GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA CÔNG TRÌNH NHÀ THỜ VÀ DÒNG TU MẾN THÁNH GIÁ THỦ THIÊM (TP. HỒ CHÍ MINH)

Thứ ba - 01/02/2022 15:30

(NCTG) “Một con đường, một hàng cây, một ngôi nhà cổ… có thể không sánh bằng một trung tâm thương mại hoành tráng nhưng trung tâm thương mại không tồn tại chỗ này có thể xuất hiện chỗ khác còn ký ức thì không phải nơi đâu cũng lưu giữ được” - quan điểm của tác giả Nguyễn Thị Hậu từ TP. Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh Nhà Thờ và Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm - Ảnh: myngheconggiao.com

Toàn cảnh Nhà Thờ và Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm - Ảnh: myngheconggiao.com

1. Khái quát về lịch sử Công giáo ở TP. Hồ Chí Minh

Lịch sử hình thành giáo phận TP. Hồ Chí Minh gắn với dòng lịch sử Nam tiến và bách đạo thời vua chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Công giáo Việt Nam được coi là chính thức thành lập vào năm 1615 ở Đàng Trong và 1627 ở Đàng Ngoài. Năm 1659, Tòa thánh Roma thiết lập Giáo phận Đàng Ngoài (Bắc Hà) và Đàng Trong (Nam Hà). Đàng Ngoài từ sông Gianh, Quảng Bình trở ra và Đàng Trong từ sông Gianh trở vào hết Nha Trang, bao gồm cả Ninh Thuận và Bình Thuận của Chiêm Thành. Năm 1698, chúa Hiền sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Sài Gòn. Giáo dân ba hạt Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đã theo Nguyễn Hữu Cảnh vào qui tụ ở huyện Phước Long (Biên Hòa) và huyện Tân Bình (Sài Gòn). Đây cũng là năm khai sinh vùng đất Sài Gòn - Gia Định.

Năm 1844, Đức Giáo hoàng Gregoriô XVI ban chiếu thư chia giáo phận Đàng Trong làm hai: Đông Đàng Trong (từ sông Gianh vào Bình Thuận) và Tây Đàng Trong (Lục tỉnh Nam kỳ và Cao Miên). Vùng Biên Hòa do các giáo sĩ Thừa sai Paris MEP phụ trách còn vùng Sài Gòn do các giáo sĩ dòng Phanxico quản lý. Đức cha Dominique Lefèbvre làm Giám mục tiên khởi Địa phận Tây Đàng Trong. Đến năm 1850, hai tỉnh An Giang và Hà Tiên tách ra theo giáo phận Nam Vang. Giáo phận Tây Đàng Trong chỉ còn bốn tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và Vĩnh Long. Trải qua thời kỳ lịch sử bách đạo triền miền, giáo dân tan tác, trốn chạy khắp nơi.

Trước khi Pháp đánh Sài Gòn - Gia Định, giáo phận Sài Gòn còn lại chừng 23000 giáo dân, 3 thừa sai Pháp và 16 linh mục Việt, các thánh đường, nhà nguyện trước đây đều bị phá đổ (1). Sau hòa ước Nhâm Tuất 1862, ngày 13/07/1862 Tự Đức ban Dụ tha đạo, khi ấy Công giáo mới bắt đầu hồi sinh. Dưới thời đức cha Dominique Lefèbvre (1884 - 1865) và Colombert (1873 - 1894) nhiều công trình kiến trúc Công giáo mọc lên khắp Sài Gòn: tu viện dòng Phaolo (1860), chủng viện Giuse Sài Gòn (1861), nữ đan viện Cát Minh (1862), Chợ Lớn (1870), Thị Nghè (1875), Tân Định (1876), nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (1880), trường Taberd (1889)… (2) những công trình này hiện vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Năm 1924 giáo phận Tây Đàng Trong đổi tên thành giáo phận Sài Gòn. Ngày 24/11/1960, Giáo hoàng Gioan XXIII thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam gồm ba tòa Tổng Giám mục và 17 Tòa Giám mục. Sài Gòn lúc này là trung tâm chính trị và tôn giáo ở miền Nam nên trở thành thành Tổng giáo phận Sài Gòn. Giám mục Nguyễn Văn Bình trở thành vị Tổng Giám mục đầu tiên của Tổng giáo phận vào năm 1961. Sau khi thống nhất đất nước, năm 1976 Sài Gòn được đổi tên là TP. Hồ Chí Minh, vì vậy cũng trong năm này Tòa thánh đã đổi tên Tổng giáo phận Sài Gòn thành Tổng giáo phận TP. Hồ Chí Minh.

Trải qua nhiều thăng trầm, đổi tên, tách ra rồi lại sáp nhập, hiện nay Tổng giáo phận Sài Gòn có 23 giáo họ đã được trên 100 năm thành lập: Chợ Quán - 1723, Chí Hòa - 1771, Thánh Gẫm (Gò Công - 1848), Xóm Chiếu - 1856, Chợ Đũi (Huyện Sĩ) và Thủ Thiêm - 1859, Tân Định - 1861, Cầu Kho và Bà Điểm - 1863, Phanxico (Cha Tam) - 1865, Chợ Cầu - 1869, Vĩnh Hội - 1875, Thủ Đức - 1879, Tân Quy và Tắc Rỗi - 1880, Bình Chánh - 1884, Thị Nghè và Gò Vấp - 1888, Long Đại - 1990 và Hạnh Thông Tây - 1910 (3). Cùng với sự hình thành các giáo xứ là những công trình kiến trúc nhà thờ, tu viện… qua hơn một thế kỷ đã trở thành một bộ phận quan trọng của di sản đô thị Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh.

2. Sơ lược quá trình hình thành Dòng Mến Thánh giá và nhà thờ Thủ Thiêm

Theo các tài liệu lịch sử, dưới triều vua Minh Mạng, đạo Công giáo bị bách hại dữ dội, nhất là sau cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi vào năm 1833. Các nhà thờ, tu viện bị tàn phá tan hoang, linh mục, tu sĩ, giáo dân ly tán khắp nơi... trong hoàn cảnh ấy có một số nữ tu Mến Thánh giá tụ tập lại với nhau ở Thủ Thiêm.
 
Di tích kiến trúc nghệ thuật Tu viện Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm có lịch sử gần 180 năm tuổi - Ảnh: nld.com.vn
Di tích kiến trúc nghệ thuật Tu viện Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm có lịch sử gần 180 năm tuổi - Ảnh: nld.com.vn

Thủ Thiêm là một vùng quê ven sông Sài Gòn. Theo người dân địa phương, ban đầu nơi này được gọi là Thổ Thêm do vùng đất bồi mỗi ngày một cao thêm nhờ sông Sài Gòn. Dần dần người ta đổi thành Thủ Thiêm, đồng âm đầu với những vùng lân cận như Thủ Dầu Một, Thủ Đức còn từ Thêm thì đọc trại ra là Thiêm. Giữa thế kỷ 19 nơi đây vẫn là một vùng hoang vu với rừng cây ngập mặn, “sấu gầm cọp um”, dân cư thưa thớt.

Đến năm 1840, nhà dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm chính thức được thành lập. Nhà ở ban đầu chỉ là chòi lá dựng gần gốc me (cây me hiện vẫn xanh tươi trong khuôn viên nhà dòng), các nữ tu đã cần cù lao động, khai hoang vỡ đất trồng trọt để sinh sống... Về đời sống tinh thần của họ, một tờ báo Pháp vào năm 1845 đã mô tả như sau: Các nữ tu không hề giữ nội vi, ngay cả vào thời bình. Những lời khấn mà họ tuyên thệ để dâng mình cho Thiên Chúa và dấn thân từ nay sống tiết dục, là những lời khấn đơn. Các phụ nữ đạo đức này đã phải lo việc giáo dục các thiếu nữ; ngày ngày họ bận tâm lo nâng đỡ kẻ bệnh hoạn. Họ sinh sống bằng lao động tay chân, chỉ dùng hai bữa ăn thanh đạm mỗi ngày. Họ ăn chay các ngày thứ Sáu và thứ Bảy mỗi tuần. Hằng ngày, họ dâng lên Thiên Chúa những lời kinh dài và nhiệt tình.

Thủ Thiêm ngày ấy là một vùng rừng ngập mặn hoang vắng, ven sông rải rác vài ba mái nhà lụp xụp và một vài ngôi chùa, miễu của người Miên và người Thổ. Đến năm 1863, nhờ sự hỗ trợ của các chủng sinh tại Xóm Chiếu, các nữ tu đã cất được một nhà nguyện mái tranh vách ván và một dãy nhà được ngăn ra nhiều gian để ở.

Nhờ có nhà thờ Thủ Thiêm được thành lập cạnh đó vào năm 1859 nên các nữ tu được đi lễ thường xuyên hơn thay vì mỗi tuần một lần như trước đây. Ngoài giờ kinh nguyện, những nữ tu Mến Thánh giá Thủ Thiêm còn giúp các cha dạy giáo lý, dạy các thiếu nữ việc tề gia nội trợ, nhất là yêu mến đức trong sạch. Các nữ tu sinh sống bằng nghề nuôi tằm, kéo sợi, dệt vải, dệt chiếu, làm ruộng, làm vườn... dần dần họ đã biến nơi sình lầy thành những sóng đất cao bao quanh những vườn dâu, vườn rau và ruộng lúa... Cơ sở vật chất cũng được tu sửa và xây mới để đáp ứng nhu cầu thực tế, số nữ tu và dự tu cũng không ngừng tăng lên (4).

Có thể nói Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm là một trong những cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đầu tiên trên vùng đất Thủ Thiêm, thuộc vào những cơ sở công giáo sớm nhất trên vùng đất Sài Gòn. Sự hiện diện của cơ sở tôn giáo này có giá trị lịch sử quý giá vì đã đánh dấu giai đoạn đầu tiên cư trú và sinh hoạt tinh thần của một cộng đồng dân cư, cùng với đó là hoạt động lao động sản xuất trên một vùng đất còn hoang vu, góp phần biến nơi này thành làng xóm trù phú.

Sự hình thành Dòng tu và nhà thờ Thủ Thiêm còn như một “nhân chứng” phản ánh giai đoạn lịch sử dưới triều Nguyễn ở Sài Gòn - Nam Bộ, vùng đất này là nơi trú ngụ và nuôi dưỡng những người nghèo hoặc người bị triều đình truy bức xua đuổi. Chính những lớp người này đã khai khẩn xây dựng cho vùng đất này ngày càng phát triển.

3. Ý nghĩa của công trình Nhà thờ và Dòng tu Mến Thánh giá Thủ Thiêm với khu đô thị mới

Hơn mười năm nay bán đảo Thủ Thiêm được biết đến như một đô thị hiện đại tương lai của TP. Hồ Chí Minh. Nhờ vị trí độc đáo ở đối diện và chỉ cách khu vực lõi trung tâm lịch sử quận Một một đoạn ngắn của sông Sài Gòn, bán đảo này được chọn là trung tâm hành chính - tài chính mới, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của một thành phố 10 triệu dân cùng lượng lớn người vãng lai. Vì vậy các dự án giao thông, hạ tầng, trung tâm thương mại tài chính, trung tâm văn hóa như bảo tàng, nhà hát, sân vận động và vô số dự án chung cư, khu dân cư cao cấp… đã hình thành. Đi trước các dự án này là quá trình đền bù giải tỏa những xóm làng lâu đời, ruộng vườn, trong đó có các công trình tôn giáo tín ngưỡng.
 
Một công trình giàu ý nghĩa về tôn giáo, lịch sử và tâm linh - Ảnh: myngheconggiao.com
Một công trình giàu ý nghĩa về tôn giáo, lịch sử và tâm linh - Ảnh: myngheconggiao.com

Chưa biết tổng thể dân cư mới của đô thị Thủ Thiêm có nguồn gốc từ đâu, nhưng ở bất cứ cộng đồng nào, kể cả đô thị mới thì người dân cũng cần có nơi thờ tự để thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của mình. Vì vậy, trong quy hoạch đô thị mới việc giải tỏa các công trình tôn giáo tín ngưỡng lâu đời là không thỏa đáng, vì ngoài chức năng phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng, những công trình đó luôn chứa đựng giá trị lịch sử - văn hóa. Cư dân Thủ Thiêm do bị giải tỏa mà phải đến sinh sống ở nơi khác thì chính những công trình văn hóa như đình, chùa, nhà thờ… ở nơi chốn cũ là biểu tượng nối liền quá khứ và hiện tại của họ.

Thành phố mới không trở nên xa lạ đối với những người đã hy sinh nhà cửa, ruộng vườn và cả một phần cuộc đời của họ cho sự ra đời của thành phố mới. Đổi lại, việc gìn giữ một số công trình văn hóa lâu đời ở đô thị mới sẽ nuôi dưỡng được ký ức lịch sử của vùng đất này. Đồng thời, những dấu tích cổ xưa của khu đô thị mới cũng mang lại cho cộng đồng dân cư mới cảm giác thân thiện, tạo ra sự gắn bó và thái độ quý trọng một vùng đất có lịch sử, biết ơn những người từ đây đã ra đi để xây dựng đô thị mới. Những dấu tích lịch sử - văn hóa chính là sợi dây nối liền các cộng đồng dân cư qua nhiều thời kỳ trên một vùng đất.

Nhà thờ không phải là một công trình nghệ thuật vị nghệ thuật, được xây dựng chỉ để mọi người chiêm ngưỡng, mà trước tiên là ngôi nhà của cộng đồng ở một địa phương có một lịch sử nhất định, và sự gắn bó giữa cộng đồng giáo xứ với ngôi nhà của chính mình, là cái hồn của loại kiến trúc được gọi là nhà thờ, ngôi nhà đã từng chứng kiến, ghi nhận - và còn hơn cả chứng kiến và ghi nhận, - những buồn, vui, hy vọng, trông chờ kèm theo mỗi khoảnh khắc của cuộc sống, của cộng đồng và của từng tín hữu khi chào đời, lớn lên, trưởng thành và cả sau khi đã nhắm mắt xuôi tay… Nhà thờ là phần không nhỏ của ký ức nơi mỗi tín hữu Công giáo”. (5)

Chính vì vậy, chính quyền, các nhà đầu tư, nhà quy hoạch cần có sự hiểu biết và tôn trọng vấn đề này trong mọi quy hoạch kinh tế - xã hội. Các công trình như nhà thờ, dòng tu, chùa chiền cần đưa vào khu vực chỉnh trang cho phù hợp với quy hoạch chung, không nhất thiết phải giải tỏa, đặc biệt là những công trình có lịch sử lâu đời đã được ghi chép lại. Một con đường, một hàng cây, một ngôi nhà cổ… có thể không sánh bằng một trung tâm thương mại hoành tráng nhưng trung tâm thương mại không tồn tại chỗ này có thể xuất hiện chỗ khác còn ký ức thì không phải nơi đâu cũng lưu giữ được.

Để phù hợp hơn với cảnh quan đô thị mới, việc bảo tồn, trùng tu nhà thờ, đình chùa cổ xưa đã bị hư hỏng hay xuống cấp là nhu cầu chính đáng và cấp thiết. Là những công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời, có giá trị văn hóa tinh thần gắn bó với một vùng đất, nếu chính quyền có chính sách và phương pháp phù hợp thì cộng đồng nói chung và cộng đồng tôn giáo nói riêng sẽ chung tay góp công góp của, để mang lại cho thành phố mới vẻ đẹp từ chiều sâu lịch sử - văn hóa và nâng cao hơn giá trị kinh tế từ đó và nhờ đó.

4. Xếp hạng di tích để bảo tồn công trình nhà thờ và dòng tu Mến Thánh giá Thủ Thiêm

Hiện nay có thể nhận thấy Luật Di sản Văn hóa và các quy định về bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa chưa bao quát hết các loại hình di sản, nhất là với những di sản thuộc sở hữu tư nhân hay sở hữu của một tổ chức. Vì vậy việc xếp hạng di tích còn hạn chế những trường hợp này. Đặc biệt khi công trình hư hỏng xuống cấp phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn: hoặc phá hủy để xây công trình mới (nhanh chóng, dễ dàng), hoặc cố gắng bảo tồn và trùng tu (mất thời gian, khó khăn và tốn kém hơn). 

Tuy nhiên, một công trình chưa xếp hạng không có nghĩa là công trình, di tích đó không có giá trị di sản. Một đối tượng được coi là di sản khi có các thuộc tính: 

- Tính truyền thống, vì di sản luôn mang nhiều ý nghĩa với cộng đồng; nó trở thành biểu tượng của một nơi chốn, là ký ức của cộng đồng chủ thể của di sản, được trao truyền qua các thế hệ, đồng thời là dấu hiệu để cộng đồng khác “nhận biết” một vùng văn hóa khác.

- Tính khoa học vì đối tượng di sản được thừa nhận thường có giá trị lớn về mặt lịch sử hoặc nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc, hội họa, kỹ thuật xây dựng… Những giá trị này có tính không thể thay thế được vì đại diện cho một thời đại, một giai đoạn lịch sử; Tính khoa học là khách quan, không phụ thuộc vào sự nhìn nhận, đánh giá của chủ thể “sở hữu” hay quản lý di sản.

- Tính kinh tế: di sản mất đi có thể gây nên mất mát cho cộng đồng bởi chính trị giá kinh tế của công trình và nguồn lợi do di sản mang lại.

- Đồng thời di sản mang tính lịch sử sâu sắc do ba khía cạnh: đến từ quá khứ, sống cùng hiện tại, là cơ sở cho tương lai nhận thức về lịch sử. 

- Di sản còn mang tính nhân văn của sự phát triển bền vững, vì nó xác lập, bảo vệ và tôn trọng sự đa dạng văn hóa.
(6)

Vì vậy, khi một công trình có giá trị nhiều mặt đứng trước nguy cơ bị hủy hoại thì việc các nhà chuyên môn, công chúng lên tiếng chính là để chính quyền phải xem xét và có phương thức ứng xử kịp thời. Đồng thời cũng là cơ hội để cộng đồng nâng cao ý thức và sự hiểu biết về giá trị di sản. Trường hợp Nhà thờ và Dòng tu Mến Thánh giá Thủ Thiêm ở TP. Hồ Chí Minh đã may mắn kịp thời được chính quyền nhận biết và bảo vệ giá trị lịch sử của công trình đối với khu vực Thủ Thiêm nói riêng và thành phố nói chung. Vào cuối năm 2019, Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Thành phố đối với Nhà thờ Thủ Thiêm, Tu viện Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm. (7)
 
TS. Nguyễn Thị Hậu với những nỗ lực khảo cổ và bảo tồn di sản - Ảnh: Facebook
TS. Nguyễn Thị Hậu với những nỗ lực khảo cổ và bảo tồn di sản - Ảnh: Facebook

Từ trường hợp này có thể rút ra một số vấn đề sau đây.

Công trình Công giáo là tài sản của giáo phận, tuy nhiên, sở hữu công trình thuộc về tư nhân hay tổ chức nhưng giá trị di sản của công trình thì thuộc về cộng đồng chung. Bởi vì mỗi giáo phận không tồn tại ở nơi hoang vắng không thuộc về quốc gia nào mà luôn thuộc về một quốc gia, một nền văn hóa, và như vậy công trình công giáo về giá trị vật chất và tinh thần theo thời gian còn là sự phản ánh lịch sử của cộng đồng, của vùng đất và quốc gia đó.

Trong thời hiện đại, giá trị kiến trúc và nghệ thuật trang trí của công trình nhà thờ còn thể hiện sự độc đáo riêng biệt của từng nền văn hóa, các cộng đồng riêng đóng góp vào dòng chảy chung của lịch sử công giáo thế giới. Đây chính là ý nghĩa quan trọng nhất của việc bảo tồn di sản kiến trúc công giáo ở mỗi vùng miền, mỗi quốc gia. Việc bảo vệ sự tồn tại của Dòng Mến Thánh giá và nhà thờ Thủ Thiêm, hay cảnh quan cây xanh đường Tôn Đức Thắng nơi có những công trình công giáo lâu đời tại TP. Hồ Chí Minh cũng với ý nghĩa này.

Khi cộng đồng hiểu giá trị một công trình xứng đáng là di sản vì ý nghĩa lịch sử của nó thì việc xếp hạng công trình là hết sức cần thiết. Bởi vì khi đó chính quyền và cộng đồng sẽ quan tâm, chăm sóc, bảo vệ và bảo tồn để công trình không hư hỏng xuống cấp, đồng thời tránh được nguy cơ một ngày nào đó bị xóa bỏ vì “nhu cầu hiện đại hóa”. Khi cộng đồng đã có ý thức cùng chia sẻ và tìm cách bảo vệ di sản, tiếng nói chung của những người yêu quý di sản sẽ giúp nhà quản lý tìm ra phương thức đúng đắn để ứng xử phù hợp với di sản, đồng thời thúc đẩy công tác quản lý di sản phải thích ứng và kịp thời giải quyết các vấn đề mới nảy sinh.

Hiện nay, rất nhiều công trình Công giáo chưa được quan tâm làm hồ sơ xếp hạng di tích - khó khăn từ phía các cấp quản lý văn hóa hay trở ngại từ phía chủ sở hữu công trình Công giáo - thì cũng rất đáng lo ngại cho sự tồn tại và phát huy giá trị lịch sử - nghệ thuật của các công trình có tính chất lịch sử quý giá này. Thực trạng này cho thấy, việc bổ sung, thay đổi hoặc xây dựng những điều luật mới của Luật Di sản văn hóa để phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống đang trở thành một nhu cầu cấp bách.

Ghi chú:

(1) Cao Thế Dung (2002), “Việt Nam Công giáo sử tân biên 1553 - 2000”, Q. III, tr. 1924.

(2) Bùi Đức Sinh (2009), “Lịch sử Giáo hội Công giáo”, q.2, tr. 414 - 415, Veritas Edition.

(3) Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (2010), “Dấu ấn 350 năm Giáo hội Công giáo Việt Nam”, NXB Phương Đông, tr. 182.
 
(4) http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/phong-su-nha-dao/175-nam-hoi-dong-men-thanh-gia-thu-thiem_a362

(5) Trần Thái Hiệp (1991), “Kiến trúc thánh đường ngày nay, “Công giáo và Dân tộc”, số 829, tr. 15. Ủy ban Giám mục về Nghệ thuật Thánh (2006), sđd, tr. 40.

(6) Nguyễn Thị Hậu, 2017. “Đô thị Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh khảo cổ học và bảo tồn di sản”. NXB Tổng hợp TP. HCM.

(7) Báo “Sài Gòn giải phóng”, số ra ngày 31/12/2019.


Tài liệu tham khảo:

- Bùi Đức Sinh, 2009. “Lịch sử Giáo hội Công giáo”, quyển 2.

- Choi Byung Wook, 2019. “Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng (1820 - 1841)”. Nhóm dịch giả, NXB Hà Nội.

- Cao Thế Dung, 2002. “Việt Nam Công giáo sử Tân biên 1553 - 2000”.

- “Dưới bóng thánh giá. Kỷ yếu kỷ niệm 175 năm thành lập hội dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm 1840 - 2015”.

- Hội đồng Giám mục Việt Nam, 2010. “Dấu ấn 350 năm Giáo hội Công giáo Việt Nam”. NXB Phương Đông.

- Nguyễn Thị Hậu, 2017. “Đô thị Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh khảo cổ học và bảo tồn di sản”. NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

- Trần Thái Hiệp, 1991. “Kiến trúc thánh đường ngày nay”, “Công giáo và Dân tộc”, số 829.

(*) Tác giả là Tiến sĩ Khảo cổ học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh. Hiện tại, chị là Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Sử học TP. Hồ Chí Minh, giảng dạy tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thị Hậu, từ TP. Hồ Chí Minh


 
 Từ khóa: Dòng Mến Thánh giá
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn