Bìa số báo 5 tuổi của NCTG - Ảnh tư liệu
Ngày 12-12-2006, “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG) tròn 5 tuổi. Số đầu tiên của NCTG ấn hành ngày 12-12-2001 tại Budapest, Hungary. Với độc giả chưa có dịp làm quen với NCTG, có thể xem số ra ngày 24-11-2006 ở đây và ở đây.
Trong thư gửi tới độc giả, Ban biên tập NCTG đã chia sẻ: “Trên con đường dài và đầy gian nan này, để tồn tại và ít nhiều phát triển đến nay, NCTG đã nhận được rất nhiều sự cổ vũ, khích lệ từ bạn đọc và cộng tác viên”.
Mời độc giả cùng gặp gỡ với anh Hoàng Linh, Tổng biên tập tạp chí NCTG qua cuộc-trò-chuyện-email với phóng viên “Người Viễn Xứ”, để hiểu thêm về công việc, sứ mệnh của một tờ báo do người Việt làm dành cho kiều bào tại Hungary.
- Chào anh Hoàng Linh, để giúp bạn đọc hiểu hơn về NCTG, anh có thể giới thiệu rõ hơn về mục đích ra đời của tờ báo cũng như nội dung chủ yếu của NCTG?
Hơn 5 năm trước đây, khi NCTG chưa ra đời, cộng đồng Việt tại Hung chưa có một tờ báo văn hóa Việt ngữ định kỳ nào. Bà con trong cộng đồng, một bộ phận tương đối lớn, do những lý do dễ hiểu (bận bịu mưu sinh, không thông thạo ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa, xã hội và pháp luật nước sở tại...), đã gặp rất nhiều khó khăn trong hội nhập. Mặt khác, những thông tin về văn hóa, truyền thống Việt Nam, cũng như về các cộng đồng Việt xa xứ khác, cũng còn rất thiếu thốn đối với bà con bên này.
Ra số đầu tiên ngày 12-12-2001, NCTG đặt “kết nối” làm mục tiêu chủ yếu. Kết nối trong cộng đồng Việt tại Hung, cũng như giữa người Việt ở Hung và đồng bào Việt ở mọi nơi trên thế giới. Kết nối giữa những giá trị văn hóa Việt Nam và nước sở tại. Cái tên “Nhịp cầu Thế giới” cũng phản ánh mong muốn được làm điểm tựa, được làm cây cầu cho sự kết nối ấy.
Để thực hiện được những mục tiêu kể trên, một mảng nội dung lớn của NCTG là những vấn đề của Việt Nam và các cộng đồng Việt sống trong và ngoài nước, cũng như những thông tin về văn hóa, xã hội, chính trị và thời sự của nước sở tại Hungary.
Với phương châm cần phải thông hiểu lịch sử “ta” và “người” để lý giải được những gì xảy ra trong quá khứ, làm nền cho hiện tại và hướng đến tương lai, NCTG cũng rất chú trọng đến những bài viết, chuyên khảo đề tài lịch sử Việt Nam và thế giới.
Mảng văn nghệ và văn hóa của báo là nơi quy tụ những sáng tác của đông đảo cộng tác viên NCTG trong và ngoài nước Hung, những người rất có tâm huyết và lòng say mê với cây bút. Ngoài ra, NCTG cũng có những mục về đời thường, tình yêu, gia đình, giải trí...
- Như vậy, NCTG hướng đến đối tượng người đọc nào, trong độ tuổi nào thưa anh?
Với những mảng nội dung như đã nói ở trên, thực sự NCTG hướng đến mọi đối tượng và mọi lứa tuổi, và đây có lẽ cũng là mong muốn của tất cả những tờ báo, là để bất cứ người đọc nào cũng tìm được một điều gì hữu ích trong báo.
Tuy nhiên, tờ báo có một số chuyên mục, bài vở được đào sâu hơn, có tính chất nghiêm túc hơn và ít nhiều mang tính học thuật; những phần ấy, NCTG muốn hướng đến lớp độc giả có nhu cầu tìm hiểu, tâm đắc và hứng thú đối với những đề tài do chúng tôi đưa ra.
- Được biết số lượng người Việt ở Hungary không nhiều. Tuy nhiên, làm báo tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài là cả một sự nỗ lực lớn. Những thành viên của NCTG đã gặp những khó khăn nào khi làm báo mà có thể chia sẻ cùng “Người Viễn Xứ”?
Khó khăn lớn nhất đối với đại đa số tờ báo Việt ngữ nghiêm túc tại hải ngoại là về tài chính, do lượng độc giả giới hạn (dẫn đến những khoản thu đều rất hạn chế), do thiếu một mặt bằng báo chí lành mạnh (dẫn đến sự lấn át của loại báo chí lá cải...).
Đây cũng là vấn đề của chúng tôi: với tiêu chí và mục đích hoạt động như đã nói ở trên, NCTG tồn tại không vì lý do (và trên cơ sở) thương mại: thực sự, nó không mang lại lợi tức cho những người chủ trương mà ngược lại, nhiều khi, nhóm làm báo còn phải “nuôi” tờ báo.
Khó khăn về tài chính dẫn đến những khó khăn về nhân sự. Đa phần anh em làm báo đều phải lo bươn chải mưu sinh bằng một nghề khác, chỉ có thể quan tâm đến báo trong những giây phút rảnh rỗi hiếm hoi. Vì thế, việc ra báo đều đặn, làm sao để mỗi số báo có một nội dung thống nhất và chất lượng bài vở đồng đều, là điều vô cùng khó nhọc.
- Anh nhận thấy người Việt ở Hungary có những nhu cầu tinh thần nào cần được đáp ứng? NCTG đã góp phần đáp ứng những nhu cầu ấy như thế nào?
Theo tôi, nhu cầu tinh thần chủ yếu của người Việt ở Hung, hay người Việt ở nước ngoài nói chung, có thể chia làm 2 mảng:
1. Nhu cầu thông tin (muốn được biết những thông tin về đất mẹ, tìm hiểu những gì xảy ra quanh mình - và có thể ảnh hưởng đến mình - ở nước sở tại, v.v...)
2. Nhu cầu văn hóa và thể thao (được tham gia các hoạt động văn nghệ, tinh thần; đọc sách báo; chơi các môn thể thao...)
Là một tờ báo có một mảng nội dung quan trọng là cộng đồng, NCTG đã nỗ lực đáp ứng hai nhu cầu ấy bằng nội dung báo, cũng như bằng những hoạt động mà tờ báo tham gia, hoặc tổ chức.
- Bên cạnh hoạt động báo chí, NCTG còn có những hoạt động nào khác nhằm nối kết kiều bào?
Trong 5 năm tồn tại của mình, NCTG thực sự đã làm được khá nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, xã hội và thể thao mang tính nối kết cộng đồng Việt tại Hungary. Trong đại đa số các hoạt động lớn thường niên của cộng đồng (Tết Nguyên đán, Tết Trung Thu, Hội thao mùa Thu, những ngày lễ lớn của dân tộc...), NCTG luôn là đối tác truyền thông chính thức.
Cạnh đó, chúng tôi cũng rất tự hào được là đồng tổ chức trong Giải bóng đá cộng đồng (sân cỏ) đầu tiên của người Việt ở Hungary (năm 2002); giải này, cho đến nay đã phát triển thành một giải lớn hàng năm với sự tham gia của 8 đội bóng. Năm 2003, tờ báo là đơn vị đồng tổ chức đêm văn nghệ từ thiện để ủng hộ gia đình các y, bác sĩ qua đời trong khi thực thi nhiệm vụ vì căn bệnh SARS ở Việt Nam.
Sau đó, năm 2004, chúng tôi tham gia tổ chức cuộc thi tìm giọng ca triển vọng của cộng đồng. Đêm thơ đầu tiên của cộng đồng Việt tại Hungary, với sự tham gia của nữ thi sĩ Phan Bích Thiện (người đã ấn hành tập thơ “Tình yêu không đáy” tại Việt Nam) và một số cây bút khác của báo, cũng đã được NCTG tổ chức vào năm 2005.
Ngoài ra, với việc nối kết được khá nhiều tác giả, cộng tác viên của tờ báo ở khắp nơi trên thế giới, kể cả nhiều cây bút ở Việt Nam, chúng tôi coi đây là sự nối kết đẹp nhất của những người có cùng một tâm tư, nguyện vọng, là làm một điều gì đó có ích cho dân Việt, văn hóa Việt!
- Đứng trên góc độ người làm báo, anh thấy báo chí trong nước nên làm thế nào để kéo bà con kiều bào tới gần đất nước hơn?
Báo chí trong nước, theo ý kiến cá nhân của tôi, hiện nay đã khá hấp dẫn với nhiều mảng tin, nhiều đề tài, nhiều khi rất nhanh và “nóng bỏng”, đặc biệt là với sự phát triển của những tờ báo trực tuyến và những chuyên mục dành cho kiều bào ở nước ngoài. Sự thu hút của báo chí trong nước đối với bà con kiều bào, hiện tại, là điều không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, để hướng bà con tới gần đất nước hơn, tôi nghĩ có một số điểm mà trong hoàn cảnh thực tế của Việt Nam hiện nay, chúng ta vẫn có thể làm được:
Đối với các bài viết về kiều bào hoặc với một số vấn đề của các nước sở tại, cần có sự chính xác và cái nhìn đa dạng hơn. Khá nhiều bài, tôi có cảm tưởng do ký giả “cưỡi ngựa xem hoa” rồi viết theo một “ba-rem” nào đó, hoặc là có thể ứng với bất cứ nước nào, hoặc là chứa nhiều thông tin thất thiệt, không chính xác. Như thế, bà con mình ngoài này đọc, sẽ thấy phản cảm và không thuyết phục. Thực ra, kiểm chứng thông tin thời nay không thật khó, nhất là khi báo nào cũng có nhiều cộng tác viên ở nước ngoài, thạo các vấn đề của nước sở tại, cũng như của những cộng đồng Việt tại đó.
Đối với những thông tin, với những vấn đề của Việt Nam, cũng rất cần những ý kiến trái chiều, có sự cọ sát và đối trọng. Những bài viết một chiều hoặc mang tính giáo điều, trong hoàn cảnh thông tin cởi mở như hiện nay - nhất là khi mạng Internet mở ra những khả năng gần như vô tận cho việc sàng lọc và tiếp nhận thông tin, sẽ rất ít tác dụng, nếu không muốn nói là có thể có tác dụng theo chiều ngược lại. Độc giả ngoài này rất kỳ vọng, rất mong muốn những thông tin xác tín, dân chủ và đa chiều từ quê nhà!
- Cám ơn anh Hoàng Linh về cuộc trò chuyện này. Xin chúc NCTG bắc được những nhịp cầu xa hơn, gắn bó hơn với không chỉ bà con kiều bào tại Hungary!
(*) Bài phỏng vấn đã đăng trên chuyên mục “Người Viễn Xứ” của mạng tin “VietNamNet”.