CẢNH SÁT CHÂU ÂU XÓA SỔ MỘT ÐƯỜNG DÂY BUÔN NGƯỜI VIỆT NAM

Thứ sáu - 22/04/2011 10:03

Trong hai ngày 18 và 19-4 vừa qua, tại Budapest, thủ đô Hungary, đã diễn ra một hội thảo quốc tế trong nỗ lực phối hợp giữa các nước thành viên Liên hiệp Châu Âu để chống nạn buôn người và trồng cần sa trên diện rộng.



Ðây là một sự kiện được chính thức đưa vào chương trình nghị sự của Cộng hòa Hungary, trên cương vị Chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng đầu năm nay. Ði kèm với hội thảo là một khóa huấn luyện với sự tham dự của các điều tra viên phụ trách vấn đề tội phạm Châu Á đến từ các quốc gia EU.

Nỗ lực chung của cảnh sát Châu Âu

Trở lại các diễn biến hai năm trước, vào năm 2009, nhiều quốc gia thành viên Liên hiệp Châu Âu đã thỏa thuận phải có biện pháp chung để chống lại làn sóng nhập cư trái phép đến từ Việt Nam thông qua các nhóm tội phạm có tổ chức, với mục tiêu ngăn chặn sự lan tỏa của các băng đảng trồng cần sa, vốn đã xuất hiện rất tràn lan tại EU.

Theo quan điểm của Cơ quan Cảnh sát Châu Âu Europol, những năm gần đây, vấn đề di dân Việt Nam bất hợp pháp đã trở thành mối hiểm nguy lớn đối với toàn thể Châu Âu. Số liệu năm ngoái cho hay, trong số 27 nước thành viên EU, tại 11 nước có những nhóm người Việt trồng cần sa trong hệ thống trang trại ở mức đáng kể, mà đa số nhân viên đều là người di dân trái phép.

Riêng tại Hungary, tính đến năm 2010, đã có hơn 50 khu trại như vậy bị phát hiện bởi Vụ chống tội phạm ma túy trực thuộc Sở Cảnh sát Budapest (BRFK) và con số này, cho đến nay, vẫn ngày một tăng. Europol hy vọng rằng với việc đẩy lùi tệ di dân Việt Nam bất hợp pháp, lượng cần sa sản xuất ở Châu Âu cũng sẽ thuyên giảm.

Nỗ lực đó đã được thể hiện bằng sự hợp tác giữa Cảnh sát Quốc tế Interpol và cơ quan an ninh của nhiều nước Châu Âu, trong khuôn khổ một dự án mang tên Tổ chức Tội phạm Di dân Có tổ chức của Việt Nam (VOIC), thực hiện nhiệm vụ theo dõi sát sao những đường dây đưa người Việt Nam liên quan tới một số quốc gia như Hungary, Cộng hòa Czech, Ba Lan, Slovakia, Anh, Pháp và Đức.

Sự hợp tác chung này được coi là có tầm quan trọng hàng đầu trong số các dự án chiến lược và phối hợp toàn diện giữa của cảnh sát các nước Châu Âu (COSPOL), và được chấm dứt trong kỳ hội thảo vừa qua tại Budapest với kết quả là một đường dây buôn người bị hoàn toàn xóa sổ, 98 nghi can có liên quan bị bắt giữ trong quá trình điều tra kéo dài 2 năm.

Những kinh nghiệm của dự án VOIC đã được tổng kết trong hội nghị và được chuyển đến Nhóm công tác Phụ trách Hợp tác An ninh Nội địa (COSI), mà tiền thân của nó là Nhóm công tác của Lãnh đạo Cảnh sát Châu Âu.

Di dân trái phép và trồng cần sa của người Việt tại Châu Âu

Ở Châu Âu, hiện tượng người Việt trồng cần sa trong các khu trại, khu nhà xuất hiện tràn lan đầu tiên ở Anh. Sau đó, những kẻ được coi như “chuyên gia trong nghề” đã thiết lập thêm địa bàn hoạt động sang Cộng hòa Czech, một quốc gia có cộng đồng Việt Nam rất đông đảo. Ða phần, người làm việc tại các trại cần sa đều là dân nhập cư bất hợp pháp, làm việc để trả món nợ khi lên đường cho những băng đảng buôn người.

Thời gian gần đây, các “chân rết” của hệ thống tội phạm trên đã lan đi các nước lân cận, trong đó có Hungary. Tại nước này, những trại cần sa được phát hiện lần đầu vào nửa sau của năm 2008. Những thiết bị kỹ thuật và nguồn vốn để thiết lập các trại này được đđiều tra là có xuất xứ từ Cộng hòa Czech. Hiện tại, cần sa được trồng không chỉ trong các khu nhà vườn, mà ngay chung cư cũng đã là nơi “hành nghề” của các nhóm trồng cần sa.

Kinh nghiệm của cảnh sát Châu Âu cho thấy, không chỉ tận dụng sự bất lực của người nhập cư trái phép để buộc họ phải làm việc cực nhọc như những nô lệ tại các khu trại cần sa, mà các băng đảng tội phạm có tổ chức của người gốc Việt tại EU còn gây nhiều hành vi phạm tội nghiêm trọng khác, như bắt cóc, tống tiền và giết người.



Các cơ quan cảnh sát Châu Âu đã phát hiện ra phương thức hoạt động của một nhóm buôn người quy mô, có tổ chức. Theo đó, dưới hình thức tinh vi, tận dụng những kênh hợp pháp và bất hợp pháp, người nhập cư được chuyển qua Liên bang Nga bằng đường bộ hoặc hàng không, rồi từ đó sang Châu Âu và cái đích cuối thường là Vương quốc Anh.

Thông thường, họ đã dùng thị thực dành cho du khách, hoặc thương gia tìm hiểu thị trường, rồi sau khi hết hạn, họ không trở về Việt Nam mà tiếp tục cư trú bất hợp pháp trong không gian Schengen và đa số rơi vào các trại cần sa hoạt động dưới sự điều hành của các nhóm tội phạm có tổ chức. Trong dự án VOIC, 114 nạn nhân đã bị phát hiện, trong đó một số đã bị gửi trả về Việt Nam.

Phó Giám đốc Cơ quan chuyên trách tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức của Anh (SOCA), ông André Baker, cho hay: người nhập cư bất hợp pháp đã phải trả số tiền lên tới 21.500 Euro để được đưa vào Châu Âu - những ai không có khả năng trả đủ khoản tiền lớn đó thường bị cưỡng bức lao động để trả nợ. Riêng tại Vương quốc Anh, ước tính hiện nay có 35.000 người Việt đang nhập cư bất hợp pháp.

Sở dĩ Anh Quốc được coi là một “điểm đến” đây hứa hẹn, một “miền đất hứa” của người di dân bất hợp pháp Việt Nam là vì, theo ông André Baker, một người Việt trồng cần sa, trong một năm tại Anh sẽ kiếm được khoản tiền mà 10 đồng hương của họ phải làm trong 10 năm trời tại quê hương.

Vai trò của cảnh sát Hungary trong sự hợp tác Châu Âu

Tại Hungary, Phòng chuyên trách các vụ việc di dân nổi bật thuộc Vụ chống tội phạm có tổ chức (Cục Ðiều tra Quốc gia) là cơ quan được cử tham gia dự án VOIC của cảnh sát Châu Âu. Từ năm 2008 tới nay, cơ quan này đã tiến hành điều tra một đường dây đưa người bất hợp pháp mà các thành viên là công dân Việt Nam và Hungary.

Những người nhập cư, khi đến Hungary, được đường dây này bố trí chỗ ăn ở tạm thời, và dùng hộ chiếu của một số người Việt đã có quốc tịch Hung để họ đi qua một số quốc gia trước khi tới cái đích cuối là Anh Quốc. Trong quá trình đó, các nhân viên một văn phòng du lịch - cùng một số người mang quốc tịch Châu Âu - đã hỗ trợ dân nhập cư trái phép trong các khâu đặt vé tàu xe, đưa tiễn…



Ðược biết, mỗi người nhập cư phải trả 4.000-10.000 Euro cho chuyến đi bất hợp pháp từ Hungary, trong đó, người cho mượn hộ chiếu được nhận phần 1.500-2.000 Euro. Mỗi cuốn hộ chiếu như vậy đã được sử dụng nhiều lần - căn cứ vào ảnh trong chiếu khán, người nhập cư đã được cải trang, để đầu tóc và ăn vận phù hợp theo lối Châu Âu, và được dạy là cần phải nói gì tại các cửa khẩu.

Cũng đường dây buôn người này thực hiện việc chuyển giao những người nhập cư bất hợp pháp cho các “đầu mối” tại Vương quốc Anh.

Chiến dịch triệt phá mạng lưới buôn người từ Việt Nam đã được sự phối hợp của cảnh sát Anh, Ireland, Bỉ, Cộng hòa Czech, Áo, Thụy Sĩ và Ý. Cuộc điều tra đã làm sáng tỏ những nghi vấn và bằng cứ liên quan tới 29 chuyến đưa người bất hợp pháp, và chứng tỏ được rằng các nghi can đã phạm tội trong thời gian dài một cách rất nhịp nhàng và có tổ chức.

Cơ cấu tổ chức của nhóm tội phạm, vai trò của các thành viên, sự chia chác các khoản tiền thu được từ người nhập cư, cũng như các tuyến đường mà băng đảng buôn người hay hành nghề, cũng đã được làm rõ.

Trong cuộc điều tra, lệnh truy nã toàn Châu Âu đã được công bố với ba nghi can, trong đó một kẻ bị bắt tại Anh. 11 người (2 mang quốc tịch Việt Nam và 9 mang quốc tịch Hungary) bị truy cứu hình sự, trong đó có 7 người vì tội giả mạo giấy tờ.

Theo ông Boross Zoltán, người đứng đầu Phòng chuyên trách các vụ việc di dân nổi bật (Cục Ðiều tra Quốc gia), cuộc điều tra tại Hungary đã chấm dứt - việc xem xét các văn bản bắt đầu được tiến hành từ ngày 15-4-2011. Cáo trạng trong vụ án cũng sẽ được đệ lên Viện Kiểm sát TP Budapest trong thời gian tới.

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn