ÐIỀU KỲ DIỆU BẤT NGỜ

Thứ hai - 12/12/2011 11:11

(NCTG) Tôi được biết anh Hoàng Linh qua blog 360 độ của anh cách đây gần 5 năm. Lúc đầu, tôi xem “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG) do anh phụ trách như một tờ báo nhỏ, một kênh tham khảo thông tin ở vùng Ðông Âu.


Cùng nhạc sĩ Việt Anh trong một buổi tác nghiệp

Sau đó, tôi phát hiện ra chủ báo làm việc độc lập một mình. Vậy mà tờ báo có đủ các mục từ bé đến lớn, mục nào cũng sâu sắc và hấp dẫn. Dù không phải mục nào cũng được cập nhật thường xuyên nhưng trong tình hình báo chí trong nước còn nhiều hạn chế, NCTG vẫn mang đến cho tôi rất nhiều thông tin bổ ích. Điển hình là các bài viết của TBT Hoàng Linh về giới chính trị gia, nghệ sĩ hay các nhà khoa học nổi tiếng.

Trước năm 2006, tôi có biết nhạc sĩ Phạm Duy là một tên tuổi cũ và khá thờ ơ. Nhưng thông qua NCTG, tôi đã có những thông tin hiếm, đầy đủ hơn về người nhạc sĩ này. Hơn thế nữa, anh Hoàng Linh cũng thường xuyên chuyển tiếp các e-mail trao đổi của nhạc sĩ Phạm Duy cho tôi, và giúp tôi tải các tác phẩm điển hình của ông về để nghe và tìm hiểu. Và từ đó, tôi khám phá ra kho tàng âm nhạc đồ sộ của người nhạc sĩ lớn này. Tôi quyết định sẽ đưa những tác phẩm của ông lên sóng VTV, một kênh thông tin chính về mọi lĩnh vực của người Việt trong nước.

Có thể nói, những nhạc phẩm của nhạc sĩ tài hoa bậc nhất làng âm nhạc Việt Nam đến được với khán giả VTV có công lớn của NCTG và người TBT có cái nhìn trung lập và chuẩn xác. Anh Hoàng Linh chắc cũng không ngờ, nếu không được anh cung cấp những nhạc phẩm và thông tin đắt giá của nhạc sĩ thì tôi chỉ nghe, thưởng thức chứ không đủ nhiệt tâm để để đưa bằng được ca khúc của ông lên VTV, kênh truyền hình nổi tiếng là có sự kiểm duyệt khắt khe.

Đặc biệt, trong một bộ phim ca nhạc nói về Tân nhạc thời “Tiền chiến” dự thi Truyền hình Toàn quốc cách đây 4 năm, vì quá yêu quý nhạc sĩ và cũng không thể tìm được tác phẩm xứng đáng thay thế, ê-kip làm phim năm ấy đã chọn tác phẩm của ông trong khi Phạm Duy vẫn đang là cái tên rất nhạy cảm. Những người làm phim xác định rằng, có thể phim không đạt giải cao nhất nhưng đã nói đến âm nhạc Việt Nam thì phải nhắc đến Phạm Duy và những đóng góp lớn lao của ông.

Rốt cục, phim đạt số điểm cao nhất từ Ban giám khảo nhưng chỉ vì có tác phẩm của một nhạc sĩ “có vấn đề” nên bị giáng xuống HCB thay cho HCV. Đó là năm 2008, 3 năm sau khi nhạc sĩ về nước sống sinh và làm việc.

Những năm sau đó, chúng tôi không nản lòng, vẫn tiếp tục cho lên sóng nhiều tác phẩm lớn nhỏ khác nhau của Phạm Duy với mong muốn khán thính giả Việt được nghe những nhạc phẩm Việt đích thực và có giá trị. Nhiều lần, những người thực hiện phải mạo hiểm cả sự nghiệp của mình để thuyết phục Ban lãnh đạo VTV về giá trị văn hóa của những ca khúc nổi tiếng như “Ngậm ngùi”, “Thương ai nhớ ai”, “Bài ca sao”, “Vợ chồng quê”, “Tình hoài hương”. Chỉ vì ca ngợi người nghệ sĩ lão thành nhưng “có vấn đề”, bản thân tôi cũng đã từng phải to tiếng với nhiều đồng nghiệp, làm mất lòng một số người vốn có định kiến về Phạm Duy.

Sau 3 năm, kết quả đã không phụ lòng những người kiên trì. Nhạc phẩm của Phạm Duy được tỏa sáng trên VTV cũng là một sự thừa nhận chính thống về tài năng và đóng góp của ông trong dòng chảy âm nhạc đẹp đẽ của dân tộc. Những cá nhân từng lớn tiếng chỉ trích ông và chỉ trích chúng tôi nay đều không thấy lên tiếng nữa. Rất nhiều ca sĩ Hà Nội (và trong nước nói chung) đã trưởng thành và nổi tiếng nhờ trình bày các tác phẩm của Phạm Duy.

Thật bất ngờ, nhưng như đã nói ở trên, phần đáng kể của điều kỳ diệu ấy lại xuất phát từ một tờ báo Việt ngữ nhỏ ở Hungary! Nhân tờ báo tròn 10 năm tuổi, một lần nữa, tôi muốn cảm ơn NCTG và anh Hoàng Linh - thiết nghĩ, rất nhiều khán giả của VTV cũng sẽ cảm ơn anh, một người làm báo nhiệt thành và tâm huyết của chúng ta. (*)

(*) Tác giả là BTV Âm nhạc Ðài Truyền hình Việt Nam (VTV). CTV của NCTG.

Ðặng Hương, từ Hà Nội


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn