Tại Potsdam (Ðức, hè 2011) - Ảnh: Ðỗ Quang Nghĩa
Tôi không có vinh dự và may mắn có mặt trong cuộc gặp mặt “lịch sử” của nhóm cựu sinh viên đã khai sinh ra tờ “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG) cách đây đúng 10 năm, dù trước đó vài năm đã tham gia làm tập san “Quê Hương” của Hội người Việt, tờ báo giấy đầu tiên của người Việt trên đất Hung.
Khi nghe cái tên NCTG, tôi thoáng nghĩ đúng là đám trẻ táo gan và có phần lộng ngôn: với một cộng đồng vỏn vẹn vài ba ngàn người, chủ yếu kinh doanh trong các khu chợ, một tờ báo giấy dặt dẹo nổi một hai năm đã khó, huống hồ lại mơ trở thành một nhịp cầu mang tầm thế giới thì thật là tham vọng hão huyền.
Nhưng sau vài ba số đầu tiên, tôi đã đi từ hoài nghi đến ngạc nhiên và thán phục, và khi được Hoàng Linh mời tham gia viết bài tôi liền vui vẻ nhận lời. Và đúng là “điếc không sợ súng”, tôi bắt tay viết loạt bài lịch sử mà anh Đặng Ngọc Hoản có
nhắc tới trong bài viết về tờ báo cách đây vài hôm.
Tưởng mỗi tuần một số, mình chỉ có một hai trang viết thì ăn nhằm gì, nhưng bắt tay vào, sau vài số báo mới thấy mình vừa liều vừa dại, sao lại nhẹ dạ nhận lời với gã. Đúng là như mắc nợ, ăn không ngon ngủ không yên, mới thấy công việc của người phụ trách một chuyên mục trên các báo thật chẳng đơn giản chút nào. Nhưng nhìn gã “vợ dại con thơ”, chủ yếu một mình xoay sở từ lo bài vở, biên tập, in ấn, phát hành... để hàng tuần báo vẫn ra đều, càng ngày càng khởi sắc, phong phú hơn mà tôi gắng không thể thất hứa. Thế là cái loạt bài lịch sử ấy đã kéo dài tới đâu trên bảy chục số, bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy hãi.
Và đến nay, sau 10 năm, từ báo giấy chuyển sang báo mạng, tuy có những lúc thăng trầm, nhưng NCTG không những đã trở thành một tờ báo có dáng vóc, phong cách riêng, một nguồn thông tin đáng tin cậy để nhiều báo chí trong và ngoài nước tham khảo, trích dẫn, mà thực sự trở thành một nhịp cầu nối kết bạn đọc, bạn bè khắp năm châu. Ðặc biệt nó đã trở thành người bạn tinh thần tin cậy của cộng đồng người Việt ở Hungary, của những người đã từng sống, học tập, làm việc và gắn bó với đất nước này.
Hơn thế nữa, NCTG đã tập hợp, thu hút được đội ngũ CTV đông đảo trên khắp thế giới, từ các nhà khoa học, các giáo sư, đạo diễn phim, sử gia, văn nghệ sĩ, nhà báo, sinh viên... trở thành độc giả thủy chung hay CTV của báo. Mười năm với hàng vạn bài viết thuộc đủ các lĩnh vực, với lượng thông tin khổng lồ, ngoài việc cập nhật tin tức, NCTG đã trở thành kho tư liệu vô giá về mọi mặt đời sống của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt ở Hungary trong thập niên đầu tiên của thế kỷ này.
Được như vậy, công đầu to lớn nhất, như bao nhiêu bạn bè gần xa đã nói, là thuộc về Hoàng Linh, TBT, cũng là chân tạp vụ, bên cạnh việc đều đặn viết hàng ngàn bài báo sắc sảo thu hút bạn đọc, còn làm gần như tất tật mọi việc lớn nhỏ để tờ báo tồn tại và vạm vỡ không ngừng. Nếu có thể nói ngắn gọn về gã TBT có một không hai này,
trước hết phải kể đến sức làm việc phi thường của gã, cứ nhìn khối lượng đồ sộ công việc gã đã làm trong 10 năm qua thì sẽ rõ.
Thứ hai, phải công nhận gã có tài thu phục nhân tâm: đã biết gã từ lâu, nhưng tôi luôn luôn bất ngờ về sự quảng giao của gã, đi đâu cũng thấy gã có người quen, gặp ai cũng thấy họ xởi lởi với gã như người nhà, mà trong số fan của gã không ít em xinh đẹp, chân dài miên man, gã cứ ới một tiếng là hôm sau đã có ngay bài, ảnh cho “quý báo”, dù các nàng ở tận Mỹ, Canada, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc Châu, hay Hà Nội... tài thế!
Và
thứ ba, dĩ nhiên không thể không nói tới sự thông kim bác cổ của gã, chẳng hiểu gã lấy đâu ra thời gian để đọc nhiều như thế, hỏi gì gã cũng biết, mà biết tường tận, sâu sắc chứ không hề lớt phớt qua loa. Lĩnh vực nào, từ xã hội, lịch sử, văn chương, nhạc họa... gã đều chơi tuốt, mà chơi rất sang trọng, rất hào hoa.
Phải chăng những phẩm chất kể trên là ba yếu tố quan trọng nhất, đủ làm nên một tay TBT, một “kỹ sư” dựng lên cây cầu mà thiên hạ biết đến dưới tên gọi là Nhịp Cầu Thế Giới hôm nay? Không, hình như chỉ thế thôi chưa đủ, phải kể đến công lao không nhỏ của bóng hồng đứng sau gã nữa, đó là vợ gã, người đã ít nhất 10 năm song hành, hỗ trợ và cả “chịu đựng” gã trong cái nghiệp làm báo nhọc nhằn kia, không có sự chăm lo, có khi đến chì chiết của nàng thì có lẽ đến giờ gã chỉ còn là cái “xơ mướp”, dù ít ai biết đến nàng.
Cho phép tôi, người viết những dòng này, thay mặt bạn đọc khắp nơi của NCTG, xin nói với nàng hai tiếng
tri ân.
*
Cá nhân tôi cũng không thể kể hết ân tình và bao nhiêu kỷ niệm vui buồn với tờ báo. Nó đã cho chúng tôi một sân chơi thật thú vị và bổ ích, ngay từ thuở ban đầu. Một lũ chưa hề làm báo, hăng hái viết, dịch thuật, làm thơ, soạn ô chữ, minh họa... và hàng tuần phởn chí thấy tên mình trên mặt báo. Lại được
lời “bốc thơm” của Cỏ May từ Praha: “
Toàn những bậc tài cao trí cả / Dưới gầm trời danh tiếng ắt vang xa” - nghĩ lại thấy lúc ấy đúng là “điếc không sợ súng”, cái thuở ban đầu.
Hơn thế nữa, là người đã có thời gắn bó với sách vở, với bảng đen phấn trắng, mải mốt với cuộc mưu sinh nghiệt ngã ở xứ người mà có thời gian dài nhãng quên chữ nghĩa, từ ngày có NCTG, được đọc, được viết, được giao lưu với bè bạn, với tôi, thực sự là một sự hồi sinh con người tinh thần đang dần khô kiệt trong mình. Nó như một sự bù đắp đến kịp thời để mang lại sự thăng bằng đã mất sau một cuộc sang chấn tâm hồn.
Sau loạt bài lịch sử, tôi bắt tay vào dịch thử, đầu tiên là tập sách nói về
lãnh tụ cộng sản Kádár János của Moldova György, cũng được NCTG đăng dài kỳ. Rồi đến
“Những ngọn nến cháy tàn” của Márai Sándor được Tủ sách NCTG ấn hành, chính sự phản hồi tích cực và sự khích lệ của bè bạn sau đầu sách này mà sau đó tôi đã tiếp tục chuyển ngữ hàng loạt tác phẩm kinh điển của văn học Hungary, được bạn đọc trong nước nồng nhiệt đón nhận.
Tôi rất biết ơn NCTG vì sự khởi đầu đầy tình nghĩa ấy, và cả sau này, cứ mỗi lần một dịch phẩm nào đó của tôi được xuất bản trong nước thì bao giờ NCTG cũng là diễn đàn đầu tiên giới thiệu với bạn đọc, từ
“Những người Hungary đoạt giải Nobel” của Bödők Zsigmond, qua
“Không số phận” của Kertész Imre tới cuốn sách nhỏ cho thiếu nhi như
“Vúc - chú cáo dũng cảm” của Fekete István. Những bài viết sắc sảo, đầy chất trí tuệ nhưng vẫn mực thước và khiêm nhường của Hoàng Linh không đơn thuần chỉ là những bài điểm sách, mà thực sự đã có vai trò định hướng và kích hoạt sự quan tâm của bạn đọc gần xa.
Xin mượn ý ca khúc
“Mười năm tình cũ” của nhạc sĩ Trần Quảng Nam để khép lại bài viết này: với tôi tuy gắn bó với NCTG đã 10 năm, nhưng tình vẫn mới, mỗi ngày thêm mới. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm, cũng là lúc một mùa xuân mới sắp về, chúc TBT Hoàng Linh dẻo dai gân cốt để NCTG có thêm nhiều lần 10 năm như thế, hay còn hơn thế nữa. Và xin nhắc lại một lần hai tiếng
tri ân.