Minh họa: Internet.
“Hóa ra nàng cũng là dân bussiness hẳn hoi, xem ra ngày nay phụ nữ Việt Nam thành đạt trên thế giới chiếm một số lượng không nhỏ chút nào“, anh tự nhủ thầm. Và đó cũng là ý nghĩ cuối cùng còn xót lại trong anh trước khi anh và nàng kéo va-li ra khỏi sân bay và mỗi người đi về mỗi hướng.
*
Nàng – 25 tuổi, sinh ra và lớn lên ở dải đất miền Trung cằn cũi đầy gió cát, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế đã xin vào làm ở một công ty nước ngoài khá thành đạt. Chưa bao giờ nàng nghĩ rằng sẽ có một ngày nàng “thành danh” như hôm nay, tuy chưa là to tát nhưng nàng biết đó cũng là niềm mơ ước của rất nhiều người.
Nàng có ba niềm đam mê rất lớn, đó là đọc, viết và chụp hình. Hồi còn đi học cấp 3, bạn bè nàng nói rằng nếu sau này không trở thành cô giáo dạy Văn giỏi cấp tỉnh thì chắc nàng cũng sẽ trở thành một nhà báo có tiếng hoặc một nhiếp ảnh gia đa tài. Vậy mà cuối cùng nàng nộp đơn thi Đại học Kinh tế trong sự ngỡ ngàng của biết bao nhiêu người. Thầy giáo nàng tiếc vì không có một cô đồng nghiệp như nàng, bạn bè nàng tiếc vì mất đi một cô nhà báo đa năng để sau này có thể “nhờ cậy” chút ít.
Người duy nhất vui vẻ là mẹ nàng. Bà nói những người như nàng nếu dấn thân vào con đường văn chương thì sẽ yếu đuối và đa đoan. Văn chương có thể nuôi dưỡng tâm hồn nàng chứ không thể nuôi dưỡng cuộc đời nàng, bởi thế nên bà muốn nàng học kinh doanh để cân bằng cuộc sống. Và bà đã đúng theo một nghĩa nào đó, dù nàng tin chắc rằng suy nghĩ của nàng và bà về khái niệm “kinh doanh” ắt hẳn sẽ hoàn toàn trái ngược nhau.
Nàng không ân hận về quyết định của mình và trước khi dốc tâm mình vào con đường đi làm kinh tế, nàng cũng kịp cho xuất bản một tập thơ và một tập truyện ngắn. Nàng bảo xem đó như vốn sống của mình và tiếp tục nuôi dưỡng một tâm hồn trong trẻo.
Giờ đây khi đã thực sự đứng trên con đường kinh doanh, từng ngày đấu tranh với đồng tiền, với những con số và những chuyến đi từ nước này qua nước khác, có đôi lúc nàng thấy thật sự mệt mỏi, nhưng nàng vẫn yêu công việc mình làm, bởi nó đã cho nàng sự mạnh mẽ, dứt khoát và nàng đã biết tỉnh táo để cân bằng lý trí và tình cảm.
Nàng bơi giữa cuộc đời để hiểu thế nào là cạnh tranh. Có đôi lúc nàng thấy tâm hồn nàng có một chút gì đó hoen ố khi lúc nào cũng nghĩ đến tiền, nhưng nàng cũng hiểu đồng tiền nàng làm ra bằng những giọt mồ hôi và công sức của nàng hoàn toàn trong sáng và không có gì phải xấu hổ vì điều đó. Suy cho cùng thì ai trên đời này cũng cần phải sống, chỉ có điều sống như thế nào để được thương, được quý, được nể phục và lòng mình cũng bình yên, thanh thản thì mới là điều khó và không phải ai cũng có thể làm được.
Có đôi khi nàng đứng lặng lẽ trên một góc đường của phố nhỏ Paris, nhìn dòng người qua lại, những đôi tình nhân tay trong tay bước, nàng lại thầm ước được trở về cái thuở 18 của ngày xưa. Nhưng đó chỉ mãi mãi là những ước mơ không bao giờ có thể thành sự thật vì thời gian không trở lại và không chờ đợi bất kỳ ai… Nàng cũng đâu còn là nàng của ngày xưa nữa, dù tâm hồn nàng vẫn trong trẻo và chưa bám màu bụi bẩn của thương trường.
*
Anh – 28 tuổi, trưởng một tập đoàn có tiếng ở Milan. Anh thừa hưởng dòng máu kinh doanh từ cha – một thương gia người Ý và sự lãng mạn của mẹ - một người phụ nữ dạy Văn gốc Thụy Điển. Tuổi thơ anh lớn lên ở Ý trong sự đùm bọc trìu mến yêu thương của cả cha lẫn mẹ.
Cha anh dù ít khi ở nhà nhưng mỗi lần không phải đi công tác, ông vẫn dành thời gian làm vườn, đọc sách hay chơi cờ cùng vài người bạn. Ngày còn nhỏ anh thường tự hỏi tại sao một tuýp người như cha anh lại yêu và lấy một ngươi phụ nữ như mẹ. Những lúc như vậy cha anh chỉ mỉm cười và nói “sau này lớn lên rồi con sẽ hiểu”. Mẹ anh, một người phụ nữ rộng lượng, không hề liên quan chút gì đến kinh doanh, đến những con số mà bà chỉ viết và đọc. Bà yêu văn học và yêu nghệ thuật và đánh đổi đến cùng cho ước mơ ấy.
Thời đại học anh từng yêu một cô gái tóc vàng rất đẹp có tên là Celina mang vẻ đẹp dân dã của một làng quê nhỏ và nuôi ước mơ trở thành một nhà thiết kế thời trang. Tình yêu ấy tưởng chừng sẽ đi đến hạnh phúc bởi anh rất yêu cô và ba mẹ anh cũng rất quý cô. Tuy sống ở phương Tây nhưng anh mang trong mình một cái gì đó na ná với người Á Đông, bởi với anh gia đình rất quan trọng. Không như những chàng trai trẻ Tây Âu khác, muốn yêu ai, cưới ai là quyền của họ, bố mẹ chẳng cần bận tâm gì. Nhưng anh thì không như vậy.
Mỗi lần anh dẫn cô về nhà chơi, mẹ anh và cô thường cùng nấu ăn rồi nói về nghệ thuật. Cả hai cùng yêu văn học của Grazia Deledda (*) và có thể ngồi nói chuyện với nhau hàng giờ. Anh nhớ, trong một lần nói chuyện với mẹ anh, có lần cô trích câu nói của bà: “Nỗi lo lắng lớn lao của chúng ta là cuộc sống đi quá nhanh. Đó là lý do tại sao chúng ta phải cố gắng làm cho cuộc sống chậm lại, làm cho nó mãnh liệt hơn, làm cho nó có ý nghĩa phong phú nhất. Người này phải cố gắng sống trên cuộc sống của người kia, như mây ở trên biển”. Anh nghe xong ậm ừ, triết lý ấy quả thật là sâu sắc.
Cô qua Anh Quốc tu nghiệp 2 năm, thời gian và khoảng cách đã đẩy anh và cô ra xa. Rồi những cuộc tranh cãi bắt đầu bởi ai cũng có những ích kỷ riêng của minh. Sau một lần cãi nhau, cô buồn và rủ cậu bạn đi uống rượu, trong cơn say không làm chủ được lòng mình, cậu bạn cùng học đã tận dụng cơ hội và phủ lên môi cô những trận mưa hôn. Đồng nghiệp của anh vô tình nhìn thấy và kể lại, anh chia tay cô trong lặng lẽ và không cho cô bất cứ cơ hội giải thích nào, niềm tin trong anh hoàn toàn sụp đổ.
Cô vẫn đến thăm cha mẹ anh mỗi khi có dịp, vẫn đến tìm anh để giải thích và xin sự tha thứ, nhưng anh đều lẩn trốn. Mất cô là một nỗi đau lớn với anh, nhưng anh không thể sống với một ngươi đã phản bội niềm tin của anh. Anh “hận” phụ nữ và dốc trọn tình yêu của mình vào công việc, để rồi vẫn độc thân cho đến tận bây giờ.
*
Như là định mệnh, anh và nàng gặp lại nhau trên một con phố nhỏ ở Paris. Anh đi siêu thị mua quà lưu niệm, còn nàng đi… chụp ảnh. Khi họ bước qua nhau, cả hai cùng ngờ ngợ “người này trông quen quen”. Không hẹn, cả hai cùng ngoái đầu lại. Anh mỉm cười, nàng gật đầu đáp trả. Anh lấy hết can đảm tiến về phía nàng, để tránh bị hớ, anh hỏi lại lần nữa cho “chắc ăn”, rằng nang có phải là cô gái Việt Nam mà anh đã gặp ở sân bay Paris hơn một tuần về trước không. Khi nàng nhoẻn miệng cười, anh biết là mình đã không nhầm.
“Tôi có thể mời em một ly café Paris được không?”, anh hỏi giọng dè dặt.
Nàng chần chừ với cái máy ảnh cầm trên tay, vì đây là buổi chiều cuối cùng nàng ở Pháp trước khi ngày mai trở về Việt Nam để chuẩn bị cho chuyến công tác ở Úc vào cuối tháng sau. Nàng muốn dành buổi chiều này để lang thang chụp mọi ngõ ngách của Paris.
Dường như đọc được sự đắn đo của nàng, anh nảy ra một ý định táo bạo:
“Ở Paris, có những con đường và một vài khung cảnh rất đẹp, nếu em muốn tôi có thể dẫn em tới đó. Nhưng bù lại, em phải mởi tôi một ly café nhé”.
Nàng bật cười rồi nghĩ: “Cái anh chàng này thật là lạ. Mời người ta không được lại bắt người ta mời lại”. Nhưng rồi nàng vui vẻ nhận lời, anh tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch cho nàng suốt cả buổi chiều. Đi đến đâu anh giải thích đến đó, nàng thì vừa tranh thủ nghe, vừa tranh thủ hỏi, vừa tranh thủ… chụp hình.
Ảnh. Hoàng Yến Anh
“Em mải mê lo bấm máy như vậy liệu có giữ được gì trong đầu những điều tôi vừa kể không vậy?”, anh thắc mắc.
“Có chứ, nhiều là đằng khác”, nàng trả lời bằng cái giọng hết sức tỉnh bơ. Anh chau mày ra điều không tin, nàng bật cười : “Anh không tin hả? Vậy bây giờ thế này nhé, anh có thể hỏi lại em bất cứ những gì anh vừa kể, nếu em trả lời đúng thì anh phải mời lại em ly café”.
Anh chợp lấy cơ hội và bắt đầu tra khảo nàng, nàng trả lời câu hỏi của anh còn dễ hơn là… bấm máy ảnh khiến anh chết lặng.
“Em có trí nhớ giỏi thật, chẳng bù cho tôi”.
“Anh không cần phải khen em như thế đâu. Nếu mà có cái trí nhớ tệ nhưng thành đạt được như anh thì em cam đoan rằng cũng có nhiều người muốn lắm”, nàng suýt xoa.
Anh bật cười trước câu nói dí dỏm và thông minh của nàng.
“Tôi chịu thua em rồi đó!”.
Nàng cười vang, họ cùng nhau bước vào một quán café trên phố nhỏ và anh nói: “Đây là quán café cổ nhất Paris đó”. “ Vậy à, xem ra số em hôm nay may quá”, nàng cười.
Anh đặt 2 ly café giống nhau, một cho nàng và một cho anh. Trong lúc chờ người bồi bàn làm café, nàng tranh thủ chỉ cho anh những tấm ảnh nàng vừa chụp được.
“Anh nghĩ, em nên bỏ nghề kinh doanh đi lang thang chụp ảnh có khi cũng kiếm được khối tiền đấy”, anh trêu nàng.
“Biết đâu em lại trở thành một nhà nhiếp ảnh gia giàu nhất thế giới thì sao”, nàng cười nắc nẻ tán thành. Rồi nàng kể cho anh nghe những ước mơ và dự định từ cái thuở còn học trung học mà không thành của nàng, nhưng nàng nhất định sẽ sống với những đam mê đó đến cùng. Lấy đó làm niềm vui, làm lẽ sống và tô điểm thêm cho cuộc đời.
“Tôi thấy mẹ em thật tâm lý, có bao giờ em trách bà vì đã không cho em đi theo con đường nghệ thuật không?”.
“Hồi đầu em có hơi giận mẹ một chút, em đã thực sự buồn. Nhưng bây giờ thì em biết mẹ đã đúng khi nói rằng ở đời người ta không nhất thiết phải thiên hướng về một cái gì đó nhất định”.
“Hẳn bà rất tự hào trước sự thành đạt của em lúc này?”.
“Em hy vọng vậy”, nàng cười.
Họ cứ hỏi về cuộc sống của nhau như thế, xung quanh những công việc, những chuyến đi và những cái đang diễn ra hàng ngày trên thế giới. Anh kể cho nàng nghe một chút về quê hương anh, gia đình anh và cả việc anh bỏ người yêu và sống cùng công việc lúc này. Khi nghe xong, vẻ mặt nàng đăm chiêu.
“Nếu em là anh, em sẽ cho Celina thêm một cơ hội, hay ít nhất là lắng nghe cô ấy giải thích”, giọng nàng điềm đạm.
“Trong tình yêu không có chỗ cho sự lừa dối”, anh tỏ vẻ cương quyết.
“Nhưng ai cũng xứng đáng được đón nhận thêm một cơ hội nữa, anh không thấy sự tha thứ dễ dàng hơn là những oán trách sao?”.
Anh im lặng. Nàng tiếp lời:
“Em chưa gặp Celina bao giờ nhưng qua lời anh kể, em biết cô ấy vẫn còn rất yêu anh, và anh cũng vậy thôi, chỉ có điều anh không vượt qua được tự ái của người đàn ông mà tha thứ cho cô ấy. Em nói với anh nhé, ở đời dù đã là vợ chồng, người ta cũng còn có cả những khi “ngoại tình trong tư tưởng”, huống chi là… Vả lại hôm đó cô ấy cũng say mà”.
“Em đang đứng ra bảo vệ phụ nữ đó à?”, anh hỏi giọng hờn trách.
“Tại sao em phải làm thế? Điều mà em muốn nói với anh đó là sự tha thứ, người ta có thể dễ dàng oán trách người khác, dễ dàng nói rằng tại sao lại thế này, tại sao lại thế kia, nhưng tự bản thân họ cũng đâu có làm được một việc dễ dàng, đó là tha thứ đâu. Anh thử nghĩ xem, anh cứ đắm chìm trong cái vòng luẩn quẩn của tình yêu vì anh không thể nào quên được cô ấy và cũng vì anh không chịu tha thứ. Anh thấy đó, rốt cuộc thì anh cũng có hạnh phúc đâu”.
“Có vẻ như là tôi vừa được giảng một bài học đạo đức và một bài triết lý về tình yêu của em”, anh giễu cơt.
“Thì cũng có sao đâu, quan trọng không phải là lời em giảng, mà là anh sẽ làm gì sau đó thôi. Hạnh phúc vẫn ở trong lòng bàn tay của mỗi người và ai cũng có thể tự tạo ra nó”.
Nàng nói rồi nhìn đồng hồ, cũng đã muộn rồi, nàng còn phải về khách sạn để chuẩn bị hành lý cho chuyến bay ngày mai. Anh có vẻ tiếc nuối:
“Thật tiếc là thời gian quá ít, nhưng tôi thật sự đã rất vui khi được làm quen với em”, giọng anh thành thật.
“Tưởng là anh giận em vì đã dám lên mặt dạy đời anh chứ”, nàng nháy mắt tinh nghịch.
“Biết đâu tôi sẽ cần phải cần những bài dạy đời như thế nữa thì sao”.
Nàng mỉm cười bắt tay anh, cảm ơn về buổi chiều và cả ly café Paris. Anh đưa cho nàng tấm danh thiếp và nói: “Tôi sẽ rất vui nếu một ngày nào đó được gặp lại em”.
“Em cũng vậy, cảm ơn anh rất nhiều!”, nàng nói rồi đứng dậy. Trước khi đi, nàng còn nói với theo: “Nếu một ngày nào đó gặp Celina thì anh cho em gửi lời chào nồng ấm nhất đến cô ấy nhé!”. Anh cười gật đầu rồi nhìn theo bóng dàng nàng cho đến khi không còn nhìn thấy nữa…
*
Nàng cầm tờ báo viết về một doanh nghiệp trẻ người Ý có cái tên là Nevio Foscolo trên tay mà tự hỏi không biết đó có phải là cái anh chàng đã cùng nàng đi qua các ngõ ngách của Paris hồi tháng 11 năm trước không. Nhưng khi đọc đến cái tên Celina trong bài viết, rằng cô là người bạn đời sắp cưới của anh, nàng đã đinh ninh rằng đó chính là anh – người đã cùng cô uống café bên vỉa hẻ Paris ngày nào.
Hóa ra bài học đạo đức và cái triết lý tình yêu nàng “dạy” anh hôm nào đã ngấm vào trong ký ức của anh. Nàng mỉm cười, mở ngăn kéo ra và lấy chiếc danh thiếp của anh. Nàng cầm máy điện thoại lên và bắt đầu nhấn số, lòng tự hỏi không biết anh có còn nhớ cô gái Việt Nam đã lên giọng “dạy đời” anh hôm nào ở Paris không nữa.
“Tôi là Nevio Foscolo. Xin lỗi bạn, hiện tại tôi không nghe máy được, xin bạn để lại tin nhắn, tôi sẽ gọi lại ngay sau khi có thể”.
“Chào anh, em là Hương Giang, người đã từng uống café với anh ở vỉa hè Paris hơn một năm về trước…”, nói đến đấy thì nàng dừng lại. Nàng tự nghĩ, làm sao anh có thể nhớ đến nàng được cơ chứ, khi mà xung quanh đời anh, biết bao nhiêu là mối quan hệ, mà nàng thì chỉ là một hạt cát nhỏ. Nàng tắt máy. Mười lăm phút sau, điện thoại nàng reo, trên màn hình, số máy của Nevio hiện lên, nàng mỉm cười và bấm nút nghe.
“Em có biết tôi đã trông đợi cuộc điện thoại này đến thế nào không? Tháng 12 tới tôi và Celina sẽ qua Việt Nam hưởng tuần trăng mật đấy, sẽ rất vui khi được uống café Việt Nam cùng em”.
Nàng bật cười. Ngoài kia, nắng tràn trên lối phổ, khúc nhạc yêu thương vang lên và nàng thấy lòng hạnh phúc. Nàng chợt nhớ đến ly café bên phố nhỏ ngày xưa…
(*) Grazia Deledda (1871-1936), nữ văn sĩ Ý, giải Nobel Văn chương năm 1926.