Cho tới giờ, nhà ga vẫn giữ được gần như nguyên vẹn những nét đẹp ban đầu, và không chỉ là công trình đường sắt quan trọng nhất của Hungary, mà còn là một di tích kiến trúc và giao thông thuộc sở hữu của nhà nước Hungary như một phần của di sản văn hóa quốc gia.
Phần giá trị nhất về mặt này là sảnh khởi hành (indulási csarnok) với diện tích sàn ban đầu là 670 m2 và chiều cao bên trong 18 m, nơi có các bức tranh tường và bích họa là tác phẩm của Lotz Károly (1833-1904) và Than Mór (1828-1899), hai danh họa nổi tiếng của Hungary.
Nguyên thủy, đây chính là nơi đón hành khách: thông qua ba hành lang góc, công chúng có thể tiếp cận các phòng chờ hạng 1, 2 và 3, rồi đi qua chúng để đến sân ga. Sau Thế chiến thứ hai, do bị đánh bom nên lối vào chính của nhà ga được chuyển sang phía đường Thököly.
Mang tên Sảnh Lotz (Lotz terem), 8 bích họa trên tường là tác phẩm của Lotz Károly, họa sĩ bậc thầy Hungary nửa sau thế kỷ 19, với đề tài “Chiến tranh và Hòa bình”, “Khai thác mỏ”, “Luyện kim”, “Thương mại”, “Xây dựng cầu”, “Bưu điện”, “Nông nghiệp” và “Sự phồn vinh”.
Tác giả bức bích họa thứ chín là Than Mór, một họa sĩ bích họa nổi tiếng, với tiêu đề “Phúng dụ về đường sắt”. Các bức họa mô tả sự ra đời của ngành đường sắt Hungary và các mối quan hệ kinh tế - xã hội của đường sắt thế kỷ 19, thời kỳ của nền quân chủ Áo - Hung.
Đây là thời kỳ mà do sự hòa dịu của hai đất nước từng có lúc là cựu thù trong mấy trăm năm, nền “song quốc quân chủ” đã tạo điều kiện để Hungary - và Budapest phát triển năng động vượt bậc, trở nên một thủ đô tầm thế giới và sau này được coi là thời “hòa bình và hạnh phúc”.
Sau nhiều lần được trùng tu rất công phu và chi tiết, theo các nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, Sảnh Lotz là căn phòng lớn thứ hai trên toàn quốc Hungary được trang trí bằng những bức bích họa rất có giá trị, và gợi nhớ lại một thời kỳ huy hoàng của Vương quốc Hungary.
Chùm ảnh về Sảnh Lotz: