OLGA BERGGOLTZ

Thứ sáu - 13/10/2006 21:58

"Con người là những mảnh vỡ của một ngôi sao buồn" (1)

Hình ảnh Olga Berggoltz và thành phố quê hương trong thời gian bị phát-xít Đức phong tỏa

Olga Berggoltz (2), nữ thi sĩ của tình yêu, là như thế, như một câu thơ của ai đó.

Người đàn bà cô độc đi dọc đại lộ Moscow. Mùa thu. Đàn sếu và sương mù. Những trận gió ào ào trút lá. Buồn thì rõ rồi, Olga. Nhưng có phải ai cũng nhạy cảm đến độ cảm giác được cả nỗi đau của những chiếc lá rời cành ấy.

Những tấm biển treo dọc theo đại lộ
Nhắc những ai đi qua dù đầy đủ lứa đôi
Nhắc cả những ai cô độc trên đời
"Tránh đừng đụng vào cây mùa lá rụng"

Có lẽ chị đã khóc khi viết những câu thơ ấy. Phải, ngay ở những câu thơ bình lặng ấy - khi chị chấp nhận sự cô độc như không thể nào khác, như bài thơ "Mùa lá rụng":

Ôi trái tim tôi, trái tim một mình tôi
Đập hồi hộp giữa phố chiều xa lạ
Buổi chiều kéo lang thang mưa giá
Khẽ rung lên trên ô cửa sáng đèn
Ở đây tôi cần ai khi xuôi ngược một mình
Tôi sẽ yêu ai, ai làm tôi hạnh phúc
"Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng"
Nhắc suốt đường vẫn chỉ bấy nhiêu thôi
Nếu chẳng còn gì khao khát trong tôi
Thì có nghĩa chẳng còn chi để mất

Thơ của Olga là thơ của một người đàn bà đã trải nghiệm tình yêu với đầy đủ những cung bậc hạnh phúc và khổ đau của nó. Đó là tình yêu để mất vì những giận hờn nông nổi của tuổi trẻ (trong "Câu chuyện mười năm"):

Chỉ có một lần thôi
Em hỏi anh im lặng
Thế mà em hờn giận
Để chúng mình xa nhau

Biết đi đâu về đâu
Con đò không bến đợi
Ôi cây xanh tình đời
Có nghe lời ta gọi?

để rồi còn lại mãi một nỗi đau, một niềm ân hận xót xa:

Năm tháng đắng cay hơn năm tháng ngọt ngào hơn
Em mới hiểu bây giờ anh có lý
Dù chuyện cũ đã xa rồi, anh cách xa thế
Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa theo
("Bài thơ cuộc đời")

Có phải vì thế mà thơ chị luôn tìm được sự chia sẻ? Như một thứ quy luật, nhiều khi có thể nghiệm ra khi đọc hai câu cuối trong bài "Mùa hè rớt":

Sao ơi sao, sao sắp lặn vào đêm
Ta biết lắm thời gian đang vĩnh biệt
Nhưng sao chỉ đến giờ ta mới biết
"Yêu thương - giận hờn - tha thứ - chia ly"

Con đường tình yêu hình như ai cũng như ai, có phải bởi tuổi trẻ luôn đầy kiêu hãnh và sai lầm, nên dẫu Olga có kể, có khuyên, có van nài:

Những đôi lứa yêu nhau
Hãy nghe tôi kể lại
Chỉ một lần trót dại
Thế mà thành chia phôi

thì con đường ấy vẫn cứ chẳng bớt đi chông gai cho những người đi sau:

Lũ trẻ lớn lên tiếp nối hai ta
Lại hát lại lời yêu thủa trước
Vẫn sông Volga và những chiều sóng nước

và Olga hoàn toàn có lý khi viết

Nhưng xét cho cùng họ có lỗi đâu anh

Bởi đó mới là cuộc sống. Tình yêu, và cả anh và em nữa, đều chẳng ai có lỗi. Trách làm chi những dại khờ non trẻ ấy.

Có thể đọc chính nỗi niềm riêng của mình. Olga trăn trở từ trong mỗi giấc mơ. Kiêu hãnh thế, nhưng cũng mong manh và dễ tổn thương biết chừng nào:

Em mong trở về trong giấc mơ anh
Dù trong mơ em không còn như ảnh
Em một thuở cuộc đời như chim như nắng
Như tuổi thanh xuân, như hạnh phúc vô bờ.
("Em mong trở về trong giấc mơ anh")

Ngay cả khi chị kiêu hãnh cất bước một mình mà con đường trước mắt vẫn còn thăm thẳm dài:

Anh hãy cố vui lên con đường chia hai ngả
Tìm hạnh phúc bình yên trong ấm áp con mưa
thì đoạn điệp khúc ấy vẫn òa lên day dứt khôn nguôi:
Tôi ra ga lòng lặng lẽ như xưa
Một mình với mình thôi không cần ai tiễn biệt
Tôi không nói cùng anh đến hết
Nhưng bây giờ còn phải nói gì hơn
Cái ngõ con đã tràn ngập màu đêm
Những tấm biển treo ngang càng thấy trống:
"Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng"

Olga Berggoltz, "con người đi cô độc quá trên đời", là như thế. Mẫn cảm, ưu tư như "Mùa hè rớt" của thi sĩ.

Ghi chú (của NCTG):

(1) Trích một tác phẩm của Anatoli Kim (1939-), nhà văn Nga.
(2) Olga Berggoltz (1910-1975): nũ thi sĩ Nga, nổi tiếng với nhiều bài thơ tình.

Nguyễn Thủy Minh


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn