trước, liên quan tới một lá thư từ Ukraine.

“Bờ biển Hắc Hải xa xăm, nơi mình đang sống và học tập, nước biển trong vắt, có thể nhìn thấy những viên sỏi dưới đáy sâu...” - Ảnh: Internet

“Bờ biển Hắc Hải xa xăm, nơi mình đang sống và học tập, nước biển trong vắt, có thể nhìn thấy những viên sỏi dưới đáy sâu...” - Ảnh: Internet

Cuối những năm 60, trường Đại học Tổng hợp sơ tán lên vùng Đại Từ, Thái Nguyên. Tôi có một anh bạn, tên Mệnh, người cùng quê. Mệnh hơn tôi hai lớp, thuộc khối B3 còn tôi ở B1, cùng học ở khoa Vật lý.

Gia đình Mệnh di cư lên sinh sống ở Lạng Sơn từ nhiều năm trước. Vì là đồng hương, nên chúng tôi thường xuyên qua lại. Không chỉ củ sắn, bắp ngô, mà cả những bức thư của bạn gái… cũng chia sẻ cho nhau.

Một lần, Mệnh khoe và cho tôi xem bức thư của cô bạn gái đang học ở Ukraine, thuộc Liên Xô thời bấy giờ. Tò mò, tôi cũng muốn đọc để xem cuộc sống của du học sinh ra sao. Dòng đầu tiên, đập vào mắt, làm cho tôi chú ý ngay (tên thời học phổ thông của Mệnh là Giang Huy):

Giang Huy thân mến!

Có dịp nào đó, Giang Huy hãy nhìn trên bản đồ thế giới
…”

Cách viết thế này, hiếm gặp. Mở đầu thư bằng một câu mời rất tự nhiên, không theo thông lệ bằng những từ ngữ thăm hỏi sáo mòn như là… bạn có khỏe không, học hành ra làm sao…

Thế là, tôi bị cuốn hút vào lá thư ấy. Đọc xong, tôi bảo Mệnh, cho tôi “mượn” lá thư. Đêm hôm đó, khi trở về lán của sinh viên, tôi chép lại toàn bộ lá thư. Sau này, do di chuyển nhiều lần, tôi ở nước ngoài, bức thư bị thất lạc. Nhưng tôi còn nhớ rất rõ những đoạn như sau:

Có dịp nào đấy, Giang Huy hãy nhìn trên bản đồ thế giới. Bên bờ biển Hắc Hải xa xăm, nơi mình đang sống và học tập… 

Nước biển trong vắt, có thể nhìn thấy những viên sỏi dưới đáy sâu.

Nơi đây, mùa đông tuyết rơi như dù.

Những cô gái Nga, đôi mắt nâu huyền, mái tóc vàng hoe. Cùng người yêu tâm sự dưới hàng bạch dương rì rầm gió thổi.

Mùa Xuân, như ở quê mình. Hoa lê, mận, táo… trắng một vùng.

Chỉ có những ai đã từng đi xa mới hiểu được nỗi lòng…

Nắng sớm mưa chiều. Chiếc nhà sàn chênh vênh trên núi cao. Những ngày leo dốc về nhà. Bước chân nhộn nhịp trên cầu thang…

… Ai sẽ giúp mẹ mình trên đồng ruộng nương rẫy.

Ai sẽ hộ mình hái nụ tầm xuân?
”.

Tên bạn gái của Mệnh là Lý Thị Nảy. 

Ngày còn làm việc ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, có lần ngồi tán chuyện với Quỳ, cùng bộ môn về điều kiện học tập của những học sinh miền núi. Quỳ là người dân tộc Mường, cũng từng du học ở Ukraine. Tôi kể về câu chuyện trên với Quỳ. Ngày ấy, tôi có một cái hòm gỗ để ở trên phòng thí nghiệm của bộ môn, chứa các thư từ, tranh ảnh riêng tư nên lấy ngay đưa cho Quỳ đọc.

Quỳ rất xúc động, mắt ngấn nước. Có mấy chị cùng tổ bào, Quỳ thường mủi lòng khi xem phim, nhiều khi khóc theo nhân vật. Quỳ nói rằng có biết Lý Thị Nảy… Nghe đâu khi về nước, bạn ấy vào làm việc ở Tây Nguyên.
 
ukr2

Năm 2004, anh Nguyễn Mộng Hùng, cùng ở tổ bộ môn, nhân một chuyến công du sang Mỹ, mang các thứ trong cái hòm gỗ ấy cho tôi. Anh bảo, phòng thí nghiệm xây dựng lại, thấy cái hòm của Thành ở bên phòng Sinh lý Động vật, nên anh gom lại và giữ cho tôi. Đáng tiếc, chỉ có một số tập ảnh, mọi thư từ và ghi chép của tôi không còn.

Thật ra, những tháng ngày sơ tán và học tập ở miền rừng núi, đã giúp tôi thấy và hình dung ngay được vẻ đẹp và những kỷ niệm vô cùng thân yêu mà bạn ấy đã viết trong thư. Bọn chúng tôi, cũng đã từng vào rừng lấy củi, chặt tre nứa, tự dựng lấy lán trại, giảng đường và bàn học…Cũng nhiều ngày từng leo dốc, băng rừng, lao từ đỉnh núi xuống, mệt quá, nằm vật ra, nhìn ngược lên phía trên là cả một rừng hoa mua tím…

Những hình ảnh ở quê hương và ở xứ người đan xen vào nhau. Cách mà bạn ý kể, rất khác thường, Nó không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Khi cùng với bạn bè bước nhộn nhịp trên cầu thang, lại nhớ những ngày leo dốc về nhà, rồi nhớ đến chiếc nhà sàn chênh vênh trên núi cao… Sau này, những năm sống ở vùng bắc Mỹ, tôi mới thấy “nơi đây, mùa đông tuyết rơi như dù” chính xác và đẹp làm sao. Đó là những cánh dù tý hon, nhè nhẹ rơi rơi…

Khi nhớ mẹ đến quặn lòng, bạn đã thốt lên:

Ai sẽ giúp mẹ mình trên đồng ruộng nương rẫy?

Ai sẽ hộ mình hái nụ tầm xuân?
”.

Ai? Câu hỏi không phải để có câu trả lời. Mà là tiếng lòng của người con xa xứ…

Đó là những kỷ niệm về một bức thư gửi từ Ukraine. Sau 54 năm, tất cả vẫn còn sống động như mới ngày nào. Nếu bạn ấy biết rằng, có một người mà bạn không hề quen biết, vẫn còn mang theo những hình ảnh rất đẹp của vùng rừng núi, nơi biên ải của Tổ quốc, cùng với những hình ảnh rất xa lạ, ở tít tận xứ xở xa xăm bên trời Âu?

Tôi tự hỏi, liệu bạn ấy còn nhớ đến những dòng thư này nữa không?

Tái bút: Tại sao tôi kể chuyện lá thư từ Ukraine vào thời gian này? Bởi lẽ, trong mấy tuần qua, Ukraine là cái tên mà cả thế giới hàng ngày nhắc đến. Đó là chiến tranh. Nên tôi muốn tìm lại một mảng đối lập khác. Chí ít, cho tôi một lời nhắc, cũng còn có nhiều điều tốt đẹp trên đời. 

Sau khi đưa bài này lên mạng Facebook, có nhiều bình luận, tôi mới hỏi bạn nào biết bà Lý thì cho mình biết nhé. Có dịp, mình muốn đến thăm xem bà Lý còn nhớ gì nữa không, thì một người bạn mới cho tôi hay rằng Lý Thị Nảy đã mất rồi. 

Tôi thấy buồn, nhưng là nỗi buồn dịu ngọt. Tôi muốn nói với bà rằng tôi sẽ thay bà hái nụ tầm xuân. Nhưng cho ai?

Thành Lê, từ Hoa Kỳ - Ngày 23/2/2022


 
 Từ khóa: Ukraine
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn