Cho dù không biết làm thơ và khả năng “thẩm” thơ cũng hạn chế, nhưng vì có chút quan tâm đến chữ nghĩa, tôi cũng được tham dự cuộc gặp mặt mừng anh có đứa con tinh thần đầu tiên. Bữa ấy, tôi còn nhớ anh Đỗ Tràng Hùng - một người thuộc nhiều thơ và cũng có tài bình luận thi ca rất hấp dẫn bằng cách liên tưởng đến những áng thơ Đông Tây kim cổ - đóng vai trò “em-xi” (MC, người dẫn chương trình).
Cử tọa chăm chú nghe anh Hùng với vẻ thích thú đặc biệt; tuy nhiên, phải đến lúc anh Cao ngâm rất có lửa và đầy nhiệt tình những vần thơ của anh, khi ấy tôi mới cảm nhận được: một bài thơ cho dù mộc mạc và khiêm nhường, vẫn có diện mạo và sức mê hoặc khác thường khi được chính tác giả đọc lên.
Vài bữa sau, tôi có dịp cùng thân mẫu đến thăm anh tại tư gia, trên tư cách những người yêu văn thơ. Anh đón tiếp và trò chuyện với tôi, một kẻ chưa quen biết, rất giản dị và thân tình, khiến tôi không có cảm giác xa cách và ngại ngùng trước một người làm công tác ngoại giao.
Một lần nữa, tôi lại được anh chia sẻ về tập “Hoa tuyết mùa xuân”, anh tặng tôi một tập và say sưa kể về hoàn cảnh ra đời của từng bài, cũng như cảm xúc của anh khi sáng tác. Tôi đặc biệt cảm thấy thú vị khi anh, một cựu quân nhân, hiện là một cán bộ ngoại giao, đã dành một mảng đề tài khá lớn cho tình yêu, một tình yêu hòa quyện với tình thương, tình nhân ái, chứ không đến mức táo bạo như ở nhiều tác giả đương đại.
Ấy vậy mà, anh cho biết, đã có lúc anh cảm thấy ở bài này bài khác, anh có những ý táo bạo về tình yêu khiến anh thoạt đầu phải ngần ngại; nhưng rồi, anh thổ lộ, khi đọc mấy vần thơ của Quang Huy: “Cái gì cũng có một thời/ Bao nhiêu máu chảy trong lời vua ban/ Cái gì rồi cũng tiêu tan/ Bao nhiêu xương trắng nằm oan dưới mồ/ Cái gì rồi cũng hư vô/ Bao nhiêu tượng gỗ lên chùa ngồi chơi/ Cái gì rồi cũng rụng rời/ Quả trên Vườn cấm, hoa nơi Địa đàng/ Chỉ còn mãi với thời gian/ Tình yêu tự thuở hồng hoang dại khờ…“, anh đã yên tâm trở lại vì “người ta còn viết thế mà không sao kia mà!”. (*)
Kể chuyện này, anh cười rất vui, ánh mắt sáng lên và lấp lánh sau cặp kính, khiến tôi cũng vui lây cùng một tâm hồn trẻ trung như anh.
Trước khi ra về, không hiểu nghĩ thế này, tôi lại muốn có thủ bút của tác giả với một bài thơ trong tập mà tôi thích. Tôi rụt rè đề nghị anh, và anh rất vui vẻ bảo tôi “cứ chọn một bài cậu thích đi”. Tôi đã chọn “Bão” và vì thế, may mắn thay, đến giờ tôi còn lưu giữ được chút gì từ anh:
Bão đi qua Hà Nội
Mưa tầm tã ngày đêm
Gió vật cây xanh nghiêng ngả thân cành
Nhưng chưa bằng cơn bão của lòng anh
Từ buổi xa em mang nỗi nhớ
Âm ỉ trong lòng thành bão tố đêm đêm.
(Hà Nội 1989)
Bài thơ ấy, tôi rất thích và đến cuối năm 2001, khi lọ mọ ra những số báo đầu tiên, tôi đã mạo muội đưa lên báo…
Bẵng đi một thời gian dài tôi không có tin tức gì của anh (dạo ấy, tôi sống ru rú, ít có thông tin về cộng đồng, nên khi anh kết thúc nhiệm kỳ bí thư thứ nhất ĐSQ và về nước, tôi cũng chẳng hay). Đột ngột, mùa thu năm 2004, đúng vào lúc tôi đang chuẩn bị làm số báo kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10-10, tôi nhận được một cú điện thoại mà bất ngờ thay, đầu dây bên kia chính là anh!
Anh hồ hởi kể rằng anh đã sang lại Hung cùng con trai, anh đã ra thêm được mấy tập thơ ở Việt Nam, anh rất vui khi biết cộng đồng Việt Nam tại Hung đã có mấy tờ báo, đã có tiếng nói riêng của mình, và rất muốn “góp một tay” vào những hoạt động văn hóa như thế. Rồi anh phàn nàn, bùi ngùi nhưng vui: “Mình sang đây con cháu bận cả, đi đâu rất khó khăn vì đướng xá ú ớ chả biết. Lúc nào cậu qua mình chơi, hẹn trước để mình chuẩn bị, ta nói chuyện văn chương một chút cho đỡ buồn…“
Từ khi ra tờ báo, tôi lúc nào cũng trong tình trạng “quá tải” và thiếu thời gian, nên không dám hẹn trước với anh. Tôi xin anh gửi một số bài thơ mà anh nghĩ là phù hợp với bà con cộng đồng và, chỉ một hai ngày sau, tôi đã nhận được qua bưu điện một tập dăm bảy bài. Rất cẩn thận, anh còn đánh số thứ tự “trong trường hợp cậu thấy được và cho đăng, thì thứ tự này nó hợp lý” (anh nhắn thế).
Số báo ra ngày 8-10-2004, NCTG đã có đôi dòng giới thiệu về anh cùng một bài thơ của anh. Khi dàn trang, tôi đặt phần giới thiệu ấy ngay cạnh những trang báo về 50 năm Giải phóng Thủ đô, và hy vọng anh sẽ vui khi đọc nó. Bởi lẽ, cùng mảng thơ tình yêu, thì những kỷ niệm hào sảng trong quân ngũ, thời kháng chiến chống Pháp, vẫn khiến anh cảm thấy dào dạt tự hào trong mỗi vần thơ.
Và rồi, trong các số 15-10-2004 và 4-2-2005, NCTG tiếp tục giới thiệu hai bài thơ khác của anh. Tết 2005, anh đã rất vui khi biết thơ anh góp mặt trong số báo mừng Xuân; anh gọi điện cho tôi, rất sôi nổi: “Thế nào mình cũng phải gặp nhau hôm Tết này, chẳng mấy khi tớ được đi đâu! Tớ đã nghĩ kỹ rồi, hôm đó sẽ có đông bạn viết, mình quây quần bàn luôn về một tuyển tập thơ văn của anh em bên này. Để NXB Văn học ở nhà họ in được là “đẹp” nhất! Cái này tớ đã có cách…“
Nhưng một lần nữa, dự định gặp anh lại không thành! Ngày Tết đông đúc, người qua người lại, biết tìm anh ở đâu? Ở hội trường, tôi cũng bận rộn với chút việc tổ chức do đã “đâm lao phải theo lao”, không còn lúc nào để tìm anh. Đành tự an ủi “thôi tháng Giêng ngày rộng tháng dài…”.
Cuộc đời là như thế, hai lần rập rình mà không gặp được anh. Để rồi một ngày đầu xuân 2007, tôi được anh Giáp Văn Chung cho hay anh đã ra đi mãi mãi. Ước mong của anh về một tuyển tập thơ văn của “bà con mình bên Hung“, đến giờ, vẫn chưa thành sự thật! Thời buổi khắc nghiệt, cơm áo không đùa với khách thơ…
Anh ra đi, nhưng những vần thơ mộc mạc, dung dị, chân thành và thắm tình quê hương của anh vẫn còn lại với những bạn hữu yêu quý anh, với bà con Việt xa xứ bên trời Hung!
Ghi chú:
(*) Anh Thanh Cao đã sử dụng một ý thơ của Quang Huy trong bài "Béc-lin":
Sang thăm em ở Béc-lin
Bức tường ngăn cách hai miền Ðông - Tây
Bấy nhiêu năm đổ một ngày
Một thời quá khứ, đổi thay một thời
Cái còn còn mãi em ơi
Tình yêu từ thuở con người hồng hoang
Sẽ còn mãi với thời gian
Sẽ còn vượt cả không gian đi tìm (...)
Trần Lê
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn