IN MEMORIAM

Thứ hai - 04/08/2003 21:50

(NCTG) “Có lẽ chút an ủi duy nhất với mỗi chúng ta, những người thân, những người đã từng quen biết, quí mến chị, sau khoảng trống vắng không dễ gì bù đắp mà sự ra đi của chị để lại, là chị đã về yên nghỉ trong lòng mảnh đất quê hương mà chị hằng yêu dấu”.


Cuốn sách của chị Bùi Thị Quế

Chưa bao giờ tôi thấy câu chữ bất lực như thế: loay hoay mãi tôi vẫn không sao viết xong những điều muốn viết về chị dù đã hứa với H.Linh cả tháng nay, ngay sau khi cuốn sách của chị được ấn hành, mà chúng tôi cùng coi đó là một thành công nhỏ cho những nỗ lực của người Việt trên đất Hung này. Bài báo còn dang dở, thì chị đã đột ngột ra đi.

Nhận được tin dữ, tôi tưởng mình nghe lầm, vội gọi ngay xuống Szeged kiểm tra lại, và khi biết đó là sự thật, vẫn không thể nào tin. Tôi vội gọi điện báo cho những người thân gần gũi nhất của chị và gia đình, tất cả đều không khỏi bàng hoàng. Cuộc sống đôi khi tỏ ra là một đạo diễn tồi, và lại dàn dựng những những điều hết sức phi lý. Một người bạn Hung sau khi biết tin này đã thốt lên: “Ðúng là không có Chúa, vì nếu có thì sao Người lại có thể an bài như thế?”. Với một người tin ở sự vạn năng của Ðức Chúa, có lẽ đó là cách phản ứng đau đớn nhất trước sự phi lý của cuộc đời.

Xin được viết tiếp vài dòng muộn màng về chị.

... Sau khi tốt nghiệp loại ưu trường Ðại học Y - Dược Szeged (Hungary) năm 1978, dược sĩ trẻ Bùi Thị Quế về nước nhận công tác tại Bộ Y tế với nhiều ước mơ và dự định tương lai. Nhưng vừa bắt đầu làm quen với công việc và môi trường mới chưa đầy một năm thì chị có giấy gọi lên đường nhập ngũ.

Sau 3 năm tạm xa công việc chuyên môn vào phục vụ trong quân đội, đến năm 1981 chị xuất ngũ và được điều về Khoa Dược, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), một trong những bệnh viện lớn ở nước ta. Tại đây, chị có điều kiện học hỏi và trau dồi kiến thức chuyên môn về lĩnh vực dược học lâm sàng từ nhiều bậc thày và đồng nghiệp giỏi. Sáu năm vừa làm tốt công việc của một dược sĩ vừa tự bồi dưỡng nghiệp vụ và theo nhiều khóa học nâng cao, chị Quế đã trở thành một dược sĩ có chuyên môn vững vàng và có khả năng nghiên cứu độc lập.

Ngoài lĩnh vực chuyên môn chính là dược học lâm sàng, chị còn đặc biệt quan tâm và đi sâu tìm hiểu các phương pháp chữa bệnh bằng các loại dược liệu sẵn có trong nước, các phương pháp chẩn đoán và trị bệnh y học dân tộc. Năm 1988 chị được cử quay lại Hungary làm nghiên cứu sinh. Ba năm sau, năm 1991, chị đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và trở thành dược sĩ cao cấp.

Từ đó đến nay, chị Bùi Thị Quế đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cùng với các đồng nghiệp ở Trường Ðại học Y - Dược Szeged. Trong vòng 3 năm trở lại đây, chị đi sâu vào đề tài nghiên cứu “Tác dụng của mướp đắng trong điều trị bệnh đái tháo đuờng”. Ðề tài đã được nghiệm thu và được giới chuyên môn đánh giá cao. Kết quả của 3 năm vừa nghiên cứu vừa tiến hành thực nghiệm đã được tổng kết trong cuốn sách “Mướp đắng, một loại rau quả hữu ích và dược phẩm có giá trị” (*) mà chị là đồng tác giả và là người biên soạn chính.

Bên cạnh công việc gia đình và chuyên môn, Chị Quế đã từng nhiều năm tham gia vào Ban Chấp hành Hội người Việt Nam tại Hungary, và trực tiếp làm chi hội trưởng Chi hội Szeged. Chị là người có công đầu trong việc xây dựng chi hội người Việt ở đây trở thành một tập thể thương yêu đoàn kết với nhau, trong việc ổn định đời sống sinh hoạt của bà con, đặc biệt trong việc xây dựng quan hệ rất tốt với chính quyền sở tại. Cộng đồng Việt Nam tại Szeged đã được chính thức công nhận là một trong 14 sắc tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Csongrád và thường xuyên nhận được sự giúp đỡ của chính quyền tự quản địa phương, nhất là trong việc tổ chức các sinh hoạt văn hoá, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc...

Ðược biết chị Quế và bà con Szeged có dự định tổ chức Ngày Văn hóa Việt Nam vào tháng Mười tới. Chị cũng đang tiến hành một dự án thúc đẩy sự hợp tác giữa hai ngành dược phẩm của hai nước Việt Nam và Hungary, một phần cũng vì dự án ấy mà chị có mặt ở Việt Nam và đột ngột ra đi ở lứa tuổi sung sức nhất của một người làm khoa học. Cái chết đã làm dang dở biết bao dự định...

Chị đã sống thảo thơm như chính cái tên mộc mạc của mình, một loài quế của đất rừng quê hương thầm lặng dâng hiến và chữa trị cho đời. Có lẽ chút an ủi duy nhất với mỗi chúng ta, những người thân, những người đã từng quen biết, quí mến chị, sau khoảng trống vắng không dễ gì bù đắp mà sự ra đi của chị để lại, là chị đã về yên nghỉ trong lòng mảnh đất quê hương mà chị hằng yêu dấu.

Xin gửi những dòng muộn màng này thay một nén tâm nhang.

(*) Dr. Bui Thi Que Ph.D. - Dr. Tánczos József: “A tüskés uborka mint hasznos zöldség- és értékes gyógynövény”. Szeged, 2003.

Giáp Văn Chung, Budapest 30-8-2003


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn