CHUYỆN PHỐ PHƯỜNG

Thứ năm - 18/11/2010 12:28

“Thay quần áo, đặt nồi cơm rồi bắt đầu nhặt rau. Chiếc lạt được cởi ra, lớp rau non mượt thẳng dài đổ xuống, lộ ra một lớp rau ngắn và vàng cong hết cả lại, phía gốc bị cắt ngắn, mình lặng đi, cầm lớp rau ngắn và vàng lên bẻ ra lộ ra một lớp nữa, toàn cọng rau nằm gọn ở giữa. Hẳn nào, mớ rau to thế.”



RAU CẢI XOONG

“Tháng 10 chưa cười đã tối”, mới 6 giờ mà trời đã âm u lắm rồi. Mình đi làm về thế này là sớm hơn mùa hè nhiều, mùa hè toàn 7 giờ mới về. Cũng đã có đủ thức ăn ở nhà, nhưng nghĩ sao vẫn lượn qua cổng chợ chút, tà tà xe thấy một chị bán hàng quang gánh bên vệ đường, trên quang gánh còn nhõn mỗi mớ rau. Mình đi qua, chị bán hàng gọi:

- Chị ơi, mua nốt em mớ rau cho em đi về.

Nhà cũng có rau rồi, nhưng nghĩ thế nào mình dừng xe lại, chị bán hàng tất tả xách quang gánh lên chỗ xe mình, cầm mớ rau đưa trước mặt mình:

- Ngon lắm, mua cho em đi về, em còn mỗi mớ thôi.

Mớ rau cải xoong non mượt nhìn đến mê, 6 nghìn, tiền mình trao, rau để vào giỏ xe còn nhận được lời của chị bán rau:

- May có chị, em được về sớm.

Thấy mình về có mớ rau non mượt trên giỏ xe, ba mẹ mình bảo:

- Chợ muộn mà vẫn mua được mớ rau ngon thế.

Thay quần áo, đặt nồi cơm rồi bắt đầu nhặt rau. Chiếc lạt được cởi ra, lớp rau non mượt thẳng dài đổ xuống, lộ ra một lớp rau ngắn và vàng cong hết cả lại, phía gốc bị cắt ngắn, mình lặng đi, cầm lớp rau ngắn và vàng lên bẻ ra lộ ra một lớp nữa, toàn cọng rau nằm gọn ở giữa. Hẳn nào, mớ rau to thế.

*

GẠO XÁT DỐI

Ba mình bệnh và ông thích ăn gạo xát dối, tức là gạo còn có cám bám vào màu nâu vàng nhìn bẩn bẩn ấy giống gạo mậu dịch ngày xưa, không phải gạo trắng tinh như giờ. Thế là mình đi đặt ở các hàng gạo, hàng nào cũng nhận lời nhưng rồi đến ngày hẹn đều xin lỗi vì không đặt được gạo đó, họ đều bảo gạo giờ toàn xát trắng tinh, khó đặt gạo xát dối lắm. Đành vậy, biết làm sao.

Mình kể chuyện này với người nọ người kia, có một chị sốt sắng bảo giới thiệu cho một bà nhà quê, chuyên mang gạo cho chị ấy. Ngon lắm, cứ đặt là bà ấy mang đến tận nơi. Rồi mình cũng gặp bà ấy, nói yêu cầu cái bà nhận lời ngay, bảo mai sẽ có gạo cho mình. Mai của bà tức là chủ nhật hôm qua ấy ạ. Mình vui mừng báo cho ba mình biết là chủ nhật sẽ có gạo, ông vui lắm.

Gần trưa Chủ nhật mình đến chỗ hẹn và mang 2 yến gạo xát dối về mà trong lòng vui mừng ghê gớm vì đã đặt được gạo xát dối cho ông. Vục tay vào bao gạo màu xin xỉn, ba mình thích lắm. “Nấu luôn đi!”, ông bảo mình vậy và còn dặn đi dặn lại: “Con đừng vo kỹ nhé, bong hết lớp cám đấy, quan trọng là lớp cám, ba cần thế!”.

Đong gạo vào giá và vừa dìm giá gạo vào chậu nước xong, chưa kịp khỏa tay thì thấy nổi hết trên mặt nước một lớp cám vàng. Mình ngồi im, nghĩ một lúc, sao thế nhỉ? Có gì bất thường đây. Vội gọi ba xuống, ông nhìn lớp cám dày nổi phía trên giá gạo rồi hỏi:

- Con đã vo chưa?

Mình lắc đầu:

- Con vừa cho dìm xuống nước xong, đã kịp khỏa tay đâu.

Mình từ từ gạt nhẹ lớp cám nổi lên trên ra ngoài và nhấc giá gạo lên: những hạt gạo trắng muốt nhìn mình cười ngạo nghễ.

*

CỐC SỮA

Đang ngồi làm thì thấy một người đàn ông đứng tuổi gày gò xanh xao, gương mặt hiền chân chất bước vào chỗ mình

Mình hỏi:

-  Bác cần gì ạ?

Người đàn ông thều thào bảo:

- Tôi hết tiền… tôi vừa phải bán máu… tôi đói quá!

Mình chợt nghĩ đến những người sau khi bán máu thường được bác sĩ khuyên uống một cốc sữa ông Thọ nóng. Vội bảo người đàn ông chờ rồi hí húi pha cho ông một cốc sữa nóng, cũng may mình có hộp sữa để đây thỉnh thoảng ăn bánh mì chấm, rất ngon.

Cũng nghĩ là ông ấy uống xong chắc mình không dám uống lại cái cốc đó, nên tìm một cốc nhựa và bảo ông là bình tĩnh uống và không phải trả cốc.

Người đàn ông run run cầm cốc sữa nóng, vừa thổi vừa uống ít một. Sau rồi bảo mình:

- Nóng quá, tôi xin cô vừa đi vừa uống nhé?

Mình vô tư bảo:

- Không nóng lắm đâu, cháu pha nóng vừa để bác uống được hết luôn mà?

Ông nhấp một ngụm rồi bảo:

- Tôi xin cô, tôi vừa đi vừa uống!

Trước khi quay đi còn cẩn thận cúi đầu cảm ơn mình.

Cũng lâu sau mình phải chạy ra ngoài có việc, đi bộ chưa hết một quãng phố thì từ xa, trên một ô hở của cột điện nơi đầu phố, mình nhìn thấy một vật trăng trắng quen quen, đến gần thì nhận ra là chiếc cốc mình đã pha sữa cho người đàn ông lúc nãy. Chợt mỉm cười, vậy là uống xong ông không nỡ vứt cái cốc đi, còn cẩn thận để đây. Đến gần hơn nữa, sát cột điện thì thấy kiến bu đầy và nhìn vào trong cốc thì sữa vẫn còn nguyên, chỉ vơi một chút.

Bích Ngọc, từ Hà Nội


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn