(NCTG) “Tôi vẫn bồi hồi khi nhớ lại những buổi trưa mùa đông nơi này, tuyết trắng trời, không áo khoác chạy vội ra cổng lục thùng thư và hớn hở ào vào nhà với lúc thì cuốn sách lúc thì cuốn tạp chí gửi từ Mỹ hay Pháp qua, rồi sau đó: một tập giấy mỏng 16 trang chữ bé tí tì ti: “Nhịp cầu Thế giới”, gửi từ Hung, báo lúc đó còn chưa áo quần” - chia sẻ của tác giả Lê Minh Hà từ Berlin về những kỷ niệm với báo chí Đông Âu.
Một số tờ báo của phong trào báo chí Đông Âu - Ảnh tư liệu
Lời Tòa soạn:Báo chí tự lập của người Việt tại Đông Âu - khởi đầu từ cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thế kỷ trước, mà xuất phát điểm chủ yếu là từ các nhóm sinh viên, trí thức từng học tập, lao động tại các nước XHCN (cũ) ở khu vực này - là đề tài mà sau này, các nghiên cứu sẽ cần quan tâm tìm hiểu và phân tích.
Xét từ một góc độ nhất định, NCTG ra đời 20 năm trước là sự tiếp nối muộn mằn của phong trào báo chí độc lập ấy, với một số khác biệt về hoàn cảnh, dẫn tới những “dị biệt” về mục tiêu, hướng đi..., nhưng vẫn chung điểm “đại đồng”, là muốn trở thành nguồn tin, diễn đàn đa chiều và xác tín để phục vụ cộng đồng.
Là một nhân chứng, đồng thời cũng từng có thời gian tham gia tích cực trào lưu báo chí ấy như một cây bút già dặn, giàu kinh nghiệm chuyên môn về lý luận văn học, nhà văn Lê Minh Hà đã có bài chia sẻ về những cảm nhận ngày đầu tiếp cận NCTG, và ý kiến về tờ báo đặt trong tổng thể nỗ lực của người Việt tại Đông Âu.
Chân thành cám ơn những thiện cảm và ưu ái mà chị đã dành cho NCTG, và trân trọng giới thiệu bài viết của chị! (NCTG)
Đấy là con đường tôi gặp Nguyễn Hoàng Linh.
Phải hơn 10 năm sau, khi chuyển nhà qua Berlin, tôi mới có dịp gặp Linh lần đầu, rất vội vàng, bên một bàn ăn chuyên đề cá khó có thể có ai nấu ngon và kỳ công hơn thế được mà bà chị họ của Linh đãi. Chẳng ai kịp ăn, miệng còn bận nói, vì chỉ có nửa tiếng đồng hồ: Linh còn phải ra sân bay tiếp tục chuyến đi công việc của mình. Nhưng, với tôi, một lần thế là đủ để chiêm nghiệm lại cảm giác của mình, về một người, về một tình thân đã có từ hơn 10 năm trước.
Chính xác, là từ khi tôi tới Đức. Những bài báo thỉnh thoảng xuất hiện trên tờ “Cánh Én” ký tên tắt V.X.L làm tôi tò mò.
“Cánh Én” không phải là tờ báo Việt ngữ đầu tiên, nhưng có thể coi là tờ báo đầu tiên của một lớp người Việt lớn lên dưới mái trường XHCN tại Đức. Những chắc - chắn - từng - là - cháu - ngoan - Bác - Hồ một thuở - những người sáng lập tờ “Cánh Én” có một đặc điểm khác với những người làm các tờ báo Việt ngữ khác ở đất này: Họ nguyên là những trí thức từng được đào tạo ở các nước Đông Âu. Việc họ chọn nước Đức vừa thống nhất làm quê hương thứ hai và ra tờ “Cánh Én” là một cách thế thể hiện tinh thần trí thức được khai phóng ở họ.
Ở tờ báo đó, buổi đầu còn in roneo, tự thả dấu tay, khốn khổ, tiếng Việt thì gần như âm nào cũng có dấu, tôi bắt gặp những dòng chữ viết về thơ, về nhạc, về thành phố tôi vừa rời đi và chưa biết đến lúc nào gặp lại mà chỉ đọc qua thôi đã thấy một say đắm với nghệ thuật, một cẩn trọng hiếm có với chữ, một lịch lãm không ngờ. Của V.X.L. Chả biết là ai, nên, để dễ nhớ, tôi tự dịch ba chữ viết tắt đó là Vương Xương Linh - nhà thơ Trung Hoa từng đi về trong những bài viết ký bằng ba chữ viết tắt kia.
Tôi biết tôi có lý, khi lần đầu tiên nhận cuộc gọi của Nguyễn Hoàng Linh từ Hung. Nói chuyện thì biết là khả năng viết của cậu chàng này từ đâu ra. V.X.L. có thời từng là dân chuyên toán Chu Văn An, cả thành phố Hà Nội có độc ba lớp chuyên toán ở đó, khỏi phải nói nhiều rồi. V.X.L. là con ông thầy văn học cổ đại Phương Tây của tôi ở Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Nghe vậy là biết người từng vọc chữ để chơi sớm rồi là bị chữ nó hành.
Một đặc điểm dễ nhận thấy khi đọc bài của Linh là bài viết thường khá nhiều ngoặc kép. Ngoặc kép, không phải là biểu hiện của những cái nháy mắt làm duyên kiểu kém duyên ở những cây bút loay hoay với chữ cả đời mà vẫn chỉ là thứ tay mơ. Ngoặc kép mà Linh hào phóng sử dụng chỉ đơn giản là ngoặc kép, vì anh bạn này thường trích dẫn trực tiếp khi sử dụng tư liệu. Đọc đôi khi thấy rặm, nhưng khi góp ý và nhận về lời giải thích, thì tôi hiểu ra đó là một thói quen của người quen tư duy logic, nghiêm cẩn khi sử dụng tư liệu, của một người mà trong một hoàn cảnh khác rất có thể trở thành một nhà khoa học toàn tòng. Nói kiểu giản dị hơn, cũng chính xác hơn: đấy là sự chính trực khi làm chữ.
Cái đặc điểm này đã phát lộ hoàn toàn khi “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG) ra đời. Ở mảng tin tức. Buổi đầu khi nhận được những NCTG, phải nói là tôi hết sức hài lòng, cũng hết sức ngạc nhiên khi đọc mảng này. Cách đưa tin đúng bản chất báo chí, trung tính, khách quan (nhận ra ngay nếu đọc các bài bình luận chính trị xã hội, là thể loại có khách quan đến đâu cũng không thể không bắt đầu từ chủ quan của người viết, với các quan điểm riêng, hệ giá trị riêng.)
Tin tức thế giới, còn bảo là có liên quan tới mình, tới ý thích muốn biết của mình. Tin tức Hungary, biết thì biết không biết thì (trừ những sự kiện lịch sử như mùa thu 1956, với những lồng ngực trẻ ở tuổi mình dám thở nhịp hào hùng và bi thảm hướng tới tự do) cũng chẳng làm sao, thế mà làm tôi say mê. Lý do: vẫn là cách đưa tin đúng bản chất mà báo chí phải đạt tới, vẫn là ngôn ngữ báo chí nhuần nhụy. Đọc những tin tức ấy, rồi đọc những bài viết về lịch sử chính trị xã hội Hung ở NCTG, tôi rất hay nhớ tới… “VnExpress” và “VietNamNet”. Đó là một đối nghịch thú vị về cách làm nghề, quan niệm về nghể, bản chất của nghề, và tài năng trong nghề.
NCTG không có sự định hướng của nhà nước Việt Nam cũng như sự kiểm soát của đại sứ quán Việt Nam như không ít cái gọi là báo chí Việt ngữ ở nước ngoài. NCTG ra đời từ những gì thì thì tôi không biết, nhưng tôi biết chắc là từ một ham thú gần như là ham thú tồn sinh của cậu chàng tổng biên tập (TBT). Không thế, có mà dở hơi mới dính vào chuyện báo chí ở nơi này, báo đã chẳng bổ mà chỉ là báo hại nếu xét riêng ở góc độ vật chất. Lợi không sinh mà chỉ sinh tổn thất: hại não, tốn thời gian.
Từ kinh nghiệm cá nhân, từng viết không ít bài báo cho cả trong lẫn ngoài nước, tôi biết điều đó. Một tuần viết dăm ba bài báo một hai ngàn chữ, chẳng dễ, với kiểu cầu toàn của mình, còn được. Chứ làm báo? Tôi vái! Khó mà đáp ứng được sự o ép chỉ nói riêng về chuyện thời gian. Làm báo như nấu ăn, đòi hỏi chất lượng cao, nghĩa là phải có nguyên liệu tươi sống là tin tức. Nhưng còn gia vị, còn cách thức nấu, có công thức đấy nhưng người nấu giỏi là người tạo ra công thức để rồi biến báo liên miên, và cuối cùng: phục vụ người nhưng cũng là để tạo ra khẩu vị cho người. Nó khác hoàn toàn cái món cháo rìu hay mầm đá ngay cả khi người ăn đang đói.
NCTG có cộng tác viên (CTV), tôi đây cũng, nhưng 10 năm rồi chả gửi bài nào. Để trám được chữ cho đủ số trang mà không làm động tác copy, mà không bày ra những tiêu mục dấm dớ rồi nhét chữ nhặt nhạnh trên mạng vào cho đầy, công việc của anh TBT nó kinh khủng lắm. Anh phải dịch tin, phải đi săn tin, phải viết bình luận chính trị, bao nhiêu là việc. Rồi thời sự văn nghệ, truyện ngắn dài vui buồn cười khóc. Ái chà chà. Tôi biết đến nhận một chuyên mục ở báo nọ báo kia mình còn chẳng dám là vì sao. Để làm tròn trọng trách, chắc chắn tôi không thể chỉ một chồng một đời, ấy là nói giảm. Nói gần với sự thật thì sẽ là có ngày về nhà chỉ gặp mỗi mình.
Thế mà NCTG đã đứng được. Đứng 20 năm nay rồi. Không có lấy một trụ sở báo, không có một ban trị sự, không có một đội ngũ phóng viên các mảng, không có ngân sách, không có quảng cáo.
Nếu so sánh tờ báo này với vô số báo chí của các ban các bộ các hội đoàn ở Việt Nam thì đây là một sự kỳ diệu. Nó không phải là duy nhất khi nhìn ra thế giới, nơi người Việt ta vì hoàn cảnh lịch sử đã túm tụm về, như Mỹ, như Pháp, nơi người Việt từng có những “Văn Học”, “Văn”, “Hợp Lưu”, “Diễn đàn Paris”, “Diễn đàn Praha”… Nhưng nếu tính tới sự một mình một ngựa, vốn chả dính dáng gì với chữ nghĩa Việt ngoài một thú đọc buổi ban đầu, NCTG xứng đáng (và tôi vẫn nói thế từ bao nhiêu năm nay) là tờ báo cộng đồng được nhất trong các nước Đông Âu, được, theo nghĩa chuyên nghiệp mà tôi đòi hỏi.
Từ lúc chỉ là 16 trang chữ nhỏ bằng cỡ chữ của “Diễn đàn Paris” (mà tôi từng xúi TBT hay là nới cỡ chữ ra cho đỡ vất vả), nâng dần lên thành 28 trang, 32 trang, rồi 48 trang vào thời kỳ cuối, từ lúc là báo in mà tuần nào tôi cũng hóng khi mở thùng thư tới lúc thành báo mạng, NCTG mỗi ngày một dày dặn về bài vở, ổn định về chất lượng bài vở, có thêm CTV xa gần, từ lúc in ra số đầu TBT loay hoay chẳng biết làm cách nào phát hành, phải nhờ cậy tay mềm dáng mảnh nụ cười tươi của một bạn sinh viên khóa dưới - bác sĩ Đặng Phương Lan - mang đi bán rao trong chợ cho bà con Việt tới lúc có một lượng bạn đọc trung thành ngày ngày mở mạng vào nhòm, tới nay NCTG đã có hẳn 20 năm để lại sau lưng, có nhiều bổn báo bạn nay thành bạn cũ đã chết.
Còn nhiều sự thay đổi nữa: anh chàng TBT lúc mới làm báo nhòm còn như một sinh viên nay thành bố vợ cũng hợp rồi, anh cũng dày dạn ở mặt báo chí lắm rồi, là cộng tác viên của nhiều đài báo Việt ngữ tầm cỡ cả trong lẫn ngoài nước.
Chỉ có một sự không thay đổi: không hiểu sao anh vẫn chưa bị vợ bỏ vì làm báo, và tôi, tôi vẫn bồi hồi khi nhớ lại những buổi trưa mùa đông nơi này, tuyết trắng trời, không áo khoác chạy vội ra cổng lục thùng thư và hớn hở ào vào nhà với lúc thì cuốn sách lúc thì cuốn tạp chí gửi từ Mỹ hay Pháp qua, rồi sau đó: một tập giấy mỏng 16 trang chữ bé tí tì ti: “Nhịp cầu Thế giới”, gửi từ Hung, báo lúc đó còn chưa áo quần.
(*) Tác giả là cựu nhà giáo, nhà văn, đã xuất bản nhiều tập truyện ngắn, tản văn, tùy bút, tiểu thuyết tại Việt Nam và hải ngoại. Đã tham gia và khích lệ NCTG từ những ngày đầu.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...