HUNGARY CHUẨN BỊ “TIỂU TU” ĐẠO LUẬT TRUYỀN THÔNG GÂY TRANH CÃI

Thứ năm - 24/02/2011 23:54

Trung tuần tháng 2 vừa qua, Chính phủ Hungary đã chính thức thỏa thuận với Ủy ban Châu Âu về những chỉnh sửa mà EU cho là cần thiết trong Đạo luật Truyền thông bị phê phán là “bóp nghẹt tự do báo chí” của nước này.


Tranh châm biếm của giới blogger Hungary về Đạo luật Truyền thông phi dân chủ, bóp nghẹt tự do ngôn luận

Cho dù trước đó ít hôm, trong phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Orbán Viktor còn cứng cỏi tuyên bố nội các Hungary đã đánh bại mọi cuộc tấn công vô nguyên tắc trong hồ sơ về Đạo luật Truyền thông, và rằng không một cộng đồng quốc gia nào có thể can thiệp vào nội tình của Hungary, nhưng rốt cục chính phủ nước này vẫn phải có chút lùi bước trước dư luận quốc tế.

Thỏa thuận với EU

Như những thông tin trước đó cho thấy, về căn bản, ba đòi hỏi sửa đổi mà EU đưa ra đối với Hungary sẽ đều được đáp ứng. Đó là các vấn đề sau: (1) sự mở rộng hiệu lực của đạo luật đối với các dịch vụ truyền thông tại nước ngoài, (2) đòi hỏi về sự cân bằng trong đưa tin được quy định quá bao trùm, (3) bổn phận đăng ký quá nghiêm ngặt đối với các dịch vụ truyền thông.

Một đòi hỏi thứ tư do Ủy ban Châu Âu đề xuất về sau cũng sẽ được Hungary chấp thuận: khái niệm cấm những hành vi bị coi là “vi phạm” đến cá nhân, đa số và thiểu số trong đạo luật sẽ được xem lại.

Như thế, một số kết quả cụ thể đạt được trong đạo luật sửa đổi mà Chính phủ Hungary sẽ công bố vào đầu tháng 3 tới, là: các blog cá nhân không mang tính thương mại sẽ không cần đăng ký; đòi hỏi về sự cân bằng trong đưa tin sẽ không ứng với những chương trình do người sử dụng tự lựa chọn và “đặt hàng” theo nhu cầu của họ, hoặc đối với các blog hay mạng video trực tuyến; Hội đồng Truyền thông sẽ không thể phạt tiền các hãng dịch vụ truyền thông đặt ở nước ngoài, nhưng hướng về Hungary trong trường hợp họ cho rằng vi phạm xảy ra.

Dư luận trước “bước lùi chiến thuật” của Hungary

Đã có thể thấy trước rằng khi chấp thuận sửa đổi Đạo luật Truyền thông, chính phủ Hungary không hề bị “mất mặt” trước quốc tế và những ý kiến phản đối trong nước. Đó cũng là ý kiến của Quốc vụ khanh phụ trách truyền thông của chính quyền Hungary, ông Kovács Zoltán: ông này cho rằng những dụng ý lập pháp vẫn được giữ nguyên, mọi sửa đổi chỉ mang tính chính xác hóa một số điểm trong đạo luật.

Thủ tướng Orbán Viktor thì tự hào khẳng định, Hungary không chấp nhận những chỉ thị đến từ EU. “Brussels không phải là Moscow”, ông Orbán phát biểu trước Quốc hội với hàm ý, không ai có thể chỉ đạo hay bắt buộc Hungary làm theo ý họ như dưới thời XHCN, mà tất cả những gì diễn ra vưa qua là kết quả của một quá trình đàm phán, thương lượng bình đẳng với rất nhiều tổ chức Châu Âu.

Nhiều tổ chức quốc tế cũng bày tỏ sự thất vọng trước kết quả đạt được, các đảng đối lập của Hungary thì cho rằng không nên sửa đổi, mà cần thu hồi luôn Đạo luật Truyền thông vì tính chất bóp nghẹt tự do báo chí của nó.

Tổ chức Hợp tác và An ninh Châu Âu có trụ sở tại Vienna (Áo) đề nghị chính phủ Hungary, khi sửa đổi đạo luật theo yêu cầu của EU, hãy đáp ứng cả những đòi hỏi của tổ chức này để đảm bảo tính đa nguyên trong truyền thông và sự lưu thông một cách tự do của thông tin.


Người biểu tình giơ khẩu hiệu “Hãy để truyền thông độc lập!” trước trụ sở Đài Truyền hình Quốc gia Hungary (Quảng trường Tự do, Budapest)

Tổ chức liên chính phủ này quan tâm đến những hệ lụy của Đạo luật Truyền thông ngay từ khi nó được phê chuẩn và đặc biệt quan ngại khi Hội đồng Truyền thông - cô quan có quyền lực tối thượng được tạo dựng khi Đạo luật Truyền thông được thông qua - chỉ gồm toàn các thành viên do đảng cầm quyền FIDESZ cắt cử, và cho rằng điều này có thể chôn vùi tính đa dạng của truyền thông.

Đây cũng là phê phán của nhiều dân biểu Nghị viện Châu Âu trong phiên họp toàn thể trung tuần tháng 2 vừa qua, tuy nhiên, Ủy ban Châu Âu cho hay, vấn đề này nằm ngoài tầm tay của EU, bởi lẽ, trước đây, 24 nước thành viên EU đã bác bỏ một đề xuất của Ủy ban Châu Âu, đòi hỏi các cơ quan quản lý truyền thông phải độc lập với chính phủ.

Để có được một nền truyền thông tự do và độc lập như EU mong muốn, Brussels cần xem xét lại tất cả các đạo luật truyền thông của các nước thành viên - đó là ý kiến của bà Viviane Reding, Phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu và phụ trách về luật cơ bản của EU.

Nhân trường hợp của Hungary, bà Viviane cho biết bên cạnh Hungary, bà còn có thể nêu tên 10 thành viên khác cũng có vấn đề về truyền thông, và đã đề nghị Nghị viện Châu Âu ủy nhiệm Ủy ban Châu Âu thực hiện một cuộc kiểm tra tổng thể về luật truyền thông tại các quốc gia thành viên.

Giới dân sự Hungary muốn “đi đến cùng”

Riêng tại Hungary, một phong trào dân sự rộng lớn đã hình thành với mục đích “Cùng nhau viết lại Đạo luật Truyền thông!”. Trong khi chính phủ tuyên bố sẽ không lùi thêm một bước nào nữa, thì người dân không bằng lòng với những chỉnh sửa nhỏ nhặt, mà họ muốn viết lại cả đạo luật trên tinh thần Hiến pháp và nhà nước pháp quyền.

Xuất phát từ Học viện Eötvös Károly và đăng tải các kêu gọi trên mạng xã hội Facebook, đề xướng dân sự này kêu gọi giới luật gia và ký giả hãy cùng chung tay giúp Quốc hội Hungary sửa lại hoàn toàn Đạo luật Truyền thông - mà họ coi là một nỗ lực quản lý có vẻ vô vọng - với việc loại bỏ tất cả những yếu tố vi hiến và đi ngược lại các giá trị cơ bản của nhà nước pháp quyền.

Còn nhóm dân sự mang tên “Một triệu người vì quyền tự do báo chí Hungary”, đã thông qua mạng Facebook để  tổ chức hai cuộc biểu tình lớn thời gian qua, thì muốn đi đến cùng khi đòi hỏi chính phủ Hungary phải đưa Đạo luật Truyền thông ra thảo luận công khai, với sự tham gia của các tổ chức chuyên môn, các cơ quan bảo vệ nhân quyền và dân quyền, cùng đại diện công luận Hungary.

Với khẩu hiệu “mọi mặc cả với EU, mọi thỏa thuận với các yếu tố thị trường đều là vô ích, không thể làm một đạo luật quản lý truyền thông hợp thức mà bỏ qua công luận”, nhóm này sẽ tiếp tục tổ chức biểu tình vào đúng Quốc khánh Hungary 15-3 - đây là một dịp rất mang tính biểu tượng vì nó kỷ niệm cuộc cách mạng dân quyền 1848, được giới trẻ đương thời tiến hành với những yêu sách đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí...


Poster vận động “Một triệu người trên đường Tự do báo chí! Biểu tình vì quyền tự do báo chí”, vào hồi 16 giờ ngày 15-3-2011 tại con đường mang tên Tự do báo chí (Szabadsajtó) ở trung tâm Budapest. Hình ảnh thi hào - nhà cách mạng Petőfi Sándor - người anh hùng của cuộc cách mạng 1848 - bị bịt miệng

Được biết, tại 15 điểm khác trên thế giới, cũng sẽ có những cuộc biểu tình, tuần hành được tổ chức trong dịp đó để hưởng ứng và bày tỏ sự đoàn kết với nhóm biểu tình tại Budapest.

Như thế, cho dù cuộc đấu giằng co giữa EU và Chính phủ Hungary có thể coi là kết thúc với những kết quả nghèo nàn, nhưng hồ sơ về Đạo luật Truyền thông của Hungary vẫn chưa thể đóng lại. Như tựa đề một bài báo của Đức về thỏa hiệp giữa Brussels và Budapest và về những phê phán liên quan tới Đạo luật Truyền thông, Châu Âu “vẫn tiếp tục để ý” đến Hungary và tự do báo chí ở đất nước này...

(*) Bản tin đã đưa trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn