(NCTG) “Được xem như bậc thầy của trường phái Tân Gotich tại Hungary, tên tuổi của Pecz Samu được trân trọng đặt cạnh những “thủ lĩnh” khác như Steindl Imre, Hauszmann Alajos hay Ybl Miklós, những người mà thiếu họ, Budapest và phần nào đó, Châu Âu đã không có được diện mạo như ngày hôm nay”.
Từ sân bay về trung tâm thủ đô Budapest, nếu theo con đường “chính tắc” - Üllői út -, trước sau chúng ta sẽ thấy bên tay trái, ở góc đường nơi giao nhau của đường Üllői và con lộ mang tên bá tước Haller, có một tòa nhà gạch đỏ rất bề thế và ấn tượng. Đó là khu nhà dành cho các viên chức của Vương quốc Hungary, được xây dựng thời kỳ 1911-1912, tức là chỉ ít năm trước khi Đế chế Áo - Hung rơi vào lò lửa của Đệ nhất Thế chiến mà kết cục là nước Hung lịch sử mất hai phần ba diện tích đất nước bởi Hiệp định hòa bình Trianon năm 1920.
Tòa nhà mang tính biểu tượng ấy của Ferencváros (Quận 9) nói chung, và của Quảng trường Nagyvárad nói riêng - nơi bốn bề đều tọa lạc những công trình kiến trúc đáng kể - là tác phẩm vào thời gian cuối đời của kiến trúc sư bậc thầy Pecz Samu (1854-1922), giáo sư Đại học Kỹ thuật Budapest (BME), đồng thời là tác giả nhiều công trình nổi tiếng của Hungary như Khu chợ Trung tâm Budapest, Nhà thờ Tin Lành ở TP. Debrecen, “Cầu Than thở” và thư viện trường BME, Nhà thờ Tin Lành ở Quảng trường Szilágyi Dezső (Quận 1, Budapest)...
Pecz Samu cũng là người thiết kế quần thể Nhà thờ Lutheran và Trường Trung học Lutheran Budapest tại phố Bajza (Quận 7, Budapest), một trong những cơ sở giáo dục phổ thông danh tiếng nhất thế giới với đội ngũ các nhà giáo hàng đầu, và các học sinh xuất chúng mà trong đó, có thể nhắc tới nhiều tên tuổi nổi bật như Neumann János, Kandó Kálmán, Teller Ede, Harsányi János (Giải Nobel Kinh tế học, 1994), Wigner Jenő (Giải Nobel Vật lý, 1963) cùng hơn 30 viện sĩ, các nhà khoa học và đại diện lớn của nền văn hóa, chính trị và xã hội Hung.
Tác phẩm lớn cuối cùng - có thể đặt dấu chấm lên sự nghiệp vĩ đại của vị kiến trúc sư - là Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hungary (Quận 1, Budapest) được xây dựng thời kỳ 1922-1923, nhưng rất tiếc là Pecz Samu đã qua đời giữa chừng vào năm 1922. Được xem như bậc thầy của trường phái Tân Gotich tại Hungary, tên tuổi của Pecz Samu được trân trọng đặt cạnh những “thủ lĩnh” khác như Steindl Imre, Hauszmann Alajos hay Ybl Miklós, những người mà thiếu họ, Budapest và phần nào đó, Châu Âu đã không có được diện mạo như ngày hôm nay.
Trở lại tòa “Nhà Đỏ” (Piros-ház) theo cách gọi đương thời ở địa chỉ số 88 phố Haller, giới kiến trúc nhận định rằng Pecz Samu “tạo ra một bầu không khí và thế giới hoàn toàn khác ở Budapest so với các cung điện do Ybl Miklós thiết kế, hoặc các tòa nhà công cộng hoành tráng của Hauszmann Alajos”, vì vị kiến trúc sư “không làm sống lại các nét thời Phục hưng hay Baroque, mà là phong cách Romanesque và Gothic của thời Trung cổ” qua sự thể hiện các đỉnh, chóp, vòm, những bức tường thành kiên cố như pháo đài, mang dấu ấn thành trì.
Bên cạnh đó, tòa nhà không chỉ gợi nhớ các đường nét thời Trung cổ, mà còn đặc thù cho nghệ thuật của Pecz Samu với việc sử dụng gạch đỏ thô và gốm Zsolnay, điều mà ông rất yêu thích và đã dùng ở nhiều công trình khác. “Nhà Đỏ” chứa 132 căn hộ và 16 cửa hiệu, đặc trưng cho sự phát triển của Budapest đầu thế kỷ 20: từ một đô thị “tụt hậu” do chiến tranh liên miên, trong những năm tháng của nền “song quốc quân chủ” Áo - Hung, thủ đô của Hungary đã trở nên một đô thị phát triển năng động bậc nhất Châu Âu, bên cạnh Berlin của nước Đức.
Đáng chú ý, đây là tòa nhà đầu tiên trong số các khu nhà cho thuê ở Budapest, mà mọi căn hộ đều có phòng tắm! Ở tầng trệt, có hàng thịt của Brauch Vilmos, thành viên dòng họ Brauch - “đại gia” ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm chất lượng cao từ thịt, sở hữu chuỗi cửa hiệu rất uy tín ở các khu trung tâm Budapest thời đó. May thay, hơn một thế kỷ trôi qua, cửa hiệu đó vẫn còn là hàng thịt, cho dù dòng họ Brauch đã “khuynh gia bại sản” do bị chính quyền cộng sản “quốc hữu hóa” và nhiều thành viên bị đày ải về nông thôn thời sau năm 1945.
Cũng như vậy, tới giờ, vẫn còn hiệu thuốc mang tên “Gizella Patika” mở cửa vào ngày 22-11-1922 ở tầng trệt, bên cạnh những “đàn em” “sinh sau đẻ muộn” như nhà hàng Ấn Độ và quán ăn nhanh của Trung Quốc. Nhưng không phải tất cả đều may mắn như thế: trong chiếc đồng hồ trên đỉnh tòa nhà, nơi từ nhiều thập niên là nơi hiện diện logo loại rượu thuốc “độc nhất vô nhị” (“Das ist ein Unicum!” theo lời Hoàng đế Áo - Hung Joseph Đệ nhị 1741-1790), “thập toàn đại bổ” Unicum của đại gia đình Zwack, nay đang để trống để rao bán quảng cáo!
Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, tòa nhà cũng bị hư hại, nhưng phần mái “thoát hiểm” mà không bị “tổn thương” lớn. Duy nhất có tháp góc lớn là bị “mất” trong thời kỳ “xã nghĩa”, và đây là tổn thất đáng kể xét về toàn cục, trong mắt dân “trong nghề”. Dầu vậy, cả tòa nhà vẫn là một điểm sáng của kiến trúc Budapest - và may mắn hơn nhiều công trình khác, tới giờ chỉ còn được thấy trên những tấm bưu ảnh ố vàng từ hơn một thế kỷ trước - nhắc nhớ dĩ vãng vàng son đã qua, khi Budapest còn được gọi bằng cái tên chính thức “Magyar Székesfőváros”.
Chùm ảnh về “Nhà Đỏ” của Trần Lê (NCTG):
(*) Sử dụng loại ngói nhiều sắc màu của nhà máy sản xuất đồ gốm sứ Zsolnay - có lịch sử từ năm 1853 - được coi là sở trường và trở thành thương hiệu của “chưởng môn” trường phái Tân nghệ thuật (Art Nouveau, Secession) Hungary, ông Lechner Ödön (1845-1914).
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...