Họa sĩ Lê Thương với những số báo của một năm đầu - Ảnh: Thanh Hải (NCTG)
Để rồi, một hôm tôi “
bị” anh đề nghị “
phát biểu cảm tưởng” sau một năm ròng nhận báo... biếu.
Cực chẳng đã, tôi đành ngồi lôi lại những điện thư trao đổi về chuyện báo chí, và mạn phép anh viết lại đây như những lời cảm ơn chân thành nhân dịp NCTG kỷ niệm tròn một tuổi.
Rất tình cờ, anh biết tôi xưa từng có một khoảng thời gian “
hệ lụy” tí ti với báo chí, thời mà máy tính còn là cái gì đó xa xỉ kinh khủng và Internet vẫn là một khái niệm còn nhiều trừu tượng.
Ngày đó, hơn chục anh chị em hì hụi thức đêm thức hôm dưới tầng hầm ký túc xá, đánh bài bằng mấy cái máy chữ cà khổ mượn ở trường, ngồi bỏ dấu bằng tay và lên khuôn bằng cách cắt dán.
Ai mệt thì lăn ra một góc chợp mắt, tiếng ngáy có khi còn to hơn cả tiếng gõ của máy chữ, và khi mơ thì toàn lảm nhảm “
ủng hộ tài chính”, “
tìm bạn bốn phương”. Anh TBT thỉnh thoảng lôi ghi-ta ra bập bùng hát động viên tinh thần anh em bằng những bài tình ca quê hương mà nhiều khi - giữa đêm khuya - nghe sao thấm thía.
Sáng ra, cả bọn râu tóc bù xù nhìn nhau chao đảo trong gương, phá lên cười rồi hồn phách lâng lâng khoác ba-lô đến trường, đến Viện...
Ngày ấy đã thành những kỷ niệm để một ngày tôi xôn xao nhớ lại khi anh Hoàng Linh đề nghị viết bài cho NCTG (dù anh không hề biết tôi có viết được hay không) - một bài về người Việt ở Tiệp. Anh cho biết:
- Báo chỉ có 20 trang, lại mất đôi trang quảng cáo nên không thể đi bài dài được. Cho mình xin bài độ trang rưỡi là hay nhất. Nhuận bút thì bây giờ chưa có (còn phải xem có sạt nghiệp không đã), nhưng thế nào cũng có báo biếu.
Tôi được dịp đỏng đảnh hệt như một kẻ bất tài tự nhiên lại có người để ý đến:
- Sẽ suy nghĩ về chuyện viết bài. E hèm, nhưng không hứa trước được đâu, vì ít có điều kiện “đi lại”, tiếp xúc với phần đông người Việt buôn bán ở đây. Sợ rằng luyên thuyên người ta... oánh cho thì chết!
Cứ tưởng sau cái câu “
một phần khiêm... tốn, bốn phần tự... nhiên” kia, tôi sẽ... thoát nạn. Nhưng (chữ
nhưng sao mà buồn thế!), anh viết lại cho tôi:
- Không sao đâu, mình chỉ viết... khái quát, có đụng đến ai đâu mà sợ bị oánh!
Tôi buồn buồn:
- Nói thật nhé, cộng đồng bên này có nhiều chuyện bê bối lắm, đến nỗi kể cho người Việt mình nghe cũng thấy... ngượng.
- Thì bên này cũng thế! - anh bảo.
Quả thực, tôi chưa biết viết ra sao đây. Bí quá, tôi đành cười giả lả đánh trống lảng:
- Hì hì, có thể... biếu báo ngay từ bây giờ được không?
Anh bảo tôi phải chờ để báo “
tròn tuổi tôi”, tức là ra được 4 số đã.
Tôi chờ báo. Anh chờ bài.
Rồi báo đến (dù chưa được 4 số). Tôi viết cho anh:
- Đã nhận được báo. Bỏ phong bì hẳn hoi, vô cùng... lịch sự! Cảm ơn nhiều.
Anh hồi âm ngay lập tức:
- Hì hì, thế gửi không có phong bì là không lịch sự à? Nguyên tắc gửi báo là phải... để trần. Có khi bỏ phong bì bọn bưu điện nó tức, nó còn... vạch ra ấy chứ.
Và thế là tôi cứ đều đều nhận NCTG. Lúc bỏ phong bì, lúc để... trần - như ngày xưa chúng tôi toàn phải làm thế vì tiền ủng hộ của bạn đọc chỉ để dành cho việc in báo, theo kiểu
xerox.
Thật khổ thân tôi! Sau một thời gian tôi mới thấy mình... dại khi xin báo biếu. Quả thật, nếu bạn bỏ tiền ra mua báo, bạn sẽ không phải lo nghĩ gì cả. Mua. Đọc. Hứng chí thì viết bài, không thì thôi.
Nhưng nếu bạn được biếu báo và TBT cứ phong bạn lên làm “Cộng Tác Viên” (CTV), thì ôi thôi nhất định bạn phải làm “
cái gì đó” cho “
phải đạo”. Vì, bạn không thể gửi tiền trên danh nghĩa mua hay đặt báo, e làm phật lòng TBT nếu như bạn có quen biết anh sơ sơ trước đó.
Dĩ nhiên, nếu gửi tiền rồi nói là “
ủng hộ báo” hoặc “
phụ phí tiền tem”, hẳn anh không thể từ chối, nhưng tôi thì cứ ngài ngại vì... lỡ miệng xin rồi. Nếu ở gần, tôi sẵn sàng xung phong vác báo đi bán rong cho xong... nợ, lại được tiếng là nhiệt tình, được việc. Bán xong, ra làm tô phở mà ngẫm đời, ôi sao thật điệu!
Nhưng ở xa, tôi không biết làm gì khác là viết “
cái gì đó” để... “
đáp lễ” sau một thời gian cổ động suông đã thấy... ngượng.
Thế là, nhân một dịp có thời gian vì... bị ốm, tôi hí hoáy ngồi viết. Anh đăng hay không, không cần biết, nhưng gửi đi xong tôi thấy nhẹ cả người, nhất là mỗi khi nhận báo.
Nhưng niềm vui của tôi chưa kéo dài được bao lâu thì tôi nhận được đợt “khủng bố” mới của anh với lời lẽ đầy... nhún nhường và lịch sự như của một ông chủ báo thực thụ:
- Khi nào rỗi rãi, điểm qua cho mình vài nét về báo chí Việt ngữ bên ấy nhé, để cho vào số Tết (đang chuẩn bị từ bây giờ đây).
Tôi giẫy nảy lên như một nhà báo chân chính, đủ lòng nhiệt tình nhưng tài năng có hạn và thiếu “
kiến thức thực tế”:
- Vài nét về báo chí Việt ngữ ở đây??? Ôi,
một nét còn chưa biết viết thế nào nữa là hẳn...
vài nét. Lạy Chúa!
Không hiểu sao tôi lại buột miệng mà viết ra hai từ “
Lạy Chúa!” ấy. Tôi lạm dụng từ ngữ chăng? Chợt nhớ, Nguyễn Việt Hà mở đầu cuốn tiểu thuyết của mình bằng một câu trích dẫn trong “Kinh Thánh”: “
Sự cùng quẫn cuối cùng của con người đấy là cơ hội của Chúa”. Chả lẽ...
Rốt cuộc, tôi nghĩ thầm: “
Hừm, viết là chuyện cả đời... ngại cầm bút. Không thể để “hắn” cứ gửi báo cho đọc rồi sau đó... “xin một bài về cái này, xin một bài về cái kia” mãi được. Có nên... đỏng đảnh thêm một tí không nhỉ?”.
Nghĩ tới nghĩ lui, tôi lùng kiếm gửi cho anh một số tờ tuần báo bên này để thay cho bài - mà nếu có viết tôi sẽ phải dùng những nguồn tin mà tôi không có khả năng kiểm chứng độ chính xác. Tôi không muốn viết như thế.
Sau chuyến đó, tôi lại thanh thản nhận báo... biếu tiếp. Thỉnh thoảng gửi vài lời góp ý, xây dựng báo mà lần nào anh cũng trả lời là “
bất khả thi” vì thiếu đủ thứ: thiếu thời gian, thiếu ngân sách, thiếu người làm, thiếu kinh nghiệm và cuối cùng là thiếu... ngủ.
Có nghĩa là tôi được nghe tất cả những gì người ta hay biện hộ cho những việc không làm được dù là chủ quan hay khách quan, để cuối cùng tôi - một bạn đọc hơi khó tính - không còn sự lựa chọn nào khác là phải... thông cảm với anh.
Thu 2002 - Minh họa: Cỏ May
Đôi lúc bận việc, rồi phải làm “
người di tản buồn... bất đắc dĩ” khi Praha mênh mông biển nước, tôi nhận báo rồi im ru với những lý do tôi cho là vô cùng chính đáng. Anh gửi thư hỏi thăm - bao giờ cũng vài dòng ngắn nhưng chứa cả những dòng... nghe không “
vô tư” chút nào:
- Đã nhận được báo chưa? Xem thiếu số nào để mình gửi bù.
Hoặc trách nhẹ:
- Sao dạo này chả thấy góp ý cho báo gì cả?
Trong tôi lại lập tức trào dâng cảm giác “
mắc nợ” khi “
dịch” những lời “
hỏi thăm” này sang ngôn ngữ nhà báo: “
Này, viết bài đi chứ!”.
Ờ, nhưng biết viết gì đây? Văn, Thơ, Sử, Luận, Nhạc, Họa, Đông - Tây, Kim - Cổ... đều đã có những “cao thủ tại gia” như anh, chị Hồng Nhung, họa sĩ Lê Thương, ca sĩ Anh Khoa, Nguyễn Thụ, Nguyễn Hưng, Giáp Văn Chung và nhiều bạn đọc khác với những bài viết khiến tôi đã phải thầm thán phục, cảm thốt lên trong lòng hai câu:
Toàn những người tài cao, chí cả
Dưới gầm trời danh tiếng ắt vang xa...
Hơn nữa, tôi biết anh còn có “
quan hệ ruột thịt” với nhiều người có “máu” viết lách. Thấy thế, tôi đâm ngại viết bài cho anh vì xem mình phận nữ nhi tài hèn sức mọn, biết chi đâu mà bày đặt “
múa rìu trước mắt thợ”.
Có hôm, anh còn vui miệng tiết lộ rằng anh có cái tính... soi mói mỗi khi nhận được bài, bất kể của ai. Tôi lại càng... khiếp, dù biết rằng làm nghề biên tập là phải... soi mói từng câu chữ, làm báo là phải có trách nhiệm với từng trang. Càng nghĩ, lại càng... ngại.
Nhưng (lại nhưng!), nhận báo biếu hoài không... đành lòng, từ chối thì không... muốn, (vả lại, lỡ từ chối nhưng anh cứ gửi mãi thì sao), nên thỉnh thoảng tôi cũng ngồi cắn móng tay ngẫm nghĩ rồi viết đại “
một cái gì đó” gửi anh cho “
phải đạo”. Nhưng không bao giờ quên đèo thêm vài câu ngoài lề:
- Gửi anh đọc cho vui là chính. Nếu muốn đăng thì nhớ soát lại lỗi chính tả giùm, không có người ta cười...
Ấy là tôi cứ nói thế cho chắc, cho anh thoải mái... soi mói, cho anh đỡ khó xử, nhất là khi bài của tôi sau khi “soi mói” xong, không dùng được chẳng hạn. Cũng là tránh cho anh - người trực tiếp chọn bài - khỏi mang tiếng với anh chị em trong BBT là... nể tình các CTV, đem đăng cả những bài không hay, không phù hợp.
(Điều này - hồi còn làm báo - tôi rất biết. Và giờ, hết sức thông cảm với BBT: gặp bài hay thì sướng quá rồi, nhưng bài chưa đạt, hoặc không phù hợp với tinh thần của tờ báo... biết làm sao đây?
Người ta đã bỏ công viết, không đăng được thì phải nói thế nào để người ta thông cảm, không phật ý và quan trọng là không làm họ mất hứng... Nhưng làm báo là... không nể được. Không được nể. Thật khó thế đấy!)
Trên đây là nỗi khổ của CTV (nói cho oách!), mà nay tôi mới có dịp thổ lộ. Còn nỗi khổ của người làm báo thì... để các anh chị em trong BBT tha hồ kể tiếp. Tôi chỉ biết có thế này:
Một hôm, tôi bỗng để ý thấy hầu như tất cả điện thư của anh TBT đều được gửi đi vào lúc... quá nửa đêm. Chuyện đó xem ra chả ảnh hưởng gì tới hòa bình thế giới, bởi tôi quá quen với một anh bạn chuyên môn “
đêm... chí thức, ngày chí ngủ” (nói... trộm bóng!).
Thế rồi, trong một lần hồi âm thư anh, sau những câu thăm hỏi, chúc tụng kiểu “
hay ăn chóng lớn”, “
chân cứng đá mềm”, và động viên an ủi kiểu “
vạn sự khởi đầu nan”, “
có công mài sắt, có ngày nên... dùi”, tôi hờ hững “
tái bút” vào cuối thư:
- Thức khuya thế?!
Anh lập tức than thở ngay như một người luôn tất bật vất vả vì thiên hạ mà chả ai biết đến:
- Từ hồi làm báo, có hôm thức... luôn đến trưa hôm sau. Bình thường thì 4 giờ đêm.
“Vấn đề” xem ra có vẻ... nghiêm trọng. Tôi cũng thốt lên trong điện thư một cách chân thành nhất:
- Oh, yeah! Khiếp! Người đâu mà làm việc... “hăng” thế không biết! Thế thì ngủ, nghỉ lúc nào? Hở trời? Người ta có câu: “
Con đường cách mạng còn dài - Anh không dưỡng sức là... sai... sai rồi!”. Bảo trọng! (nói bằng giọng như trong phim... Kiếm hiệp!)
Anh hồi âm cho tôi theo điệu... Quan họ đối đáp:
Vẫn biết cách mạng còn... dài,
Nhưng mình không cố, thì... ai cố thay cho mình đây?
Tôi đùa:
- Ừ thôi... cố đi cho thiên hạ được nhờ! Nói nhỏ: đừng để vợ con mất nhờ. Nguy hiểm lắm! Lâu lâu cũng nên giúp Nàng... rửa bát, hút bụi một hôm!
- Đêm qua thức trắng đến 8 giờ sáng để lên khuôn, sau đó đem ngay đến nhà in. Người thì vẫn ốm vật vờ, đến nay đã mất cả giọng... Sáng sớm nay còn bị bà xã mắng cho một trận vì tội ham việc. “
Anh cứ nhận hết việc vào người...”. Ơ hay, mình không làm thì ai làm? Khổ thế! - anh than.
Có thời gian tôi cũng ôm đồm đủ việc đến nỗi khi trở về nhà là nằm vật ra giường và không còn nghĩ đến gì khác ngoài ngẫm và thấm thía cái câu “
sức người có hạn”. Tôi gửi cho Nàng của anh lời nhắn: “
Nói mà không nghe thì... uýnh cho một trận. Cho “hắn” biết thế nào là... văn - võ song toàn!”. Nhưng có lẽ anh không dại gì mà lại chuyển lời nhắn (đầy nguy hiểm đến tính mạng) đó cho chị. Chỉ thấy anh ưu ái:
- Hì hì, hôm nay nhận báo, bà xã đã cùng một tay bạn mình ra chợ “
liều thân như chẳng có” để... bán rong rồi! Báo mới ra, người làm cũng phải xả thân vì nghĩa mà.
Rồi anh hốt hoảng:
- Chết rồi, phải dọn nhà trước khi bà xã về, mình vù cái đã nhé.
Tôi lại đùa:
- Ê! Sợ vợ! Nhưng mà... sợ vợ mình, đi đâu mà thiệt.
- Hì hì... mình sợ vợ hạng nhứt, và cũng không giấu giếm điều đó. Vợ ta, ta cứ sợ, ai làm gì được nào?
(...) Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu anh làm cách nào để có thể vừa... sợ vợ, vừa cho ra mỗi tuần một số báo 28 trang chi chít bài viết và bài dịch. Tài thật! (...). Tôi thì chả biết ngô khoai thế sự ra sao, nhưng cứ quen đứng về phía chị em phụ nữ mà đồng cảm, thì tôi đánh giá cao đức hy sinh và xả kỷ thầm lặng của chị - bà xã của anh TBT.
(...) Dưới đây là vài dòng dành cho tờ NCTG, tờ báo mà bạn đọc hẳn khen chê đã nhiều. (...) Bữa nay, NCTG ra số kỷ niệm tròn một tuổi, mai kia đến số Mừng Giáng Sinh, Năm Mới, rồi Tết Nguyên Đán... Những dịp này lòng người xa xứ lại nặng những tâm tư. Biết viết gì đây, về những ngày đã qua và sắp đến, về một thời và mãi mãi trong tim...
Nhưng tôi biết chắc, thể nào anh TBT cũng... “
hỏi thăm sức khỏe”.
Có khi tôi lại phải nghĩ ra một cái gì đó.