Hai người Việt nhập cư bất hợp pháp bị phát hiện tại Anh - Ảnh: PA
Hai năm trước, để điều tra và triệt phá các mạng lưới tội phạm Việt Nam hoạt động trên lãnh thổ Liên hiệp Châu Âu, một nhóm công tác đặc biệt mang tên Tổ chức Tội phạm Quốc tế Việt Nam (VOIC) đã được thành lập với nhiệm vụ theo dõi sát sao những đường dây đưa người Việt Nam, liên quan tới một số quốc gia như Hungary, Cộng hòa Czech, Anh, Pháp và Đức.
Trong hồ sơ này, ngày 8-2-2011, các lực lượng an ninh EU - được sự hỗ trợ và điều phối của EUROPOL (Cảnh sát Châu Âu), EUROJUST (Cơ quan Hợp tác Tư pháp EU) - đã tiến hành một chiến dịch lớn nhằm phá các tổ chức buôn người do người Việt đứng đầu tại Châu Âu.
Về phía Hungary, Phòng chuyên trách các vụ việc nổi bật liên quan tới người di dân trực thuộc Cục Điều tra Quốc gia đã tổ chức khám nhà ở nhiều địa điểm và bắt giữ 5 nghi can trong ngày 8-2, và 1 nghi can khác trong hôm sau.
Những nghi can này bị tinh nghi một cách có cơ sở rằng trong hai năm 2009-2010, họ đã tìm cách để đưa các công dân Việt Nam nhập cảnh Hungary (với thị thực Schengen được cấp dựa trên những giấy tờ giả mạo) sang Tây Âu với giá 10.000 Euro/đầu người.
Từ Budapest, những người di dân được đưa bằng máy bay qua Pháp rồi sống vạ vật tại những căn hộ do các băng đảng buôn người bố trí, để chờ thời cơ sang Anh. Đa số gia nhập các nhóm “trồng cỏ” tại Vương quốc Anh và phải làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt, như những nô lệ thời hiện đại.
Được biết, trong quá trinh điều tra kéo dài gần 1 năm, các nhân viên NNI đã bắt giữ 27 nghi can (trong đó có 7 công dân Việt Nam và 1 công dân Algeria) và trong thời gian tới, sẽ còn những đương sự khác bị quy trách nhiệm hình sự.
Báo chí quốc tế cũng cho biết, có cả thảy 36 người đã bị bắt tại 5 quốc gia là địa bàn hoạt động của các nhóm buôn người trái phép. Cuộc điều tra quy mô lớn này khởi nguồn từ tháng 9-2010, khi có 22 nghi can bị tình nghi là đã đưa 72 công dân Việt Nam từ Đức sang Vương quốc Anh, qua Pháp và Bỉ.
Thông cáo của Interpol cho hay: hoạt động buôn người nói trên được thực hiện bởi một mạng lưới có tổ chức quy củ, tinh vi và có chi nhánh tại nhiều nước như Đức, Cộng hòa Czech, Ba Lan, Anh và Việt Nam.
Đây không phải lần phối hợp hiệu quả đầu tiên giữa các cơ quan an ninh Châu Âu nhằm triệt phá các băng đảng tội phạm Việt Nam: cũng trong hồ sơ buôn người này, vào tháng 6-2010, đã có một
chiến dịch lớn khác được tổ chức, trong đó, riêng tại Hungary đã có 12 nghi can bị bắt giữ (5 người trong số đó là công dân Việt Nam).