Phá hủy thiên nhiên và những giá trị văn hóa vì lợi ích kinh tế?
Ông Illés Zoltán cũng nói thêm: bản thân bể chứa chất thải cũng là nguồn nguy hiểm tiềm ẩn, và ngay những mô hình - mà các nhà đầu tư muốn dùng chúng để phân tích xem Hungary có thể bị ô nhiễm như thế nào - cũng là không thể chấp nhận được với phía Hungary.
Theo bản thông cáo, vì những nguy cơ ô nhiễm môi trường gây hại tại nhiều quốc gia, trong khuôn khổ của Hiệp định Espoo, Romania có bổn phận xin ý kiến các nước lân cận. Tuy nhiên, những ý kiến đó chỉ “để biết”, chứ không mang tính bắt buộc đối với Bucharest.
Ðược biết, Hungary nhận được một hồ sơ dày hơn 1.000 trang từ phía Romania về việc mở mỏ vàng ở vùng Roşia Montană. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, Chính phủ Hungary đã đưa ra quan điểm chính thức như trên.
Như
đã biết, Rosia Montana Gold Corporation (RMGC), một tập đoàn Canada - Romania muốn khai thác tổng cộng 300 tấn vàng và 1.600 tấn bạc tại địa điểm trên. Bằng việc khai thác lộ thiên, 3 trái núi sẽ bị tiêu hủy tại vùng Roşia Montană và khu vực lân cận.
Trong quá trình chế biến quặng, khoảng 275 triệu tấn chất thải công nghiệp (hợp chất cyanide độc hại) dự tính sẽ được chứa trong một bể khổng lồ được xây mới, và một bể cũ. Các chuyên gia lo ngại rằng nếu tai nạn xảy ra, từ các dòng suối trong vùng, chất thải sẽ loang ra những con sông biên giới như Maros, Tisza...
Hãng RMGC dự tính sẽ có doanh thu 1 tỉ USD và đại dự án khai thác vàng, theo kế hoạch, sẽ khởi đầu năm 2014. Trong vòng 15 năm, hãng sẽ xử lý 215 triệu tấn quặng - để làm được điều đó, RMGC cần dùng gần 200 ngàn tấn cyanide.
Bộ Phát triển nông thôn Hungary cũng nhắc lại: theo đề xuất của ông Áder János, thành viên Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ (đảng cầm quyền tại Hungary), dân biểu Nghị viện Châu Âu, tháng 1-2010, Nghị viện Châu Âu đã thông qua với đa số phiếu thuận một lập trường, theo đó, Ủy ban Châu Âu cần đề xướng việc cấm hoàn toàn việc sử dụng các công nghệ cyanide trong công nghiệp mỏ ở EU.
Tuy nhiên, viện dẫn những điều luật hiện hành, Ủy ban Châu Âu chưa ra quyết định cấm vì theo quan điểm của Ủy ban, hiện tại, trước mắt, chưa có những công nghệ khác có thể thay thế một cách hữu hiệu và đồng loạt công nghệ dùng chất cyanide độc hại.