“CUỘC CÁCH MẠNG HỀ” CỦA CÁC NHÂN VIÊN CÔNG LỰC HUNGARY

Thứ sáu - 01/07/2011 23:01

Từ hơn 2 tháng nay, Budapest và một số tỉnh, thành của Hungary đã là địa điểm của những cuộc biểu tình, tuần hành, biểu dương lực lượng lớn của các nhân viên công lực, để phản đối một chính sách mới của Chính phủ Hungary.


Thu thập chữ ý và ý kiến ủng hộ của cư dân

Mang cái tên kỳ quặc là “cuộc cách mạng hề”, những cuộc thị uy này có những lúc đã thu hút được vài chục ngàn người tham dự - gồm cảnh sát, lính cứu hỏa, lính gác tù, nhân viên thuế vụ... - và được các tổ chức nghiệp đoàn tổ chức hết sức ngoạn mục.

Chấm dứt chính sách “phúc lợi dễ dãi”

Sự phản đối của các nhân viên công lực nhằm vào việc mới đây, trên cơ sở bản Hiến pháp mới, Chính phủ Hungary đã sửa đổi một chính sách đã hiện hành từ rất lâu nay, theo đó, các nhân viên công lực có thể về hưu sau 25 năm làm việc. Ðiều này tạo khả năng để các nhân viên công lực, nếu muốn, có thể xin nghỉ hưu và hưởng lương bổng hưu trí khi chưa đầy 45 tuổi.

Chính sách đó từng được ban hành với lời lý giải là các nhân viên công lực phải làm việc nặng nhọc, rất ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất và cả tuổi thọ. Ngoài ra, họ còn phải chấp nhận việc một số quyền công dân bị hạn chế, chẳng hạn, phải theo chỉ thị của cấp trên vào bất cứ thời điểm và hoàn cảnh nào dù tính mạng có thể bị đe dọa.

Họ phải làm việc và chịu sự điều động tại bất cứ vùng miền nào trên đất nước, phải chấp nhận bị theo dõi bởi cơ quan an ninh mật, không được đình công, không được tham gia đảng phái và không được ra ứng cử trong các kỳ tuyển cử. Thu nhập của giới cảnh sát, lính cứu hỏa bị coi là thấp so với mặt bằng giá cả trong nước.

Do có khả năng được nghỉ hưu sớm nên nhiều người khi chọn nghề công lực đã tính toán cuộc đời của họ sao cho có thể giải ngũ sớm và cạnh lương hưu, họ nhận làm những việc khác như bảo vệ, gác cổng, thường trực... Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nền kinh tế Hungary gặp những khó khăn chồng chất trong vòng 2 năm qua, chính quyền nước này cho rằng chính sách đó quá dễ dãi.

Trong số 3 triệu người hưu trí tại Hungary, có chừng 238.000 người từng là nhân viên công lực và nhiều người trong số đó về hưu sớm mấy chục năm so với hạn định (65 tuổi), trở thành gánh nặng cho hệ thống bảo hiểm hưu trí và hệ thống phúc lợi xã hội Hungary.


Thống kê mức lương quá ít ỏi của giới cứu hỏa

Chính phủ Hungary cho rằng một trong những lý do khiến Hungary sa vào cảnh nợ nần, là vì hàng năm nước này phải trả 50 tỉ Ft lương hưu cho chừng 30 ngàn nhân viên công lực về hưu trước hạn tuổi. Thừa nhận rằng công việc của giới cảnh sát và cứu hỏa là nặng nhọc, song chính quyền nước này muốn “bù đắp” điều đó bằng những ưu đãi khác, chứ không phải bằng việc cho họ nghỉ hưu sớm.

Một kế hoạch được khởi thảo nhằm chấm dứt tình trạng này, theo đó, những ai chưa đến 57 tuổi đều phải trở lại làm việc, bằng không, họ sẽ phải trả khoản thuế 16% cho khoản lương hưu được nhận. Ðiều này gây bức xúc lớn trong giới nhân viên công lực, vì bên cạnh việc quyền lợi kinh tế của họ bị ảnh hưởng, họ còn cảm thấy luật định đã bị “sửa về hậu” để thực hiện toan tính của chính phủ.

Phản đối chính sách “cưỡng bức lao động”

Các nghiệp đoàn bảo vệ quyền lợi cho giới nhân viên công lực đã phản ứng rất gay gắt quyết định nói trên của Chính phủ Hungary. Theo họ, ý muốn này của chính quyền cho thấy tại Hungary, mọi thứ đều bấp bênh vì không thể tin tưởng vào luật định để dự tính cho tương lai đời người.

Một ví dụ được họ nêu ra: Bộ trưởng Nội vụ đương nhiệm, ông Pintér Sándor từng là cảnh sát và giải ngũ năm 1996 khi mới 48 tuổi. Sau đó, ông trở thành một doanh nhân thành đạt và từ 15 năm nay, ông vẫn được nhận lương hưu (mức hiện tại là hơn 136.000 Ft hàng tháng, kèm 1,1 triệu Ft lương tháng trên cương vị bộ trưởng).

Mặc dù không được quyền đình công và cũng không thể “gây rối” ở mức đáng kể như nhân viên thuộc các ngành nghề khác, nhưng từ hai tháng nay, giới nhân viên công lực chọn cách phản đối rất kiên trì và ngoạn mục.

Trong cuộc tuần hành qua các dãy phố chính của thủ đô Budapest, họ đã mở các vòi nước được đặt với mục đích dùng khi cần cứu hỏa, cho nước chảy lênh láng, rồi cho xì hơi mù mịt để người dân có cảm nhận, sẽ nguy hiểm thế nào khi không có các nhân viên phòng cháy chữa cháy.


Sự phản đối gay gắt và ngoạn mục ngay tại quảng trường trước Nhà Quốc hội

Một chiếc quan tài và hình hai nhân viên công lực - một nam một nữ - chỉ còn là bộ xương, được dựng rất ấn tượng ngay trước Tòa nhà Quốc hội, mô tả công việc cực nhọc mà họ phải làm, khiến thể trạng của họ bị ảnh hưởng nặng nề sau vài chục năm tại ngũ.

Một tấm bảng lớn in bảng lương và thu nhập của một nhân viên cảnh sát, cho thấy đồng lương họ đang phải nhận hiện tại không thể đủ cho những nhu cầu thường nhật, và khẩu hiệu được đưa ra là, họ không làm chính trị, chỉ muốn giữ lại những lợi quyền vốn được hưởng từ lâu nay.

Trong cuộc tuần hành gần đây nhất vào trung tuần tháng 6, vài chục ngàn nhân viên công lực đã hưởng ứng một hành động mang tính biểu tượng do các nghiệp đoàn đề xướng. Có tới gần 20 ngàn người đã bỏ một tờ phiếu bầu vào hòm, ở trên có dòng chữ với nội dung rút lại “về hậu” sự ủy nhiệm đối với liên danh FIDESZ-KDNP, đã khiến họ có được đa số 2/3 số phiếu trong Quốc hội.

Phản ứng của chính phủ

Trong vấn đề này, Chính phủ Hungary, đứng đầu là Thủ tướng Orbán Viktor và Bộ trưởng Nội vụ Pintér Sándor đã chủ trương cứng rắn và tỏ ý không nhân nhượng trước yêu cầu của giới nhân viên công lực và các nghiệp đoàn đại diện cho họ.

Ngày 2-6, trong cuộc đàm phán giữa các nghiệp đoàn và Chính phủ, khi đại diện nghiệp đoàn đề nghị ông Orbán hãy ra quảng trường trước Nhà Quốc hội và tiến hành hiệp thương xã hội với họ, thì Thủ tướng Hungary đã chế nhạo rằng, ông sẽ chuyển “sáng kiến” ấy cho vị Quốc vụ khanh Bộ Trò hề.

Câu đùa ấy của người đứng đầu nội các Hungary khiến nhiều người bất bình và trong cuộc xuống đường ngày 16-6 vừa qua (được gọi bằng cái tên “cuộc cách mạng hề”), nhiều người biểu tình - trong đó có hai thành viên chính thuộc Ban tổ chức - cũng ăn vận như những chú hề.

Mặc dầu bị Chính phủ “chơi xấu” bằng cách triệu tập tất cả các cảnh sát phải phục vụ từ sáng sớm cho đến tối trong ngày hôm đó, nhưng cũng có hàng chục ngàn người tới dự cuộc biểu tình tại Budapest. Một đoàn xe có ít nhất 200 xe đã đi lòng vòng biểu dương lực lượng trên các tuyến chính của Budapest, gây ùn ắc giao thông đáng kể tại thủ đô.

Vào hồi 8 giờ tối, đoàn biểu tình còn thắp đuốc đi bộ lên Dinh Tổng thống (Cung Sándor trên Hoàng Thành Budapest) để phản đối việc Tổng thống Schmitt Pál đã dễ dàng đặt bút ký bản Hiến pháp mới với những điều khoản tạo điều kiện để chính quyền tước đi lợi quyền của giới nhân viên công lực.

Trả lời báo giới về phản ứng gay gắt của các nghiệp đoàn công lực, Phát ngôn viên Thủ tướng - ông Szijjártó Péter - cho rằng nội các Xã hội trong 8 năm qua đã cầm quyền một cách hết sức thiếu trách nhiệm, để lại gánh nặng và đưa đất nước vào cảnh khó khăn: “Tất cả chúng ta đều phải tập trung làm việc căng thẳng để thoát khỏi cảnh nợ nần, để tái tổ chức và làm mới đất nước”.


Ðại diện nghiệp đoàn trình bày ý nguyện và mục tiêu của mình cho ký giả

Một thực tế cho thấy, không chỉ Hungary mà không ít quốc gia khác ở Châu Âu cũng phải thực hiện chính sách cắt giảm các khoản phúc lợi xã hội để lèo lái đất nước khỏi cảnh khó khăn về kinh tế. Các thăm dò dư luận cũng cho thấy, đa số số người được hỏi không đồng tình với việc nhà nước từng cho phép các nhân viên công lực về hưu sớm hơn thời hạn.

Như vậy, cuộc chiến của giới nhân viên công lực và các nghiệp đoàn của họ, dù được nhấn mạnh là sẽ vẫn tiếp diễn sau mùa hè năm nay, nhưng hiện tại không được hưởng sự đồng cảm của xã hội Hungary. Ðiều này chỉ khoét sâu khoảng cách giữa đại diện các ngành nghề, các giai tầng trong xã hội Hungary, khiến bầu không khí ở nước này đã ảm đạm lại càng thêm phần ảm đạm...

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Bài và ảnh: Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn