PHẠM DUY – ĐÔI ĐIỀU TÂM SỰ (2)

Thứ ba - 20/03/2007 11:43

(NCTG) “Về đây không phải là về với Sài Gòn hay Hà Nội. Về đây là về với chính bản thân mình. Người Việt Nam đánh mất mình 50 năm nay rồi. Phải về lại với chính bản thân mình...”.

Hỏi: Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, không nói riêng tân nhạc, Phạm Duy - từ thuở cầm cây đàn - là một “người tình” tuyệt vời và có một không hai. Có phải là tình yêu tự do, tự do trong sáng tạo nghệ thuật, tự do trong tư tưởng, tự do trong cuộc sống hàng ngày của nhạc sĩ Phạm Duy mạnh hơn bất cứ một tình yêu nào khác? “Cho rồi xin lại tự do” (**), nhạc sĩ Phạm Duy nghĩ sao? Ngoài ra, người nghệ sĩ trong Nam thuở xưa có tự do đến mức nào trong cuộc sống và lao động nghệ thuật?

PD: Tôi vừa nói về vấn đề chọn lựa. Câu hỏi của các anh cũng là câu trả lời. Tôi thấy rõ cho đến giờ phút này, nếu tôi còn sáng tác được thì đó là vì tôi hoàn toàn tự do.Tự do ngay cả với chính mình. Tôi không bó tôi vào cái gì cả. Phạm Duy không đặt mình vào dòng nhạc nào. Phạm Duy là con chim bay nhảy. Ngày hôm nay làm Tâm ca. Ngày mai làm Tục ca. Phạm Duy không sợ ai cả. Tôi không trói tôi. Vợ con tôi cũng không trói được tôi. Và lẽ dĩ nhiên: không chính quyền nào trói được tôi cả. Tôi là “thằng mất dạy” (cười).

Trong 20 năm (1954-75) đất nước bị chia đôi, phải công nhận miền Nam tương đối có tự do. Cũng có những cơ quan của chính quyền kiểm soát các hoạt động của văn nghệ sĩ, nhưng chúng tôi qua mặt Bà Già Kiểm Duyệt khá dễ dàng. Các anh nói đúng: nếu không có sự tự do trong sáng tạo nghệ thuật, sự tự do trong tư tưởng, sự tự do trong cuộc sống hằng ngày thì, riêng về phần tôi, không thể nào tôi có nhiều loại ca khác nhau như vậy được.

Hỏi: Sự hòa quyện tính dân tộc và tính hiện đại trong nhạc của nhạc sĩ là một thực tế. Khi sáng tác, nhạc sĩ có ý thức rõ ràng về sự cần thiết phải kết hợp dân tộc và hiện đại? Nhạc sĩ quan niệm như thế nào về bản sắc dân tộc? Có sự chọn lựa cái hay và cái dở trong khi dung hợp cái hiện đại và dân tộc ở quá trình sáng tác?

PD: Nói ngay vào thực tế, tôi thấy rõ rằng không có một nhạc sĩ nào thành công trong ý muốn tạo một cái gì đó đúng với ngôn ngữ dân tộc và thời đại mà lại bỏ qua các giá trị của âm nhạc dân tộc.

Một trong những lý do làm tôi sáng tác được cho tới hôm nay là tôi đã có được một vốn âm nhạc cổ truyền ngay từ khi còn trẻ. Tôi xuất thân là thằng đi hát rong. Tôi đã hát nhạc cổ truyền để nuôi sống mình, từ Quan họ bắt qua Trống quân… Âm nhạc dân tộc đã nhập vào tôi từ hồi nhỏ, vào thế nào và ra thế nào tôi xin được nói sau. Chỉ xin được khẳng định là chẳng anh nào trở thành nhạc sĩ của dân tộc nếu thiếu cái vốn về âm nhạc dân tộc. Ngoài cái vốn đó ra tôi còn tạo được cho mình một cái vốn khác. Tôi có may mắn đã học ở Pháp, chương trình tám năm tôi học trong hai năm 1954 - 1955. Cái này rất quan trọng. Cần phải biết quá trình từ cổ điển lên hiện đại ở nhạc châu Âu thế nào? Nhạc của Debussy khác Chopin ra sao?… Mở rộng ra là cần phải thông hiểu lịch sử âm nhạc thế giới nữa, ở những nét căn bản nhất, chẳng hạn sự xuất hiện của các trường phái.

Thiếu cái vốn này thì không thể nói tới sự chọn lựa để phát triển nghệ thuật của mình. Tôi đã rút được kinh nghiệm này cách đây mười năm: tôi không dám đi lên nhạc đa điệu ngay trước khi phát triển nhạc đơn điệu lên tột độ của nó. Và khi tới với nhạc đa điệu, tôi phải nhờ tới con tôi - Duy Cường. Ở điểm này con tôi giỏi hơn tôi. Bố con tôi đã tìm ra một con đường hoàn toàn riêng cho nhạc đa điệu. Không giống Chopin. Không giống Mozart. Không giống Debussy. Hoàn toàn Việt Nam. Ra làm sao thì anh em phải nghe. Có thể nói thế này: âm nhạc cổ truyền giúp tôi khi sáng tác nhạc đơn điệu, âm nhạc quốc tế giúp tôi làm nhạc đa điệu. Vấn đề ở đây là tiếp thu như thế nào: bắt chước hoàn toàn hay chỉ lợi dụng? Mượn phong cách hoành tráng của Wagner hay biểu tượng của Debussy là những yếu tố kỹ thuật. Cho tới bây giờ, tôi vẫn quan niệm đó vẫn là một thử thách. Cũng như tôi vẫn thường cho rằng người nhạc sĩ Việt Nam nếu coi thường âm nhạc cổ truyền của dân tộc thì mọi sáng tác của anh ta sẽ chỉ là bắt chước, nhưng đồng thời phải tiếp cận được với cái mới, chẳng hạn như Rap, New Wave… Tôi có cái may là ở ngoài và dễ học hỏi cái mới hơn nhiều nhạc sĩ trong nước. Tôi vẫn đang học dù đã bảy sáu rồi. Sự học ấy có trở thành một cái gì ở tôi không thì tôi không nói được. Anh em là người xét đoán.

Hỏi: Tâm ca có một vị trí đặc biệt trong sự nghiệp sáng tạo của nhạc sĩ Phạm Duy. Biết bao nhiêu trái tim trí thức, học sinh, sinh viên miền Nam một thuở đã bị chinh phục bởi Tâm ca. “Kẻ thù ta không phải là người - giết người đi thì ta ở với ai” (***). Dễ hiểu vì sao miền Bắc quy kết Tâm ca là “phản động”, là “ru ngủ thanh niên”. Nhưng có lẽ 10 bài Tâm ca cũng là phần tương đối khó tiếp thu với những người mới chỉ quen với nhạc tình Phạm Duy. Xin nhạc sĩ cho biết ít nét về thời kỳ Tâm ca quan trọng này.

PD: Tôi xin được “báo cáo” là có ba con người trong một Phạm Duy. Con người tình cảm Phạm Duy luôn làm những bản nhạc tình yêu. Con người xã hội Phạm Duy làm những bản nhạc cho đất nước. Thế cho nên mới có những bài ca kháng chiến, mới có Tục ca… Con người thứ ba ít người biết lắm là con người tâm linh. Tôi đã phát hiện ra nó khi viết Tâm ca.

Tâm ca ra đời vào 1965, lúc cuộc chiến đã tới hồi cao nhất, hận thù leo giốc tới mức cao độ nhất, khiến cho nước tôi bị tha hóa hoàn toàn. Những người chủ trương chiến tranh, bạo động cố nhiên không thích Tâm ca. Nhưng có những người trẻ tuổi… Ở những bài như KẺ THÙ TA, như TÔI ƯỚC MƠ, tôi đã nói được cái phần tâm linh của con người đã bị chiến tranh làm tha hóa. Hay dở không biết, nhưng tôi là người dám nói. Anh em tiếp thu thế nào, như các anh vừa nói, tôi lấy làm mãn nguyện lắm. Không ngờ những bài tôi viết ra lại có người tiếp thu, đồng thời có người đả phá (cười).

Rất nhầm lẫn khi nói rằng Tâm ca “ru ngủ thanh niên”, trái lại, Tâm ca đã làm cho nhiều người thức tỉnh lương tâm. Biết bao nhiêu thanh niên đã yêu Tâm ca vì nó dám nói lên những điều mà mọi người muốn nói nhưng chưa dám nói… Giá trị tối thiểu của Tâm ca là ở vào thời điểm 65-70, đó là những bài hát nhân bản nhất trong khi ca nhạc ở nước ta luôn luôn bị giữ lại ở trình độ những bài hát tuyên truyền.

Anh em nói rằng: Tâm ca không dễ tiếp thu! Không khó đâu, anh em ạ. “Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai?” là câu hát dễ ợt, hồi đó con nít miền Nam hát hoài, không có ai là người không tiếp thu được nó. Những bài khác như TIẾNG HÁT TO, ĐỂ LẠI CHO EM, GIỌT MƯA TRÊN LÁ… còn làm cho những người được lệnh chống Tâm ca phải khóc cơ mà? Tôi mà không soạn Tâm ca vào thời đó thì tôi không đích thực là tôi, kẻ đã chọn làm một ca nhân “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” (****)… ngay từ khi mới khởi sự kiếp cầm ca!

Hỏi: Nhạc sĩ Phạm Duy là người thích phân loại các nhạc phẩm, căn cứ vào chủ đề của chúng. Người yêu nhạc của nhạc sĩ đã tiếp xúc với hơn chục loại ca. Nhạc sĩ thích và hài lòng với loại ca nào hơn cả? Khi sáng tác, nhạc sĩ có tự giới hạn mình trong những mục đích nhất định? Nhạc sĩ có phân biệt những loại ca có ý nghĩa phục vụ một lợi ích nhất thời nào đó của xã hội với những loại ca mang tính vĩnh cửu, trường tồn. Sở dĩ câu hỏi này được đặt ra là vì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khi được hỏi về nhạc Phạm Duy, đã nói (xin trích): “… Đạo ca, Tâm ca, Tục ca chỉ có tính cách phong trào, giai đoạn, vui chơi ngôn ngữ, không bền…”

Phạm Duy bên bàn thờ Trịnh Công Sơn

PD: (cười) Tôi cũng cám ơn anh Trịnh Công Sơn vì nhận xét có phần nông cạn về nhạc của tôi. Tâm ca, cũng như các loại khác dẫu có bị kiểm duyệt thì tôi cũng ném ra được tới quần chúng. Nhưng Tục ca thì ít người biết. Kể cả Trịnh Công Sơn. Không! Tôi không chơi đùa trong sáng tạo! Tôi làm văn nghệ một cách đứng đắn. Phải hiểu Tục ca khi đặt nó trong tâm thế thời đại lúc đó: người Việt Nam chỉ muốn văng tục. Dĩ nhiên, tôi hiểu rằng mọi người có quyền phê bình tác phẩm của tôi. Nhưng tôi muốn trả lời một lần nữa câu anh em hỏi: Tôi có chơi đùa với chữ nghĩa, âm thanh không? Không! Đấy là những bài nhạc hết sức đứng đắn của tôi.

Như đã nói qua loa ở trên, đã từ lâu, từ đầu thập niên 50 lận, tôi đã thấy mang máng rằng tôi phải phân thân ra làm ba con người:

1- Con người tình cảm, soạn những bài Tình ca đôi lứa, Tình ca một mình… nghĩa là soạn nhạc cho cá nhân, cho riêng mình;

2- Con người xã hội để từ nhạc Kháng chiến ca, Tình ca quê hương tiến tới Tâm ca, Tục ca v.v… Đó là loại nhạc tôi gọi là nhạc nhân hòa (điều hợp con người và xã hội);

3- Con người tâm linh để soạn những bài hát nhiên hòa (hòa mình vào thiên nhiên, siêu nhiên) như HOA XUÂN, LỮ HÀNH… trước khi đi vào Đạo ca, Rong ca, Thiền ca…

Trả lời câu hỏi của anh em là: tôi yêu loại ca nào? Tôi yêu cả ba con người vừa kể. Tục ca, đối với tôi cũng rất quan trọng như Tâm ca, Đạo ca, Tình ca quê hương hay Tình ca đôi lứa. Sở dĩ tôi tạo ra nhiều loại ca như vậy là vì tôi là một nghệ sĩ làm việc có phương pháp, có kỷ luật. Có thể vì cầm tinh con bướm nên thỉnh thoảng tôi đùa vui với nhạc tình, nhưng không bao giờ tôi tùy hứng trong phạm vi nhạc xã hội đâu! Trong loại nhạc này, tôi cũng là người tạo ra phong trào chứ không phải là người chạy theo phong trào. Trịnh Công Sơn nói câu “tâm ca, tục ca chỉ có tính cách phong trào, giai đoạn, vui chơi ngôn ngữ, không bền… ”, tôi nghi chàng bị bắt buộc phải nói như vậy. Chẳng lẽ con người soạn ra những bài hát tuyệt vời lại có cái nhìn hẹp hòi như vậy? Họ Trịnh đã biết: khi Tâm ca xuất hiện, nó gây ra nhiều dư luận khác nhau. Chàng cần biết thêm: sau hơn 30 năm Tâm ca ra đời, vẫn còn rất nhiều bài báo ở hải ngoại nhắc nhở tới nó. Gần đây nhất, ông Hà Sĩ Phu còn nhắc tới câu: “Kẻ thù ta tên nó là chủ nghĩa…” Tâm ca rất bền bỉ đến độ, qua bài phỏng vấn này, các anh là một trong rất nhiều người trẻ tuổi 1997 còn sốt sắng muốn tìm hiểu Tâm ca 1965.

Hỏi: Từ ngày rời miền Bắc vào Nam, rồi lại sống ở hải ngoại, xa quê hương, nhạc sĩ Phạm Duy có để tâm và nhận xét gì về nhạc miền Bắc sau 1954?

PD: Tôi không dám phát biểu về nhạc miền Bắc sau 1954 vì chưa nắm vững vấn đề. Nếu có thì giờ và có tài liệu để nghiên cứu, tôi sẽ trả lời anh em sau.

Tuy nhiên, tôi chắc phải có một giá trị nào đó. Bởi vì những người làm nên nó là những người thành thạo trong nghệ thuật rồi và họ đã hợp thành mấy thế hệ, kể từ những người như Nguyễn Xuân Khoát cho tới những ông như ông Trần Tiến. Tìm hiểu thì tôi thấy rõ rệt nhạc miền Bắc từ 54 đến 75 nói được cái kiêu hùng của dân tộc trong khi nhạc miền Nam lại nói được cái hiền lành. Tôi sẽ trình bày sâu hơn về vấn đề nhạc Hà Nội trong những năm tháng đó trên Internet. Từ thống nhất tới bây giờ, tôi chắc không thiếu người tài, nhưng vì ở xa quá, tôi không dám mạnh miệng phê bình. Tôi hy vọng đất nước mình sẽ thay đổi như chúng ta mong muốn - ai chả muốn Việt Nam mình thay đổi phải không ạ? - để cho văn hoá nghệ thuật trong đó có âm nhạc trở về với sinh hoạt bình thường, không bị đánh giá một cách nông cạn theo lập trường chính trị, như đã và đang… Còn bị kiểm duyệt thì văn học nghệ thuật còn khó lòng…

Hỏi: Rất nhiều tài năng âm nhạc lớn đang khép lại thế kỷ này bằng sự ra đi vĩnh viễn của mình. Như Văn Cao. Như Dương Thiệu Tước. Như Thẩm Oánh. Vừa mới đây thôi, tác giả ba HÒN VỌNG PHU sừng sững ngóng chồng cũng vĩnh biệt chúng ta. Là một trong những nhạc sĩ cuối cùng của thế hệ khai sinh tân nhạc Việt Nam, cũng là người có thẩm quyền nhận định về tình hình âm nhạc đất nước, nhạc sĩ nghĩ ra sao về hướng đi tới của nhạc Việt, cả ở trong nước lẫn hải ngoại? Phải chăng đỉnh cao của nó chỉ là sự uốn éo, đánh mông đánh đít, mô phỏng vụng về những điệu Disco, New Wave, Rap, Techno của các xứ tiên tiến mà thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước đang rất chuộng? Hay vàng vọt, ỉ eo kiểu nhạc sến? Nhạc sĩ có kỳ vọng gì ở thế hệ nhạc sĩ trẻ hiện nay của ta không?

PD: Anh em cũng thừa biết rằng nhạc Âu Mỹ, vốn là sản phẩm của một xã hội siêu-tiêu-thụ, rất có ảnh hưởng ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở một nước đang trong thời kỳ quá độ như nước ta. Những quái thai âm nhạc ở cộng đồng người Việt hải ngoại hay ở trong nước như “ca nhạc sĩ uốn éo, đánh mông đánh đít bắt chước những điệu Disco, New Wave, Rap, Techno… ”, theo tôi, chỉ là thú vui rẻ tiền của những người không có nhiều học thức trong một nước thấp kém, ở đó dân chúng bao giờ cũng chỉ thích những thương phẩm âm nhạc hạ cấp… Đối với những hiện tượng âm nhạc đó, các nhạc sĩ trẻ ở nước ta và những cơ quan có trách nhiệm về văn hóa cần có thái độ. Hoặc phải thi đua tranh thủ quần chúng bằng những sáng tác tốt đẹp, phải nâng cao trình độ thẩm âm của dân chúng lên. Hoặc phải ngăn chặn những chất độc tinh thần đó như ta ngăn ma túy vậy.

Mặt khác, ở một nước bình thường, chứ không bất bình thường như đất nước mình, cũng có hai loại nghệ thuật. Có thứ nghệ thuật cho đám đông. Coi nó là trò chơi cũng không có gì là quá. Ví dụ như đánh giá âm nhạc nước Mỹ chỉ qua Michael Jackson hay Madonna thì tội cho nước Mỹ quá. Vẫn phải có một loại nhạc tiêu biểu cho một đất nước dù rằng đám đông chưa chắc hiểu nó. Ở Việt Nam cũng vậy. Nhưng mà tình hình chính trị còn lung tung thế này thì làm sao có thể nói đến nghệ thuật được. Tuy nhiên, cứ tạt ngang sang văn chương mà xem. Trước đây ta cứ nghĩ là trong hoàn cảnh như ở nước mình, lấy đâu ra một tác phẩm tiêu biểu cho tinh thần thời đại. Điều này giờ đã được cải chính chỉ nội qua tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Đọc, thấy mình có quyền hy vọng vào dân tộc mình lắm. Tôi nghĩ rằng tình hình trong âm nhạc cũng vậy. Có thể có thứ nhạc sến, nhạc nô dịch. Nhưng biết đâu trong âm thầm có những người như Nguyễn Huy Thiệp trong văn học. Nếu cởi mở thực sự, không chừng những cái họ sáng tạo đó sẽ được ném ra. Tôi cam đoan như thế. Chẳng lẽ một đất nước bị khuấy động hàng bao năm như thế lại không có được một nhạc sĩ nói về điều ấy như là đại diện của dân tộc. Mình chưa thấy ra đó thôi. Tôi còn mong anh em ở nhà biết ai thì cho tôi hay để tôi còn đi kiếm. Chỉ mong âm nhạc không bị dùng làm tuyên truyền. Âm nhạc là để xưng tụng chứ không phải để chửi nhau (cười). Tôi hy vọng. Có những người như tôi, như anh Nguyễn Xuân Khoát, có những người như Trần Tiến, như Dương Thụ… Ở nhà cứ “cởi trói” thực sự đi. Biết đâu chẳng có tác phẩm hay. Phải cho tôi cái quyền được lạc quan như vậy. (cười)

Hỏi: Ca sĩ nào đã thể hiện ca khúc của nhạc sĩ thành công nhất?

PD: Một tác phẩm âm nhạc, muốn thành công, cần có ba điều kiện: thứ nhất, tác phẩm soạn ra phải có giá trị; thứ hai, phải có ca sĩ đủ sức truyền tải tác phẩm tới quần chúng; thứ ba, quần chúng chấp nhận. Đời tôi may mắn lúc nào cũng có Thái Thanh, lúc nào cũng được quần chúng lắng nghe. Nhờ thế mà một bài hát dễ trở thành cổ điển, ví như VIỆT NAM, VIỆT NAM, TÔI YÊU TIẾNG NƯỚC TÔI… Ngoài Thái Thanh tôi có Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo, và gần đây nhất tôi có Tuấn Ngọc.

Hỏi: Trong số ba mươi ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy thời kháng chiến, có nhiều bản bất hủ, tác động sâu sắc tới tâm thế của bao thanh niên thời buổi ấy, giục giã họ đầu quân, lên đường cứu nước. Ở thời kỳ sau, nhạc sĩ lại là tác giả của biết bao bài hát về quê hương, đất nước, con người Việt Nam. “Tôi yêu tiếng nước tôi - từ khi mới ra đời” (*****)… Có thể gọi nhạc sĩ Phạm Duy là một người yêu nước vĩ đại, hoặc là “một người hát rong” vĩ đại - nếu cách định danh này hợp ý nhạc sĩ hơn. Nhưng đến nay, ở Việt Nam, Phạm Duy và nhạc Phạm Duy là một đề tài cấm kỵ, điển hình là câu phán “xanh rờn” của ông Trần Bạch Đằng cách đây bảy tám năm. Nhạc sĩ nghĩ gì về phản ứng trước nhạc sĩ của nhà cầm quyền?

PD: Phải cho tôi thở dài cái đã (cười). Mệt quá. Có gì đâu. Chuyện hết sức giản dị: Một con chim sinh ra để hát những điều tốt đẹp, trong mùa xuân. Nghe con chim hót bằng trái tim của ông công an thì… bỏ mẹ rồi; mà nghe bằng trái tim của ông Trần Bạch Đằng thì… khổ quá. Không chấp. Kệ. Sự công nhận của quần chúng thầm lặng vẫn là điều bền nhất. Tôi hy vọng nhiều ở họ lắm. Ở thời kỳ nào cũng thế, tôi không dám nói là tôi nhìn sáng suốt hơn, nhưng quả thật tôi đã nhìn kỹ hơn, nhìn đúng, nhìn ra những nỗi khổ đau của dân tộc trong những bài hát của mình. Tôi nghĩ người nghệ sĩ nào cũng phải có ý thức về điều này, còn có làm được hay không lại là chuyện khác.

Ngẫm lại, có lẽ chúng ta cũng chẳng nên quá băn khoăn về mối tình rất sâu giữa tôi và nguời yêu hay về sự bất hòa rất lâu giữa tôi và kẻ ghét làm gì… Trong suốt một đời đi hát rong, hát dạo, tôi chỉ làm một công việc duy nhất là tặng cho ba, bốn thế hệ tình nhân của âm nhạc (music lovers) những bài ca - tôi nghĩ rằng - rất cao đẹp. Nếu trong hành trình văn nghệ của mình, đôi khi tôi phải cất tiếng phê bình xã hội và con người thì tôi cũng chỉ mong xã hội và con người khá hơn lên.

Nay các anh đặt vấn đề trao tình giữa tôi và người yêu kẻ ghét thì tôi xin được thưa rằng: người nào còn yêu nhạc Phạm Duy thì cứ việc đi tìm nghe nó trong cassette hay CD, qua video hay trên Internet… Người nào ghét nhạc Phạm Duy thì cứ việc giữ lấy cục bông gòn đã nhét chặt vào lỗ tai. Đã suốt đời chưa hề xin ai một ân huệ nào thì vào lúc cuối đời này, tôi cũng không thể hét vào lỗ tai ai cả!

Hỏi: Rồi thế nào cũng có một ngày người ta phải trả lại cho Phạm Duy lòng kính trọng và sự tôn vinh thỏa đáng mà bao lâu nay họ vẫn “nợ” ông. “Cười vang ta hát câu tự do” (******) giữa lòng Hà Nội, nhạc sĩ sẽ hát cho người Tràng An nghe những bài gì, nếu cần chọn lấy 10 bài?

Phạm Duy, ngày trở về

PD: (Cười) Chắc chắn là không được hát Tục ca rồi. Đủ rồi, không cần phải chửi ai nữa! (cười)

Trả lời câu hỏi của một phóng viên báo TUỔI TRẺ ở TP HCM năm ngoái về sự nợ nần nhau, tôi thú thật với anh ta là: chỉ có gia đình ông bà N.M.C. (đã quá cố) là còn nợ tôi nửa món tiền mua căn nhà ở Phú Nhuận mà chưa trả hết, nợ này chắc phải lấy tầu ngầm xuống Âm Ty may ra mới đòi được… Riêng vợ chồng tôi thì còn mắc nợ nhà băng ở Hoa Kỳ vài chục ngàn đô-la để mua căn nhà tại Thị trấn Giữa đàng, California USA từ 19 năm nay, nợ này chắc chắn sẽ trả xong trong ít năm nữa. Ngoài hai món nợ đó ra, tôi xin khai báo là không còn một món nợ nào khác giữa tôi và cõi đời này nữa. À quên, bắt chân chữ ngũ, vắt tay lên trán, sực thấy còn vài cái nợ tình với vài ba bà… thì hình như mấy cái nợ vặt này, chúng tôi cũng đã trả cho nhau gần hết cả rồi…

Bây giờ nói tới truyện thần tiên là: trên đường đi hát rong trên thế giới, có ngày tôi ghé hát ở Tràng An, chắc chắn là tôi sẽ không đả động tới 10 bài hát (như các anh “đặt hàng”) trong bất cứ loại ca nào có thể gây nên những phiền muộn cho mọi người. Có lẽ tôi sẽ mời người Hà Nội mến yêu của tôi nghe một trong bốn đoạn MINH HỌA KIỀU mà tôi đang hoàn tất chăng?

Nhưng, cái quan trọng là chúng ta phải trở về với sự bình thường. Tôi thích một nét tính tình này của người Việt mình: không có cái gì được quan trọng hóa cả. Nhưng trong năm mươi năm qua chúng ta bị quan trọng hóa nhiều quá. Cái ngày trở về Việt Nam tôi sẽ hát HÁT TRÊN ĐƯỜNG VỀ. Về đây không phải là về với Sài Gòn hay Hà Nội. Về đây là về với chính bản thân mình. Người Việt Nam đánh mất mình 50 năm nay rồi. Phải về lại với chính bản thân mình…

Ghi chú (của NCTG):

(**) “Cho nhau” (dòng Nhạc tình cảm tính).
(***) “Kẻ thù ta” (dòng Tâm ca).
(****), (*****) “Tình ca” (dòng Tình yêu quê hương, Tình tự dân tộc).
(******) “Nhạc tuổi xanh” (dòng Kháng chiến ca).

Thực hiện: Lê Văn Điểm – Lê Minh Hà – Hoàng Linh


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn