VÁN BÀI CHIẾN THUẬT TRONG HỒ SƠ TRUYỀN THÔNG HUNGARY

Thứ tư - 09/02/2011 18:46

Cuộc chiến giữa Ủy ban Châu Âu và Chính phủ Hungary trong hồ sơ Đạo luật Truyền thông bị phê phán là vi phạm trầm trọng tự do báo chí, tự do ngôn luận đã đến một chặng mới trong cuộc gặp mặt ngày thứ Hai vừa qua giữa đại diện của hai bên tại Bruxelles.


Nhóm dân biểu đảng đối lập LMP phản đối Đạo luật Truyền thông tại Quốc hội Hungary - Ảnh: Stiller Ákos (hirszerzo.hu)


Phía Hung tới phiên thảo luận với một số điều khoản đã được sửa đổi trong luật, và phái đoàn Ủy ban Châu Âu cũng đưa ra một số đề nghị chỉnh sửa cụ thể những gì mà EU cho là đáng lo ngại. Theo những thông tin sơ bộ, Đạo luật Truyền thông sẽ được sửa đổi trong vòng vài tuần tới, có thể là vào trung tuần tháng Ba. Hungary hứa sẽ có câu trả lời dứt khoát với Châu Âu vào thứ Năm này.

Điều này, xét về bề ngoài, có vẻ như một chiến thắng của Châu Âu và của những ý kiến phê phán Đạo luật Truyền thông trước một chính phủ Hungary từng tỏ ra rất cương quyết và cứng rắn, mà ngay tuần trước vẫn khăng khăng khẳng định rằng, tất cả những điều khoản trong đạo luật đều phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của EU, và sự lo ngại của Ủy ban Châu Âu là vô căn cứ.

Một điều chắc chắn: Hungary sẽ sửa đổi Đạo luật Truyền thông, nhưng các bình luận thiên về hướng cho rằng thái độ của chính phủ nước này cho thấy, chỉ những điểm nhỏ nhặt trong luật - không mang tính bản chất - mới được nới lỏng. Như phát biểu của Quốc vụ khanh phụ trách thông tin của Chính phủ, ông Kovács Zoltán, tất cả chỉ là do những hiểu lầm giữa Hungary và EU khi lý giải đạo luật (cho dù, nếu EU đưa ra những đề xuất cụ thể và xác đáng thì Hungary sẽ tuân thủ).

Và, căn cứ những dấu hiệu gần đây, có thể giả định rằng, Châu Âu cũng sẽ không “làm khó” Chính phủ Hungary đến cùng trong hồ sơ truyền thông...

*

Để phân tích sâu hơn về vấn đề này, cần nhắc lại một số động thái trong cuộc đấu trí giữa Ủy ban Châu Âu và Chính phủ Hungary trong thời gian qua.

Hai ngày sau khi Đạo luật Truyền thông được Hungary thông qua vào rạng sáng ngày 21-12 năm ngoái, người phụ trách các vấn đề truyền thông của EU, bà Neelie Kroes, đã viết thư đề nghị chính quyền Hungary đưa thông báo chính thức về những vấn đề liên quan tới luật mới.

Phía Hungary đã mất hơn 2 tuần để đáp ứng yêu cầu đó của Ủy ban Châu Âu và sau đó, vào ngày 21-1, bà Kroes đã gửi tiếp 1 lá thư khác cho Chính phủ Hungary nêu ra ba điểm mà EU cho là “đáng lo ngại” ở mức đáng kể trong Đạo luật Truyền thông mới của Hungary, và đề nghị nội các nước này có câu trả lời xác đáng trong thời hạn hai tuần. Bằng không, Châu Âu có thể có biện pháp trừng phạt.

Thứ nhất, Đạo luật Truyền thông của Hungary “có vẻ như” có thể áp dụng cả với những dịch vụ truyền thông thực hiện tại nước ngoài (thực ra, đây cũng là ý muốn của Chính phủ Hungary đối với những cơ sở truyền thông bị coi là có hại cho Hungary), như thế, nó có thể vi phạm nguyên tắc cơ bản của EU về các dịch vụ truyền thông và âm thanh - hình ảnh.

Thứ nhì, đòi hỏi về việc phải cân bằng trong đưa tin trong Đạo luật Truyền thông có thể được áp dụng một cách rộng rãi đối với các dịch vụ truyền thông mà tại đó, yêu cầu này có thể hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí - chẳng hạn, đối với những chương trình do người sử dụng tự lựa chọn và “đặt hàng” theo nhu cầu của họ, hoặc đối với các blog hay mạng video trực tuyến.

Châu Âu cho rằng luật định của Hungary ở đây chưa rõ ràng, khiến trong những trường hợp riêng rẽ, chính quyền có thể có khả năng cân nhắc quá lớn, ảnh hưởng đến “sự cân đối của quản lý nền truyền thông tự do”.

Thứ ba, Châu Âu cảm thấy lo ngại khi đạo luật không có những yếu tố quyết định để xác định những hạn chế, do đó những nguyên tắc về bổn phận đăng ký truyền thông có thể “bị áp dụng một cách tràn lan” đối với tất cả những dịch vụ truyền thông trực tuyến chứa chở âm thanh và hình ảnh (chẳng hạn, các blog).

Có thể thấy, ba lo ngại của Châu Âu đều hướng vào những điểm trừu tượng, không thật thiết thực và không đi vào bản chất của những phê phán gay gắt liên quan tới Đạo luật Truyền thông Hungary.

Yếu tố ảnh hưởng đến sự độc lập của truyền thông, và thông qua đó, sự tự do của báo chí và ngôn luận - sự hiện diện của một “siêu cơ quan” trên vai trò Hội đồng Truyền thông, có quyền hạn tối thượng, mà lãnh đạo toàn là quan chức do đảng cầm quyền FIDESZ cắt cử và có nhiệm kỳ trong 9 năm - đã không được nhắc tới.

Bên cạnh đó, khoản tiền phạt tối đa lên tới 200 triệu Ft (tương đương 734 ngàn Euro) với những nội dung bị coi là vi phạm do Hội đồng Truyền thông tự phán xử - cũng như việc Hội đồng có thể buộc báo chí phải tiết lộ nguồn tin, có thể khám xét các tòa soạn mà không thông qua tòa án khi viện cớ “lợi ích an ninh quốc gia”, cùng những “biện pháp mạnh” đối với báo chí và giới kỳ giả, khiến bầu không khí “tự kiểm duyệt” có thể bị hình thành - đã không hề được nhắc đến!

*

Chính quyền Hungary đã có phản ứng như thế nào trước những điều mà EU coi là “đáng lo ngại” trong Đạo luật Truyền thông?

Không chỉ Chính phủ, mà Hội đồng Truyền thông Hungary cũng đã lên tiếng, cho rằng những quan ngại ấy là vô căn cứ, rằng nếu đọc kỹ và hiểu rõ Đạo luật Truyền thông, thì EU đã không có ý kiến như vậy. Theo nội các Hungary, đây chỉ là những vấn đề mang tính kỹ thuật, nếu cần phía Hung sẽ sửa đổi - nhưng nó không liên quan tới những cáo buộc, rằng Hungary bóp nghẹt tự do báo chí.

Và, cho dù người phụ trách các vấn đề truyền thông của Ủy ban Châu Âu có nhấn mạnh rằng, ba điểm “đáng lo ngại” kể trên chỉ là khởi điểm - EU có thể tiếp tục đề xuất những sửa đổi khác để Đạo luật Truyền thông phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Châu Âu không chỉ trong lời lẽ, mà trong cả tinh thần - nhưng giới bình luận cho rằng, EU sẽ không tiếp tục làm căng với Hungary trong vấn đề này.

Lý do là Ủy ban Châu Âu cũng muốn chấm dứt hồ sơ truyền thông Hungary càng nhanh càng tốt, trong vòng vài tuần lễ, và bằng lòng với việc nội các Hung chỉnh sửa một số điểm cho luật trở nên “nới tay” hơn, trong khi những cáo buộc nặng nề nhất đối với chính phủ Hungary trong hồ sơ tự do báo chí đã bị bỏ qua.

Về phần mình, nội các Hung ngỏ ý sẽ nới tay. Một số bổn phận của các kênh phát thanh và truyền hình có thể được giảm bớt, và yêu cầu phải đưa tin cân bằng sẽ không được áp dụng với các kênh truyền thông nhỏ, và đại đa số các blog không có nội dung kinh doanh.

Liên quan tới bổn phận đăng ký, Chính phủ Hungary cũng nhấn mạnh rằng “những điều kiện đăng ký truyền thông không thể hạn chế tự do báo chí”, và các sản phẩm báo chí nước ngoài vẫn tiếp tục được lưu hành tại Hung mà không phải thông qua bất cứ thủ tục đăng ký nào.

Nội các Hungary cũng sẵn sàng cân nhắc để việc đăng ký các sản phẩm báo chí trực tuyến trở nên đơn giản hơn, miễn là cơ quan quản lý biết được ai chịu trách nhiệm về nội dung sản phẩm - chẳng hạn như thông qua việc cập nhật thường xuyên các thông tin liên quan đến đơn vị xuất bản.

Trước phản ứng được coi là tích cực đó của Chính phủ Hungary, Ủy ban Châu Âu tỏ ra “rất hài lòng” và cho biết rằng, ngay cả khi những phiên họp thảo luận giữa đôi bên không đem lại kết quả thì EU cũng không tiến hành thủ tục trừng phạt, mà cố gắng giải quyết theo hướng bàn bạc song phương để đi đến thống nhất quan điểm, vì điều này “mang lại kết quả nhanh chóng hơn là sự kiện tụng”.

Những nguồn tin gần EU của báo chí Hungary cho rằng, Ủy ban Châu Âu - mà người đặc trách truyền thông là bà Kroes, một nhà đàm phán lão luyện và có thể vô cùng cứng cỏi nếu cần - đã có những nước cờ cao tay trong chiến thuật thông tin.

Hễ phía Hung đưa ra lời thanh minh, lý giải và ngỏ ý có thể sửa đổi luật, là EU nói như thể đôi bên đã thỏa thuận trong việc sửa đổi đạo luật. Hễ phía Hung nói rằng thay vì những hiểu nhầm và những tuyên bố không cần thiết, hãy ngồi lại bàn bạc xem những gì cần sửa đổi, thì EU lại diễn giải như thể đôi bên sẽ nhanh chóng ngồi vào bàn thương lượng về những sửa đổi.

Bằng chiến thuật này, bà Kroes tìm cách loại trừ khả năng Chính phủ Hungary trì hoãn, kéo dài thời gian, để chấm dứt càng nhanh càng tốt vấn đề này. Ngược lại, EU cũng cho Chính phủ Hungary khả năng tự đưa ra thông tin về những sửa đổi và bằng cách đó, giữ được uy tín của mình. Ngoài ra, trong hậu trường, Ủy ban Châu Âu cũng có những áp lực đáng kể với Chính phủ Hungary, chẳng hạn, EU nói thẳng với Thủ tướng Orbán Viktor rằng cần xử lý Đạo thuật Truyền thông trước khi nó làm đảo lộn tất cả thời kỳ Hungary giữ cương vị Chủ tịch Luận phiên EU.

Như thế, khả năng là Orbán Viktor biết rõ ông ta có thể đi đến đâu và khi nào thì cần dừng lại trước áp lực của EU. Mọi thông tin của phía Hung trong hồ sơ này, do đó, đều hướng về các cử tri Hungary, hơn là về Ủy ban Châu Âu và người chịu trách nhiệm truyền thông của EU. Cuối cùng, trong ván bài giữa Chính phủ Hungary và EU, khả năng là đôi bên đều “diễn” tốt vai của mình và chỉ tự do báo chí ở Hungary là vẫn phải đối mặt với những quan ngại đáng kể...

(*) Bản tin đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn