Minh họa: MTI
“
Kampánycsend” (tạm dịch là “
chấm dứt tuyên truyền”) là một khái niệm căn bản trong thể thức bầu cử ở Hung. Theo Luật Bầu cử, hễ Tổng thống Hung tuyên bố thời điểm bầu cử là có thể tuyên truyền, vận động thỏa thích, cho đến 0 giờ ngày thứ Bảy (tức là trước ngày bầu cử 1 ngày).
Kể từ lúc đó, không được hô hào, cũng như cấm làm bất cứ việc gì bị coi là có thể ảnh hưởng đến lá phiếu cử tri, như truyền tải các thông tin hô hào, kêu gọi; tặng ảnh, quà, đồ lưu niệm, huy hiệu, cờ quạt... có hình đảng phái hay ứng viên; đặt áp-phích vận động tranh cử; chiêu đãi người dân nhân danh các đảng phái, v.v...
“
Bầu cử, chuyện của người ta, mình đứng ngoài xem là cùng, làm quái gì mà vi phạm được?”. Hẳn bạn và tôi đều nghĩ như thế, nếu không có một chuyện nhỏ, xảy ra vào trưa thứ Bảy tuần trước, khiến tôi, chỉ thiếu chút nữa, là phạm “
kampánycsend”!
Hôm ấy, tôi ra bưu điện để gửi báo cho các độc giả dài hạn, như thường lệ. Gần đến giờ đóng cửa (bưu điện Hung, thứ Bảy, chỉ mở đến 2 giờ chiều), nên cô nhân viên - sau khi thở dài nhẹ và mỉm cười khi nhìn đồng báo tôi khệ nệ mang đến -, lập tức bắt đầu tập trung dán tem thoăn thoắt.
Đã xong cả trăm tờ báo, bỗng nhiên cô dừng lại, suy nghĩ và kêu lên nho nhỏ: “
Anh làm ơn chờ tôi chút!”. Rồi cô chạy vụt đi.
Thế rồi, 5 phút sau, cô nhân viên trở về với mấy người nữa và bảo tôi:
- Có chút vấn đề anh ạ, tôi vừa hỏi xong. Gửi báo đi bây giờ là vi phạm “
kampánycsend”! Phải để đến thứ Hai thôi!
Vừa nói, cô vừa chỉ bìa báo, có bài và ảnh về hai cuộc mít-tinh lớn của hai đảng chính, MSZP và FIDESZ trước vòng 1 của cuộc bầu cử.
“
Thì thôi” - tôi nghĩ thầm -, “
thứ Hai cũng được, đâu có sao!”. Và tôi bảo cô nhân viên:
- Vâng, thì cô cứ tính tiền, rồi thứ Hai cô chuyển giùm. Ưu tiên bầu cử của các vị mà!
Nhưng cô nhân viên đã khiến tôi ngạc nhiên:
- Không anh ạ, vì trên tem đã đóng dấu ngày hôm nay rồi. Không thể để được, phải bóc hết tem ra. Phiền anh thứ Hai mang chồng báo lại!
“
Rõ ràng là mua việc!” - tôi thầm nghĩ. Rồi, với trò khôn vặt đậm “mùi vị” “đỉnh cao trí tuệ” Việt Nam, tôi nghĩ ra hết cớ này đến cớ khác, để mong được “thông cảm”, khỏi phải mang chồng báo về.
“
Báo này, Việt ngữ, chúng tôi chỉ làm cho cộng đồng, lại ra từ hôm qua, tức là không có tin gì mới ảnh hưởng đến các vị. Với cả, độc giả của chúng tôi có ai... đi bỏ phiếu đâu mà các vị ngại? Đấy là còn chưa nói độc giả ngoài nước, họ có “tội” gì đâu?! Đã dán hết tem rồi, cả trăm tờ thế này, bóc từng cái ra... nhọc các vị mà tôi thì lại vội, mất thì giờ lắm...”.
Đại loại như thế, nhưng cô nhân viên bưu điện, khi ấy đã được ba bốn đồng nghiệp khác đến “trợ lực”, vẫn niềm nở vừa... bóc tem vừa đáp tôi: “
Thì chúng tôi vẫn biết là báo của anh không làm hại đến ai, chúng tôi phải cảm ơn là các anh cũng quan tâm đến kỳ bầu cử của Hung, nhưng luật là luật, không phải chúng tôi nghĩ ra và chúng tôi phải chấp hành thôi! Xin cảm phiền anh dăm phút tôi, chúng tôi sẽ tập trung làm cho nhanh...”.
Dĩ nhiên là cuối cùng, tôi đã vui vẻ chấp chận, không hề thấy chút gợn gì trong lòng. Và thầm phục cô nhân viên Hung, rõ là “đày tớ của dân”: vướng phải chuyện rắc rối như thế ngay trước giờ đóng cửa, lại gặp phải anh nước ngoài đanh đá, mà cấm thấy có biểu hiện gì khó chịu hay nhăn nhó, vẫn nhã nhặn như thể chả có gì xảy ra!
Lại chợt nghĩ: phải chăng, Việt Nam mình còn thua thế giới cả thế kỷ ở cái khoản tuân thủ luật pháp, kể từ những chuyện nhỏ nhặt như thế này?