NẾU MỘT NGÀY…

Thứ hai - 05/12/2011 23:16

(NCTG) Nếu một ngày, tự dưng thấy trên gối một tờ giấy trong đó chồng đòi bỏ, vì đã vô tích sự lại còn ham hố!

 
Ảnh do tác giả cung cấp

Thì chắc tôi sẽ phải tìm kẻ mà oán thán. Dễ thôi. Thằng cha Tổng biên tập “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG) ở Budapest.

Cái ngày mới biết gã, nghe nói gã đẹp giai to cao nhất nước cộng hòa trong số sinh viên Việt ở Hung. Là bạn gã kể. Nào có được diện kiến. Nhưng lại hay được nghe giọng gã, đọc thư gã. Vừa rời xứ sở, rơi tọt vào cái xứ nói thật thiên hạ mở miệng cũng không phân biệt được là giọng Đức hay giọng Bangladesh nếu không nhìn người, nghe được giọng con trai Hà Nội, trời ơi sướng. Nó mới êm làm sao, dịu làm sao. Mà thư của gã, chị chị em em ngọt thỉu, cả hai vợ chồng say mê đọc.

Và ngạc nhiên: gã này dân tự nhiên, thời phổ thông còn ở cái lớp tiếng tăm thuộc cái trường tiếng tăm nhất nhì Hà Nội ngày xưa. Nhưng rồi già đầu thêm chút, tôi mới hiểu ra mình ngại đúng người. Trong số những người tôi ngại, bao giờ cũng có mặt bọn toán, bọn ưa vẽ vời, và bọn học sinh cá biệt cả thời đi học lẫn thời đi dạy. Bọn đó nó đặc biệt lắm. Đường trường mình hụt hơi rồi mới thấm điều này.

Gã dân toán, rồi chắc bị nghiệp chọn hay sao, hay là con theo bố, mà rồi gã đâm bổ sang làm báo. Viết cho bọn báo nọ báo kia chưa đã, gã tự ra báo. Là NCTG đấy. Hồi đó có 28 trang, cỡ chữ nhỏ tí. Trên tinh thần đồng hương phố, tôi từng xui gã nới cỡ chữ. Là bởi vì biết lắm. Mình viết được một trang để in như thế đã chẳng nhàn gì, mà người phải lo trám đủ 28 trang vậy, tuần nào cũng như tuần nào, nếu là đàn bà chắc chồng nào cũng bỏ. Đàn ông không biết sẽ gặp cớ sự gì, nhưng chắc độ an toàn cũng khó mà cao.

Vấn đề không phải là phết mực lên trên giấy dưới hình chữ. Gã làm báo công phu lắm. Chưa được nhòm qua hết các báo cộng đồng ở Đông Âu, không dám chấp trước điều gì, chỉ muốn ghi nhận cái cách làm tin của gã. Sáng nay vợ chồng vừa nói với nhau về chính điều này. Rằng cái cách gã chọn tin, đưa tin nó cao hơn, sâu hơn, chuyên nghiệp hơn có thể nói là tất cả báo chí chính thống. À ừ thì cái nước mình nó thế. Chắc không hẳn vì trình độ của nhà báo ở nhà đâu. Mà là chuyện bị biên tập lại dưới định hướng của kiểm duyệt. Hay là cũng ít nhiều do trình độ của người viết nhỉ. Cứ đọc vài ba cái tít giật đùng đùng trên mạng của báo chí online nhà mình, thấy đúng là không sốc cũng sốt vì nhiều thứ, trong đó có chuyện văn hóa là giải trí.

Đọc báo của gã từ hồi còn là giấy tới giờ, thấy gã đã làm được một điều: giải trí là văn hóa. Dĩ nhiên báo của gã không tự gói bọc mình trong tính giải trí này. Tôi vẫn thích đọc đủ thứ gã dịch, dành cho cả tuổi teen lẫn hồi teen, từ chuyện yêu đương ra rít tới chuyện chính chị chính em, dân chủ hay vô chủ. Khen ai thì cũng có khác gì tự phải nhận mình là ngớ ngẩn, nhưng đành: báo của gã, ở một phương diện khác với “Diễn đàn” (Pháp), “Talawas” (Đức), đã có một hấp lực khí dài với tôi. NCTG cũng khác với nhiều tờ báo của người Việt mà chúng ta hay gọi chung là người Việt Đông Âu do nhớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa của cả ta lẫn Tây, không phải vì nó sống dai hơn, mà vì… thôi, cứ tầm cho đủ mà đọc rồi thì biết. Thật sự làm được cái việc phục vụ trước hết là cho cộng đồng chính nơi nó ra đời, nó đại chúng hơn mấy tờ báo đã nhắc đến ở trên. Đại chúng mà không bị đại chúng làm cho tầm thường dần dần từ từ như vô khối báo chí Việt ra đời ở các nước Đông Âu.

A. Nhưng mà tôi đang định lên án gã, mặc tình những gì gã đã làm, với báo của gã, với báo của thiên hạ, trong đó có cả báo chí ở nhà. Gã luồn khá là sâu vào trong giới báo bổ ở nhà (giới hạn lại và xin làm sáng rõ là môt tập hợp bọn viết báo không ngoan hiền cho lắm nhé), mỗi tội không thấy leo cao. Đọc tuốt rồi, lại nhớ cái ngày vợ gã bây giờ vẫn còn là đương kim bồ của gã, gã hay gọi điện qua và mình đứng run lập cập bên điện thoại dành cho cư dân của cả ngôi nhà, mỗi bận ai ra vào tuyết lại bám cả vào mặt mũi người đang hóng tiếng người. Xa. Mà thấy gần như thể.

Chính gã đó đấy đã mang lại nguy cơ của đời tôi: chồng bỏ. Chính gã, không phải thằng cha nào khác đã gửi cho tôi một lá thư, trong đó liệt kê rất nhiều địa chỉ báo chí, nhà xuất bản của người Việt trên khắp thế giới, trừ Việt Nam. Lúc đó tôi mới qua đây, còn chưa định theo chồng, thấy ở với chồng chán quá, lại chưa biết thổ ngữ, vồ được cái gì chữ Việt là đọc, cốt khai hóa tâm can mình về chính người mình. Thế nên thư gã thành bảo bối cho tôi bắt đầu chiến dịch đi xin trên tinh thần xin thì xin không cho thì thôi. Thế mà xin được thật. Cũng có những cái xin được rồi mà không kham được, kính rồi xa, chẳng hạn như lí tưởng của đôi ba người đôi ba nhóm, chống cộng theo cách đổ phế thải sinh học ngôn từ.

Nhưng nhìn chung thì tuyệt. Tôi biết “Diễn đàn” (Paris) từ bấy, biết văn học miền Nam trước 1975 trở lại 1954 thật sự từ bấy thay vì tụng vài ba cái tên mà tác giả “Những tên biệt kích văn nghệ” (*) đem ra đấu tố, biết văn học hải ngoại từ bấy. Và đó là những bước đầu tiên đưa tôi về lại đường viết – con đường mà tôi nhiều năm ở Việt Nam không ít bận lòng phải dặn lòng là: tránh, sau những buổi ngồi ngắm các tác giả văn chương Việt hiện đã vào độ tuổi thất thập một thời cách nay cũng đã ba chục năm khóc cười với nhau, và nghiệm được ra sau bao năm ròng văn chương nếu viết kèm lách chẳng khác nào cường toan gặm mòn nhân cách bao nhiêu người.

Ấy thế rồi lại viết. Chẳng phải vì nghe thấy tiếng hú gọi thiết tha gì của chữ đâu, mà chỉ bởi xấu hổ tội đọc chùa, gặm vào cái túi mỏng của những người con Việt lụy chữ Việt nơi xứ người, sống dường như nhờ vào chữ mặc dù chữ lại chẳng phải là đường cơm áo.

Từ viết gửi bưu điện đi khắp nơi, in được thì in, chỉ cốt góp mặt cho đỡ thẹn việc cứ đều đặn nhận sách báo của người ta, tới việc thiền trước máy tính như bây giờ, mười bảy năm đến nơi rồi. Mất bao nhiêu là thời gian. Cái gã giúp người kiểu tai hại trên thì tự ra báo và NCTG của gã đã mười năm tuổi. Nhiếu lúc cứ ngạc nhiên: ngần ấy vợ (1) , ngần ấy con (2), gã lấy đâu ra thì giờ và sức lực để làm nó và viết đủ thứ báo khác. Hôm vừa rồi phát hiện ra: trong khi tự sung mình vào vô khối báo, gã xây dựng được một đội ngũ cộng tác viên cho báo mình, viết khỏe và quan trọng là vừa trẻ vừa xinh. Đến lúc báo gã có cả bài của chị chàng Phan Thị Vàng Anh nổi tiếng là cao đủ thứ khiến mình ngưỡng mộ dù rõ ràng mình già cả hơn viết gửi riêng thì mình càng thêm phục gã.

Phục là một chuyện. Nhưng nếu bây giờ, ở cái tuổi khó làm lại cuộc đời lắm rồi, vì cái trò đọc đọc viết viết gã lôi kéo mình mà mình bị người dọa bỏ thì… Gã đừng hi vọng làm mặt hiền trước mình. Mình chứ không phải là các cô khác đâu.

Nhé.

Ghi chú (của NCTG):

(*) Cách gọi giới văn nghệ sĩ miền Nam trước 1975, xuất phát từ cuốn “Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa - tư tưởng”, in năm 1980 và được tái bản nhiều lần ở Việt Nam.

Nhà văn Lê Minh Hà, từ Berlin


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn