KHÁC BIỆT THỜI ĐIỂM TẾT TA - TẾT TÀU, DO ĐÂU?

Thứ bảy - 24/02/2007 10:29

Hỏi: Năm nay Tết Việt Nam và Trung Quốc khác ngày nhau, tôi xem lịch Vạn Sự vào năm ngoái, suýt nữa nhầm cả ngày cúng tế. Đến gần Tết, mới biết không có ngày 30. Sao ta lại tự nhiên làm khác Tàu như thế? Có phải Việt Nam bây giờ… mạnh rồi, mới vào Vê-Tê-Ô (WTO), rồi tổ chức APEC, nên ta cố tình làm lịch khác Tàu cho nó… oách? (Một độc giả).

NCTG: Chuyện khác biệt về ngày Tết cũng là vấn đề được trong nước nhắc đến nhiều, nhưng không chắc là bởi “Việt Nam bây giờ… mạnh rồi”. Trong bài viết sau đây, ông Vũ Đức Vượng - một nhà giáo và nhà báo sống ở vùng San Francisco (Mỹ) (người được tặng danh hiệu “Vinh Danh Nước Việt” năm nay) phân tích nguyên nhân và ý nghĩa của sự khác biệt này. Có thể liên hệ với tác giả về: vuduc.vuong@gmail.com.

Người Việt, Mông, Triều Tiên, và Trung Quốc khắp thế giới đang cùng đón năm Đinh Hợi. Cũng chung Âm lịch, nhưng năm nay người Việt chúng ta đón Tết vào ngày 17-2, sớm hơn một ngày so với lịch Trung Quốc.

Tại sao vậy? Câu trả lời nằm trong hai chữ: Mặt trăng và vị trí.

Lịch phương Tây, hay Dương lịch, căn cứ theo vòng quay của Trái đất quanh Mặt trời. Trong khi đó, lịch phương Đông, hay Âm lịch, được tính toán theo vòng quay của Mặt trăng quanh Trái đất. Cả hai đều chính xác như nhau, tuy nhiên Âm lịch có phần phức tạp hơn, do Mặt trăng nhỏ nên chịu tác động của nhiều yếu tố và quỹ đạo cũng biến động nhiều hơn.

Bởi vì Mặt trăng chỉ mất 28 ngày để hoàn thành một vòng quay quanh Trái đất, nên Âm lịch có nhiều tháng không đủ 30 ngày (gọi là tháng thiếu). Những ngày thừa ra được tích tụ lại để cứ bốn năm thì âm lịch lại phải có một năm nhuận với 13 tháng. Điều phức tạp hơn nữa là tháng bổ sung này có thể rơi vào bất cứ thời điểm nào của năm, trong khi năm nhuận của Dương lịch chỉ có thêm một ngày là 29-2.

Tuy nhiên, Âm lịch có một điểm hết sức nhất quán, đó là một tháng mới bắt đầu đúng vào giờ đầu tiên của kỳ trăng mới, đó là khi Mặt trăng bắt đầu một vòng quay mới.

Quay lại với sự khác biệt, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc nằm ở kinh độ 120 Đông, theo múi giờ GMT+8. Hà Nội nằm ở kinh độ 105 Đông, vì vậy Việt Nam theo múi giờ GMT+7.

Năm nay, đối với Việt Nam, chính xác thời điểm Mặt trăng bắt đầu vòng quay mới là 23 giờ 14 phút ngày 17-2. Trung Quốc đi sớm hơn một giờ, nên thời điểm đó là 0 giờ 14 phút ngày 18-2. Vì vậy lịch Trung Quốc tính năm Đinh Hợi bắt đầu vào ngày 18-2, còn lịch Việt Nam tính vào ngày 17-2.

Đương nhiên, cả hai nước đều đúng, và cả hai cần phải tuân theo cách tính của mình. Hoan hô sự khác biệt! Sự khác biệt đó, tuy làm cho nhiều người chúng ta quen với dương lịch phải bối rối, nhưng lại là một nhắc nhở tuyệt vời: cho dù có toàn cầu hoá đến đâu đi nữa thì truyền thống cũ vẫn theo sát chúng ta.

Lấy ví dụ tháng Ramadan năm vừa qua. Ramadan là tháng thứ 9 vào mỗi năm Hồi giáo, và toàn bộ tháng được dành để nhịn ăn vào ban ngày, được coi như một cách để tăng cường mối liên kết gia đình và cộng đồng. Năm ngoái là năm Hồi giáo thứ 1427. Do là chị em với lịch Châu Á, lịch Hồi giáo cũng căn cứ theo Mặt trăng, và một tháng bắt đầu với một kỳ trăng mới.

Tùy theo vị trí người ta sống ở trên Trái đất, tháng Ramadan của năm 1427 bắt đầu vào ngày 23 hoặc 24-9 năm ngoái. Liên đoàn Hồi giáo Bắc Mỹ công nhận tháng Ramadan bắt đầu từ ngày 23-9, trong khi người Hồi giáo ở Châu Á và Trung Đông bắt đầu nhịn ăn ngày 24-9.

Ngày nay, kỹ thuật hiện đại đã phổ biến như MySpace, YouTube, Ipod, và Ebay, thiết bị trên ô tô có thể định vị chính xác ta đang ở đâu trên thế giới, còn điện thoại di động có thể xem TV toàn cầu. Tuy vậy, thật dễ chịu khi thấy những tính toán từ hàng năm trước đây, đến nay vẫn chính xác như một câu thần chú. Hay như một bàn tính.

NCTG


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn