Nhạc sĩ Phạm Duy
Mười năm trôi qua, nhạc sĩ Phạm Duy đã hồi hương và một số vấn đề được đề cập tới trong cuộc trò chuyện đã không còn thời sự tính. Tại Việt Nam, gạt ra ngoài lề những eo xèo, ầm ĩ thường lệ của báo chí lá cải, đã có một số bài viết nghiêm túc về Phạm Duy và nhạc của ông. Tuy nhiên, bài phỏng vấn này vẫn hàm chứa nhiều thông tin quan trọng đối với những ai muốn tìm hiểu con người và sự nghiệp sáng tác của Phạm Duy, người nhạc sĩ lớn của Tân nhạc Việt Nam. (Bản đăng trên NCTG đã được biên tập và chỉnh sửa).
Hỏi: “Nhân sinh thất thập…”. Nếu tính theo tuổi ta thì tháng Mười năm nay (1996) nhạc sĩ Phạm Duy đã tròn bảy mươi sáu. Vượt qua ngưỡng thượng thọ đã lâu, sức khỏe cũng như sức sáng tạo nghệ thuật của nhạc sĩ có còn sung mãn như xưa? Nhạc sĩ vẫn sáng tác đều đặn?
PD: Đã suốt đời không hút thuốc lá, không uống rượu, gần đây lại rất chăm tập thể dục, cho nên trong đám “thanh niên cụ”, tôi là người có một cơ thể vững chãi hơn các bạn đồng tuế mà tôi gọi là bạn vàng (jaune). Tôi vẫn tự gọi mình là Tarzan (cười). Nói vui vậy chứ thực thì tôi vẫn còn đầy đủ sức khỏe và quan trọng là vẫn còn đầy đủ cảm hứng để sáng tác tới hơi thở cuối cùng. Về phương diện tinh thần, tôi không lúc nào cho phép đầu óc tôi được lười biếng hay nghỉ ngơi cả. Suốt đời học hỏi về nghệ thuật, hơn nữa từ ngày qua Hoa Kỳ, tôi đã đi vào lĩnh vực điện tử để áp dụng vào nghề nhạc của mình, vì thế tôi có thêm rất nhiều phương tiện để làm việc. Làm việc gì, nếu không phải là sáng tác? Có thể trả lời anh em rằng: nhờ có computer mà sự sáng tác của tôi có phần sung mãn hơn xưa đấy nhé! Tuổi trẻ ở Hoa Kỳ hiện nay gọi tôi (ngoài cái tên BỐ GIÀ) là CỤ HAI TẾCH.
Hỏi: Trong “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, điều gì đã quyến rũ nhạc sĩ trở thành một nhạc sĩ? Và yếu tố gia đình (cụ thân sinh của nhạc sĩ, nhà văn Phạm Duy Tốn, một trong những người đầu tiên viết văn xuôi đề tài xã hội) có ảnh hưởng thế nào đến tính thơ đẫm trong những sáng tác đầu đời của nhạc sĩ?
PD: Tôi cũng không định làm nghệ sĩ đâu. Đó là một tai nạn nghề nghiệp (cười). Tôi có may mắn sinh ra trong một nước bị trị nhưng vào đời đúng lúc nước tôi chuyển mình. Lúc còn trẻ, khi trong nước có hiện tượng đi tìm một nhạc ngữ mới để thay thế cho nhạc cổ, tôi bỏ nhà theo một gánh hát rong và đã trở thành một ca nhân bất đắc dĩ. Rất may, lúc ấy đang là thuở đầu đời của Tân nhạc (hồi ấy gọi là “âm nhạc cải cách”) và tôi đã là một trong những người sáng lập nên Tân nhạc Việt Nam. Rồi từ đó tôi cứ đi trên đường ấy. Phải nhấn mạnh điều này: cái may của tôi là đã ở đúng thời - thời có thể nói là chưa có bài hát Tân nhạc nào - và tôi là một trong những người đầu tiên đi hát Tân nhạc và thành công ngay. Nếu vào đầu thập niên 40, tôi mới lên 5 lên 10 hay đã quá 40, 50 tuổi và nếu tôi không phải là - cũng do “chó ngáp phải ruồi” mà thôi! - một chàng du ca 20 tuổi thì có lẽ dòng nhạc mới này đã trôi qua mà chẳng có tôi đâu!
Lẽ cố nhiên gia đình đã ảnh hưởng tới tôi khi chọn cho mình con đường hát ca “bất đắc dĩ” ấy. Bố tôi là nhà văn xã hội. Mẹ tôi là nữ thi sĩ, con gái nhà Nho. Anh tôi là một ông viết tiếng Pháp hay lắm (cười). Thành thử viết có hay không thì không biết, nhưng rõ là có lợi khi từ trong bản chất đã có được những ảnh hưởng của gia đình. Rồi thì hoàn cảnh đẩy đưa tôi tới chỗ lão luyện hơn thôi. Và cũng do say mê làm văn nghệ nên tôi còn được tồn tại đến hôm nay.
Hỏi: Đã hơn sáu mươi năm trôi qua kể từ thời điểm những ca khúc đầu tiên của tân nhạc Việt Nam ra đời (như BẼ BÀNG của Lê Yên, năm 1935). Do những lý do dễ hiểu, thế hệ hậu sinh chỉ được biết một cách đại khái về thời tiền khởi ấy, mà cũng chỉ sáu, bảy năm trở lại đây. Nhạc sĩ có thể chia sẻ thêm về không khí âm nhạc của đất nước cách đây già nửa thế kỷ qua một vài hồi niệm cá nhân?
PD: Sau hơn nửa thế kỷ, ấn tượng về thời Tân nhạc mới ra đời còn in sâu trong tôi là sự hứng khởi chung của toàn thể người nghe và người hát vào thời điểm đó. Dù nét nhạc của chúng tôi rất thô sơ (dường như đều chỉ nằm trong một âm thể độc nhất là ré minơ), dù lúc đó chỉ có khoảng ba hay bốn ca sĩ nhà nghề mà thôi, nhưng có thể nói tuổi trẻ mở thật rộng cõi lòng ra để tiếp đón những khúc điệu đầu tiên của thời đại, phản ánh ít nhiều tình cảm của họ là thứ lãng mạn tính mà nhạc cổ không có… Sự hứng khởi đó, chúng ta nên có những đêm trình diễn có tính chất rétrospectif (tôi gọi là: hồi tưởng) để cho các thế hệ sau (như các anh) học hỏi.
Đó là không khí chung, còn những kỷ niệm riêng thì phải cho tôi một “ngàn một đêm lẻ” để kể lại cho những ai muốn nghe. Có anh chị nào, ở trong hay ngoài nước, quan tâm tới cái “thuở ban đầu lưu luyến ấy” của Tân nhạc Việt Nam, dám mời tôi tới để hồi tưởng chuyện ngày xửa ngày xưa hay không?
Các anh đã nhắc đến thuở khai sinh của tân nhạc Việt Nam, tôi có thể nói thêm thế này: tân nhạc Việt Nam có cái may mắn ra đời đúng lúc cả dân tộc cựa mình đi tìm tự do độc lập. Nhưng không may: tân nhạc Việt Nam lại phải lớn lên ở một nước chiến tranh kéo quá dài, chính trị nhiều quá, chia rẽ nhiều quá, hết chia Nam Bắc lại chia lý tưởng. Người ta không có được một khoảng thời gian xã hội yên bình để nghe nhạc. Cho tới giờ phút này, khi tôi ngồi với các anh em ở đây, tôi vẫn có cảm giác rằng người Việt Nam vẫn chưa nghe nhạc như những người bình thường. Nghe nhạc với một tâm lý bất bình thường xem là nó trúng ai, nó theo ai thì… bỏ mẹ rồi (cười). Âm nhạc, cũng như mọi bộ môn nghệ thuật khác, cần phải có một thời bình. Ở Việt Nam không có, thành thử đó cũng là một thiệt thòi lớn… (ngừng) … cho tôi. Những bài hát tôi làm cách đây chừng năm sáu mươi năm giờ đây anh em cũng không được nghe, vì nó không được công nhận ở đất nước Việt Nam. Anh em hỏi tôi về những kỷ niệm riêng. Thì thế đấy: buồn có, vui có, cũng lung tung lắm. Nhưng tôi có thể nói hết sức lạc quan: cho đến hôm nay, tân nhạc Việt Nam có đến sáu mươi năm trưởng thành rồi và tuổi trẻ Việt Nam ngoài thú vui âm nhạc - tôi nghĩ - cũng chưa có thú vui nào khác hơn. Người trong nước hay ngoài nước vẫn còn tìm đến nhau, an ủi nhau, yêu nhau, ghét nhau bằng âm nhạc. Với tôi, đó là một điều mừng.
Hỏi: Nếu lấy 1945 làm mốc đánh dấu kỷ nguyên đầu tiên - kỷ nguyên thành lập - của tân nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy đã có ba bài “tiền chiến”: CÔ HÁI MƠ; KHỐI TÌNH TRƯƠNG CHI và CÂY ĐÀN BỎ QUÊN. Đâu là điểm tương đồng, đâu là điểm dị biệt trong nhạc tình của Phạm Duy thời này so với nhạc lãng mạn của những tổ sư tân nhạc khác, chẳng hạn như Lê Thương, Thẩm Oánh, Dzoãn Mẫn, Đoàn Chuẩn, Đặng Thế Phong…?
Phạm Duy và Nguyễn Văn Thương
PD: Buổi khởi đầu, tân nhạc Việt có hai xu hướng: nhạc hùng và nhạc tình. Nói riêng về nhạc tình thì nhạc tình của chúng tôi vào lúc Tân nhạc mới ra đời, về nội dung, tất cả đều là nhạc lãng mạn, lãng mạn chủ nghĩa theo lối Pháp. Ông nào ngày đó cũng làm vài bài nhạc về mùa thu, về con nai vàng ngơ ngác. Về thể điệu thì chúng tôi lấy nhạc cổ điển hay tân kỳ Âu Mỹ làm tiêu chuẩn. Bây giờ, nếu cần phải phân loại tí ti thì ta hãy tạm gọi nhạc Đặng Thế Phong là nhạc lãng mạn mùa Thu (cả ba bài ĐÊM THU, CON THUYỀN KHÔNG BẾN, GIỌT MƯA THU đều chỉ nói tới mùa Thu), nhạc Dzoãn Mẫn là nhạc tình sông nước (CÔ LÁI ĐÒ, BIỆT LY). Và nếu đóng khung vào ba bài nhạc tình mà các anh vừa kể thì CÔ HÁI MƠ, KHỐI TÌNH TRƯƠNG CHI, CÂY ĐÀN BỎ QUÊN của thằng tôi nhút nhát là nhạc tình ấp úng. Về sau, tôi bạo dạn hơn nên nhạc tình của tôi là nhạc tình cảm tính (sentimentale), nhạc tình dục tính (sensuelle)…
Kỹ hơn chút nữa, nếu nói một cách ngắn gọn thì nhạc tình cảm tính của tôi khác với nhạc tình của Lê Thương, của Đặng Thế Phong… ở chỗ: hai người yêu nhau không cần phong cảnh nào cả, không cần “thuyền mơ”, “suối mơ”, “bến xuân”, chỉ có anh và em, chỉ có “ngày đó chúng mình yêu nhau”, “đừng xa nhau”, “kiếp nào có yêu nhau” (*). Đại khái thế.
Hỏi: Nhạc sĩ Phạm Duy đã tham gia tích cực và là một trong những linh hồn của giới văn nghệ sĩ trong sáu năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Đã sống và sáng tạo trong sự biến thiên sâu sắc của lịch sử hiện đại Việt Nam, nhạc sĩ nghĩ như thế nào về thời kỳ ấy? Có thể coi đây là một giai đoạn thành công, đáng ghi nhớ trên hành trình sống và sáng tạo của Phạm Duy?
PD: Tôi hãnh diện vì được tham gia vào kháng chiến chống Pháp và vì đã đóng góp được vào nền âm nhạc nước nhà bằng ba mươi bài ca kháng chiến. Không lúc nào tôi phủ nhận điều này. Giờ đây, tôi vẫn cho rằng trong vòng năm trăm năm nay nước mình chỉ có 10 năm đoàn kết, thực sự yêu nhau, cùng gánh vác giang sơn và đó chính là khoảng thời gian từ 45 đến 55 (1945 - 1955). Còn việc nhà cầm quyền và nhân dân đánh giá như thế nào về phần đóng góp của tôi thời kháng chiến, là ba mươi ca khúc ấy, thì nói thật: tôi xin chịu. Tôi chỉ biết cống hiến xong rồi, là xong (cười).
Nói kỹ hơn, Cách mạng và Kháng chiến (với Mặt trận Việt Minh) đã là cái giàn phóng để cho các nhạc sĩ tiền phong trẻ tuổi là chúng tôi bay nhanh, bay xa… hay bay chậm, bay gần. Nếu không đi theo Kháng chiến, có thể tôi đã ngưng làm nhạc từ lâu. Lúc đó, với lòng tự hào dân tộc của toàn dân trong chiến đấu, tôi quyết định không đi theo trường phái nhạc cổ điển hay tân kỳ Âu Mỹ, dù cũng biết yêu quý Bach hay Mozart, Schubert hay Beethoven, Debussy hay Ravel…. Trước khi Tân nhạc ra đời, vì đã sống ở đồng quê và đi theo một gánh hát rong, tôi có cơ hội tiếp thu gần như toàn thể Dân ca, Dân nhạc cổ truyền Việt Nam. Khi khởi sự cái gọi là Tân nhạc của tôi đó, tôi quyết định ra đi từ cái vốn liếng của dân tộc… Quả rằng bài Dân ca mới đầu tiên của thời đại là bài NHỚ NGƯỜI THƯƠNG BINH, soạn tại Vĩnh Yên năm 1947, có thể được coi là sự thành công của tôi trong thử thách soạn nhạc mới, lấy tứ nhạc từ dân ca, dân nhạc và lấy cảm hứng từ người dân. Từ đó, tôi vững tâm đi theo con đường Dân ca mới mà tôi vạch ra, với những bài như DẶN DÒ, MÙA ĐÔNG CHIẾN SĨ, RU CON, BÊN NI BÊN TÊ, NHỚ NGƯỜI RA ĐI, TIẾNG HÁT TRÊN SÔNG LÔ, NƯƠNG CHIỀU, GÁNH LÚA, BÀ MẸ GIO LINH, VỀ MIỀN TRUNG, v.v… dựa vào tiêu chuẩn tứ nhạc và cảm hứng mà tôi đã nói. Vào thời điểm này, như anh em nói, tôi chưa gặp một sự khó khăn nào của giới lãnh đạo văn nghệ.
Thật là đáng tiếc cho tôi là sau 6-7 năm hứng khởi ở vùng quê như vậy, tôi gặp ít nhiều khó khăn nên đành phải tìm về thành thị để tiếp tục làm cuộc hành trình nghệ thuật của riêng mình. Những bài Tình ca quê hương, Tình tự dân tộc tôi soạn ra ở miền Nam là sự tiếp nối những bài dân ca kháng chiến của thời trước đó… Cao điểm của loại dân ca cải tiến này là những bản Trường ca soạn ra về sau như CON ĐƯỜNG CÁI QUAN, MẸ VIỆT NAM…
Qua Hoa Kỳ, sau 1988, với sự tiếp sức của người con thứ Duy Cường, chúng tôi tiến từ giai đoạn đơn điệu (monophonique) qua giai đoạn đa điệu (polyphonique). Nếu phải qui loại cho nhạc phẩm của chúng tôi thì đó là những bài bản soạn theo trường phái quốc gia ấn tượng (nationale, impressioniste). Hiện nay, tôi đang thai nghén sáng tác cuối cùng là bốn bức MINH HỌA KIỀU.
Tôi nghĩ rằng, khởi sự đời mình bằng dân ca kháng chiến, kết thúc đời mình bằng việc xưng tụng tác phẩm muôn đời của nền thi ca dân tộc là truyện KIM VÂN KIỀU, chân lý của tôi là: chỉ muốn làm một nhạc sĩ Việt Nam, dù thế này hay thế nọ, dù thế kia hay thế đó, dù vắng xa hay gần gũi, dù ở trong hay ở ngoài, dù được yêu hay bị rủa, dù còn sống hay đã chết, vân vân và vân vân…
Hỏi: Nhắc đến Phạm Duy, không thể không nhớ tới Văn Cao. Nhiều người đã nghĩ rằng gia tài âm nhạc của Văn Cao sẽ không chỉ có thế, ngót nghét hai chục bài, nếu ông được sống cho âm nhạc trong những điều kiện khác…
PD: (cười) Nếu so sánh Văn Cao và tôi thì phải công nhận là anh Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều lắm. Về nhạc. Về họa. Về thơ. Đủ mọi phương diện. Nói anh ấy không may thì cũng không đúng. Vào lúc nước Việt Nam, từ nền Dân chủ Cộng hòa biến thành chế độ Cộng sản, cả hai chúng đều đã chọn đất đứng của mình một cách rất rõ ràng, minh bạch. Ông ấy đã chọn con đường của ông ấy: ở lại. Thành quả là tuy Văn Cao chỉ có một sự nghiệp nhỏ nhưng ông lại có một vinh quang lớn: ông là tác giả bài Quốc ca của nước Việt Nam. Tại sao đã là công dân nước Việt, quý vị cứ luôn luôn buồn phiền hộ ông mà không hãnh diện vì ông?
Tôi cũng chọn con đường của tôi: làm một người tự do tuyệt đối. Vào thời điểm 1951, tôi cũng được chính quyền và nhân dân yêu lắm. Nhưng tôi muốn tự do, để sáng tác, vâng, thế là tôi đi. Đi, cho tới lúc này, ngồi cạnh anh em ở Hannover, vẫn chưa ngừng nhé (cười).
Việc đánh giá Văn Cao, cũng như những kết quả đến với ông ấy ra sao thì tôi không dám nói. Văn Cao có cái vinh và cái nhục của Văn Cao. Tôi cũng thế. Văn Cao được chết ở đất quê. Chứ còn tôi, nay mai chết sẽ được chôn ở Bắc Cực chăng? (cười) Tôi không dám đem mình so với Văn Cao, nhưng tôi xin nói là nếu anh Văn Cao có được một - đời - sống - được - làm - việc như mình muốn, nghĩa là tự do chọn lựa, tôi chắc anh ấy còn làm được hơn tôi.
Còn tôi, từ khi đã chọn làm người hát rong tự do và độc lập, nếu chỉ vì tôi không phục vụ cho một chế độ nào cả cho nên tôi có bị lịch sử (!) gạt đi và coi như không có một sự nghiệp nào ở nước Việt Nam hiện nay… thì đó là cái giá mà tôi vui lòng móc túi ra trả.
Ghi chú (của NCTG):
(*) Tên một số ca khúc thuộc dòng Nhạc tình cảm tính của Phạm Duy.
Còn tiếp
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn