VÀI KỶ NIỆM VỚI HOÀNG LINH VÀ TỜ NCTG

Thứ năm - 08/12/2011 00:49

(NCTG) “Mười năm có bấy nhiều ngày. NCTG đã đi một chặng đường khá xa, kiên trì và bền bỉ tạo nên một nhịp cầu gắn kết những trái tim Việt còn long đong xa xứ”.


Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cùng nhà văn Lê Minh Hà và nhà giáo Nguyễn Hoàng Tuyên, trong lễ kỷ niệm 20 năm CLB Phụ nữ Việt Nam tại Berlin (VINAPHUNU, tháng 9-2011) - Ảnh: Trần Lê

Tôi biết Hoàng Linh qua nhà văn, nhà hoạt động, cựu binh thời thuộc Pháp Đặng Văn Long, khi ông viết truyện ngắn, hay cuốn sách đồ sộ với nhiều sử liệu quý báu kể về những người “lính thợ” Việt bị Pháp bắt sang “Mẫu quốc” thời kỳ 1940-1954 – sách thuật lại trung thực mọi chuyện trong đời sống cộng đồng Việt Nam ở Pháp thời kỳ đó. Những cuốn sách ấy được Hoàng Linh giúp phần biên tập, chỉnh lý và quảng bá cho bè bạn văn ở châu Âu.

Từ mến mộ những động thái tử tế ấy của Linh, rồi cộng tác, những truyện ngắn và tùy bút, tiểu thuyết của tôi được Hoàng Linh tin cậy đi lại trên tờ báo giấy “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG) của anh, và sau đó là báo mạng, để có kỷ niệm hôm nay. Cho tới nay, thế là chúng tôi cũng biết nhau ngót nghét mười lăm, mười sáu năm trời…

Ở châu Âu sau khi bức tường Berlin sụp đổ, việc phát triển báo chí người Việt rất đa dạng và lắm chuyện, nhưng với tôi, do sức lực có hạn, nên thực tế tôi thường chỉ cộng tác với những tờ báo có mục văn học, với các chủ bút có năng lực thẩm nhất định, bên cạnh việc hợp tác với tư cách bạn viết cho các tờ lớn ở ngoài nước như “Hợp lưu”, “Văn”, “Văn học” bên Mỹ, hay “Diễn đàn Forum” bên Pháp và báo chí trong nước.

Tờ báo do Hoàng Linh phụ trách, từ báo giấy cho tới báo mạng đều có một chuẩn mực nhất định về văn học, đó là điều tất yếu thu hút không chỉ cá nhân tôi mà một số anh chị cầm bút chuyên nghiệp ở Đức như nhà thơ Thế Dũng, các nhà văn Lê Minh Hà, Lê Xuân Quang, v.v… đều tham gia. Tất nhiên, do đặc điểm khu biệt của bạn đọc ở Hung, NCTG buộc có nhiều thư mục riêng mang tính địa phương của bà con Việt bên Hung, và cũng qua đó chúng tôi hiểu được tình hình chung của người Việt sinh sống và lao động bên Hung.

Cộng tác, thư đi từ lại với nhau tới gần chục năm, tôi mới gặp Linh ở Việt Nam. Đấy cũng là tình trạng nói chung trong mối giao lưu của anh em văn chương với anh em làm báo ở hải ngoại, như sự cộng tác của tôi với anh Khánh Trường hay nhà văn Nguyễn Mộng Giác ở Hoa Kỳ, nhà thơ Đỗ Quyên ở Canada, v.v… Ðó là cái tình người làm văn hóa nghệ thuật, chỉ giao lưu qua những con chữ, qua cái tình nằm giữa tác phẩm của người viết và người thẩm định mà đăng tải.

Năm 2008, tôi viết tiểu thuyết “Quyên” và Hoàng Linh chính là nơi in ấn những chương đầu của tôi trên báo Việt ngữ ở Hung. Anh đón nhận những chương viết “Quyên” còn hôi hổi, thậm chí đầy lỗi chính tả hay lỗi đánh máy, và cặm cụi chỉnh sửa, biên tập rồi gửi trả lại tác giả và đi liên tục gần hai năm trên báo tại Hung. Như vậy là trước khi chính thức chào đời tại Việt Nam, “Quyên” của tôi cũng đã có dịp được “rộng đường dư luận” bạn đọc Việt ở Âu châu - mà bạn đọc Hung cũng là phần quan trọng -, qua đó, tôi được cổ vũ trong hành trình đầu tiên, liều lạng thử thách trên lĩnh vực tiểu thuyết.

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm NCTG, tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn và trân trọng bạn đọc tại Hungary đã đón chào và cổ vũ nhiệt liệt cho tiểu thuyết “Quyên”, trước khi nó được xuất bản tại quê hương.

Mười năm có bấy nhiều ngày. NCTG đã đi một chặng đường khá xa, kiên trì và bền bỉ tạo nên một nhịp cầu gắn kết những trái tim Việt còn long đong xa xứ. Với tư cách một bạn viết, một bạn đọc ở Đức, tôi chân thành chúc NCTG cũng như bạn đọc thêm nhiều sức khỏe, sức viết và bằng an, hạnh phúc.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, từ Hà Nội


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn