HUNGARY BỊ CHỈ TRÍCH TRÊN HỒ SƠ CHỐNG NẠO PHÁ THAI

Chủ nhật - 19/06/2011 22:58

Kéo dài từ hơn một tháng rưỡi nay, chiến dịch chống nạo phá thai do Chính phủ Hungary đề xướng đã gặp phải sự phản đối gay gắt của công luận trong và ngoài nước Hung.


Tấm áp-phích gây sốc trong chiến dịch vận động chống nạo phá thai tại Hungary - Ảnh: MTI


Gần đây nhất, trong phiên họp tháng 6 của Nghị viện Châu Âu, bà Viviane Reding - phụ trách các vấn đề tư pháp của Ủy ban Châu Âu - đã kịch liệt phê phán chiến dịch này vì nó không phù hợp với các mục tiêu của Chương trình Tiến bộ EU. Bà cho rằng, Chính phủ Hungary khi xin - và được nhận - khoản tiền của EU, đã sử dụng tiền trái với mục tiêu do Ủy ban Châu Âu đề ra.

Chiến dịch chống nạo phá thai gây sốc

Cấm hoặc chống nạo phá thai là một điểm trong bản Hiến pháp mới bị phê phán mạnh mẽ của Hungary. Ngay từ khi Hiến pháp mới được thông qua, nhiều tổ chức nhân quyền, bảo vệ quyền lợi các bà mẹ đã nhận định ngay rằng, một điều khoản trong Hiến pháp - theo đó, cần bảo vệ sự sống kể từ khi nó còn ở dạng bào thai - sẽ thích hợp để chính quyền Hungary đưa ra những biện pháp, những đạo luật theo hướng siết chặt nạo phá thai.

Những ý kiến phê phán cho rằng, cho dù con số các vụ nạo phá thai có phần giảm trong những năm gần đây, nhưng Hungary vẫn đang muốn “noi gương” Ba Lan để chuẩn bị cho việc cấm hoàn toàn, hoặc gần hoàn toàn nạo phá thai. Trong quá trình dự thảo ngân sách quốc gia năm nay, khoản tiền dành cho các ca nạo phá thai đã giảm chỉ còn 1/3: thay vì 1,6 tỉ Ft như năm ngoái, trong năm nay con số này chỉ còn 500 triệu Ft.

Ðầu tháng 5-2011, Quốc vụ khanh Bộ Nguồn lực Quốc gia (bộ phụ trách các vấn đề lao động, xã hội và văn hóa) - ông Soltész Miklós tuyên bố khởi động một chiến dịch tuyên truyền cho sự “bình đẳng cơ hội” mang tên “Cùng nhau cho sự bình đẳng”, với khẩu hiệu “Cân bằng trong gia đình + cân bằng trong công việc= cân bằng trong thế giới”.

Ðáng chú ý, một trong 5 điểm nhấn của chiến dịch này là tuyên truyền chống nạo phá thai, thay việc đó bằng cho và nhận con nuôi. Ðược biết, 80% kinh phí cho chiến dịch này được Chính phủ Hungary xin từ Chương trình Tiến bộ EU, một chương trình được tiến hành từ năm 2007 với mục đích thúc đẩy cho người lao động có công ăn việc làm, và tăng cường sự đoàn kết xã hội, nhằm thực hiện một số mục tiêu do EU đề ra.

Ðể triển khai chiến dịch chống nạo phá thai, chính quyền Hungary đã đưa ra một số áp-phích gây sốc, chẳng hạn có hình một bào thai cầu xin được sống với hàng chữ: “Con hiểu mẹ vẫn chưa sẵn sàng để có con, nhưng hãy cho con được sống, cho con làm con nuôi đi!”. Quốc vụ khanh Soltész Miklós cho biết, dù sẽ không cấm nạo phá thai, nhưng với áp-phích này, Chính phủ Hungary muốn lưu ý tầm quan trọng của sự sống.

Phản ứng của công luận Hungary

Chiến dịch chống nạo phá thai thông qua những áp-phích đã khiến công luận Hungary bất bình. Hiệp hội Patent, một tổ chức bảo vệ quyền lợi của phụ nữ ra thông cáo cho rằng việc Chính phủ gây ám ảnh tội lỗi cho các bà mẹ muốn nạo phá thai là một điều vô đạo đức. “Mọi phụ nữ - cũng như mọi nam giới - đều có quyền tự quyết với cơ thể mình, và việc gây ảnh hưởng đến việc thực thi các quyền đó bằng cách tạo ra sự dằn vặt lương tâm, là vô luân thường”.

Hiệp hội Patent cũng cho rằng, chiến dịch chống nạo phá thai cho thấy Hungary muốn theo gót Ba Lan, quốc gia chủ trương cấm nạo phá thai ở mức ngặt nghèo hàng đầu của Châu Âu. Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền này, như thế là chính quyền Hungary đã đi ngược lại với ý nguyện của 71% cư dân Hung, những người phản đối việc siết chặt nạo phá thai.

Bà Spronz Júlia, cố vấn pháp luật của Hiệp hội, còn cho rằng những tấm áp-phích kể trên còn khiến sự bất bình đẳng nam nữ gia tăng. Bởi lẽ, trong khi người phụ nữ bị mô tả như kẻ sát nhân, gây cảm giác tội lỗi trong họ, thì chiến dịch chống nạo phá thai không tập trung kêu gọi đàn ông phải có trách nhiệm và sự cân nhắc trong cuộc sống lứa đôi và hành vi tính dục.

Nhiều người cho rằng theo các số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), siết chặt các thủ tục nạo phá thai không làm giảm con số các phụ nữ muốn bỏ thai, mà đồng thời, làm tăng những ca nạo phá thai bất hợp pháp, gây nguy hiểm cho sức khỏe người mẹ, cũng như khiến các bà mẹ phải sang các nước khác có luật pháp nới nhẹ hơn để thực hiện điều mình mong muốn.

Cùng một quan điểm như vậy, Ðảng đối lập LMP cho rằng, có thể mở những khóa tuyên truyền tránh thai trong trường sở, có thể phát miễn phí bao cao su hoặc thuốc tránh thai cho thanh niên, nhưng không thể tiếp cận vấn đề một cách tiêu cực và khốc liệt theo cách “biến đổi nhận thức” mà chính quyền Hungary chủ trương và mong muốn.

Châu Âu chỉ trích

EU yêu cầu Hungary thu lại ngay lập tức những áp-phích gây sốc và đặt vấn đề chấm dứt hợp đồng với Nhà nước Hung liên quan tới Chương trình Tiến bộ EU vì Liên hiệp Châu Âu cho rằng, khoản tiền được nhận từ chương trình đã bị sử dụng sai mục đích, thậm chí, đi ngược lại với tinh thần của chương trình. Việc buộc Hungary phải hoàn trả khoản tiền đã nhận được cũng đang được đưa ra để cân nhắc.

Cho đến nay, vấn đề nạo phá thai được EU coi là thuộc thẩm quyền của từng nước thành viên. Tuy nhiên, quan điểm dứt khoát của bà Viviane Reding, vị đặc phái viên EU trong vấn đề tư pháp cho thấy một cách rõ ràng rằng chiến dịch chống nạo phá thai của chính quyền Hung, trước hết, là vấn đề bình đẳng.

Nếu một nhà nước chủ trương hạn chế đối với một giai tầng, một nhóm trong xã hội - trong trường hợp này là sự hạn chế quyền tiếp cận dịch vụ y tế của phụ nữ muốn nạo phá thai - thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc phân biệt đối xử với nhóm đó, giai tầng đó. Bà Viviane Reding cũng nhấn mạnh: Brussels sẽ theo dõi vấn đề này và sẽ có biện pháp cần thiết nếu nhận thấy những vi phạm pháp luật từ phía Budapest.

Chính phủ Hungary coi tuyên bố của EU là một vấn đề mang tính luật pháp và kỹ thuật, và hứa sẽ nhanh chóng làm sáng tỏ bất đồng với Ủy ban Châu Âu. Cho dù vẫn coi rằng chiến dịch chống nạo phá thai là cần thiết để ngăn chặn việc thuyên giảm dân số từ nhiều thập niên nay, nhưng Hungary cũng cho biết, nếu nước này không làm tan được những nghi vấn, quan ngại từ phía Châu Âu, thì họ sẽ “rút ra những kết luận cần thiết”.

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn