KHẾ ƯỚC TIỀN HÔN NHÂN: LỢI HAY HẠI?

Thứ bảy - 09/03/2019 17:14

(NCTG) “Một bản khế ước hôn nhân không bao giờ phải dùng đến là điều chúng ta có thể làm được, bằng cách, trước tiên phải thiết lập nó. Nó sẽ giúp chúng ta ý thức được giới hạn giữa mình và “đối tác” để xây dựng một mối quan hệ tích cực và không bị đồng tiền chi phối”.

Khế ước tiền hôn nhân có biến hôn nhân thành một vụ giao dịch và làm mất sự lãng mạn và vẻ đẹp của nó? - Minh họa: Internet

Khế ước tiền hôn nhân có biến hôn nhân thành một vụ giao dịch và làm mất sự lãng mạn và vẻ đẹp của nó? - Minh họa: Internet

Khế ước tiền hôn nhân (prenuptial agreement) là một khái niệm không có gì xa lạ ở các nước phát triển tuy còn mới mẻ ở Việt Nam. Ngoại trừ sinh viên ngành Luật là người hiểu rõ khía cạnh pháp lý của khế ước tiền hôn nhân, công chúng Việt Nam hầu như chỉ biết đến khái niệm này qua những câu chuyện “buôn dưa lê” về các nhân vật nổi tiếng ở nước ngoài. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế xã hội và văn hóa đang thay đổi rất nhanh đã kéo theo nhiều thay đổi khác trong cách thiết lập quan hệ giữa các cá nhân, và khế ước tiền hôn nhân, một ngày không xa, cũng sẽ trở thành một nhu cầu thực tế của Việt Nam.

Khế ước tiền hôn nhân là một văn bản lập trước khi cưới có mục đích minh định sự cam kết về quyền hạn và trách nhiệm giữa vợ chồng sau này đối với vấn đề tài sản và tiền bạc của từng người, kể cả những gì sẽ xảy ra khi ly dị. Có lẽ khế ước tiền hôn nhân đầu tiên đã được xuất hiện từ thời La Mã cổ đại dưới hình thức thỏa thuận hôn nhân (nuptias consensus facit); nhưng cho đến nay, vẫn có những nước chưa công nhận giá trị pháp lý của nó, như Canada chẳng hạn.

Những quốc gia đã có quy định về khế ước tiền hôn nhân bao gồm không chỉ là các nước theo Thiên Chúa giáo mà có cả các xứ Hồi giáo (Philippines, Israel) hay Phật giáo (Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan), không chỉ các quốc gia ở Châu Âu, Châu Mỹ mà có cả các quốc gia ở Châu Úc (Australia), Châu Á (Ai Cập, Singapore, Nhật Bản) hay Châu Phi (Nam Phi, Jamaica). Trung Quốc chưa chính thức quy định về khế ước tiền hôn nhân mà chỉ chấp nhận một dạng thỏa thuận tương đối giống với hợp đồng hôn nhân nhưng được lập sau ngày kết hôn, trong đó có xem xét các quy định về tài sản vợ chồng đặc biệt là các quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

Pháp luật Việt Nam trước đây không thừa nhận giá trị pháp lý của khế ước tiền hôn nhân, nhưng từ 1-1-2015 thì đã công nhận loại hợp đồng này.

Các quan điểm trái ngược

Một ý kiến xin tư vấn về việc lập văn bản này trước khi cưới được gửi lên mạng internet của báo điện tử “VnExpress”, trong vài ngày đã nhận được hàng trăm ý kiến phản hồi. Điều thú vị là blog của một luật sư Mỹ khi đưa vấn đề này lên cũng nhận được hàng trăm ý kiến tranh luận tương tự, cho dù khế ước tiền hôn nhân đã được Mỹ công nhận từ lâu và không xa lạ gì với người Mỹ. Trên cả hai diễn đàn này, cả người ủng hộ lẫn kẻ phản đối đều có nhiều lý lẽ cũng như câu chuyện thực tế để bảo vệ cho quan điểm của mình.

Những người phản đối ở Việt Nam đa phần là các bạn trẻ, coi khế ước tiền hôn nhân là so đo tính toán, trái ngược với bản chất vị tha dâng hiến của tình yêu. Theo những người này thì khế ước tiền hôn nhân biểu lộ sự không tin tưởng nhau, và đã không tin tưởng được nhau như thế thì tốt nhất là không nên kết hôn. Phần lớn những ý kiến này là của các bạn trẻ chưa kết hôn lần nào. Qua ý kiến của họ, có thể thấy hai nguyên nhân chính đằng sau quan điểm này: một là do quan niệm lãng mạn về tình yêu lý tưởng và thiếu nhiều kinh nghiệm thực tế; hai là do một số bạn trẻ chưa có sự nghiệp, chưa có tài sản, xem hôn nhân là một phương tiện thay đổi cuộc đời, và nhìn thấy ở khế ước này những điều không phù hợp với ước muốn của họ.

Những người phản đối việc ký kết khế ước tiền hôn nhân ở Mỹ chủ yếu là người Công giáo. Với họ, hôn nhân là bất khả phân ly, là việc của cả một đời. Việc dự tính trước những gì sẽ xảy ra khi chia tay là không phù hợp với cam kết gắn bó trọn đời của việc hôn phối; và cũng có phần vì nó biểu hiện sự không tin tưởng lẫn nhau. Nó tạo cảm giác hôn nhân bị coi như một vụ giao dịch làm ăn. Có người coi khế ước tiền hôn nhân là vô đạo đức khi nó được ký kết với những điều khoản quá bất lợi cho một bên. Chính vì vậy, ngay luật pháp ở các nước có định chế này cũng xem xét đến tính chất hợp lý, hợp đạo đức của những thỏa thuận tiền hôn nhân, và rất có thể phán quyết là những thỏa thuận đó vô hiệu.
 
Khế ước tiền hôn nhân giảm thiểu tranh chấp khi ly hôn, và khiến các bên ý thức rõ ràng cụ thể quyền lợi và trách nhiệm của mình trong hôn nhân - Minh họa: Internet
Khế ước tiền hôn nhân giảm thiểu tranh chấp khi ly hôn, và khiến các bên ý thức rõ ràng cụ thể quyền lợi và trách nhiệm của mình trong hôn nhân - Minh họa: Internet

Những người tán thành việc ký kết khế ước tiền hôn nhân thì cho rằng rất cần có khế ước này vì hai lý do chính: một là để giảm thiểu tranh chấp khi ly hôn, hai là để các bên ý thức rõ ràng cụ thể quyền lợi và trách nhiệm của mình trong hôn nhân, nhờ đó mà điều chỉnh hành vi, lối sống của mình trong cuộc sống chung nhằm đạt được mục tiêu chung sống lâu dài. Rất dễ thấy là khế ước tiền hôn nhân thường chỉ đặt ra với những người có tài sản, và nhất là từ lần kết hôn thứ hai trở về sau. Hôn nhân lần thứ hai thường là phức tạp hơn, do sự tham gia của nhiều nhân tố: tài sản riêng, con riêng, v.v... Ai cũng bước vào hôn nhân với mong muốn nắm tay nhau đi trọn cuộc đời, nhưng hiện nay tỉ lệ ly dị ở các nước đã vào khoảng xấp xỉ 50%: cứ hai cặp bước vào hôn nhân thì một cặp sẽ chia tay, và khi chia tay, vấn đề bất đồng lớn nhất là tài sản.

Phần lớn luật các nước đều thừa nhận tài sản có trước thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng, nhưng tài sản tạo ra trong thời kỳ hôn nhân cũng rất khó phân định, vì vậy hầu hết các nước đều coi đó là tài sản chung nếu không có quy định khác được nêu trong khế ước tiền hôn nhân. Thực tế hôn nhân lại vô cùng đa dạng, không phải cặp vợ chồng nào cũng chịu thương chịu khó cùng tát bể Đông. Có những cặp mà một trong hai người, chỉ sau khi kết hôn mới bộc lộ những tật xấu nghiêm trọng, như cờ bạc, rượu chè, bạo hành, ngoại tình, v.v... Mà thường những người như vậy cũng không lo làm ăn và không đóng góp công sức gì vào tài sản chung. Khi ấy người chồng hoặc vợ hư hỏng sẽ coi ly dị là một giải pháp để chiếm đoạt công sức của người bạn đời. Khế ước tiền hôn nhân có thể giúp hạn chế những trường hợp như vậy.

Mất lòng trước được lòng sau

Ở nước nào cũng vậy, Luật Hôn nhân và Gia đình không thể quy định chi tiết từng trường hợp, vì vậy khế ước tiền hôn nhân với những điều khoản rõ ràng, công bằng, hợp lý, do hai bên tự nguyện ký kết, có thể bổ sung cho những khoảng trống ấy, tùy theo hoàn cảnh và tính cách, nguyện vọng cụ thể của từng đôi vợ chồng.

Không nên cho rằng khế ước tiền hôn nhân chỉ là để bảo vệ tài sản cho người giàu, nó cũng bảo vệ cho cả bên “yếu thế” hơn về tài chính khi bước vào hôn nhân, dựa trên nguyên tắc công bằng, hợp đạo đức. Nó bảo đảm cho người trong cuộc, là người kia đến với mình vì một cam kết hôn nhân thực sự chứ không nhằm vào mục tiêu tài sản. Nó sẽ loại trừ bớt hôn nhân vụ lợi. Nó làm giảm tranh chấp khi ly hôn. Ly hôn là hành động sửa chữa một sai lầm của con người, chúng ta cần thừa nhận rằng ai cũng có thể sai lầm khi kết hôn, và dự liệu trước việc sửa chữa những sai lầm ấy là một điều bình thường cần được chấp nhận.

Chính vì thế, khế ước tiền hôn nhân đang ngày càng phổ biến, nhất là khi tuổi kết hôn ngày càng muộn, phụ nữ ngày nay giành được quyền chủ động và nhiều người có sự nghiệp riêng, tài sản riêng trước khi kết hôn. Hôn nhân lần thứ hai, thứ ba cũng ngày càng phổ biến. Tờ "Trung Quốc nhật báo" đã tiến hành một cuộc điều tra nhỏ năm 2009 với 20 cặp vợ chồng dưới 30 tuổi, trong đó 16 cặp đã ký các hợp đồng tiền hôn nhân. Họ quy định rạch ròi với mọi khía cạnh cuộc sống từ cư xử thế nào trước mặt nhau, chăm sóc bố mẹ “đối phương” ra sao cho đến ai là “tay hòm chìa khóa” của gia đình… Với cả 16 trường hợp, đều là người vợ khởi xướng ý tưởng hợp đồng tiền hôn nhân. Trong khi đa số các ông chồng cho rằng không cần thiết và thấy vô hại khi chấp nhận nó.

Khế ước tiền hôn nhân có thực sự biến hôn nhân thành một vụ giao dịch và làm mất sự lãng mạn và vẻ đẹp của nó? Đã có vô số cuộc hôn nhân khởi đầu tuyệt đẹp và đầy lãng mạn đã kết thúc trong những tranh chấp dai dẳng và quyết liệt khiến cả hai chẳng những tổn thương nặng nề mà còn không dám nghĩ đến hôn nhân lần hai nữa. Những chàng hay nàng đào mỏ cũng ngụy trang rất khéo dưới một tình yêu mật ngọt. Nếu như khế ước tiền hôn nhân có thể hạn chế được những hậu quả ấy, thì nghĩa là nó thể hiện rằng hai người đến với nhau với những suy nghĩ chín chắn, có trách nhiệm, và không vụ lợi, hay ít nhất, không che giấu sự vụ lợi.

Vậy có thể dùng câu tục ngữ ông bà ta thường nói để kết luận về khế ước tiền hôn nhân: mất lòng trước, được lòng sau. Một bản khế ước hôn nhân không bao giờ phải dùng đến là điều chúng ta có thể làm được, bằng cách, trước tiên phải thiết lập nó. Nó sẽ giúp chúng ta ý thức được giới hạn giữa mình và “đối tác” để xây dựng một mối quan hệ tích cực và không bị đồng tiền chi phối.

Hiền Thảo, từ Sài Gòn


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn