Ghi chép của Thùy Giang: HÀNH TRÌNH TRƯỜNG SA (1)

Thứ ba - 03/05/2011 12:52

(NCTG) “… tàu không thể rời bến không phải vì sóng biển mà vì sóng lòng của mỗi người lính Trường Sa đang đứng thành hàng dài và sóng lòng của chúng tôi còn đang lưu luyến chưa thể rời đi”.


Chuẩn bị cho chuyến đi - Khát vọng của tuổi trẻ

Cho tới khi đặt chân lên tàu HQ936, tôi vẫn ngỡ mình đang mơ. Bởi không thể tưởng tượng được rằng, giấc mơ Trường Sa của tôi lại trở thành hiện thực bất ngờ như thế. Và có lẽ tôi cũng là…”người nhà nước” duy nhất đi theo đoàn doanh nghiệp ra thăm Trường Sa.

Chuẩn bị khởi hành

Đây là lần đầu tiên, có một đoàn các doanh nghiệp tới thăm Trường Sa nên chúng tôi được đón tiếp rất long trọng. Cả đoàn được check in ở nhà khách của Bộ tư lệnh Hải quân, được ăn ngày 3 bữa. Ngày 20-4 cả đoàn được đến thăm cảng Cát Lái. Có xe đón tận nơi và có cả cảnh sát quân sự dẫn đường.

Bộ Tư lệnh đã giao cho Tổng công ty Tân Cảng đón tiếp đoàn rất chu đáo, nhiệt tình. Đích thân Tổng giám đốc Công ty Tân Cảng, đại tá Nguyễn Đăng Nghiêm ra tận xe đón chúng tôi và đưa đi thăm toàn bộ khu vực cảng Cát Lái. Lần đầu tiên tôi được mục sở thị một cảng biển lớn như thế.

Ấn tượng nhất là khu đài chỉ huy, trực tiếp chỉ đạo việc bốc dỡ các containers. Ngồi ở đài chỉ huy, các chiến sĩ có thể phân luồng giao thông ra vào cảng, biết được tàu nào sắp cập bến, tàu nào đang chờ bao lâu và tàu nào đang được bốc dỡ. Hệ thống phần mềm này giúp nâng năng suất bốc dỡ lên gấp đôi, giảm số lần đảo hàng, giảm thời gian xe vào ra và đặc biệt là giảm tiêu cực của các lái xe cẩu.

Buổi trưa hôm đó, chúng tôi được Tổng công ty Tân Cảng đón tiếp bằng một bữa trưa rất ấn tượng, được xem phim ngắn về tổng công ty, được nghe các ca sĩ nghiệp dư của tổng công ty hát và có phần giao lưu của đoàn. Đặc biệt, có một doanh nhân Việt kiều là chị Lê Thị Giàu đã viết một lá thư dài 12 trang giấy gửi ra các chiến sĩ ngoài hải đảo và gửi tặng các chiến sĩ 2 tỷ đồng. Chị làm tôi thật sự xúc động và cảm kích tấm lòng của chị dành cho quê hương.


Ðại tá Nguyễn Ðăng Nghiêm long trọng tiếp đón Ðoàn

Tôi cũng rất ấn tượng trước lời tâm sự của anh Nghiêm, anh đích thân làm trưởng đoàn công tác đưa đoàn chúng tôi đi. Anh nói rằng, từ sáng mai, các đồng chí hãy tạm thời gác lại những toan tính làm ăn, những bon chen tiền bạc…để cùng trải nghiệm với đại dương mênh mông và chia sẻ với những lính đảo sóng gió.

Anh đặc biệt nhấn mạnh, các đồng chí hãy đi để hiểu được lính đảo, hiểu cuộc sống ngoài đảo xa, bởi vì: “Nghe là quên! Nhìn thì nhớ nhưng phải Làm thì mới hiểu” – câu nói đó của anh khiến tôi ngẫm rất nhiều trong cuộc sống này.

Những điểm đến

Đúng 8 giờ 10 phút ngày 21-4, tàu HQ936 hụ 3 hồi còi rời bến. Các tàu đang neo tại cảng Cát Lái cũng đồng thời hụ còi chia tay chuyến tàu đặc biệt chở các doanh nhân ra khơi đến với đảo xa: quần đảo Trường Sa.

Tôi thật sự bồi hồi và xúc động trước nghi lễ xuất quân của bộ đội hải quân. Cả một đoàn các chiến sĩ mặc quân phục nghiêm chào dưới cảng, có mấy cô hải quân xinh đẹp ôm hoa tặng thủ trưởng và đoàn công tác. Khi lên tàu, các chiến sĩ lại đón thủ trưởng và nhận lệnh công tác.

Chiếc tàu HQ936 chở 144 người rời bến hướng ra biển khơi. Tôi là dân “ngoại đạo” – trước khi nhập đoàn thì chẳng quen ai, nhưng khi lên tàu đã kịp quen một số thành viên tích cực. Nghe các anh đùa “chúng ta có những 8 ngày ăn ngủ cùng nhau đấy nhé” mà bỗng thấy mọi người trở nên thân thiết hơn rất nhiều.

Theo lịch trình của đoàn, chúng tôi sẽ được đi thăm 5 điểm đảo và nhà giàn. Điểm đầu tiên là nhà giàn DK1-2. Khi ở trên tàu, nghe các anh nói đó là một hòn đảo chỉ rộng 130m2, tôi hình dung ra một hòn đảo nhỏ giữa biển khơi mênh mông sóng nước. Nhưng 14 giờ chiều ngày 22, khi đoàn tàu chuẩn bị neo để thả xuồng đưa đoàn vào với nhà giàn thì tôi mới ngỡ ngàng nhận ra, nhà giàn DK1 từ xa giống như một chiếc chuồng chim cu treo lơ lửng giữa biển.


Ðến với những người lính đảo


Tôi nằm trong tốp cuối cùng được leo lên nhà giàn, sóng lúc đó khá lớn, chiếc xuồng chòng chành khiến tôi tưởng như sắp bị lật mấy lần. Lúc đó nghĩ nếu xuồng lật thì chắc bị cá rỉa hết xương thịt ngay! Nhưng khi tới cận chân nhà giàn thì mới biết để leo lên được nhà giàn là cả một sự cố gắng và kết hợp nhịp nhàng của cả lính hải quân trên nhà giàn, lính hải quân cứu hộ và chúng tôi.

Nhà giàn DK1-2 được dựng giữa biển khơi bởi 4 chiếc cọc sắt to đùng, năm 1993 đã đổ một lần khiến 3 chiến sĩ hy sinh. Và đường lên nhà giàn chỉ là một chiếc thang sắt dựng đứng cao chênh vênh, sóng lớn, đập chiếc xuống của chúng tôi vào những chiếc cọc sắt to đùng tới nỗi tôi tưởng như xuồng sắp vỡ đến nơi. Và phải mất rất nhiều thời gian cũng như sự cố gắng của tất cả các chiến sĩ hải quân, chúng tôi mới có thể bước lên được những bậc thang nhỏ bé đó.

Chúng tôi đã ứa nước mắt, cay nồng sống mũi khi chứng kiến cuộc sống của các anh, khi nghe các anh nói chuyện. Tôi không tưởng tượng được cuộc sống của mình sẽ ra sao nếu phải sống ở một cái nhà chênh vênh giữa biển, giữa sóng to gió lớn, giữa bão tố có thể ập tới bất kỳ lúc nào. Vậy mà các anh vẫn kiên cường giữ biển, làm một điểm tựa cho ngư dân khi lạc đường, gặp bão…

Các anh cũng trồng được rau xanh để tăng gia trong những chiếc thùng xốp. Thiếu tá Nguyễn Hữu Thuận nói với tôi rằng anh đã ở đây 18 năm ròng, và “đây vừa là nhiệm vụ, vừa là công việc, nếu mình không làm thì người khác cũng phải làm thôi” – anh nói về công việc của mình giản đơn và bình dị như vậy, như thể là những hy sinh, vất vả, chịu đựng của các anh nhẹ nhõm lắm.

Chúng tôi ai cũng lưu luyến, dùng dằng không muốn về, vì thế mà chặng về thật vất vả. Biển đêm sập xuống rất nhanh, sóng rất lớn. Anh Nghiêm và anh Hạnh lệnh cho các xuống phải đưa được hết phụ nữ về tàu trước. Tôi đi chuyến áp chót, sóng dữ dội và biển bỗng trở nên bí hiểm, chắc hẳn ai cũng hồi hộp và mong từng giây để xuồng cập mạn tàu.

Lo lắng nhất là chuyến cuối cùng của các anh, tàu phải rọi đèn để xuồng vào. Ơn trời, cuối cùng thì cả đoàn cũng trở về tàu bình an. Anh Nghiêm nói đoàn chúng tôi là đoàn đầu tiên lên nhà giàn được đông như thế. Tôi ra về, vẫn nhớ nụ cười của anh Thuận: “Đất liền cứ yên tâm, còn chúng tôi ở đây thì bà con ngư dân cứ yên tâm đánh cá, còn chúng tôi ở đây thì chúng ta còn biển, còn bình yên”.


Thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ


Sau đó là lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trên các nhà giàn. Mắt ai cũng đỏ hoe! Tôi thả một nhành hoa cúc xuống biển, lòng thầm cầu nguyện các anh hãy an nghỉ, thầm cầu nguyện các anh hãy phù hộ cho chúng tôi và những người lính đảo vững lòng giữ chắc tay súng bảo vệ biển khơi.

Ai đó dúi vào tay tôi một lon bia, giọng trầm xuống: “Em bật bia thả xuống biển đi. Hãy để đồng đội của anh thêm ấm lòng”. Tôi thấy lòng mình chùng xuống. Và thật lạ, mặt biển bỗng chốc phẳng lặng như tờ, như thể chúng tôi đang ở giữa Hồ Tây vậy. Chúng tôi đều thầm bảo nhau: “Các anh đã về!”.

Sáng hôm sau, chúng tôi tới đảo Đá Lát, trên hành lang chật hẹp của ngôi nhà nhỏ, chúng tôi đã cùng hát vang những bài ca cách mạng hào hùng, những bài hát tuổi trẻ đầy lòng nhiệt huyết và say mê. Những cái nắm tay thân ái, những cái ôm hôn vội vàng ấm tình quân dân. Các bạn của tôi còn kịp nhào xuống biển tắm trộm, tôi cứ vẩn vơ đi quanh đảo, để được “thấy” cuộc sống hàng ngày của các anh, một căn bếp bé xinh, mấy thùng rau đang xanh mướt, vài chú chó con thấy người lạ rú lên ồn ào…

Lính đảo biết đoàn tới thăm, các anh đã lặn biển và bắt được rất nhiều ốc tặng cho chúng tôi. Điều đó khiến tôi thật sự xúc động. Trưa hôm đó cả đoàn được một bữa ốc hấp cực ngon, mà theo thời giá cập nhật mới nhất của ai đó vừa đi Nha Trang về thì giá ở bãi biển Nha Trang là 25 ngàn một con!

Trường Sa Lớn - một màu xanh bao la…

13 giờ ngày 23-4, chúng tôi đã nhìn thấy từ xa đảo Trường Sa Lớn thân yêu của Tổ quốc. Ðó là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa mà chúng ta đang nắm giữ chủ quyền. Tàu càng gần cập bến, chúng tôi càng nhìn thấy rõ hơn những cánh tay đang vẫy chào của các chiến sĩ hải quân. Cả tàu chúng tôi cũng ùa ra vẫy các anh như những người đi xa lâu ngày trở về.


Trường Sa trong tim mỗi người Việt Nam

Thật lạ, dù chưa từng gặp nhau, chưa biết tên nhau mà khi gặp ai ai cũng mừng mừng tủi tủi, những cái nắm tay rất chặt, những bức hình đầu tiên được chụp liên tiếp ngay tại “cửa” đảo. Tôi ngỡ ngàng trước màu xanh ngút ngàn của Trường Sa Lớn, ngỡ ngàng trước những con đường rộng thênh thang.

Trường Sa hôm nay nắng đẹp, bầu trời xanh trong ngăn ngắt khiến tôi cảm thấy bình yên quá. Dường như không hề có cảm giác rằng ngoài biển khơi kia có thể bão tố, có thể chiến tranh bất cứ lúc nào… Chúng tôi được đi thăm nhà tưởng niệm Bác Hồ, thăm chùa, và trò chuyện với bộ đội trên đảo.

Ba em bé dễ thương và rất ngoan đầu tiên mà tôi được gặp hồn nhiên kể chuyện về mình, về bố mẹ các em. Hiện trên đảo có 7 hộ dân sống cùng các chiến sĩ, các anh chị cũng được hưởng mọi chế độ như lính và chịu sự quản lý của bộ đội luôn. Tôi nói rất thật lòng mình, rằng nếu tôi không có 2 đứa con thì chắc chắn tôi sẽ tình nguyện ra đảo làm cô giáo cho các em nhỏ.

Cuộc sống quá đỗi bình yên với những chú vịt con, những chú chó thân thiện và cả heo cũng được thả rông khiến tôi thấy mình như đang đi giữa một ngôi làng rộng thênh thang và giản dị. Dường như mọi bon chen, những lo toan của cuộc sống thường nhật đều được bỏ lại phía sau lưng… Lên đảo, chúng tôi nhận ra rằng tiền chẳng có ý nghĩa gì ở đây. Chẳng có bất kỳ một dịch vụ nào, không có một hình thức nào để tiêu tiền cả.


Những người lính trên Trường Sa Lớn

Một cậu lính còn rất trẻ và dễ thương tình nguyện dẫn tôi đi tham quan quanh đảo. Tôi đến chơi với các hộ dân và được đón tiếp rất nồng hậu. Ngỡ ngàng khi thăm một em bé mới sinh được hơn 20 ngày ở trên đảo. Mẹ của bé là cô giáo của đảo, khi chị sinh phải mổ, một chiếc trực thăng đưa bác sĩ và máu từ đất liền ra đảo để cứu mẹ con chị. Em bé rất xinh xắn và dễ thương. Tôi thầm nghĩ, em thật hạnh phúc khi được sinh ra giữa tình thương yêu và ấm áp của hơn một trăm con người trên đảo nhỏ này.

Những giờ khắc đầy cảm xúc

Tối hôm đó chúng tôi được ăn cơm do lính đảo nấu, ăn thịt lợn do lính đảo nuôi và thịt gà… mang từ đất liền ra đảo. Lần đầu tiên tôi được ăn một bát tiết canh ngon đến thế, một miếng thịt lợn ngọt đến thế. Và những ly rượu cụng liên tục trong những ánh mắt nụ cười rộn ràng… Tôi uống rất nhiều mà không thấy mình say!

22 giờ, khi chương trình giao lưu văn nghệ của đảo và đoàn đang diễn ra nóng nhất thì trời đổ mưa to. Chương trình đành gián đoạn và thủ trưởng đoàn ra lệnh kéo quân về tàu, đề phòng mưa to không thể lên tàu được do sóng lớn. Nhưng khi chúng tôi về tới tàu, trời bỗng dưng tạnh mưa và tàu không thể rời bến không phải vì sóng biển mà vì sóng lòng của mỗi người lính Trường Sa đang đứng thành hàng dài và sóng lòng của chúng tôi còn đang lưu luyến chưa thể rời đi.

Tất cả cùng hát vang, tiếp tục những bài ca hào hùng và sôi nổi. Những chiếc áo đỏ sao vàng của đoàn được trao cho lính đảo và những chiếc áo hải quân được tặng cho các thành viên trong đoàn. Tôi cũng được tặng một chiếc áo của một cậu lính trẻ. Tàu hụ còi rền rĩ, mà chẳng ai muốn chia tay. Những cái nắm tay vội vã, những cánh tay vẫy mãi không ngừng và chúng tôi hát vang, chúng tôi cười to mà mắt ai cũng rơm rớm.


Cùng nhau hát những bài ca


Tôi chưa từng tham gia một đêm giao lưu văn nghệ nào vui như thế. Vui tới mức tôi cũng “sung” quá mức mà ào lên sân khấu tham gia. Mở màn là các tiết mục của đoàn văn công Quân khu 4, thật hay và trầm lắng, rồi tới em Ngân của đoàn dầu khí đầy bốc lửa, em Trang và em Thu Minh của VTV3 trong chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” thật xinh đẹp.

Nhưng phải tới khi các tiết mục của FPT biểu diễn thì mới thật là “giao lưu”. Một lần nữa, tôi xúc động đến trào nước mắt khi nghe bạn Đinh Tiến Dũng đàn và hát bài hát về đảo mà chỉ trong vòng 15 phút tới đảo bạn ấy đã viết ra. Và tất cả chúng tôi cùng hát vang câu hát cuối của Dũng: “Biển trời này là của chúng ta”.

Và anh Nguyễn Thành Nam - nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn FPT - đã khiến tất cả chúng tôi, những người dân đất liền và những người lính đảo cùng hòa nhịp vào từng lời hát của anh và các bạn trẻ FPT. Giữa chúng tôi không còn ranh giới của giàu nghèo,của chức quyền địa vị, của những bon chen thường nhật cuộc sống.

Chỉ còn những cái nắm tay cùng nhảy múa, những cái ôm rất vội và thân ái… Hình như đêm đó, chúng tôi ngủ rất muộn. Và chắc chắn các chiến sĩ cũng vẫn bồi hồi về 10 tiếng đồng hồ gặp nhau ngắn ngủi.


Rau xanh trên đảo Ðá Tây

Sáng sớm hôm sau chúng tôi cập đảo Đá Tây (West London Reef), lần này cũng lại phải đi xuồng vào đảo, nhưng có xuồng CQ của đảo nên các chuyến chuyên chở diễn ra nhanh hơn.

Tôi đi xuồng máy và ngỡ ngàng trước màu xanh ngắt của nước biển, xanh tới nỗi chúng tôi nhìn thấy từng chùm san hô dưới lòng biển. Đảo Đá Tây đặc biệt hơn các đảo khác, là có Trung tâm dịch vụ thủy sản của Bộ Nông nghiệp ở đây. Đá Tây là đảo chìm nhưng khá lớn và có hồ nước sâu giữa lòng đảo, có thể làm nơi để tàu thuyền tránh bão và ghé vào sửa chữa, tiếp dầu. Nhưng thật sự chúng ta chưa thể khai thác được hết tiềm năng của đảo.

Chúng tôi lại đến với các anh trong tiếng hát lời ca vội vã và ra về trong những cái ôm còn ngượng ngùng.

Nơi tuyến đầu Tổ quốc

Ngày 25-4, chúng tôi cập bến cuối cùng trong hành trình thăm đảo – đó là đảo Cô Lin (Collins Reef). Đảo chìm Cô Lin nằm chính ngay khu vực xảy ra tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đứng ở đảo Cô Lin, chúng ta có thể nhìn thấy đảo Gạc Ma (Johnson South Reef) - quân đội của Trung Quốc đã chiếm đóng của chúng ta năm 1988 sau cuộc hải chiến mà 64 chiến sĩ công binh Việt Nam đã bị thảm sát.

Và nếu nhìn qua kính viễn vọng thì chúng ta sẽ thấy rõ đảo Gạc Ma hình con tàu nổi lên rõ mồn một. Các anh nói, ở đây mình làm gì thì họ cũng biết và ngược lại. Khu vực này rất nhiều tàu nước ngoài qua lại, chính vì thế mà nhiệm vụ của các anh cũng căng thẳng và nặng nề hơn. Tôi khâm phục các anh vô cùng, giữa sóng gió biển khơi lại còn luôn phải đối mặt với kẻ thù, với sự nhòm ngó và xâm lược bất kỳ lúc nào.

Vậy mà, các anh vẫn rất lạc quan và vững vàng ý chí. Còn trẻ măng, trung úy, đảo phó Nguyễn Huy Hoàng gây ấn tượng mạnh với chúng tôi về sự mạnh mẽ, về sự hy sinh của anh khi vừa cưới vợ được 15 ngày đã ra đảo. Anh chủ động bắt nhịp cho tất cả cùng hát và đứng lên hát tặng cả đoàn một bài hát rất hay. Đến nỗi trưởng đoàn công tác là đại tá Nguyễn Đăng Nghiêm đã rút dây lưng ra đổi cho anh.


Trên đảo Cô Lin

Các anh trên đảo Cô Lin còn khiến tôi ngạc nhiên vì vườn rau thanh niên của các anh, những luống rau xanh, đặc biệt là đàn chó và một chú heo rất bự cùng sống quây quần bên nhau, chú heo hiền hòa nằm nghỉ mặc cho những chú chó tinh nghịch leo cả lên lưng mình…

10 giờ sáng chúng tôi về lại tàu, kết thúc điểm đến cuối cùng trong cuộc hành trình với bao suy nghĩ, trăn trở và cảm xúc. Chắc chắn mỗi người đều cảm thấy khắc khoải một điều gì đó với Trường Sa, với người lính đảo muôn vàn khó khăn, gian khổ! Chúng tôi về tàu để tiếp tục lênh đênh 50 giờ nữa mới về đến cảng biển Vũng Tàu chờ hôm sau mới về lại Sài Gòn.

Xem tiếp Phần 2  của bài viết.

Bài và ảnh: Thùy Giang – Còn tiếp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn