Minh họa: mạng dehir.hu
Đến nay đã bị sự phản đối của hơn 1 ngàn nhà nghiên cứu sử học Canada và quốc tế, nghị định nói trên tạo điều kiện để vài chục ngàn hồ sơ mật thời cộng sản có thể bị trao cho các cá nhân, nếu một dự luật có liên quan được thông qua vào tháng 11 năm nay. Hành động coi thường các tài liệu lịch sử này, theo giới sử học và lưu trữ, có thể để lại hậu quả không hay cho những ai muốn nghiên cứu về thời cộng sản Đông Âu.
Di sản của những thập niên cộng sản
Nhận biết và trực diện với quá khứ là một trong những nhu cầu tiên quyết của các quốc gia trong vùng Đông - Trung Âu thời hậu cộng sản, trong đó có Hungary. Đại đa số các nước trong khu vực đã ra những đạo luật cho phép công bố một phần - với những hạn chế nhất định - danh sách các cựu mật vụ, cựu chỉ điểm của thể chế cũ, và công luận các quốc gia trên đã nhiều lần được phen “dậy sóng” khi biết nhiều nhân vật khả kính, nhiều nhân sĩ, nghệ sĩ nước họ từng cộng tác với cơ quan mật vụ chính trị.
Tại Hungary, trong thời gian 1944-1990, các hồ sơ mật ghi nhận tên tuổi, bí danh, các số liệu cá nhân và hồ sơ tuyển dụng của hơn 50 ngàn nhân viên mật vụ, có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, báo cáo về những cá nhân hoặc tập thể mà họ được giao. Tất cả những thông tin có liên quan đến đội ngũ chỉ điểm này được mật hóa cho đến năm 2060 và chứa trong 18 cuộn băng từ - vào tháng 4-2010, nội các Xã hội của Thủ tướng Bajnai Gordon đã cắt cử một ủy ban dân sự để xử lý các thông tin đó.
Đứng đầu là sử gia Kenedi János và gồm hai thành viên khác là các chuyên gia về lưu trữ, văn bản học, Ủy ban Kenedi được nhận thời hạn 1 năm để phân loại một cách khoa học các hồ sơ mật vụ nói trên và đưa ra đề xuất giải mật cho Cục An ninh Quốc gia Hungary, “chủ nhân” của các hồ sơ. Sau đó, các hồ sơ sẽ được chuyển về Kho Thư khố Lịch sử Cơ quan An ninh Quốc gia (thành lập năm 2003) để giới nghiên cứu sử học có thể tiếp cận mọi khía cạnh trong hoạt động của các cơ quan mật vụ chính trị Hungary một thời.
Thủ tướng Bajnai Gordon khẳng định rằng, với việc tiếp cận “
những dữ liệu nhạy cảm nhất” - các thông tin về hệ thống chỉ điểm - một nhu cầu sẽ được đáp ứng, ấy là, người dân Hungary có quyền được nhìn nhận một cách sòng phẳn lịch sử, quá khứ của đất nước họ, và chính họ. Ngoại trừ những gì có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Hungary, mọi thông tin khác sẽ được công bố trong các công trình nghiên cứu, sách lịch sử, tránh tình trạng chúng bị sử dụng với những mục tiêu chính trị thường nhật.
Công việc chưa hoàn tất vì bị chính quyền ngăn cản
Với tiêu chí phải gọi là đẹp đẽ và hợp lý như vậy, Ủy ban Kenedi bắt tay vào công việc từ tháng 4-2010, ngay trước khi cuộc bầu cử Quốc hội Hungary diễn ra. Tuy nhiên, ngay từ khi mới thành lập, ủy ban này đã gặp phải sự cản trở liên tục ở mọi nơi, mọi chỗ của Cục An ninh Quốc gia và các cơ quan chính phủ, khiến công việc của ông Kenedi và hai đồng sự bị hạn chế ở mức cao nhất.
Thêm vào đó, sự chuyển đổi nội các diễn ra sau tháng 4-2010 - khi nội các Xã hội MSZP đại bại trước đảng cánh hữu Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ - càng khiến Ủy ban Kenedi bị vô hiệu hóa. Sử gia Kenedi cho biết: đó là lý do khiến nhóm của ông không sao hoàn thành được nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, có lẽ điểm bất ngờ nhất là 5 tháng trước khi sự ủy nhiệm kết thúc (tháng 5-2011), Ủy ban Kenedi đã bị giải tán bởi một Nghị định Chính phủ vào trung tuần tháng 12-2010, với lý do nội các mới của Thủ tướng Orbán Viktor sẽ công bố mọi hồ sơ mật vụ và do đó, không cần đến công việc phân loại, đề xuất giải mật đối với từng nhóm hồ sơ mà Ủy ban Kenedi đang thực hiện.
Sử gia Kenedi János (trái) và Thủ tướng Bajnai Gordon chủ trì cuộc họp báo tại
Phòng Munkácsy (Quốc hội Hungary) về số phận các số liệu an ninh quốc
gia - Ảnh: MTI
Điểm đáng nói nhất là đồng thời, Nghị định Chính phủ nói trên còn cho phép những người từng bị theo dõi được nhận các hồ sơ gốc về họ. Quốc vụ khanh Bộ Hành chính và Tư pháp, ông Rétvári Bence tuyên bố thẳng thừng: Nhà nước Hungary không thể lưu giữ những tài liệu được hình thành một cách bất hợp pháp và từ nay, chính các cá nhân bị theo dõi có toàn quyền với những hồ sơ của họ: có thể công bố, cho thân nhân, hàng xóm láng giềng xem, hoặc giả cất kỹ trong tủ hay tiêu hủy đi.
Để thực hiện được điều này, Chính phủ Hungary đã giao cho Bộ Hành chính và Tư pháp khởi thảo một dự luật và sẽ thông qua vào tháng 11 năm nay, với nội dung đặt quyền tự quyết của cá nhân đối với những dữ liệu được thu thập về mình lên vị trí tối thượng. Luật này, một khi được phê chuẩn, sẽ cho phép tất cả những hồ sơ theo dõi nói trên được trao vào tay cá nhân và kể từ đó, ngay giới khoa học nếu muốn nghiên cứu cũng sẽ phụ thuộc vào sự cho phép của những người từng bị theo dõi.
“Chưa từng có ở đâu trên thế giới!”
Đó là ý kiến kinh ngạc của sử gia Soós Viktor Attila, thành viên tổ công tác Quạ Trắng, nghiên cứu về lịch sử giáo hội dưới thời cộng sản. Nhà sử học này cho rằng không đâu trên thế giới, những văn bản chính quyền như vậy lại được trao ồ ạt cho thường dân. Theo ông, đây là một ý tưởng “
ngu dốt” vì thông thường, những hồ sơ theo dõi không chỉ hướng về một cá nhân, mà về một tổ, nhóm, thì ai sẽ được nhận chúng?
Phản biện dụng ý có vẻ đẹp đẽ của chính quyền, theo đó, một nhà nước pháp quyền không thể lưu giữ những số liệu cá nhân được thu thập một cách bất hợp pháp và vô đạo đức về các công dân, sử gia Soós Viktor Attila cho rằng nếu lý luận như vậy thì tất cả các hồ sơ hình thành thời cộng sản đều phải bị “giải tán”, vì chúng đều ra đời một cách phi pháp. “
Như vậy mới cần đến những kho lưu trữ chuyên môn để xử lý một cách khoa học các hồ sơ như vậy”, ông nói thêm.
Bản thân sử gia Kenedi János, chủ tịch ủy ban mang tên ông đã nhắc tới ở trên, thì cho rằng với quyết định này, Chính phủ Hungary đã khiến quyền tự quyết về thông tin của cá nhân đối đầu với quyền tự do nghiên cứu khoa học của những nhà chuyên môn muốn tìm hiểu cơ chế hoạt động của thể chế cũ. Ông cho rằng, nếu nội các Orbán muốn trao các hồ sơ mật vào tay cá nhân, thì đó là một hành vi phi pháp, cũng như ai đó muốn đánh cắp một trang báo, hoặc làm hỏng một hồ sơ tại Thư viện Quốc gia, hoặc Kho Thư khố Quốc gia Hungary.
Không chỉ trong nước, mà giới sử học, nghiên cứu nước ngoài cũng tỏ ra quan ngại về số phận các hồ sơ mật vụ Hungary. Hiệp hội Toàn quốc các nhân viên thư khố Canada đã đưa ra một lời phản đối, cho tới nay đã thu thập được chữ ký của gần 1.500 nhà khoa học Canada, Mỹ, Tây Âu..., và đây cũng là quan điểm chính thức của Hiệp hội Nghiên cứu Đông Âu (Hoa Kỳ).
Giáo sư sử học Christopher Adam (Đại học Ottawa, Canada), trong một bức thư bày tỏ sự đoàn kết với các đồng nghiệp sử học Hungary đề ngày 24-2 vừa qua, đã nhấn mạnh: trong quá khứ, việc làm thất thoát các hồ sơ lưu trữ đã để lại nhiều hậu quả thảm khốc khi cần trực diện với quá khứ để giải quyết những vấn đề của hiện tại. Do đó, dự định của Chính phủ Hungary đã gây nên sự lo ngại và công phẫn đáng kể trong công luận Bắc Mỹ, bởi lẽ họ nhận ra những hiểm họa tiềm ẩn nếu dự luật được thông qua như ý muốn của nội các Orbán.
(*) Bản tin đã đăng trên RFI.