NƯỚC MẮT CHO TÔI

Thứ tư - 09/03/2022 02:04

(NCTG) “Nước mắt không giúp được gì cho ai cả. Nhưng cho tôi. Nước mắt cứ trào ra khi tôi đi trong nhà ga Berlin. Nước mắt cho tôi tin tôi vẫn là một con người” - nhà văn Lê Minh Hà từ Berlin.

Người Đức đứng về “phe nước mắt” - Cổng thành Brandenburg chìm trong màu cờ Ukraine - Ảnh: newsreadonline.com

Người Đức đứng về “phe nước mắt” - Cổng thành Brandenburg chìm trong màu cờ Ukraine - Ảnh: newsreadonline.com

1. 8/3. Cổng thành Brandenburg.

Tôi có video clip quay cảnh biểu tình ca hát chống chiến tranh đòi hòa bình. Tôi có những bức ảnh, người, cờ Ukraine, cờ Liên Âu, xanh vàng rũ bên nhau, quấn lấy nhau.

Ukraine chưa nằm trong Liên Âu. Tôi biết.

Ukraina vào được Liên Âu? Còn lâu. Năm năm, mười năm, hai mươi năm... Dù đơn xin gia nhập đã được nhận. Không giống một quốc gia nào có mong muốn nhập vào Liên Âu, nước Ukraine gửi đơn từ chiến trận. Với Nga. Nước láng giềng, nước đồng hương, nước đồng chí, một đời, nhiều thời. Tôi biết.

2. Nhưng tôi sẽ không post những clip hay những bức ảnh tôi vừa có. Nó không khác bao nhiêu những bức ảnh, clip về các sự kiện chính trị văn hóa ở đất này.

Sau khi chúng tôi đi vào nhà ga chính của Berlin. Mục đích: tìm xem có đồng hương Việt Nam nào cần giúp đỡ trên đường tỵ nạn, tỵ nạn chiến tranh, từ Ukraine qua. 

Tôi biết: người Ukraine chạy được qua Ba Lan rồi sẽ lên đường sang các nước Phương Tây, như Đức. Lần đầu tiên nước Đức cho phép và tạo điều kiện cho người tỵ nạn đã thoát chết rồi được chọn chỗ để đi tiếp trong phạm vi Liên Âu.

Đã có một thời gian tôi làm việc ở trung tâm tiếp nhận tỵ nạn Berlin. Lớn lên trong chiến tranh, trưởng thành thời hậu chiến, tôi nghĩ mình đã quen, trước thống khổ. Tôi nghĩ mình cũng biết phân biệt được ít nhiều thống khổ thật và giả, trong những người đến đó đặt đơn.

Tôi mất khả năng tự kiểm soát bản thân, khi đứng giữa nhà ga chính của Berlin.

3. Tràn ngập người. Nhận ra ngay họ từ Ukraine qua. Nhờ những chiếc khẩu trang phòng Covid nhàu nhĩ họ đeo: khẩu trang y tế thông thường, màu xanh, không phải loại FFP2 theo quy định lâu nay của Đức.

Giày ấm, áo khoác ấm, đủ cả. Từng nhóm. Nhỏ: chắc là người trong một nhà. Đông hơn: hàng xóm? bè bạn? hay là?

Nhìn đôi ba phụ nữ tóc vàng, măng tô dài kéo theo va-li nhỏ, hay ôm con chó nhỏ trên tay, trong một thời đoạn khác, có thể nghĩ họ là dân du lịch. Nhưng lúc này!

Cửa sau của nhà ga, phía nhìn qua Dinh Thủ tướng: ba người đàn bà già, một cậu bé chắc chừng bảy tuổi ba lô trên lưng, giữa họ là một cái vali nhỏ, hai ba cái túi bằng tơ dứa, ở một túi thấy có chai nước rỗng. 

Họ đến từ Kyiv. Một bà da mặt đã nhão, tóc vàng ngả trắng cả rồi nghẹn giọng: “Putin...”. Thằng bé đeo cái khẩu trang vải hoa tối sẫm, đôi mắt biết cười. Tôi không có gì cho nó, ngoài một mảnh socola còn lại, chiếc khẩu trang nhét phòng xa trong túi, và đồng 10 Euro, để cháu mua một miếng sô-cô-la khác nguyên lành. Thằng bé cảm ơn tôi. Ba bà già cảm ơn tôi. Bằng tiếng Nga!

Bên trong nhà ga: một cặp vợ chồng chắc trạc tuổi chúng tôi và một cô gái. Người đàn ông có khuôn mặt đúng kiểu người Nga gầy ốm, từng nét vạc xuống. Bà vợ phốp pháp, nước mắt lưng tròng. Cô gái thu vén giấy tờ và tiến lại phía các tình nguyện viên hỏi gì đó. Chồng tôi rút trong túi ra mấy chục Euro. Người đàn ông xua tay. Người đàn bà xua tay. “Không, đây là để các bạn mua tạm mấy cái khẩu trang”. Chồng tôi Iyou với họ. Họ cảm ơn. Bằng tiếng Nga. Họ đến từ Kharkiv.

Một đứa bé chắc chỉ hơn một tuổi, tuổi tập nói, khóc ngằn ngặt, ưỡn mình trong vòng tay của một người đàn bà luống tuổi. Nghe rất rõ nó “đa” và “nhét”, “” và “không”. Tiếng Nga.

Cả đoàn người đông đúc chuyển động. Tàu cao tốc tới. Họ trật tự  lên tàu. Đàn bà, trẻ con, va-li, ba lô, túi sợi tơ dứa lên tàu. Không ai có vẻ luống cuống trước tiện nghi giữa thành phố lạ. Họ là những người văn minh đến từ một xứ sở văn minh.

Xung quanh tôi toàn tiếng Nga. 

Xung quanh tôi toàn đàn bà, trẻ con. Con út của tôi chỉ hai năm trước thôi cũng y hệt những đứa trẻ này, xinh đẹp, ngoan ngoãn, ngây thơ, chỉ không có vẻ mệt mỏi câm lặng trong mắt, ngay cả lúc nó ốm.
 
Người tỵ nạn đến từ Ukraine tại Nhà ga Trung tâm Berlin - Ảnh: bz-berlin.de
Người tỵ nạn đến từ Ukraine tại Nhà ga Trung tâm Berlin - Ảnh: bz-berlin.de

4. Rất hiếm thấy các gương mặt trai trẻ. Đã đành.

Rất hiếm thấy những gương mặt già lão. Họ ở lại để chiến đấu? Chắc là không! Đường chạy loạn quá dài và họ có thể cản bước tìm đường sống của con cháu? Có phải là họ nghĩ thế và ở lại?  

Giật mình: cũng rất hiếm thấy gương mặt các thiếu niên! Mười tám tuổi mới phải ở lại cầm súng. Vậy những thằng bé tuổi mười ba, mười bốn, mười lăm đâu? Lẽ nào chúng nó tìm cách ở lại để tham gia vào cuộc chiến tranh vệ quốc, như đời ông đời cụ chúng nó đã, để bảo vệ không chỉ một Ukraine, mà trước tiên, trên hết: bảo vệ Liên bang Xô-viết.

Không dưng nhớ, cuốn truyện “Đội viên du kích Lyonia Golikov”, về thằng bé người Nga 14 tuổi đã được phong danh anh hùng trong cuộc chiến chống phát-xít Đức.

Đến bao giờ con người không phải trở thành anh hùng vệ quốc nữa ở bất kể tuổi nào, ở đâu? 

5. Tôi sẽ không nói về chính nghĩa hay phi nghĩa ở cuộc chiến tranh này. Từ phía nào của cuộc chiến cũng đều có những cách nhìn tương đồng hay tương khắc. Nhưng, khi phải nhìn những con người văn minh chạy trốn khỏi đất nước văn minh giữa thế kỷ này, thật sự là tôi sợ.

Bạn hãy nhìn những đôi mắt trẻ con và hãy nghĩ, chỉ cần trong nửa phút: chúng nó là con bạn.

Bạn hãy nhìn những người đàn bà trẻ trên đường chạy nạn và hãy nghĩ, chỉ cần trong nửa phút: họ là chính bạn.

Những đứa trẻ nào đang ngồi lặng im kia sẽ thành trẻ mồ côi?

Người đàn bà nào đang ngồi lặng im kia sẽ thành vợ goá?

Những người đàn ông nào sẽ gục ngã

Niềm an ủi cuối cùng là vợ con chưa phải chết như mình?

6. Máu của con người thuộc sắc dân nào, ở đất nước nào, thời nào cũng đỏ.  

7. Nước mắt không giúp được gì cho ai cả.

Nhưng cho tôi. Nước mắt cứ trào ra khi tôi đi trong nhà ga Berlin. Nước mắt cho tôi tin tôi vẫn là một con người.

Là con người, từ hai năm nay, vì Covid, tôi đã thôi bắt tay bất kỳ ai.

Bàn tay đầu tiên của một người không quen tôi nắm lấy hôm nay là bàn tay của chú bé con đi cùng ba người đàn bà có tuổi, từ Kyiv. Y như bàn tay thằng bé của tôi.

Chú bé cảm ơn tôi. Bằng tiếng Nga.

8. Hãy dành nửa phút để xem: Nước mắt trẻ con và...

Không biết không có tội, nhưng mãi không biết thì không phải sẽ mãi mãi vô can.

Lê Minh Hà, từ Berlin


 
 Từ khóa: Ukraine
Tổng số điểm của bài viết là: 33 trong 10 đánh giá
Xếp hạng: 3.3 - 10 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn