TRÒ CHUYỆN VỚI HỌA SĨ LÊ THƯƠNG

Thứ năm - 19/12/2002 20:49

(NCTG) Họa sĩ Lê Thương là một trong những người đầu tiên đến với NCTG và từ đó, anh cũng là thành viên tận tình với công việc vào bậc nhất của báo. Nhân dịp tờ báo tròn 1 tuổi, NCTG đã có một cuộc trao đổi nhỏ với anh.

Họa sĩ Lê Thương (ngoài cùng, bên trái) cùng các bạn hữu Hungary

Họa sĩ Lê Thương (ngoài cùng, bên trái) cùng các bạn hữu Hungary

* Độc giả muốn biết anh đã đến với NCTG như thế nào?

Tôi đến với tờ báo ngay từ thuở đầu, do có cơ duyên gặp H.Linh thông qua Đặng Phương Lan dạo tôi làm triển lãm (năm ngoái). Biết H.Linh và bạn bè có ý định làm báo, tôi nói vui: "Sẽ ủng hộ từ... đầu đến chân". Thực ra, tôi nghĩ bên cạnh đời sống bận rộn (nhiều khi đến căng thẳng, thậm chí thất vọng), luôn cần thông tin và văn hóa (từ văn hóa ẩm thực tới văn hóa tinh thần) - có lẽ nhiều người cũng nghĩ như vậy. Càng vất vả càng cần cái hay cái đẹp, bên cạnh sự nghỉ ngơi (dù là ngắn), để giữ tinh thần thăng bằng, bình thản để minh mẫn.

* Là một họa sĩ, xin anh cho biết rõ đôi chút quan niệm của anh về mỹ thuật.

Nói về mỹ thuật, tôi xin nhắc đến điều gần mình mà dễ quên: từ thuở xa xưa, người nguyên thủy đã biết vẽ lên hang động, mái nhà; từ xưa đã có tranh giấy, câu đối; đền đài, lăng tầm đã có hình hài, chạm khắc; y phục cổ đã được nhuộm màu, thêu thùa. Người Việt xưa trên nền quần áo nâu, đen, đã biết nhấn màu tươi ở dây, yếm và kẻ vuông ở khăn. Á Đông có chữ viết từ hình vẽ. Trẻ em biết vẽ trước khi biết viết... Khi con người sinh ra đã có màu sắc và hình hài của mình và bên mình. Như thế, mỹ thuật có cội rễ sâu xa, và cũng gần với đời sống con người. Ngày nay, văn hóa điện toán cũng cần mỹ thuật ở dạng tín hiệu. Sự tả thực đã được mã hóa nhiều lần, được giản lược thành hệ thống ký hiệu.

Cái đẹp có nét giống tình yêu: hiểu nó đúng nghĩa, hiểu nó sâu và rộng - và sáng tạo nó - cũng khó như mọi công việc của con người. Tình yêu nam nữ chi phối mạnh trong đời người, nhưng ngoài nó ra còn tình yêu thiên nhiên, tình yêu gia đình, nghề nghiệp, quê hương, đồng loại, con người, tín ngưỡng...; cách hiểu nghệ thuật cũng bao la như vậy.

* Được biết, năm ngoái, anh đã có một cuộc triển lãm tranh tại Hungary. Anh có thể chia sẻ với độc giả NCTG về kỳ triển lãm này?

Sau hơn chục năm ở Hung, theo yêu cầu của các bạn Hung, tôi đã có một cuộc triển lãm đầu, dù không rầm rộ nhưng để lại dư âm trong các bạn Hung.

Nhân đây, cũng xin được trân trọng cám ơn các anh chị em và bạn bè đã nhiệt tình giúp tôi làm triển lãm dưới mọi hình thức. Tuy biết rằng có những bạn đã giúp tôi một cách âm thầm (giúp mà không muốn nói), tôi cũng xin mạn phép mượn tờ báo để nói lời tri ân đến các các bạn Nguyễn Hưng, Cao Thế Mạnh, Lỗ Quốc Chiến, Tuấn Anh... (tôi đã quen biết từ Việt Nam), cũng như các anh chị tôi có dịp gặp gỡ ở Hung (xin gọi thân mật): anh Chung, anh Quán, anh chị Bình - Chương, anh Thuyết, anh Thành, anh Hoàng và các bạn Đỗ Thị Vinh Hoa, Trọng Minh, Huỳnh Linh Ý, Phạm Vũ Dương, Đặng Phương Lan, H.Linh, Lê Thanh Bình, Nguyễn Hữu Chi, Lê Quốc Bảo, Giáp Văn Chiến, Trần Văn Xuân, Nguyễn Mạnh Quân, Trần Văn Thuận, Đỗ Văn Thành... Còn nhiều bạn bè cũ mới trong những cơ duyên ngắn, dài gắn bó trong đời sống công việc, ở đây tôi không có điều kiện nhắc tên. Chúc các bạn và mọi người điều hay đẹp, may mắn, thành đạt!

* Xin cám ơn họa sĩ Lê Thương!

PV


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn