TẾ HANH VÀ HAI BẢN DỊCH THƠ JÓZSEF ATTILA

Thứ sáu - 22/06/2007 23:57

(NCTG) Từ lâu nay, tôi thường tò mò, thậm chí có định kiến, trước việc một nhà thơ Việt Nam "dịch" thơ ngoại quốc thông qua một ngôn ngữ trung gian thứ ba. Chẳng hạn, một bài thơ Nga, được ông Xuân Diệu dịch qua bản tiếng Pháp, sẽ chân thực đến mức nào? Hoặc giả, đã có người dịch thô từ nguyên bản Nga ngữ cho Xuân Diệu và ông "chỉ" còn việc trau chuốt cho hợp vận và réo rắt, thì có hay và trung thực không?

Nhà thơ Tế Hanh

Nghĩ vậy, tôi tự đặt nhiệm vụ phải kiểm tra điều này qua hai bản dịch thơ Hung của Tế Hanh mà tôi có trong tay. Cả hai bản, mà tôi cho là Tế Hanh đã chuyển ngữ khá sát, đều là thơ tình. Bài thứ nhất được thi sĩ Hung sáng tác mùa xuân năm 1928, chỉ gồm 2 khổ thơ ngắn:

RINGATÓ

Holott náddal ringat,
holott csobogással,
kékellő derűvel,
tavi csókolással.

Lehet, hogy szerelme
földerül majd mással,
de az is ringassa
ilyen ringatással.

Dịch nghĩa:

Nàng ru tôi
bằng khóm lau
bằng dòng nước róc rách
bằng bầu trời tươi sáng trong xanh
bằng nụ hôn của hồ ao

Có thể tình yêu nàng
sau sẽ dành cho kẻ khác
những người ấy cũng hãy ru nàng
như nàng đã từng ru tôi

Bài thơ tươi tắn, tinh khôi, xuất hiện vào thời kỳ József Attila chưa dấn sâu vào những hoạt động chính trị, khi nhà thơ còn "khờ khạo", "ngu ngơ", "chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì". Tế Hanh đã dịch khá uyển chuyển và "Việt Nam" như sau:

RU

Xem kìa người đẹp ru tôi.
Khác nào hồ nọ ru hời khóm lau.
Trong khi xanh ngắt trời cao.
Cái hôn gửi xuống qua màu nước xanh.

Ngày kia có lẽ mối tình.
Một người khác nữa sẽ dành cho chăng.
Người ta lại sẽ ru nàng.
Như nàng có lúc dịu dàng ru tôi.

Bài thứ hai ra đời vào khoảng giữa tháng Bảy và tháng Mười 1936. Lúc đó, József Attila cố dẹp mọi ưu phiền và xung đột của đời sống thường nhật, tập trung thời gian và sức lực làm chủ bút tờ "Lời đẹp" (Szép szó). Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, thi sĩ đã lâm trọng bệnh. Bài thơ là cả một nỗi nhớ thương khắc khoải, nỗi hoài niệm về một kỷ niệm, một tình yêu - chắc là đơn phương - thời trai trẻ:

AZ A SZÉP, RÉGI ASSZONY

Azt a szép, régi asszonyt szeretném látni ismét,
akiben elzárkózott a tünde, lágy kedvesség,
aki a mezők mellett, ha sétálgattunk hárman,
vidáman s komolyan lépett a könnyü sárban,
aki ha rám tekintett, nem tudtam nem remegni,
azt a szép, régi asszonyt szeretném nem szeretni.
Csak látni szeretném őt, nincs vele semmi tervem,
napozva, álmodozva amint ott ül a kertben
s mint ő maga, becsukva egy könyv van a kezében
s körül nagy, tömött lombok zúgnak az őszi szélben.
Elnézném, amint egyszer csak tétovázva, lassan,
mint aki gondol egyet a susogó lugasban,
föláll és szertepillant és hirtelen megindul
és nekivág az útnak, mely a kert bokrain túl
ott lappang, elvezetni a távolokon által,
két oldalán a búcsút integető fákkal.
Csak úgy szeretném látni, mint holt anyját a gyermek,
azt a szép, régi asszonyt, amint a fényben elmegy.

Dịch nghĩa:

NGƯỜI KIỀU NỮ XA XƯA ẤY

Tôi muốn thấy lại người kiều nữ xa xưa,
ẩn chứa bao nỗi dịu hiền tiên nữ,
mỗi khi chúng tôi dạo chơi ngoài đồng nội,
tươi vui và nghiêm nghị, nàng lội dưới lớp bùn mỏng,
nàng nhìn tôi, khiến tôi đâu thể không run rẩy,
ước sao chẳng yêu nàng, người kiều nữ xa xưa.

Tôi chỉ muốn thấy nàng, vậy thôi, chẳng gì khác,
phơi trong nắng, mộng mơ ngoài vườn,
hay trong tay, một cuốn sách khép kín,
và quanh nàng, dày đặc những nhành cây mới nhú
dào dạt trong gió thu.

Tôi muốn thấy nàng, một bận ngập ngừng, chậm rãi,
như thể đang suy tư trong bóng râm xào xạc,
rồi nhỏm dậy, nhìn quanh rồi đột ngột cất bước,
theo con đường qua bụi rậm trong vườn.
Nàng ẩn tại đó, giữa hàng cây xa xa,
chìa lá vẫy nàng, ở hai bên đường.

Tôi chỉ muốn thấy nàng, người kiều nữ xa xưa,
rảo bước trong ánh nắng tràn,
như đứa con muốn thấy bà mẹ đã qua đời.

Bản dịch của Tế Hanh đã giữ được tương đối nguyên vẹn nhịp điệu cùng mọi ý tứ của bản gốc:

NGƯỜI ĐẸP NGÀY XƯA

Nhớ sao người đẹp ngày xưa.
Bao nhiêu quyến rũ tiên vừa hiện ra.
Cùng tôi dạo giữa đồng hoa.
Nàng vui nhí nhảnh nhưng mà nghiêm trang.
Nàng nhìn tôi thấy xốn xang.
Tình yêu đâu phải mơ màng của tôi.

Chỉ mong gặp lại nàng thôi.
Nàng đi trong nắng hay ngồi dưới cây.
Nàng cầm quyển sách trong tay.
Mùa thu những cụm lá dày xôn xao.

Nàng đứng lên lá thì thào.
Nàng như trong giấc chiêm bao bước đều.
Con đường hoa lá thân yêu.
Nàng đi cây cũng nhìn theo gửi lời.

Như con nhớ mẹ chết rồi.
Tôi mong gặp lại con người xa xăm.
Vừa xa nhưng lại rất gần.
Nàng như tan biến trong vầng nắng lên.

Ngoài thơ Hungary, Tế Hanh còn dịch thơ của nhiều nhà thơ ngoại quốc khác. Trong hồi tưởng "Thơ tôi với quê hương đất nước" do Phương Lan ghi, đăng trong "Nhà văn nói về tác phẩm" (Hà Minh Đức biên soạn, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội 1998), nhà thơ đã chia sẻ vài ý kiến đáng chú ý về kinh nghiệm dịch thơ của các tác giả nước ngoài: "Một người bạn thơ người nước ngoài có ví von chuyện dịch thơ như người đàn bà. Đẹp thì không trung thành và trung thành thì không đẹp, ý nói thơ dịch hay thường không sát nghĩa, và dịch thật sát nghĩa thì chưa chắc đã hay. Đó là câu chuyện đùa ví von song có cái lý của nó. Trong việc dịch thơ tôi cố gắng bám sát đúng ý nguyên bản kết hợp với việc thể hiện ngôn ngữ dân tộc thuần nhị trong sáng. Sao cho bản dịch đúng và hay nhất".

Qua hai bản dịch thơ Hung của Tế Hanh, tôi cảm thấy trong một chừng mực nhất định nào đó, ông đã dịch ĐÚNG và HAY.

*

Đã nói đến việc Tế Hanh dịch thơ József Attila, tưởng cũng nên nhắc lại một kỷ niệm giữa thi sĩ và một ký giả Hung, được ghi trong tập "Trên xứ sở của Rùa vàng" (Az Arany Teknősbéka Földjén, Budapest 1961). Đây là một cuốn sách về Việt Nam của nhà báo nổi tiếng người Hung Csapó György. Năm 1960, ông đã có dịp qua Việt Nam vài tháng - Csapó là phóng viên ngoại quốc đầu tiên đặt chân đến chiến trường Điện Biên Phủ kể từ khi hiệp định Genève được ký kết - và tập "ký sự đi đường" của ông, trong mắt dân Hung, từng được coi là một cuốn sách cơ bản về (miền Bắc) Việt Nam. (Tựa đề cuốn sách được đặt theo sự tích Hồ Gươm và thần Kim Quy, đã được dịch ra tiếng Hung).

Đoạn nói về Tế Hanh ở hai trang 120-121 của tập phóng sự:

"Về sau, tại Hà Nội, tôi đã gặp gỡ Tế Hanh, một trong những thi sĩ nổi tiếng nhất của Việt Nam. Đó là một người đàn ông chừng ba mươi tuổi, khuôn mặt mảnh dẻ, cặp mắt cháy bỏng, anh giống József Attila một cách kỳ lạ. Khi được biết tôi là người Hung, lập tức anh nói về József Attila. Như các đồng nghiệp khác, Tế Hanh cũng chiến đấu 8 năm trong phong trào kháng chiến. Các thi sĩ Việt Nam in thơ trong rừng rậm, từ đó, tác phẩm của họ được lan truyền khắp đất nước. Và cả ra ngoài nước. Bởi lẽ sách của họ không chỉ được lưu hành ở miền Bắc, mà còn được chuyển vào miền Nam, sang Lào và Campuchia; chúng từng có tác động lớn và đến nay vẫn còn giữ ảnh hưởng đó.

Những phần tử ưu tú nhất của giới thi sĩ Việt Nam đã tìm được nhiều ấn tượng cho cả cuộc đời. Cùng đạo quân, họ đi khắp đất nước, chia sẻ số phận người dân quê và binh lính.

Tế Hanh kể lại: khi anh bị thương ở Điện Biên Phủ, anh đã thử dịch vài thi phẩm của József Attila qua bản tiếng Pháp. Ba năm trước, lần đầu tiên, tờ "Văn học" của Hội Nhà văn đã đăng tải bản dịch Việt ngữ bài thơ "Mama" của József Attila.

Ở trang nhất, tôi được đọc trong khung: AT-TI-LA GIO-XÉP. Và dưới đó: (Attila József 1905-1937) cùng và tựa đề "Mama" bằng tiếng Việt: MẸ.

Dòng đầu của bản dịch như sau:  "Đã tám ngày rồi tôi nhớ mẹ".

Dựa theo âm hưởng câu thơ, không thể viết lại nó bằng tiếng Hung. Một vấn đề tôi thường gặp là không biết nên viết các danh từ riêng tiếng Việt theo cách nào. Tế Hanh khuyên tôi nên viết theo cách của người Việt vì họ cũng sử dụng chữ cái La Tinh như chúng ta, nhưng hãy bỏ mọi dấu má và dấu nối bởi chúng không nói lên điều gì dưới con mắt người Hung. Tôi làm theo lời khuyên của nhà thơ, dù không phải lúc nào cũng triệt để. Tôi buộc phải thích nghi với cách viết đã trở thành thói quen. Chẳng hạn, đã từ lâu, nước ta viết "Hanoi" thành một từ, giống như người Pháp. Nếu muốn trung thành với cách viết của người Việt, tôi phải viết: "Ha-noi". Và cho dù tên Ho Si Minh được người Việt viết là "Ho-Chi-Minh", trên phương diện này tôi cũng theo cách viết thông dụng của Hung như ở vài trường hợp khác. Thực sự, đáng ra tôi phải kèm cả bản nhạc để phát âm, nhưng tôi nghĩ dù thế, không phải mọi người đều ngâm nga được những từ tiếng Việt.

Tôi trò chuyện với Tế Hanh gần nửa ngày trời. (Chẳng mấy chốc, tôi đã vỡ ra rằng các vấn đề của nền văn học Việt Nam, dù xuất hiện dưới những dạng khác, nhưng về căn bản cũng tương tự các vấn đề của chúng ta).

- Đối thủ lớn nhất của chúng tôi là thời gian, nó trôi đi quá nhanh - anh nói. - Trong thời chiến, tôi đã viết với nhịp điệu như các chiến sĩ hành quân ra trận. Đã có người chờ bản thảo tại nhà in đặt trong rừng rậm. Tôi không thể bỏ phí thời gian. Hiện tại, tình thế đã khác, nhưng chúng tôi cũng không có nhiều thì giờ để bình tâm xem xét. Mặc dù điều đó cần lắm... Rất thiếu... Có điều, giữa chừng, cuộc sống đi ngang qua chúng tôi và những bản thảo sẽ bị mốc meo. Đồng chí biết đấy, xứ sở chúng tôi rất ẩm ướt...

Tôi hứa sẽ gửi cho Tế Hanh một bản tiểu sử József Attila, thi sĩ rất cần đến nó vì anh đang dịch một tập thơ József Attila. Nói bao nhiêu về József Attila cũng không đủ đối với Tế Hanh. Mắt anh sáng lên và hoàn toàn xúc động khi đọc một đoạn József Attila bằng tiếng Việt. "Đó là nhà thơ vô sản vĩ đại nhất - anh nói - và là một nghệ sĩ vô cùng tinh tế trong hình thức".

Khi chia tay, Tế Hanh ôm hôn tôi và mắt anh đẫm lệ.

- Đồng chí là người Hung đầu tiên mà tôi có dịp nói chuyện - thi sĩ nói.

Tế Hanh ký tặng tôi bản dịch tiếng Pháp hai thi phẩm mới nhất của anh. Có thể đó không phải là bản dịch, vì nhà thơ viết tiếng Pháp rất thành thục. Khi tôi đã ra khỏi cửa, anh còn chạy theo và ôm tôi một lần nữa."

*

Dịch lại đoạn văn này, tôi chợt băn khoăn không hiểu Tế Hanh có còn nhớ về kỷ niệm của một thời đã xa mà Lê Lựu đã tìm được một từ rất hay để nói về nó: THỜI XA VẮNG? Và ông ký giả người Hung kia, có còn nhớ tới lời hứa với một bé gái Việt mà ông viết ở cuối sách: "Tôi hứa với em... sẽ gặp lại nhau ở Hà Nội khi cháu gái của tôi ở độ tuổi cắp sách đến trường. Tôi sẽ hạnh phúc nếu thực hiện được lời hứa đó".

Khi Csapó György sang Việt Nam, cô ái nữ của ông mới được 2 tuần. Hơn 4 thập niên đã trôi qua, nếu còn sống, ông ký giả Hung chắc cũng ngoại ngưỡng "thất thập", "xưa nay hiếm" từ lâu. Tế Hanh, nhà thơ "trẻ" của "Hoa niên", của "Những ngày nghỉ học", của những dòng sông Bắc Việt mà Csapó György từng gặp gỡ, năm nay 81 tuổi và dường như sức khỏe đã rất suy sụp sau lần xuất huyết não cách đây 2 năm.

Đối với Tế Hanh, việc dịch một số bài thơ của các thi sĩ Hung và thế giới có thể chỉ là một hứng khởi nhất thời. Cuộc tương ngộ giữa ông với một ký giả nước ngoài có thể cũng chỉ là một trong hằng hà sa số những bận ông có dịp tiếp xúc với báo chí ngoại quốc, trên cương vị một nhà thơ nổi tiếng và một vị chức sắc thuộc "chiếu trên" của làng văn Việt Nam. Tuy nhiên, đối với tôi, một người có nhiều duyên nợ với đất nước Hungary, mấy bài thơ của József Attila qua bản dịch của Tế Hanh hàm chứa lắm ý nghĩa hơn thế nhiều. Chúng đã trở thành một phần tuổi thanh xuân bồng bột của chúng tôi, lũ người đã chọn mảnh đất này làm xứ tạm dung trong một thời gian dài.

Và tôi thầm nghĩ: ngộ nhỡ có dịp gặp Tế Hanh, nhất định tôi phải hỏi ông điều khiến tôi thắc mắc: "Ông còn nhớ không, ngày này, tháng ấy...?"

Trần Lê, 8-3-2001


 
 Từ khóa: József Attila, Tế Hanh
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn