Képíró Sándor trước tòa
Sự kiện dẫn đến lời cáo buộc này là việc một sĩ quan hiến binh Hungary, ông Képíró Sándor, năm nay đã 97 tuổi, bị đưa ra xử vì những tội ác chiến tranh mà theo cáo buộc, ông ta đã phạm phải khi Hungary từng là đồng minh với nước Ðức phát-xít trong Ðệ nhị Thế chiến.
Vào tháng 1-1942, trong 3 ngày liền, với sự hợp tác hữu hiệu của lực lượng hiến binh mà ông Képíró là một đại úy, ở vùng Novi Sad (khi đó thuộc Hungary, hiện tại là lãnh thổ Serbia), có tới vài ngàn người thuộc sắc tộc Do Thái hoặc Serbia bị sát hại và thi thể họ bị vùi ngay dưới dòng Danube băng giá.
Việc phiên tòa xét xử ông Képíró được mở là một chiến thắng lớn đối với những người muốn truy tìm đến cùng những tên tội phạm chiến tranh, cho dù họ có lẩn trốn ở bất cứ đâu và hiện ở bất cứ cương vị xã hội hay lứa tuổi nào.
Trong 5 năm liền, Trung tâm Simon Wiesenthal - một tổ chức quốc tế đặt trụ sở ở Jerusalem, chuyên kiếm tìm những tội phạm chiến tranh và những kẻ sát hại dân Do Thái - đã đóng vai trò chính yếu trong việc phát hiện và đòi đưa Képíró ra trước vành móng ngựa tại Hungary.
Sau một thời gian chờ đợi khá dài và với nhiều động thái được dư luận quan tâm, gần đây nhất, tòa án Hungary đã tuyên bố Képíró có đủ năng lực hành vi để nhận biết được những gì đang diễn ra và phiên tòa xử ông ta sẽ được tiếp tục trong tuần này. Khả năng bản án sẽ được tuyên vào ngày 3-6 tới.
*
Quá khứ thân phát-xít của Hungary và những hệ lụy của nó là một vấn đề lịch sử khá phức tạp, đồng thời, là nỗi đau kéo dài dai dẳng của nước này mà để thấu hiểu được, cần trở về những năm sau Ðệ nhất Thế chiến.
Là một quốc gia thất trận, những điều kiện của nền hòa bình tại Hungary đã được xác định tại Hội nghị Hòa bình Paris (kéo dài trong hai năm 1919-1920) mà không có sự tham dự của phe thua cuộc.
Thông qua các hiệp ước hòa bình kết thúc Thế chiến, các cường quốc thắng trận muốn thiết lập một trật tự mới cho Châu Âu và trong ván cờ ấy, Hungary là quốc gia chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Vào ngày 4-6-1920 tại Lâu đài Đại Trianon (Versailles, Pháp), bản
Hiệp ước Hòa bình được đặt bút ký, với những điều khoản hết sức bất công và nhục nhã đối với Vương quốc Hungary. Nền quân chủ Áo - Hungary bị giải thể, một phần rất đáng kể (72% diện tích, hơn 84% dân số) của lãnh thổ Hungary bị chuyển giao cho các nước láng giềng.
Nước này còn đánh mất 38% sản lượng công nghiệp và 67% tổng thu nhập quốc gia chỉ trong một khoảnh khắc!
Sự kiện Trianon khiến xã hội và công luận Hungary chấn động. Ngay khi hòa đàm vừa kết thúc, đã có những phong trào phản đối lớn trong và ngoài nước diễn ra với mục đích không chấp nhận nền hòa bình Trianon và tái lập nước “Ðại Hung”.
Thời kỳ 1938-1941, với các quyết định đưa ra ở Vienna, cũng như sau khi Nam Tư bị Đức phát-xít xâm chiếm, Hungary được trao lại phân nửa diện tích đất đai bị cắt cho ngoại quốc, nhưng cái giá phải trả là nước này phải tham chiến bên quân đội Quốc xã.
Hệ lụy của sự hợp tác với nước Ðức phát-xít là chỉ trong vài tháng của
đại nạn holocaust ở Hungary, đã có chừng 500 ngàn dân Do Thái Hungary thiệt mạng tại các trại tập trung và lò thiêu người.
Ðiểm đặc biệt là ở Hungary, sự đày ải và diệt chủng sắc dân Do Thái đã diễn ra với sự “hợp tác” và ủng hộ hết sức nhiệt tình của chính quyền và lực lượng hiến binh nước này. Ðến nỗi Adolf Eichmann - một trong những đao phủ chính yếu của holocaust - đã phải khâm phục thừa nhận là bộ máy hành chính và hiến binh Hungary “
chính xác và tỉ mỉ khủng khiếp, không kém gì của người Đức”.
Nhưng không chỉ dân Do Thái tại Hungary phải chịu hậu quả của Holocaust. Tại những vùng mà Hungary được nhận lại từ các nước láng giềng trong thời gian đó, đã xảy ra nhiều vụ thanh trưng trên cơ sở sắc tộc.
Hậu quả là hàng vạn người vô tội đã bị sát hại. Bị cáo Képíró Sándor bị cáo buộc là đã tham gia một trong những vụ thảm sát như thế, diễn ra tại TP Novi Sad tháng 1-1942, khiến từ 3.300 đến 3.800 người, đa phần là dân Do Thái và Serbia, bị thiệt mạng.
*
Vụ thảm sát Novi Sad mang tên “những ngày lạnh”, được thực hiện để trả thù cho việc một vài hiến binh và quân nhân Hungary bị một nhóm du kích Serbia giết hại.
Trên nguyên tắc, tất cả những ai không phải là người trong vùng, không được một ủy ban địa phương xác nhận là có sự quen biết, đều bị tử hình.
Các nhóm hiến binh có nhiệm vụ dẫn độ những người có tên trong “danh sách đen” đến cho các lực lượng quân đội hành quyết bằng cách xả súng bắn luôn xuống dòng Dunube, khi đó đóng băng vì tiết trời lạnh giá.
Ngay sau khi xảy ra, cuộc thảm sát Novi Sad đã gây làn sóng bất bình lớn trong công luận quốc tế. Một cuộc điều tra lập tức được tiến hành để truy tìm những kẻ phải chịu trách nhiệm, và đến cuối năm 1943, Hungary đã mở một phiên tòa với 15 nghi can là các hiến binh và quân nhân bị coi là đã phạm tội sát hại cư dân vùng bị chiếm đóng.
Những thủ phạm chính bị tuyên án tử hình và tù giam, nhưng bản án không được thực hiện vì một số bị can đã trốn chạy sang Ðức, số khác - trong đó có Képíró, bị án tù 10 năm - sau một thời gian ngắn ngồi tù, được tha bổng và trở lại quân ngũ.
Sau Thế chiến, một số thủ phạm trong cuộc thảm sát bị trao cho Nam Tư, và bị tử hình như những tội phạm chiến tranh. Tuy nhiên, Képíró đã kịp trốn chạy sang Áo, rồi từ đó sang Argentina vào năm 1948.
Ở Hungary, vào năm 1946, ông ta từng bị Tòa án Nhân án tuyên án vắng mặt 14 năm tù giam và biên bản vụ án này, mới đây, vừa được Trung tâm Tưởng niệm Holocaust ở Budapest tìm lại được.
Tội ác sẽ vẫn phải bị trừng phạt, cho du 70 năm đã trôi qua...
Sau khi Hungary thay đổi thể chế, Képíró hồi hương năm 1996 và sinh sống ở Budapest trong 10 năm liền như một người hưu trí mà không bị ai để ý đến, cho dù cái tên Képíró được xếp thứ ba trong danh sách những kẻ tội phạm chiến tranh bị truy lùng bởi Trung tâm Simon Wiesenthal.
Trung tâm này, vào năm 2006, khi được biết về nơi cư trú của Képíró, đã tố cáo ông ta trước cơ quan tư pháp Hungary. Năm 2007, đích thân người đứng đầu trung tâm, sử gia Efraim Zuroff đã sang Budapest và đến tận nhà Képíró chụp ảnh, để thúc đẩy Hungary có những biện pháp “mạnh tay” với can phạm.
Tháng 5-2011, sau rất nhiều nhùng nhằng về chính trị và tư pháp, phiên tòa xét xử Képíró được mở với sự quan tâm rất lớn của công luận. Ở tuổi 97, nếu tội trạng bị chứng tỏ, rất có thể Képíró là một trong những tội phạm chiến tranh lớn cuối cùng bị tuyên án, (trong trường hợp đó, trên nguyên tắc, có thể bản án tù chung thân sẽ được tuyên).
Cần nói thêm là từ giữa thập niên 70 tới nay, không một ai ở Hungary bị ra trước vành móng ngựa vì tội ác chiến tranh hoặc tội chống nhân loại, như trong trường hợp này.
*
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao Hungary đến giờ vẫn không thể thanh toán được triệt để quá khứ thân phát-xít? Riêng trong trường hợp Képíró, tại sao phải chờ đến 5 năm sau khi bị phát hiện, ông ta mới bị đưa ra tòa?
Như đã nói ở trên, sự hợp tác của Hungary với nước Ðức phát-xít trong đệ nhị Thế chiến có cội nguồn từ mong muốn phục hồi và tái lập nước “Ðại Hung”, tức là Vương quốc Hungary lịch sử theo trạng thái cho đến đầu thế kỷ 20.
Ngay đến ngày nay, ý nguyện giành lại được những phần đất bị mất bởi Hiệp định Hòa bình Trianon - mà người dân Hung cho là tấn thảm kịch lớn nhất của dân tộc Hungary trong 1.100 năm lịch sử - cũng vẫn còn khá mạnh ở một số cá nhân và nhóm theo chủ nghĩa dân tộc.
Ðặc biệt, những năm gần đây, với sự sa sút của liên minh Xã hội và Tự do, phe hữu và cực hữu lấn sân trên trường chính trị Hungary. Chủ nghĩa bài Do Thái, các xu hướng tân phát-xít chưa được đoạn tuyệt, đây đó lại xuất hiện.
Các biểu hiện dân tộc chủ nghĩa được thể hiện trong nhiều quyết sách của nội các Orbán Viktor hiện tại, mà điển hình là việc trao quốc tịch cho mọi người gốc Hung hiện đang sống ở các quốc gia lân cận, bị tách khỏi “nước mẹ” do những biến cố chính trị thập niên 20-40 thế kỷ trước.
Trên cái nền ấy, cho dù holocaust từng là bi kịch kinh hoàng của người Do Thái Hungary, cho dù nước này có mở một Bảo tàng holocaust có những điểm đặc sắc độc nhất vô nhị trong khu vực, thì quá khứ thân phát-xít của Hungary đến nay vẫn chưa được sự đánh giá và nhìn nhận đồng nhất của giới nghiên cứu và các giai tầng trong cư dân.
Ðiều đó cũng thể hiện trong phiên tòa xét xử Képíró Sándor: không ít người cho rằng ông già 97 tuổi này vô tội và chính những ai muốn bới móc chuyện cũ để “bắt vạ” ông ta mới là kẻ sát nhân.
Ðây cũng là một trong những lý do khiến phải sau 5 năm, Hungary mới đưa được Képíró ra tòa. Bản thân bị cáo cho rằng mình vô tội, ông ta chỉ thực thi bổn phận là cùng các thuộc hạ kiểm tra và dẫn độ những người bị coi là có tội cho các đơn vị quân đội.
Phe bảo vệ Képíró lý luận rằng, ông ta không ra lệnh tử hình, cũng không xả súng bắn bất cứ ai, cùng lắm, ông chỉ không kiểm tra thật ngặt nghèo hoạt động của nhóm hiến binh mà ông ta là chỉ huy (đây cũng là tọi danh khiến vào năm 1944, Képíró chỉ bị án tù giam 10 năm, nhưng sau ông đã được tha bổng).
*
Dầu sao đi nữa, liên quan tới vụ án Képíró, quốc tế và một bộ phận đáng kể công luận trong nước Hungary cũng bày tỏ nhu cầu cần trực diện và nghiêm khắc thanh toán quá khứ thân phát-xít của nước này.
Tháng 2-2007, Ngoại trưởng Serbia Vuk Draskovic, trong chuyến đến thăm cộng đồng Do Thái ở Novi Sad trước chiến dịch tranh cử Quốc hội nước này - đã nói rằng chính quyền Hungary rất nên thực hiện những bổn phận của mình trong vụ Képíró, bởi lẽ không thể để kẻ này qua đời như một người tự do.
Khả năng trao trả Képíró cho Serbia để nước này đưa ra tòa vì tội ác chiến tranh cũng đã được đề cập. Ngoài ra, Ngoại trưởng Hungary thời đó, bà Göncz Kinga, trong chuyến công du Israel, cũng đã phải đối mặt với vấn đề khó xử này từ nước chủ nhà.
Sử gia Efraim Zuroff, Giám đốc Trung tâm Simon Wiesenthal thì cho rằng, những thống kê cho thấy vẫn có thể dùng phương tiện và sức mạnh của cơ quan tư pháp để xét xử những tội phạm chiến tranh phát-xít bởi lẽ trong 10 năm qua, đã có gần 100 bản án được đưa ra và nhiều tên tội phạm chiến tranh mới được phát hiện.
Ông Zuroff cũng nhấn mạnh: trong nhiều trường hợp, thời gian dài đã trôi qua và tuổi tác của các nghi can không phải là vấn đề lớn nhất, mà điểm quan trọng là cần một nỗ lực chính trị. Trung tâm của ông muốn công luận tránh được cái nhìn sai trái, cho rằng không thể phát hiện, nhận dạng và xét xử những tội phạm chiến tranh sau ngần ấy năm.
Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, tổ chức này đã mở chiến dịch “Cơ hội cuối cùng” để tìm kiếm những tên tội phạm chiến tranh từ thời kỳ Ðệ nhị Thế chiến mà tới nay vẫn chưa sa vào vòng pháp luật hoặc chưa phải chịu hình phạt thích đáng. Trong số đó, thực sự, vì lý do tuổi tác quá cao, Képíró Sándor có thể là một trong những “cá lớn” cuối cùng.
Trở lại trường hợp của Képíró, nhiều luật gia cho rằng hành vi của ông ta và đồng bọn - ngay ở vào thời điểm năm 1942 - cũng đã là tội ác chiến tranh, chống nhân dân. Theo một luật sư nổi tiếng của Hungary, ông Magyar György, nếu chứng tỏ được tội trạng của Képíró như trong cáo trạng, tòa án Hungary cần ra một bản án để nêu gương.
Cần có một thông điệp dứt khoát rằng, những tên tội phạm chiến tranh không bao giờ có thể thoát khỏi hình phạt của xã hội, cho dù tuổi cao sức yếu thế nào đi nữa. Nghĩa là, tội ác chiến tranh, chống nhân loại không bao giờ hết thời hiệu!
Tội ác chiến tranh, chống nhân loại không bao giờ hết thời hiệu!
Ðây cũng là quan điểm của một nhóm đông học sinh trung học đeo ngôi sao vàng 6 cánh trên áo (biểu tượng của sự nhục nhã và phân biệt đối xử với sắc dân Do Thái thời Ðệ nhị Thế chiến), đã đợi Képíró trước tòa nhà của Tòa án Thủ đô Budapest.
Ðại diện cho ý nguyện của không ít cư dân, họ đã giương cao những tấm biểu ngữ bằng tiếng Hungary và Anh, cật vấn lương tâm ông ta, và thể hiện ý kiến bằng mọi giá, phải trừng trị cái ác, cho dù năm tháng đã trôi qua...
(*) Bài viết đã đăng trên RFI.