HỌC NÓI LỜI YÊU THƯƠNG

Thứ năm - 01/12/2011 00:10

(NCTG) “Nói được một câu lịch sự để mãi giữ lại những cảm xúc tốt đẹp về nhau, tại sao lại không nhỉ?”.


Minh họa: Internet

Tôi đi cùng một người bạn đến ăn tối ở nhà vợ chồng Vân từ giữa năm 2009. Vậy mà tới tận tháng 11-2011 tôi mới gọi điện lại hỏi thăm em, và mời em đến uống trà ăn bánh (vì tôi chúa lười nấu nướng).

Chị em tôi thực ra mới gặp nhau có hai lần, không thể nói là thân thiết, nhưng khi gặp lại cũng đủ chuyện để hàn huyên rôm rả. Trời sập tối lúc nào không hay mà chuyện trò lại đang đến hồi cao trào, tôi giữ em lại rồi vội vàng hâm nóng nồi phở nấu sẵn từ sáng. Sau mấy tuần trà và 2 phần bánh hoa quả, Vân vẫn cố ăn hết bát phở dở òm của tôi.

Em cố làm gì, no quá thì bỏ đi em à”.

Không, em ăn hết chứ vì em tiếc công chị nấu. Cả tuần em đi làm về muộn nên ăn uống linh tinh lắm, thế nên chị nấu cho em ăn thế này là em cảm động lắm rồi.”

Tôi thấy cơ mặt của tôi co dúm cả lại, đỏ nhừ lên, có thể vì lời nói dịu dàng như hoa như mật ấy của em ấy quá sức tiếp nhận của tôi. Sau khi em về, tôi cứ ngồi thần ra nghĩ ngợi. Ừ nhỉ, tôi đã luôn cố gắng làm đủ mọi việc để lo lắng chu toàn cho những người thân yêu của tôi. Hình như tôi khá giỏi tếu táo trêu chọc mua vui cho bạn bè. Nhưng để cất lên những lời nói yêu thương êm ái, dịu dàng với bố mẹ, người yêu và bạn bè sao mà khó khăn với tôi đến thế!

Tôi còn nhớ sau khi ly hôn được vài năm, vào một buổi chiều muộn, chồng cũ bất ngờ gọi điện cho tôi: “Cuối cùng thì anh cũng sẽ trở về với em thôi”. Vẫn cái thói tếu táo mọi khi, tôi chọc: “Lại đang say bét nhè hả đồng chí? Thôi nhé, tớ phải đi hát karaoke đây, bye bye”. Giờ này nghĩ lại, tôi thấy lúc đó sao vô duyên thế. Cho dù đã chia tay lâu rồi, nhưng với tình cảm và năm tháng đã có bên nhau suốt gần 10 năm, lẽ ra tôi nên nói những lời chín chắn hơn, đằm thắm hơn như: “Cảm ơn anh. Dù không thể quay lại bên anh, nhưng anh đã là một phần rất quan trọng trong cuộc đời em”. Nói được một câu lịch sự như thế để mãi giữ lại những cảm xúc tốt đẹp về nhau, tại sao lại không nhỉ?

Anh bạn thân thi thoảng lại kể cho tôi nghe câu chuyện về mối tình cũ của anh với một cô diễn viên điện ảnh nổi tiếng ở Hà Nội. Đối với anh thì đó là một tình yêu không thể nào quên, vì “cô ấy yêu rất nồng nàn, đắm say”. Có lần anh nhỡ chuyến bay về Hà Nội thăm cô, cô viết trong email thế này: “Khi nghe anh báo máy bay về chậm một ngày, đất dưới chân em như sụp đổ”. Trời, chậm có một ngày mà đất trời đã sụp đổ, tôi lè lưỡi vì ái ngữ của cô diễn viên ấy. Có thể cô ấy nói thật, có thể là diễn, nhưng hình như đàn ông đến già vẫn ngây thơ cả tin và hảo ngọt như thế. Vậy tại sao chúng ta lại không ngọt ngào cơ chứ?

Phụ nữ thì nhất định nên ngọt ngào, như cô diễn viên trong bộ phim Việt Nam “Những giấc mơ dài” ấy. Trong phim, cô ấy ngoại tình với một anh đã có vợ, và nói theo kiểu các bà vợ bị phản bội thì “cô ta á, chả ra cái gì đâu, chỉ được mỗi cái trẻ đẹp, nói năng ngọt ngào”. Tôi còn nhớ như in cảnh cô diễn viên Kiều Thanh ngước đôi mắt long lanh nước nhìn người tình thật sâu, thật đằm thắm và thầm thì: “Có những đêm anh xa em, em buồn lắm”. Êm ái quá đỗi và ngọt ngào đến tan chảy như thế, bảo sao các ông chồng không rơi vào bẫy tình cơ chứ.

Thế nên nhất định từ nay tôi sẽ chăm chỉ thực hành ái ngữ, để “mỗi lời nói của mình có thể khơi dậy những hạt giống của niềm tin và an vui nơi người khác, như một cơn mưa mát dịu giữa mùa hè oi bức tưới cùng khắp mặt đất cằn khô đầy rẫy sự bất an này” (trích pháp thoại của thiền sư Thích Nhất Hạnh).

Khánh Linh, từ Saint Cloud, Paris


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn