HỌC VIỆN KHỔNG TỬ VÀ VAI TRÒ CỦA “QUYỀN LỰC MỀM” TRONG CHUYẾN THĂM HUNGARY CỦA THỦ TƯỚNG ÔN GIA BẢO

Thứ sáu - 24/06/2011 12:40

(NCTG) Chuyến thăm chính thức Hungary của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trong hai ngày 24 và 25-6 nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác văn hóa giữa hai nước và mục tiêu này xem ra còn quan trọng hơn cả các mối quan hệ kinh tế.


Thủ tướng Ôn Gia Bảo phát biểu tại Ðại học Tổng hợp Budapest (ngày 24-6-2011)- Ảnh: Balogh László (Reuters)


Nếu Học viện Khổng Tử trực thuộc Ðại học Tổng hợp Budapest (ELTE) chinh phục và tạo được ấn tượng tốt đối với người đứng đầu Quốc vụ viện Trung Quốc, Hungary có thể trở thành một mắt xích quan trọng trong nỗ lực phát triển hệ thống truyền bá văn hóa toàn cầu của Trung Nam Hải, theo nhận xét của báo chí Hungary.

Là chặng đầu trong khuôn khổ chuyến công du ba nước Hungary, Anh và Ðức kéo dài tới ngày 28-6, chuyến thăm Budapest của Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã diễn ra với những biện pháp an ninh hết sức nghiêm ngặt - chi tiết các chương trình của ông cũng không được công bố rộng rãi.

Một cách sơ bộ, vào ngày đầu, thứ Sáu 24-6, Ôn Gia Bảo đã tới dự những chương trình văn hóa tổ chức tại Học viện Khổng Tử, còn thứ Bảy 25-6, tại Nhà Quốc hội Hungary, ông có buổi hội kiến người đồng nhiệm, Thủ tướng Orbán Viktor, và sẽ chứng kiến lễ ký hàng chục thỏa thuận hợp tác thương mại và kinh tế giữa hai nước.

Cũng trong ngày thứ Bảy, với sự tháp tùng của chừng 200 doanh nhân Trung Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo sẽ tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp tại Viện Hàn Lâm Khoa học Hungary. Tiếp đó, ông sẽ hội đàm với hai vị lãnh đạo thượng đỉnh của nước chủ nhà: Tổng thống Schmitt Pál và Chủ tịch Quốc hội Kövér László.

Tổ chức đón tiếp qua điện thư

Ðể tạo ấn tượng tốt cho nhà lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới, phía Hungary đã tổ chức kiếm tìm lượng công chúng vừa đủ và có trang phục cần thiết cho sự kiện diễn ra tại Học viện Khổng tử. Một điện thư (email) được gửi đi vào đầu tháng 6 tại Ðại học Tổng hợp Budapest tuyển mộ “tất cả những người có dáng sinh viên, biết cách và muốn cư xử tốt”, vì “việc đón tiếp một lãnh đạo cấp cao như thế này có thể rất đáng học hỏi đối với mọi người”.

Những ai có hứng tham dự “cuộc vui” cần gửi các dữ liệu nhân thân và số điện thoại tới một địa chỉ điện thư riêng, sau đó, họ sẽ nhận được thư thông báo phải tới đâu và vào thời điểm nào. Trang phục được khuyến dụ là Âu phục phù hợp với các buổi đại lễ và giày cao cổ.

Thư thông báo cũng nhấn mạnh rằng sự kiện này sẽ được đảm bảo an ninh ở mức đặc biệt, và nó hết sức quan trọng là “đối với Ðại học Tổng hợp, với Học viện Viễn Ðông, với Học viện Khổng Tử và với Khoa Trung Quốc” bởi lẽ thông qua đó, các sinh viên Hungary có thể nhận được nhiều học bổng. Rồi thư kêu gọi “hãy đến dự sự kiện này càng đông càng tốt”.

“Quyền lực mềm” trên chính trường thế giới

Tác nhân chính yếu của chuỗi sự kiện này là hệ thống các Học viện Khổng Tử trên toàn thế giới. Mang tên nhà hiền triết Trung Quốc cổ đại, hệ học viện này được thành lập để truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa và chính phủ Trung Quốc coi việc tạo dựng hệ thống đó là một vấn đề thiết yếu. Trong vòng 5-6 năm gần đây, tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, các học viện này đã được thiết lập với sự hỗ trợ rất đáng kể về tài chính và chính trị từ Bắc Kinh.

Xét về dài hạn, việc tạo dựng và ủng hộ các Học viện Khổng Tử là một yếu tố của cái gọi là “quyền lực mềm” trong đường lối chính trị Trung Quốc, mà bản chất của nó là để thế giới tiếp nhận và có thiện cảm với Bắc Kinh thông qua việc giới thiệu và quảng bá ngôn ngữ, nền văn hóa, hình ảnh đất nước, con người và cách suy nghĩ của xứ sở này.

Khái niệm “quyền lực mềm” được sử dụng trong chính trị quốc tế từ thập niên 80 thế kỷ trước và nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới cầm quyền Trung Quốc. Bởi lẽ, đường lối chính trị này khiến một quốc gia có thể dùng tầm ảnh hưởng, uy tín và sức thu hút để thực hiện những dụng ý của mình trên thế giới mà không cần áp dụng sức mạnh quân sự hay kinh tế.

Trung Quốc đã từng có truyền thống về “quyền lực mềm” từ nhiều thế kỷ nay, nhưng những thập niên gần đây sức mạnh này có phần thuyên giảm. Ðó chính là lý do khiến chính quyền Trung Nam Hải muốn bằng mọi giá tìm cách tái lập thế mạnh này của họ bằng vô số phương pháp khác nhau.

Bên cạnh sự phát triển kinh tế, những thành công trong thể thao, việc xây dựng thương hiệu, truyền bá ngôn ngữ và văn hóa, tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, xuất khẩu phim ảnh và các ngôi sao nhạc Pop... là một số trong rất nhiều phương tiện để nâng cao sự hấp dẫn của Trung Quốc - thông qua đó, tầm ảnh hưởng của nước này cũng được củng cố một cách vô hình.

Khổng Tử ở mọi nơi, mọi chỗ

Trong nỗ lực xuất khẩu thứ “quyền lực mềm” ấy, hệ Học viện Không Tử đóng vai trò chủ chốt. Ðược mở thử nghiệm lần đầu tại Uzbekistan, chỉ vài tháng sau, Học viện Khổng Tử chính thức đầu tiên đã ra đời tại Hán Thành (Nam Hàn) và cho đến nay, tại 64 quốc gia trên toàn thế giới, đã có 322 Học viện và 369 cơ sở phụ mang tên Phòng học Khổng Tử.

Với sự hợp tác của Ðại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, Học viện Khổng tử tại Hungary được khai trương năm 2006 trong khuôn khổ Khoa Trung Quốc (Ðại học Tổng hợp Budapest). Khi vừa thành lập, Học viện này đã nhận được sự hỗ trợ hào phóng từ Hội đồng Giảng dạy Ngôn ngữ Trung Hoa (có trụ sở tại Bắc Kinh).

Bên cạnh khoản hỗ trợ trị giá hàng trăm ngàn USD của Nhà nước Trung Quốc, Hội đồng đã cung cấp 3 ngàn cuốn sách và những bộ sách giáo khoa, cùng các giáo viên có chuyên môn cho Học viện ở Budapest. Trong vòng 5 năm qua, cơ sở này còn tiến hành thiết lập những trung tâm trên tầm toàn quốc Hungary, mà trung tâm đầu tiên là ở TP Kecskemét.

Mục đích hàng đầu của Học viện là truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc thông qua các khóa học tiếng, các chương trình văn hóa, qua việc in ấn sách và sách giáo khoa... nên không phải ngẫu nhiên mà đa số các khóa học tiếng đều miễn phí, hoặc hầu như miễn phí. Học việc còn được coi là có vai trò “cầu nối” giữa hai nước, vì người Hoa tại Hungary cũng có thể theo học tiếng bản địa tại đây.

Hungary và mong muốn triển khai “quyền lực mềm” của Trung Quốc

Thông thường, hàng năm, Hội đồng Giảng dạy Ngôn ngữ Trung Hoa tổ chức kỳ hội thảo kéo dài nhiều ngày cho đại diện các Học viện Khổng Tử. Trong năm nay, Hungary được nhận quyền đăng cai kỳ hội thảo và nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc cùng Giám đốc Hội đồng cũng hiện diện trong sự kiện quan trọng này, vừa diễn ra vào tuần trước.

Việc Budapest được chọn làm nơi tổ chức hội thảo, cũng như chuyến thăm Hungary của Thủ tướng Ôn Gia Bảo - mà tờ “Thời báo Kinh tế” (Financial Times, Anh) đánh giá là một thành công ngoại giao lớn của Hungary - đều mang ý nghĩa tượng trưng, vì Hội đồng Giảng dạy Ngôn ngữ Trung Hoa dự định thiết lập tại Budapest một Trung tâm các Học viện Khổng tử Khu vực Ðông- Trung Âu.

Cho dù quyết định chính thức chưa được đưa ra, nhưng nếu Chính phủ Trung Quốc lựa chọn Hungary, thì điều này có nghĩa là bên cạnh thành công về ngoại giao, nước chủ nhà có thể được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế. Ðược biết, trong chuyến thăm Trung Quốc năm ngoái, các đại diện phía Hungary đã ngỏ ý chấp nhận vai trò này và đây có thể là một bước tiến trong mối bang giao theo chiều hướng hữu hảo giữa hai nước, khởi đầu cách đây 6-7 năm.

Trần Lê, theo index.hu


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn