(NCTG) “NATO chỉ là cái cớ. Lý do chính là Putin không chấp nhận một nước Ukraine dân chủ, thân Phương Tây. Nga cần một chính phủ Ukraine nằm trong quỹ đạo Nga” – tường trình từ thủ đô Kyiv của tác giả Hoàng Đàm về những ngày đầu của cuộc chiến Ukraine.
Cuộc chiến bất ngờ tại Ukraine có khả năng đem lại chiến thắng cho Putin?
Trong khi tôi viết những dòng này, đạn pháo vẫn rền vang tại thủ đô Kyiv của Ukraine và nhiều thành phố khác, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã sang ngày thứ 4.
Cảm ơn sự quan tâm, hỏi thăm của mọi người và xin viết vài dòng để các bạn tôi hiểu hơn về cuộc chiến phi nghĩa này.
1. Tại sao Nga xâm lược (invade) Ukraine?
NATO chỉ là cái cớ. Lý do chính là Putin không chấp nhận một nước Ukraine dân chủ, thân Phương Tây. Nga cần một chính phủ Ukraine nằm trong quỹ đạo Nga. Bên cạnh đó, Putin có một mối thâm thù cá nhân rất kỳ lạ với Ukraine.
2. Diễn biến trước chiến tranh
Từ tháng 10/2021, Nga bắt đầu triển khai quân đội và khí tài ở biên giới phía Bắc, phía Đông, Đông Nam Ukraine. Mỹ lớn tiếng cảnh cáo về mối đe dọa của Nga. Tuy nhiên chính quyền Ukraine không tin vào đe dọa đó. Đến tháng 1/2022, quân Nga tập trung đã hơn 160 ngàn quân, tình hình ngày càng nóng hơn. Mỹ vừa liên tục cảnh báo và đe dọa sẽ trừng phạt, vừa tập hợp lôi kéo đồng minh NATO chống Nga.
Mỹ, Anh và các nước Đông Âu bắt đầu viên trợ thêm vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, lo Ukraine thua và thất thoát công nghệ, họ chỉ việc trợ những khí tài đơn giản cho bộ binh như tên lửa chống tăng Javelin, NNLAW, tên lửa vác vai phòng không Stinger… Phía Ukraine cũng bắt đầu chuẩn bị cho chiến tranh tuy chính quyền của Tổng thống Zelensky vẫn tiếp tục phản đối Mỹ và NATO quá phóng đại tình hình và làm tổn hại kinh tế Ukraine.
Điều đáng chú ý là một mặt lớn tiếng tố cáo Nga triển khai quân sự, đe dọa sẽ trừng phạt kinh tế, rút nhân viên sứ quán và người Mỹ ra khỏi Ukraine, Tổng thống Biden luôn nhấn mạnh là Mỹ sẽ không tham chiến, vô hình chung như một lời khiêu khích ngầm Putin tham chiến.
Và cái bẫy đã sập. Chỉ khổ Ukraine là con tốt trong bàn cờ.
3. Tương quan lực lượng
So với quân đội Nga được đánh giá là thứ hai thế giới, quân đội Ukraine nhỏ bé và trang bị nghèo nàn hơn. Được bắt đầu cải tổ theo mô hình NATO từ năm 2014 với quân số gần 250 ngàn người, quân đội Ukraine chủ yếu sử dụng vũ khí cũ của Liên Xô và tự chế, cộng thêm một số khí tài hạn chế do Mỹ và NATO viện trợ. Hệ thống phòng không yếu ớt.
4. Diễn biến chiến tranh
Sau lời tuyên bố chiến tranh với Ukraine (để phế bỏ chính quyền “dân tộc cực đoan” và “giải giáp” Ukraine) vào sáng 24/2/2022, quân Nga triển khai một cuộc tấn công tổng lực vào Ukraine.
Tên lửa đạn đạo, máy bay tấn công vào các căn cứ quân sự và phòng không của Ukraine, quân Nga đồng loạt tấn công từ hướng Bắc, Tây Bắc qua Belarus về hướng thủ đô Kyiv, từ hướng Đông và thành phố Kharkov, từ Đông Nam qua 2 tỉnh tranh chấp và từ bán đảo Crime vào thành phố Kherson, cũng như đe dọa đổ bộ quân và hải cảng quan trọng Odessa ở miền Nam.
Nhằm đánh lạc hướng và phân tâm quân đội Ukraine, tạo tâm lý hoảng loạn, mục đích của Nga là chớp nhoáng chiếm thủ đô Kyiv, bắt hoặc giết Tổng thống Ukraine Zelensky và lập nên một chính quyền bù nhìn thân Nga.
Trưa 24/2, với sự hỗ trợ của không quân, trực thăng đưa lính dù Nga từ biên giới Belarus đổ bộ vào chiếm sân bay Antonov tại Gostomel cách thủ đô Kyiv 10km và chuẩn bị đưa máy bay vận tải đưa thêm linh dù vào. Tuy nhiên, phía Ukraine đã phản công kịch liệt, chiếm lại sân bay và phá vỡ kế hoạch đó. Trên cách măt trận khác, quân đội Ukraine đã chống đỡ dữ dội và ngăn cản bước tiến của quân Nga.
Dòng người di tản chiến tranh ồ ạt chạy sang miền Tây đến các nước Đông Âu. Ba Lan, Hungary, Slovakia tuyên bố mở cửa biên giới cho người tỵ nạn. Ukraine kêu gọi Phương Tây hỗ trợ bằng vũ khí, tài chính và trừng phạt Nga.
Sáng ngày 25/2, thấy không chiến thắng chẻ tre dễ dàng được, Nga tập trung lực lượng để tấn công Kyiv. Máy bay và tên lửa tấn công với tần suất nhiều hơn và rơi vào nhiều co sở dân sự. Chiến trường ở sân bay Gostomel vẫn giằng co, phía Bắc quân Nga đã tiếp cần cách Kyiv gần 20km, nhiều lực lượng biệt động lọt vào thành phố và gây chiến với quân đội Ukraine.
Chính phủ Ukraine phát súng cho dân và kêu gọi gia nhập dân quân để chiến tranh du kích trong thành phố. Giao tranh đã xảy ra ác liệt bên ngoài và trong thành phố. Tuy nhiên quân Nga vẫn chưa tiến lên được, Kyiv và các vùng lân cận vẫn nằm trong sự kiểm soat của quân đội Ukraine.
Ngày 26/2, các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn với cường độ thấp hơn. Nga tiếp tục bắn tên lửa vào khu dân cư Ukraine. Tối 26/2 chuyển sang ngày 27/2, quân Nga huy động xe tăng và thiết giáp tấn công tổng lực nhằm chiếm Kyiv và các thành phố lớn. Cho đến thời điểm này, Nga vẫn chưa chiếm được một thành phố lớn nào của Ukraine.
Quân Nga chịu nhiều tổn thương về nhân lực và khí tài. Ukraine nói họ bắn rơi 11 máy bay Nga, tiêu diệt hơn 600 xe cơ giới và hơn 3.500 lính Nga. Bộ Quốc phòng Nga không cung cấp bất cứ thông tin gì.
Các báo cáo cho thấy Nga có kế hoạch chiếm thủ đô Kyiv trong 48 giờ và kết thúc cuộc chiến trong 72h, tuy nhiên kế hoạch này đã phá sản. Có 3 lý do chính:
- Quân đội Ukraine được tổ chức tốt và chiến đấu quả cảm, chuyên nghiệp.
- Quân đội Ukraine được NATO hỗ trợ thông tin tình báo online rất chính xác, từng chuyển động của máy bay hay xe tăng đều được biết trước và có kế hoạch phòng thủ.
- Quân đội Nga tuy hùng hậu nhưng khí tài phần lớn lạc hậu, tổ chức lộn xộn và thiếu tinh thần chiến đấu.
5. Phản ứng của Mỹ và Phương Tây
Ngày 1: Mỹ và Phương Tây lên tiếng phản đối kịch liệt hành động của Nga, tuy không làm gì cụ thể.
Ngày 2: 24h trôi qua, Ukraine vẫn chưa thất bại, Mỹ và Phương Tây đưa vào cách gói trừng phạt “từ địa ngục” chưa từng có để chế tài lên hệ thống tài chính, công nghệ của Nga. Các nước Đông Âu chuyển vũ khí cho Ukraine qua biên giới Ba Lan ở miền Tây.
Ngày 3: 48h trôi qua, Nga vẫn chưa chiếm được chính quyền tại Kyiv. Mỹ và NATO bắt đầu ồ ạt viện trợ vũ khí cho Ukraine, với lời hứa cả vũ khí phòng không. Phương Tây thống nhất loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.
Máy bay dân sự Nga sẽ bị cấm bay sang Liên Âu. Mỹ chuẩn bị phong tỏa 700 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Nga. Phương Tây bắt đầu chương trình phong tỏa cô lập, nhằm đách sụp nền kinh tế Nga.
Trừ Trung Quốc, Việt Nam và một số nước giữ thái độ trung lập, đa số các nước trên thế giới phản đối lịch liệt hành động xâm lược của Nga, không có bất cứ một đồng minh nào ủng hộ của Nga.
6. Kịch bản kết thúc chiến tranh
Các tính toán cho thấy, cộng với các biện pháp trừng phạt, cuộc phiêu lưu quân sự của Nga tốn kém 20 tỷ USD/ ngày. Cho nên, Vladimir Putin muốn kết thúc sớm để khỏi sa lầy.
Kịch bản lạc quan: nếu Ukraine có thể giữ thủ đô Kyiv thêm vài ngày nữa, Putin sẽ bị thất thế cả đối ngoại lẫn làn sóng phản đối trong nước tăng lên, kinh tế Nga suy sụp. Putin sẽ phải ngồi vào bàn đàm phán để kết thúc chiến tranh và Ukraine sẽ có cơ hội thoát Nga hoàn toàn để phát triển, dù mất mát lãnh thổ và xương máu.
Mỹ và EU sẽ công nhận Ukraine là một bộ phận của Châu Âu và tăng cường viện trợ phát triển. Tuy nhiên con đường sẽ còn dài.
Kịch bản bi quan: Kyiv bị thất thủ trong vài ngày tới và Nga sẽ đạt được một số kết quả quân sự ở miền Đông và miền Nam. Nước Ukraine có thể sẽ bị chia đôi theo hai bờ tả, hữu ngạn sông Dnepr, với phần bờ trái thân Nga với Kyiv và bờ phải thân Phương Tây.
Tuy nhiên, theo như tinh thần sục sôi của người Ukraine, kịch bản này khó xảy ra. Họ sẽ chiến đấu du kích cho đến khi người Nga phải rút hết. Cuộc chiến sẽ còn kéo dài với nhiều đau thương mất mát và có thể dẫn đến sự sụp đổ của nước Nga.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...