Những mảnh tường còn lại của "Bức tường ô nhục" tại Postdamer Platz, quảng trường trung tâm Berlin
Lần lại dòng lịch sử, ngay sau Đệ nhị Thế chiến, nước Đức thất thủ bị các nước Đồng minh (Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô) chiếm đóng. Nằm ngay giữa lòng Đông Đức, phần Tây Berlin - do Anh, Pháp, Mỹ quản lý - trở thành nước Tây Đức theo xu hướng tự do vào mùa hè năm 1949.
Bốn tháng rưỡi sau, Đông Berlin, với sự quản chế của Liên Xô, trở thành thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Đức. Tính đến đầu thập niên 60 thế kỷ trước, giữa hai phần Đông - Tây Berlin, người dân ít nhiều có thể đi lại và giao thương; dưới ảnh hưởng những chính sách hà khắc của Đông Đức, trong thời gian 1949-1962, đã có hơn 2,6 triệu người chạy sang Tây Berlin.
Tháng 8-1961, bất đồng trong vấn đề nước Đức giữa các đại cường trở nên gay gắt. Sau khi được Quốc hội Đông Đức "bật đèn xanh", rốt cục, chỉ trong 1 đêm Chủ nhật 13-8-1961, viện cớ để "bảo vệ biên giới quốc gia Cộng hòa Dân chủ Đức", theo chỉ thị của lãnh tụ thượng đỉnh Walter Ulbricht, các đơn vị quân đội và công an Đông Đức đã ngăn biên giới Đông và Tây Berlin (dài 43 km) bằng hàng rào dây thép gai và chướng ngại vật, rồi dựng ở đó 1 bức tường, đi vào lịch sử với cái tên "bức tường Berlin", nhằm mục đích ngăn công dân nước Đức cộng sản trốn sang Tây Berlin.
Trên tổng số 80 điểm kiểm tra giữa ranh giới Đông - Tây, chỉ còn 12 điểm hoạt động. Bên hệ thống tường Berlin dài 185 km bao quanh Tây Berlin, 300 tháp canh và 43 tháp ngầm dưới lòng đất đã được dựng lên. Ở phần Đông Berlin, khoảng cách 50-100 m trước bức tường được coi là "miền đất chết" đối với những ai dám "bén mảng" tới đó: lính biên phòng Đông Đức, vũ trang tận răng, cùng đàn chó săn, có thể xả súng bắn chết bất cứ ai tại đó! Trong một đêm, biết gia đình ly tán, bao mối tình bị chia cắt trên mảnh đất Đức vì lý do ý thức hệ!
Biên giới địa lý và biên giới trong lòng người đã được dựng lên như thế! Một số liệu được giới sử học đưa ra cách đây ít lâu cho biết trong khoảng thời gian 28 năm từ 1961 đến 1989, hàng ngày, trung bình có 7 công dân Đông Đức bị bắt giam tại khu vực gần bức tường Berlin; trong số này, rất nhiều người bị cưỡng bức làm chỉ điểm. Hàng vạn lính biên phòng Đông Đức cũng tìm cách vượt biên. Trong số 809 người bỏ mạng khi đào tẩu sang Tây Đức tìm tự do, ước chừng 250 người bị giết bên bức tường Berlin, đa phần đều là thanh niên ở độ tuổi 16-30.
(Con số chính xác, có thể sẽ không bao giờ chúng ta được biết, vì cơ quan mật vụ chính trị Đức Stasi coi đây là điều tuyệt mật và ngay cả cha mẹ, thân nhân người bị sát hại cũng không hề được biết về số phận người thân của họ. Chỉ biết, nạn nhân cuối cùng của bức tường Berlin là một thanh niên 22 tuổi, bị lính Đông Đức xả súng bắn chết ngày 6-2-1989.)
Góc phố mà gia đình những nạn nhân đã bỏ mạng tại bức tường Berlin có thể đến thắp nến trước hương hồn người đã khuất
Sau quyết định ngày 10-9-1989 của chính phủ Hung cho phép người tị nạn Đông Đức tại Hung qua Áo sang Tây Đức, bức tường Berlin dã bị dỡ những viên gạch đầu tiên, như khẳng định của nguyên thủ tướng Đức Helmut Kohl. Bức tường ô nhục chia cắt Đông - Tây bị người dân Đông Đức tháo dỡ kể từ mốc 9-11-1989, mở đường cho nước Đức thống nhất trong lòng Châu Âu mùa hạ 1990.
*
... nhưng không hề dễ dàng
dùng trái tim bạn, làm vỡ tan
một bức tường khốn nạn điên khùng
Cách đây 16 năm, vào những ngày Châu Âu nô nức trước cảnh nước Đức thống nhất, album "Bức tường" (The Wall) của ban nhạc "Pink Floyd", được coi như bản rock opera kỳ vĩ nhất của lịch sử âm nhạc thế giới, đã được các ngôi sao nhạc rock trình diễn tại thủ đô Berlin của Cộng hòa Liên bang Đức trước sự chứng kiến của nhiều triệu khán thính giả trên toàn thế giới. Nhiều người Đức đã òa khóc khi nghe những lời ca cuối cùng của bài hát chót trong album, khi cả bức tường đồ sộ trên sân khấu bị phá vỡ - ai nấy đều liên tưởng rất rõ rệt đến sự sụp đổ của bức tường ô nhục Berlin.
Ấy vậy mà, 15 năm sau đó, theo một điều tra của hãng thăm dò dư luận Emnid (Đức), với sự ủy nhiệm của tạp chí truyền hình "Bildwoche", có tới một phần ba số người được hỏi không hề biết điều gì đã xảy ra vào ngày 9-11-1989! Tỉ lệ này đặc biệt cao ở giới thanh niên ở độ tuổi dưới 29: 42%! Như thể, cả một thế hệ đã trưởng thành mà không hay biết đến một trong vài sự kiện lịch sử trọng đại nhất của nước Đức thế kỷ XX!
Đáng buồn rằng đây không hề là hiện tượng cá biệt của nước Đức: tại các quốc gia khác ở Châu Âu, kể cả Hungary, kiến thức về lịch sử của giới trẻ cũng rất đáng lo ngại. Những cuộc thăm dò dư luận luôn đưa lại những kết quả khiến chúng ta phải sửng sốt. Cách đây vài năm, 50% số người Anh được hỏi không biết đến trại tập trung Auschwitz kèm khái niệm diệt chủng Do Thái (holocaust) của phát-xít Đức thời Đệ nhị Thế chiến.
Ngay mới đây, chuẩn bị 5 năm ngày nước Mỹ bị khủng bố, tờ "Bưu điện Hoa Thịnh Đốn" (Washington Post) đăng một kết quả thăm dò cho thấy 30% số người được hỏi không nhớ sự kiện đó xảy ra năm nào, 8% cho rằng nó diễn ra sau 2001 và 16% thì không biết niên đại nó ra sao cả!
Tại Hungary, thống kê của Hãng giáo dục Lauer Learning và Học viện Nghiên cứu dư luận Szocio-Gráf cho biết đa số số thanh niên được hỏi không hề chịu học gì về cuộc cách mạng dân chủ năm 1956; trong số đó, có người còn nhầm tới... hàng trăm năm khi liệt các vĩ nhân của cuộc cách mạng 1848 như Kossuth Lajos és Petőfi Sándor vào hàng các nhà cách mạng 1956!
Ở Việt Nam, bao nhiêu điểm 0 (không!) về môn Sử trong các kỳ tuyển sinh đại học và cao đẳng, phải chăng, là một trong những lý do thúc đẩy UNDP và Quỹ SIDA Thụy Điển tài trợ cuộc triển lãm đầy tiếng vang "Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp 1975 - 1986", khiến bao bạn trẻ bàng hoàng trước những ký ức vui buồn, bi thảm của một thời vừa trôi qua mới ít năm, mà đã tưởng xa xôi lắm.
Mới hay, lịch sử là thứ, nếu không được trau dồi, sẽ dễ dàng bị lãng quên trong dòng đời quay cuồng của thiên kỷ thứ ba này!
Phần còn lại của bức tường Berlin ở phố Bernauer, biểu tượng chia cắt một thời
Thế nhưng, nước Đức thống nhất, 45 năm sau ngày bức tường Berlin được dựng lên và 17 năm sau khi nó bị phá bỏ, vẫn còn trang trọng giữ mọi dấu tích của nó, như một di chứng lịch sử mà đời sau phải sống và nhớ lấy. Nhờ vậy, du khách quốc tế, ngày nay đến thăm thủ đô Berlin, thế nào cũng bị mê hoặc bởi dấu ấn của một thời. Có ai bỏ qua những mảnh tường còn sót lại, đầy chữ ký và địa chỉ của nhửng người đã từng đặt chân đến và chạm tay vào nó.
Nhiều người thì bằng lòng với việc mua một mảnh tường nhỏ xíu, được bày bán khắp nơi cùng tấm thiệp ghi lại những hình ảnh lịch sử về bức tường Berlin. Đa số phải tìm đến Checkpoint Charlie, một trong 3 điểm kiểm tra khét tiếng được dựng lên năm 1961, và là điểm duy nhất nằm ở trung tâm Berlin, nơi vào một ngày tháng 10-1961, quân đội cùng chiến xa Liên Xô và Hoa Kỳ đã kình địch nhau suốt 16 giờ liền và nhiều người đương thời cho rằng chỉ cần một người lính run tay bóp cò thì hẳn lập tức Thế chiến lần thứ ba đã xảy ra.
Cửa khẩu ấy, thường được mô tả trong phim ảnh, sách vở trinh thám như là nơi đầy rẫy điệp viên Đông - Tây, đã ghi dấu ấn trong tâm thức vài thế hệ thanh niên phương Tây, và trở thành biểu tượng của tự do đối với người dân Đông Đức trong vòng gần 3 thập niên, ngày nay, là một tụ điểm du lịch thật sầm uất với nhiều bảo tàng, cửa hiệu lưu giữ và bày bán những hình ảnh của quá khứ.
Cũng phải nhắc đến Trung tâm tư liệu về bức tường Berlin, nằm ngay ở con phố Bernauer, biểu tượng của sự chia cắt Đông - Tây, ngày nay, không bao giờ thiếu vắng những tốp người, lặng lẽ và trầm tư xem những thước phim, những tấm ảnh và lắng nghe những đoạn băng tư liệu một thuở. Trong số những người khách ấy, có thể nhận thấy không ít du khách đến từ thập phương, cả từ Việt Nam, một xứ sở đã có quá nhiều thương đau và dễ dàng đồng cảm với nỗi đau chia cắt của dân tộc Đức. Với họ, chiêm nghiệm để tìm hiểu những gì đã xảy ra là điều cần thiết.
Bởi lẽ, không thể có hiện tại và tương lai trên nền tảng một quá khứ, một lịch sử mù mờ!
"Không ai, không gì có thể trôi vào quên lãng!", lời thi sĩ Nga Olga Berggoltz thuở nào, được khắc ghi tại nghĩa trang ở St. Petersburg, vinh danh những người lính ngã xuống trong cuộc chiến chống phát-xít, phải chăng, là điều mà nhân loại cần tâm niệm, mỗi khi nghĩ đến ký ức của một thời...
Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng Linh, Berlin tháng 8-2006
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn