KERTÉSZ IMRE - NHÌN TỪ BERLIN

Thứ năm - 26/07/2007 20:39

(NCTG) Lời giới thiệu: Kertész Imre sinh ngày 9-10-1929 tại Budapest. Năm 1944 ông bị đày sang trại tập trung Auschwitz, rồi trại Buchenwald; sau khi các trại này được giải phóng, ông trở về nước năm 1945. Năm 1948, ông tốt nghiệp trung học phổ thông ở Budapest. Sau đó từ năm 1950 ông là công tác viên của các báo "Ánh sáng" (Világosság) và "Budapest Buổi tối" (Esti Budapest), từ năm 1951 ông làm công nhân để kiếm sống. Từ năm 1953, ông làm nghề viết văn và dịch thuật tự do.

"Không số phận", tác phẩm lớn nhất của Kertész Imre

Tiểu thuyết đầu tay của ông - "Không số phận" (Sorstalanság) – được viết trong gần 13 năm, sau nhiều lần bị từ chối mãi năm 1975 mới được xuất bản. Nhân vật chính của cuốn sách là một cậu bé Do Thái người Pest, cha cậu bị bắt đi lao động cưỡng bức, rồi chính cậu cũng bị đày vào trại tập trung. Cuốn sách mô tả chân xác, với một bút pháp tỉnh táo đến lạnh lùng này được đánh giá là tác phẩm xuất sắc nhất viết về holocaust (sự hủy diệt hàng loạt người Do Thái của chủ nghĩa phát-xít). Chú bé nhân vật chính cố gắng thích ứng với thực tế trong trại tập trung chết chóc này, chú coi tất cả hoàn toàn tự nhiên, cũng như những ngày bình thường. Thậm chí đối với chú dường như còn có những giây phút hạnh phúc. Có lẽ chính cách nhìn đa dạng này đã làm nên sự chân thực của tác phẩm.

Năm 1990, ông cho ra đời cuốn "Kaddis vì một đứa bé không chào đời" (Kaddis a meg nem született gyermekért) như một tiếp nối của "Không số phận", trong đó nhân vật chính quyết định số phận bằng cách lựa chọn sự vô sinh (Kaddis là bài kinh của người Do Thái cầu nguyện cho người đã khuất).

Những tác phẩm văn xuôi tiếp theo của ông là tập truyện dài "Người tìm dấu vết" (Nyomkereső) và "Lá cờ Anh" (Angol lobogó). Năm 1992 ông cho ra mắt tập "Nhật ký gálya" (Gályanapló) viết dưới dạng văn học về những năm tháng 1961-1991. Cuốn "Biên niên sử những đổi thay" (Változások kronikája) là sự tiếp nối của thể loại tự sự này dưới dạng những ghi chép trong khoảng 1991-1995. Các bài diễn thuyết và tạp văn của ông được tập hợp trong ba cuốn "Văn hóa holocaust" (Holocaust mint kultúra,1993), "Khoảnh khắc tĩnh lặng một ý nghĩ, khi đội hành quyết nạp đạn" (Gondolatnyi csend, amig a kivégzőosztag újratölt, 1998) và "Ngôn ngữ đọa đày" (A száműzött nyelv, 2001). Sách của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng và rất được ưa chuộng ở các nước.

Nhà văn Kertész Imre, Nobel Văn chương 2002 - Ảnh: Frida Westholm (Nobel Web AB 2002)

Trong những năm vừa qua Kertész Imre nhận được rất nhiều giải thưởng văn chương lớn: ông đã được trao Giải Jozsef Attila 1989, Giải Márai năm 1996, Giải Kossuth năm 1997. Năm 1995 ông nhận Giải thưởng Văn học Blandenburg, năm 1997 ông được giải thưởng lớn của Liên hoan sách Leipzig (Đức), trước hết nhờ tiểu thuyết "Không số phận". Năm 1997, do công lao truyền bá văn hoá Đức ra nước ngoài ông được Giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Ngôn ngữ và Thi ca Đức, Giải thưởng Friedrich Gundolf, tháng 5-2000 Giải thưởng Herder. Năm 2001, ông được bầu là thành viên của Pour le Mérite (Đức), phần thưởng cao quí nhất dành cho các nghệ sĩ của nước Đức. (Tổ chức này có 38 thành viên người nước ngoài, ngoài Kertész Imre còn có hai người Hung khác là Ligeti György - nhạc sĩ người Áo gốc Hung, sinh năm1923, và Kurtág György - nhạc sĩ, sinh năm 1926). Năm 2002, ông đoạt giải Nobel Văn chương, giải Nobel duy nhất của nền văn học Hungary.

Gần đây, nhân dịp Năm văn hóa Hungary trên đất Đức, tuyển tập văn ”Berlin, drágám. Csukja be, kérem, a szemét„ (tạm dịch: Berlin thân yêu, hãy khép lại đôi mắt) đã ra mắt bạn đọc. Ký giả Barát Józef của báo "Metro" đã có cuộc trò truyện với Kertész Imre, một trong những đồng tác giả của tập văn tuyển nói trên. NCTG xin giới thiệu cùng độc giả bài phỏng vấn này.

Barát József (B. J.):Từ khi nhận giải Nobel, ông liên tục sống ở Berlin. Vì sao vậy, thưa ông?

Kertész Imre (K.I.): Trước đó tôi đã sống ở Berlin, và hiện nay tôi vẫn sống ở Budapest. Tôi đi về luôn. Tôi thích lối sống như vậy. Ông thấy đấy, tôi sinh ra đã là một kẻ lang thang thành phố, và suốt 40 năm tôi không có hộ chiếu. Bây giờ tôi thử sống theo kiểu Châu Âu một chút, chẳng gì chúng ta đã là thành viên của cộng đồng Châu Âu.

B.J:Nhưng Berlin có bí quyết gì? Thành phố này đã trở thành nơi cư ngụ thứ hai của nhiều nhà văn Hungary. Thành phố này đã bỏ bùa các nhà văn Hung bằng thứ gì vậy?

K.I.: Nói ra nghe có vẻ trần trụi , nhưng về cơ bản: cho tới nay Berlin luôn có đủ tiền để cấp học bổng cho rất nhiều người Hungary. Và vì vậy nhiều người Hung đã tới đây, các nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, nhưng không phải là tiền đã làm cho họ thấy thoải mái thành phố này. Berlin là một thành phố rất dễ thương, cởi mở. Không phải theo nghĩa ở đây ai cũng luôn mỉm cười, mà là vì người Berlin có khả năng tiếp nhận. Họ muốn hiểu biết về người khác. Và đó chính là điều người nghệ sĩ cần. Cuộc sống văn hóa ở Berlin vô cùng sôi động. Nó còn có tính quốc tế: ở đây ta có thể tìm gặp bất kỳ ai mà ta muốn. Nhưng không gặp cũng không sao.

B.J.:Cuộc sống ở đây có vẻ thanh bình. Còn ở ta (ở Hungary - ND) thì đầy rẫy những xung đột. Tại sao vậy, thưa ông?

K.I.: Vì chúng ta là những kẻ ngốc nghếch (nguyên văn: những con lừa - ND). Lẽ ra nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là phải ổn định tình hình, là sáng tạo. Phải tìm thấy vị trí đích thực của Budapest trong thế giới rộng lớn này. Nếu đem so sánh với thành Viên, thì ta thấy Budapest có những vận hội rất to lớn. Nó nằm ở vị trí cực đẹp. Nếu chỉ nói theo đường hàng không, từ thủ đô của chúng ta có thể tới mọi nơi dễ dàng. Chúng ta cần phải thể hiện những gì chúng ta có một cách tốt nhất. Nhưng thay vào đó lại diễn ra sự thù nghịch. Đó là điều khủng khiếp nhất, thù ghét nhau thì ở Pest người ta rất giỏi... Lẽ ra chúng ta có rất nhiều khả năng. Chưa bao giờ Hungary nhận được sự cảm thông lớn như hôm nay. Đất nước đã độc lập, không còn phải e ngại kẻ thù, không có quân chiếm đóng, không có chiến tranh. Chỉ nội bộ chúng ta, chúng ta đấu đá lẫn nhau mà thôi.

B.J.:Nhưng tại sao sự việc lại như thế?

K.I.: Có Chúa chứng giám, tôi thật sự không biết nguyên nhân của sự căng thẳng triền miên ở trong nước là gì. Những chuẩn mực mới thì chưa hình thành, chúng ta thiếu những truyền thống có thể tiếp nối. Không có sự đồng thuận. Thí dụ: dù ông thủ tướng có là người như thế nào, dù phe đối lập có ra sao đi nữa, khi ông thủ tướng phát biểu trong Quốc hội, phe đối lập lại bỏ ra ngoài, thì xin các vị: đó không phải là cách đối thoại. Ở nước ta không có thứ văn hóa chính trị mà sau mỗi cuộc tranh luận mỗi bên có thể ngồi lại với nhau. Uống một vại bia hay một tách cà-phê và trao đổi với nhau những điều cần nói bên bàn đàm phán. Còn trong Quốc hội thì có thể nói với nhau những vấn đề cần nói. Trong chúng ta có quá nhiều bức xúc...

Đúng là tôi rất tin tưởng rằng hiện nay ở trong nước không thể theo đuổi thứ chính trị thực sự làm hại cho đất nước, vì có một lực cưỡng bức từ bên ngoài: đó là Cộng đồng Châu Âu, một tổ chức có thể làm dịu bớt các căng thẳng. Đã đến lúc chúng ta cần có sự đồng thuận, cần thống nhất với nhau trong những vấn đề nhất định: Chúng ta đã thua hay thắng trong chiến tranh? Tại sao, nếu thua hay thắng? Thật nguy hại vì chúng ta không có từ ngữ thống nhất để gọi tên quá khứ của chúng ta. Ví dụ chúng ta không biết điều gì đã xảy ra ngày 4 tháng Tư (1945), ngày giải phóng hay ngày bắt đầu một cuộc chiếm đóng mới? Cần phải nói về những điều này. Cần phải nói về những gì đã diễn ra sau bước ngoặt đó và trong năm 1956. Phải tạo ra bầu không khí đối thoại chung sôi động, nhưng không thù nghịch.

B.J.:Và tất nhiên phải giữ được sự hài hước của chúng ta. Vì hình như ngay cả điều đó cũng đang từ bỏ chúng ta.

K.I.: Đúng như vậy đấy! Chúng ta đã đánh mất một trong những điều quí giá nhất cùa mình. Tính hài hước (humor) của người Pest nay còn đâu ?! Tại sao chúng ta để nó biến mất khỏi đời sống của chúng ta? Ngay cả thứ ngôn ngữ hài hước mà chúng ta dùng để kể chuyện tiếu lâm trong thế kỷ trước cũng đã mai một.

Giáp Văn Chung giới thiệu và chuyển ngữ


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn