CHÂU ÂU ÐƯA HUNGARY VÀO TẦM NGẮM TRONG HỒ SƠ HIẾN PHÁP MỚI

Thứ năm - 19/05/2011 10:14

Hôm thứ Ba 17-5, các thành viên Ủy ban Venice đã tới Budapest để tìm hiểu vấn đề Hiến pháp mới của Hungary, được thông qua cách đây 1 tháng.



Trong vòng 2 ngày, phái đoàn đã có các cuộc gặp gỡ với Phó thủ tướng Hungary Navracsics Tibor, Chánh án Tòa án Hiến pháp Paczolay Péter, Ngoại trưởng Martonyi János và đại diện các nhóm dân biểu thuộc Quốc hội Hungary.

Ngoài ra, Ủy ban Venice cũng đã làm việc với ông Szájer József, dân biểu Nghị viện Châu Âu trong sắc áo đảng FIDESZ, đồng thời là người đứng đầu Cơ quan Hiệp thương Quốc gia trong các vấn đề liên quan tới bản Hiến pháp mới.

Như đã biết, vào ngày 19-4, tức là đúng một ngày sau khi Quốc hội Hungary thông qua bản Hiến pháp mới, phiên toàn thể của Hội đồng Châu Âu đã đề nghị Ủy ban Venice đưa ra ý kiến về bản Hiến pháp này, căn cứ những thông tin mà các thành viên Ủy ban có được vào thời điểm đó. Ðồng thời, Hội đồng Châu Âu cũng thông báo rằng các chuyên gia Ủy ban Venice sẽ có chuyến làm việc tại Budapest vào trung tuần tháng 5, để có được báo cáo trong vấn đề này vào tháng 6 trong phiên toàn thể của Hội đồng họp tại Strasbourg.

Sở dĩ Ủy ban Venice được chọn để lấy ý kiến trong vấn đề này vì đây là một tổ chức quốc tế độc lập, rất có uy tín, chuyên đưa ra những tư vấn trong các chủ đề hiến pháp. Ðặc biệt, ngay từ cuối tháng 2 năm nay, như một hình thức “đề phòng”, chính nội các của Thủ tướng Orbán Viktor cũng đã đề nghị ủy ban này đưa ra cái nhìn của họ trong một số vấn đề liên quan tới bản Hiến pháp mới của Hungary.

Do đó, có thể coi các chuyên gia của Ủy ban Venice như những người am hiểu nhất trong hồ sơ này và Châu Âu có thể dựa vào họ để kiểm chứng xem những lo ngại của EU là có cơ sở hay không.

*

Châu Âu âu lo những điểm nào trong Hiến pháp mới của Hungary?

Cũng như trong trường hợp Ðạo luật Truyền thông trước đó, ngay sau khi được phê chuẩn vào dịp Phục sinh năm nay, Hiến pháp mới của Hungary đã dấy nên nỗi lo ngại, và lập tức phải nhận nhiều chỉ trích từ quốc tế, đặc biệt là từ các nước Liên hiệp Châu Âu.

Như phát biểu của một lãnh đạo Ủy ban Venice - ông Thomas Market, một TS Luật người Ðức -, một bản hiến pháp “phải thống nhất, chứ không chia cắt dân tộc”. Ðây là điều mà Hiến pháp Hungary đã không có: các đảng phái đối lập đã không tham gia quá trình khởi thảo Hiến pháp và rốt cục, Hiến pháp được thông qua chỉ bởi phe cầm quyền đã chiếm tới hơn 2/3 số ghế trong Quốc hội.

Có thể thấy sự đồng thuận đã không có và những cuộc trao đổi công khai, sự đối thoại bình đẳng cũng chỉ mang tính hình thức. Thời gian để chuẩn bị và thông qua bản Hiến pháp cũng hết sức gấp gáp và tiến trình này cho thấy một khả năng là phe cầm quyền muốn sử dụng Hiến pháp mới như một công cụ chính trị để gia tăng và “cắm rễ” quyền lực của họ.

Liên hiệp Châu Âu còn tỏ ra quan ngại khi trong Hiến pháp mới, thẩm quyền và chức năng của Tòa án Hiến pháp bị thu nhỏ và hạn chế, với dụng ý rõ ràng là để Tòa án Hiến pháp đỡ “can thiệp” vào những quyết sách của Chính phủ trong vấn đề tài chính và ngân sách quốc gia. Ðây là điều nguy hiểm vì như thế, không thể loại trừ khả năng những đạo luật vi hiến được sản sinh.

Mặt khác, trái với thông lệ trước nay ở Hungary, khi bất cứ ai cũng có thể đề nghị Tòa án Hiến pháp xem lại tính hợp hiến của một đạo luật, Hiến pháp mới chỉ cho phép điều này đối với những ai chịu thiệt hại trực tiếp từ điều luật nọ - đây cũng là một hạn chế rất đáng để tâm.

Một số những lo âu sơ bộ như trên khiến Ủy ban Châu Âu bày tỏ sự hoài nghi, rằng phải chăng Hiến pháp mới của Hungary có thể không phù hợp với những giá trị Châu Âu. Có mặt tại Budapset vào tháng 4 năm nay, chính Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng cho rằng, Chính phủ Hungary cần xin ý kiến từ các tổ chức khác trong nước, hoặc nước ngoài, như Hội đồng Châu Âu hay Liên Hiệp Quốc, trong vấn đề “bộ luật mẹ” này.

*

Công luận và chính quyền Hungary phản ứng ra sao trước Hiến pháp mới và những lời chỉ trích?

Công luận Hungary, đặc biệt là các tổ chức dân sự ở nước này, bức xúc trước việc một bản Hiến pháp đã được sản sinh không thông qua đối thoại và sự đồng thuận. Những chiến dịch vận động chống Hiếp pháp mới đã được tiến hành, trong đó, đáng kể nhất là phong trào “Một triệu người chống lại Hiến pháp” với những cuộc biểu tình được đông đảo cư dân tham dự.

Theo các ý kiến của nhiều tổ chức dân sự, bản Hiến pháp mới đã làm suy sụp nhà nước pháp quyền, chỉ phục vụ những lợi ích quyền lực của đảng cầm quyền FIDESZ và chỉ gây chia rẽ trong xã hội. Thêm vào đó, có thể thấy rằng những điểm đáng lo ngại nhất sẽ chỉ xảy ra khi các đạo luật chủ chốt của thể chế cộng hòa được đưa ra phê chuẩn trên cơ sở viện dẫn Hiến pháp mới.

Hiến pháp mới cũng gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của một số giai tầng trong xã hội - như giới đồng tính, các bà mẹ đang mang thai... - vì những cấm đoán được coi là vi phạm nhân quyền và dân quyền được trình bày trong “bộ luật mẹ” này, như cấm khả năng để người đồng tính được kết hôn, hay nhnữg ám chỉ có thể dẫn tới cấm nạo, phá thai, v.v...

Chính quyền Hungary đương nhiên bảo vệ bản Hiến pháp mới, coi đó là sự đoạn tuyệt với bản Hiến pháp Stalinist thời cộng sản và thông qua đó, vĩnh viễn khép lại một thời kỳ trong lịch sử nước này. Cũng theo các đại diện của nội các, Hiến pháp mới được đặt cơ sở trên các giá trị chung của Châu Âu, các truyền thống hiến pháp của Hungary và Châu Âu, và tuân thủ các điều khoản trong Hiến chương về các quyền cơ bản.

Chính phủ Hungary cũng tỏ ra ngạc nhiên trước phản ứng và những ý kiến phê phán quốc tế, vì cho rằng quá trình lập hiến cũng như khởi thảo Hiến pháp là thẩm quyền và chức năng của chính quyền từng đất nước, và mỗi nước có những quan niệm, đặc thù riêng. Hiến pháp Hungary, theo chính quyền nước này, không hạn chế quyền của những giai tầng thiểu số, không vi phạm những giá trị chung Châu Âu, mà ngược lại, còn củng cố những yếu tố đó.

*

Châu Âu có khả năng can thiệp đến mức nào vào hồ sơ Hiến pháp Hungary?

Tuy có những quan ngại như đã nêu ở trên, nhưng khả năng của Liên hiệp Châu Âu trong vấn đề Hiến pháp mới của Hungary tương đối hạn chế. Nhất là, như đại diện Ủy ban Venice phát biểu trước báo giới ở Budapest: tình hình xung quanh bản Hiến pháp này còn “chưa được thật rõ ràng”, cần phải diễn giải văn bản và điềm quan trọng là việc thông qua những đạo luật căn bản nhất - dựa trên Hiến pháp mới - phải được diễn ra theo chiếu hướng đúng đắn.

Ông Thomas Markert cho hay ông đã có buổi làm việc tại Budapest với Phó thủ tướng Hungary Navracsics Tibor về nhiều vấn đề quan trọng và ông cho rằng, những câu hỏi được đưa ra thảo luận “không nên gọi là đáng quan ngại, nhưng quan trọng đối với Ủy ban Venice là phải diễn giải được bản Hiến pháp này”.

Trong các dịp trao đổi, Ủy ban Venice đã không đặt ra một số quan ngại trước đó - như việc bản Hiến pháp bị “cưỡng bức” phải ra đời trong thời gian quá ngắn ngủi - vì coi đó là “sự đã rồi”. Ngược lại, quan trọng nhất đối với họ là tìm hiểu thực chất bản Hiến pháp và những gì sẽ diễn ra trong thời gian tiếp tới.

Thông tin sơ bộ cho thấy những ý kiến của của Ủy ban Venice có thể sẽ khá nhẹ nhàng đối với Chính phủ Hungary. Không phải ngẫu nhiên mà bản tin đầu tiên liên quan tới hoạt động của phái đoàn đăng trên trang chủ của nội các nước này đã mang tựa đề “Ủy ban Venice hài lòng với bản Hiến pháp Hungary”.

(*) Bản tin đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn