MỘNG VĂN CHƯƠNG

Thứ tư - 07/12/2011 00:59

(NCTG) “Nếu một ngày nào đó, giấc mơ văn chương của tôi thành sự thật, chắc chắn tôi phải cảm ơn thầy Sơn, anh người yêu năm xưa, và đặc biệt là tờ NCTG cùng anh TBT đã rất chịu khó “thúc ép” tôi như thế... ”.


“Tôi vẫn đang mơ mộng tới một ngày tôi có thể viết thật hay về những vùng đất tôi đã có dịp đặt chân đến...”

Tôi bắt đầu mơ mộng viết lách từ khi vừa bước vào cấp Hai. Khi ấy, bố tôi cùng một vài phụ huynh khác mời thầy Sơn phụ đạo môn văn cho bọn nhóc 6 đứa chúng tôi. Buổi học đầu tiên, thầy bảo: “Mỗi tháng mình sẽ đặt tên cho lớp theo tên các loài hoa nhé. Tháng này lớp mình có tên Hoa Hồng, tháng sau có thể là Hoa Sen, Hoa Mai, tùy các em”. Lũ chúng tôi khoái chí lắm, và mê thầy ngay từ giây phút đầu tiên ấy.

Thi thoảng thầy dẫn 6 cô học trò nhỏ lang thang ra vườn Bách Thảo, ra Hồ Tây hoặc Văn Miếu để… tư duy văn học. Chúng tôi mỗi đứa chọn một góc tập tành thả hồn mình bay bổng, lãng đãng như thi sĩ, và viết. Cứ thế, thầy thổi vào tâm hồn chúng tôi tình yêu văn học, thơ ca. Lớp học văn mang tên các loài hoa của thầy Sơn mãi mãi là những giờ học ấm áp nhất, mơ mộng nhất trong đời đi học của tôi.

Mười sáu tuổi, tôi gặp Anh. Cho dù tuần nào cũng gặp nhau,, nhưng chúng tôi chọn cách nói chuyện qua những lá thư tay. Anh là sinh viên năm cuối, nghe nhạc, đọc sách nhiều khủng khiếp. Thành ra thư tình của anh viết cho tôi ngắn nhất thì 4 trang A4, trung bình là 8 và nhiều nhất là 24. Anh nói anh thích đọc những lá thư tôi viết về bạn bè tôi, cuộc sống xung quanh tôi, những cuốn sách mà tôi đã đọc, những bài hát mà tôi đã nghe.

Ðể trả lời những bức thư tình dài dằng dặc ấy, tôi cũng phải đọc nhiều, và viết cũng khiếp. Ròng rã suốt 2-3 năm trời yêu nhau bằng thư như thế, kỹ năng viết nói chung, kỹ năng viết thư tình nói riêng của tôi tốt lên đáng kể. Có thể nói anh là người thầy thứ hai dạy tôi đọc sách, cảm thụ âm nhạc và viết lách. Về sau, mặc dù chia tay nhau nhưng những kỷ niệm cũ vẫn là nguồn cảm hứng để tôi viết được một câu chuyện nhỏ về tình yêu đầu đời của mình.

Đến năm 2009, tôi bỗng dưng trở thành người Việt xa xứ. Để vơi bớt nỗi nhớ nhà, tôi thường tha thẩn cả ngày trên  mạng xã hội Facebook (FB) nói chuyện với bạn bè. Cũng qua FB, tình cờ tôi biết đến “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG), tờ báo mạng của cộng đồng người Việt ở Hungary. Vào dịp giáp Tết năm ngoái, trong tâm cảm xa quê, tôi rón rén gửi một bài viết than thở nỗi nhớ quê hương cho anh Hoàng Linh, TBT tờ báo.

Ngay lập tức, bài của tôi được anh nhận sửa và đăng trên NCTG. Thế là lần đầu tiên có người ghi nhận nỗ lực chữ nghĩa của tôi, làm tôi thật cảm động. Sau đó, anh TBT liên tục động viên, đôi khi là “thúc ép” tôi như đòi nợ bài vở vậy, khiến tôi mạnh dạn viết lách hẳn lên. Với một vài bài viết nhỏ được đăng trên NCTG, tôi nhận được thêm nhiều chia sẻ ấm áp từ phía độc giả của NGTG cũng như bạn bè ở Việt Nam, Hungary và nhiều nước khác.

Tôi vẫn đang mơ mộng tới một ngày tôi có thể viết thật hay về những vùng đất tôi đã có dịp đặt chân đến, về những mảnh đời, về những con người đặc biệt thú vị mà tôi đã gặp. Không kỳ vọng gì to tát, nhưng tôi mong được viết để chia sẻ với bạn bè, người thân, viết cho mình và cho con cháu sau này có thể gật gù bảo “à, hóa ra bà già nhà mình hồi trẻ cũng tâm hồn văn thơ ra phết”.

Nếu một ngày nào đó, giấc mơ văn chương của tôi thành sự thật, chắc chắn tôi phải cảm ơn thầy Sơn, anh người yêu năm xưa, và đặc biệt là tờ NCTG cùng anh TBT rất chịu khó “thúc ép” tôi nhiều như vậy...

Khánh Linh, từ Saint Cloud, Paris


 
 Từ khóa: Khánh Linh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn