IRAQ - GIÃ TỪ VŨ KHÍ

Thứ bảy - 07/01/2012 10:10

(NCTG) “Chính bộ máy hành chính tân bảo thủ Washington đang thực thi lời tiên đoán khét tiếng của Huntington về sự đụng độ giữa các nền văn minh. Và, còn tệ hại hơn thế, nó đang hủy hoại trật tự thế giới mới, đa cực sau chiến tranh lạnh mà chính phủ cộng hòa của ông Bush cha và chính phủ dân chủ của ông Clinton đã dày công vun đắp có kết quả” - nhận định của một nhóm học giả Hungary.


Lính Mỹ tại Iraq - Ảnh: Internet


Bài viết của các ông Andor László (nhà kinh tế học), Tállas Péter (nhà xã hội học) và Valki László (luật gia về Luật Quốc tế), đăng trên nhật báo “Tự do Nhân dân” (Népszabadság, số ra ngày 27-12-2011), cho thấy một cái nhìn về cái gọi là “cuộc chiến chống khủng bố”, cũng như những chính sách có thể quyết định trật tự thế giới của Hoa Kỳ.

*

Tháng 6-2004, khi NXB Zrínyi giới thiệu cuốn sách “Iraq - cuộc chiến bị áp đặt” của chúng tôi thì một người đàn ông - nhận thấy chúng tôi không hề có một lời tử tế nào về cuộc tấn công của liên minh Mỹ-Anh - đã vừa chửi rủa vừa bỏ chạy ra khỏi phòng. - Các ông không thấy rằng - ông ta la lên - ở Baghdad ông Bush đang bảo vệ nền văn minh Tây Phương hay sao?

Không, chúng tôi hoàn toàn không thấy như vậy, trái lại, chúng tôi cho rằng chính bộ máy hành chính tân bảo thủ Washington đang thực thi lời tiên đoán khét tiếng của Huntington (1) về sự đụng độ giữa các nền văn minh. Và, còn tệ hại hơn thế, nó đang hủy hoại trật tự thế giới mới, đa cực sau chiến tranh lạnh mà chính phủ cộng hòa của ông Bush cha và chính phủ dân chủ của ông Clinton đã dày công vun đắp có kết quả.

Chúng tôi không hề lạc quan chút nào về tương lai. Chúng tôi quan ngại nếu mùa thu 2004 George W. Bush tái đắc cử tổng thống thì quan điểm đơn cực sẽ quyết định trật tự thế giới một thời gian lâu dài. Chúng tôi còn chưa biết rằng nửa năm trước khi cuộc chiến bắt đầu, một nghị sĩ trẻ bang Illinois đã có một bài diễn văn tuyệt vời ở Chicago, trong đó ông dứt khoát phản đối kế hoạch tấn công (Iraq). Ông nghị sĩ nói toạc ra rằng Saddam Hussein “không phải là mối nguy hiểm trước mắt và trực tiếp cả đối với các nước láng giềng và cả đối với Hoa Kỳ”, và rằng “cùng phối hợp với cộng đồng quốc tế có thể khống chế được”. Chính trị gia trẻ tuổi này đã chứng tỏ một nhãn quan sắc bén và - trong bầu không khí bị kích động đến cực điểm khi đó - một sự can đảm chính trị không nhỏ. Chúng tôi cũng không biết rằng sau này ông sẽ trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, nhưng khi ông đắc cử Tổng thống, thì chúng tôi chắc chắn rằng trong thực tế ông sẽ kết thúc cuộc chiến.

Cả ba chúng tôi đều đã tiến hành các nghiên cứu từ trước khi thay đổi thể chế chính trị (2), vì vậy chúng tôi có khuynh hướng phát hiện tính quy luật nào đó trong sự hình thành của lịch sử. Tuy nhiên, cuối chiến tranh lạnh chúng tôi chưa dự đoán nổi điều gì sẽ thay thế trật tự thế giới lưỡng cực đang mất đi. Dĩ nhiên chúng tôi biết rõ rằng Hoa Kỳ, với tư cách là siêu cường duy nhất có quân đội mạnh nhất thế giới, vì chi phí quân sự của nó gần bằng của tất cả các quốc gia khác cộng lại. Nên chúng tôi cho rằng trong tương lai “quy luật” nào sẽ có hiệu lực thực chất phụ thuộc vào quyết định của Hoa Kỳ. Liệu trật tự thế giới mà trong đó Washington tự do xác quyết các lợi ích giả định và thực tế của họ sẽ hình thành, hay họ phải lưu ý tới những mục tiêu của các đồng minh của họ, với lợi ích của các nước khác và những khả năng hiện thực của thế giới xung quanh.

Chúng tôi đã thở phào nhẹ nhõm khi thấy chính phủ cộng hòa lúc đó, trong số hai khả năng có thể, đã lựa chọn giải pháp thứ hai. Ý thức về ưu thế sức mạnh khổng lồ đúng là rất quyến rũ đối với Bush cha, nhưng vào năm 1991 ông chỉ đồng ý khởi động cuộc tấn công chống Saddam Hussein đang chiếm đóng Kuwait sau khi được sự ủy nhiệm của Hội đồng Bảo an (HĐBA) và chỉ sau khi đã tổ chức liên minh rộng rãi gồm các lực lượng quân sự châu Âu và Ả Rập. Bush (cha) không đặt ra cho Hoa Kỳ các mục tiêu thay đổi thế giới, vì đúng thời gian đó đang chứng nghiệm sự thay đổi của thế giới. Sau này Clinton, người kế nhiệm ông ta và người lúc đầu ngần ngại tham gia vào cuộc chiến Nam Slav, cũng chỉ đưa quân đến Bosnia do sự yêu cầu của Châu Âu và sự ủy thác của HĐBA.

Mãi sau này chúng tôi mới được biết rằng cuối chiến tranh lạnh, tại Washington một quyết định ngược lại đã dễ dàng có thể được đưa ra. Năm 1991, chúng tôi đọc được bài viết của Krauthammer trên tờ “Foreign Afairs” - theo đó đối với Hoa Kỳ “unpolar moment” đã đến, và cần phải đề ra một chiến lược ngoại giao phù hợp với tình hình đó -, nhưng chúng tôi không cho điều đó một ý nghĩa quan trọng. Nhưng về sau chúng tôi biết nhà chính luận tân bảo thủ này không phải là một cánh én đơn độc. Như được tiết lộ, ngay từ cuối năm 1989, một nhóm thiết kế thuộc Lầu Năm góc đã bắt đầu khảo sát việc Hoa Kỳ phải đưa ra một chiến lược như thế nào sau sự chấm dứt của trật tự thế giới hai phe. Các nhà thiết kế đã đi đến kết luận đúng như Krauthammer.

Số phận của thuyết đơn cực sẽ ra sao nếu không phải là Clinton đã thắng cử? Chúng ta không thể biết. Sau này mới sáng tỏ là trong thời gian cầm quyền của Ðảng Dân chủ những người tân bảo thủ đã làm hết sức để một chiến lược đối ngoại mới của Mỹ được chấp nhận. Họ tuyên truyền rằng trên trường quốc tế Hoa Kỳ có thể làm tất cả những gì họ muốn. Họ tuyên bố rằng trong thế giới đơn cực, nếu lợi ích của Mỹ đòi hỏi, từ nay trở đi Hoa Kỳ không được e ngại dùng vũ lực. Trong trường hợp cần thiết phải sử dụng vũ khí, dù phải đơn phương, ngược lại với các đồng minh và không cần bất cứ sự ủy nhiệm nào của LHQ, không loại trừ đòn đánh phủ đầu đối phương.

Tuy nhiên, chúng tôi không coi điều đó có ý nghĩa quan trọng, mãi tới khi cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 xảy ra, thậm chí cả sau đó một thời gian. Chúng tôi coi việc ngay lập tức Mỹ khởi động cuộc tấn công Afghanistan là một phản ứng tự nhiên. Nhưng chúng tôi không biết rằng cuộc tấn công Iraq cũng là một bộ phận cấu thành của hệ tư tưởng tân bảo thủ, và quyết định này đã được đưa ra ngay từ mùa thu năm 2001, liền sau đó Tony Blair đã được yêu cầu tham gia, và ông ta đã vui vẻ chấp thuận. Chúng tôi ngạc nhiên theo dõi chiến dịch tuyên truyền chiến tranh viện cớ vào sự kiện 11-9 ngày càng gia tăng, về thực chất nó chẳng liên quan gì tới “cuộc chiến chống khủng bố” mà ông Bush rao giảng. Đặc biệt dưới ánh sáng của những thông tin đáng tin cậy và sau này chứng tỏ là xác thực mà theo đó - trái ngược với những lời khẳng định của tổng thống Bush - Iraq không hề có vũ khí giết người hàng loạt và không có các quan hệ với khủng bố. Mùa xuân 2002, chúng tôi đã thấy rõ chính phủ Bush đã quyết định thiết lập một trật tự thế giới đơn cực.

Phải chăng đây chính là hậu quả muộn màng, nhưng có tính quy luật của sự kết thúc trật tự lưỡng cực? Khi đó chúng tôi không loại trừ khả năng này, mặc dù chúng tôi biết rằng sự lựa chọn George W. Bush và cùng với ông ta là phái tân bảo thủ chỉ là ngẫu nhiên. Như chúng ta còn nhớ, ứng cử viên tổng thống của Ðảng Dân chủ là Al Gore đã được nhiều hơn Bush nửa triệu phiếu, nhưng khi quyết định cuộc tranh cãi về việc tính đếm phiếu bầu ở bang California, Tòa án Tối cao Liên bang đã quyết định cho Bush thắng với tỷ lệ 5:4. Lịch sử đã hình thành ra sao trong trường hợp tỷ số kia đảo ngược? Dĩ nhiên là chúng ta không thể biết, nhưng ta có thể đoan chắc rằng Al Gore sẽ lựa chọn một chiến lược ngoại giao khác, và bất luận trong trường hợp nào cũng không phát động cuộc tấn công Iraq. Theo mọi khả năng thì ông có thể kiềm chế được Saddam Hussein, lẽ ra 100-150 ngàn người Iraq đã không bị tử thương, hai triệu người không trở thành tị nạn, và 4.500 lính Mỹ (3), 180 lính Anh cũng không bỏ mạng. Ngân sách Hoa Kỳ lẽ ra đã tiết kiệm được ít nhất một nghìn tỷ đô-la.

Như vậy bất quá chúng ta chỉ thấy tính quy luật nào đó trong việc cái trật tự thế giới mà những người tân bảo thủ mong muốn chỉ tổn tại trong một giai đoạn ngắn. Quốc gia giàu có nhất thế giới cũng không thể tiến hành chiến tranh lâu dài nhiều năm mà không bị trừng phạt ở hai đất nước mà họ phải đối đầu với không phải là các lực lượng quân sự truyền thống, mà là với những người nổi dậy. Obama và những người cộng sự của ông đã nhận ra rằng Hoa Kỳ đã đi tới giới hạn khả năng của nó. Họ còn nhận ra rằng Mỹ có thể dễ dàng đổ quân xuống bất kỳ vị trí nào trên thế giới và có khả năng giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến nào - với giả thiết họ chỉ muốn lật đổ chế độ ở đó -, nhưng kể cả cùng với nước Anh họ cũng không có khả năng kết thúc những cuộc chiến hậu hiện đại và tạo ra hòa bình bền vững. (Theo các dấu hiệu thì người Anh cũng đã nhận ra điều này, vì vào dịp chuẩn bị bầu cử Quốc hội hai năm trước đây họ đã nhanh chóng rút quân khỏi Iraq).

Ngày nay chúng ta đã biết rằng trọng tâm của chiến lược ngoại giao tân bảo thủ không chỉ là việc kiểm soát về mặt quân sự và chính trị trực tiếp của Mỹ (và Anh) đối với khu vực và các nguồn năng lượng của nó. Phái tân bảo thủ còn có tham vọng lập lại trật tự trong khu vực bị đè nặng bởi các xung đột và các khủng hoảng chiến tranh này, đồng thời loại trừ những nguy hiểm đe dọa Israel từ bên ngoài. Họ còn muốn lấy đó làm tấm gương răn đe các nước cứng đầu khác từ bỏ việc phát triển các loại vũ khí giết người hàng loạt và ủng hộ các lực lượng khủng bố.

Như vậy lẽ ra Iraq là phép thử thực sự của chiến lược răn đe Hoa Kỳ sau ngày 11-9. Tuy nhiên, kết quả đạt được chỉ là Libya từ bỏ phát triển một số loại vũ khí cấm, Syria rút khỏi khu vực phía Đông Lebanon. Ngoài ra gần như mọi điểm khác của chiến lược này tỏ ra phản tác dụng. Chủ nghĩa đơn phương Mỹ đã chia rẽ hệ thống liên minh xuyên Đại Tây Dương một cách nghiêm trọng, tới mức nếu xảy ra xung đột thì Washington không còn có thể tính đến sự hợp tác của Paris, Berlin hay Madrid nữa. Sau khi nhanh chóng lật đổ chính phủ Taliban và chế độ của Saddam, người ta mới vỡ lẽ ra rằng Hoa Kỳ chỉ chuẩn bị cho việc xây dựng đất nước bằng lời nói suông, như vậy bên cạnh sự có mặt của quân đội Mỹ và Anh Iraq đã trở thành một quốc gia thất bại.

Cuộc chiến chống khủng bố” của Bush cũng trở nên phản tác dụng. Từ năm 2004 đến năm 2011 có tới 45% số các vụ khủng bố trên thế giới được tiến hành ở Iraq và Afghanistan, số người chết chiếm 56%, số bị thương chiếm 57% và 47% tổng số nạn nhân. Nghĩa là trong các nước kể trên chính sự can thiệp quân sự của chính quyền Bush đã góp phần gia tăng hiểm họa khủng bố. Đối với các nước cần răn đe, ở Iran năm 2005 Ahmadinejad, một nhân vật có quan điểm quá khích, đã đắc cử tổng thống, và đất nước này lại khởi hành trên con đường trở thành cường quốc khu vực. Iran đã đẩy nhanh tiến độ chương trình hạt nhân, gây ảnh hưởng ở Iraq và Afghanistan, ủng hộ lực lượng Hezbollah ở Libanon. Syria, trong khi lớn tiếng phê phán cuộc chiến Iraq, lặng lẽ cho các lực lượng vũ trang quá khích vượt qua biên giới vào đất của họ. Còn trong năm 2006, lực lượng Hamas được coi là một tổ chức khủng bố đã thắng cử ở khu vực Gaza theo thể thức phù hợp các nguyên tắc dân chủ phương Tây.

Người Mỹ đã sử dụng thước đo hai mặt trong “xây dựng dân chủ”. Họ không công nhận Hamas, ủng hộ các chính phủ chuyên quyền Cận Đông, chưa nói tới Guantanamo và Abu Graib (4). Những việc đó đã gia tăng sự chống đối Mỹ trong các xã hội Ả Rập ở cả trong các nước nằm trong liên minh chặt chẽ với Hoa Kỳ. Tại các quốc gia này, người ta cho rằng đối với Washington mở rộng dân chủ chỉ là cái cớ để họ giành quyền kiểm soát khu vực.

Có vẻ như Obama đã thành công trong việc thanh toán những di sản khủng khiếp của người tiền nhiệm. Ngay từ trước khi trúng cử ông đã bày tỏ sự cam kết đứng về phía trật tự thế giới đa cực, xây dựng những mối quan hệ tích cực, thực chất với các đồng minh châu Âu, sau đó mở cửa về phía nước Nga và thế giới Hồi giáo. Ngay từ đầu ông đã tìm giải pháp đa phương cho cuộc khủng hoảng Libya. Không quân Mỹ đã chỉ yểm trợ các lực lượng nổi dậy chống Kadhafi khi có sự ủy nhiệm của LHQ, trong khuôn khổ NATO và sự hợp tác của các nước Ả Rập. Ổn định tình hình Iraq ở mức độ có thể, và tới nay đã rút ra khỏi nước này. Và như vậy, từ di dản tân bảo thủ, ông “chỉ còn” cần tập trung sự chú ý vào giải quyết tình hình vẫn thường xuyên nghiêm trọng ở Afghanistan và ngăn chặn sự phát triển hạt nhân có tính đe dọa của Iran. Chúng ta hy vọng Obama sẽ cưỡng lại được sự đòi hỏi của phái tân bảo thủ, những người rõ ràng muốn ông phát động một cuộc chiến Trung Đông mới, lần này là ở Iran. (*)

Ghi chú (của ND):

(1) Samuel Phillips Huntington (1927-2008): tác gia của tác phẩm nổi tiếng “Clash of the civisations” (Sự đụng độ giữa các nền văn minh).

(2) Ý nói từ trước khi Hungary thay đổi thể chế chính trị vào năm 1990.

(3) Hơn 1,5 triệu người Mỹ đã phục vụ tại Iraq, trong đó hơn 30.000 người bị thương và gần 4.500 người thiệt mạng.

(4) Tên gọi trước đây cùa nhà tù Baghdad Central Prison (Nhà tù Trung tâm Baghdad).

(*) Tựa đề bài viết được đặt theo tiểu thuyết nổi tiếng “Farewell to Arm” của của nhà văn Ernest Hemingway, viết năm 1929.

Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn