KỲ THỊ

Thứ hai - 11/03/2019 04:29

(NCTG) “Kỳ thị là một hiện tượng văn hóa, có biểu hiện rất đa dạng và phong phú. Nặng thì là kỳ thị chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo, giàu nghèo, đia vị xã hội, giai cấp, giới tính. Nhẹ hơn thì là kỳ thị học thức, trí tuệ, ngành nghề, vùng miền, tuổi tác…”.

Vẻ đẹp hoang sơ của Đầm Bấy, Nha Trang - Ảnh: Internet

Vẻ đẹp hoang sơ của Đầm Bấy, Nha Trang - Ảnh: Internet

Tuần trước khi ở Nha Trang tôi có ra chơi Hòn Tre, khu vực Đầm Bấy (Silent Bay). Đây là một khu nghỉ dưỡng tuyệt vời, một vùng vịnh kín với những bãi biển êm sóng, nước trong xanh nhìn rõ các sinh vật dưới đáy biển và rất thoai thoải. Khu rừng xung quanh cũng khá dễ chịu. Có thể kết hợp việc tắm, phơi nắng, bơi thuyền, câu cá với ăn nhẹ buffet trong không khí thoáng mát, dưới một bầu trời trong xanh tuyệt đối.

Xuất phát từ bến thuyền gần Viện Hải dương Nha Trang, lúc đi tôi ngồi tàu cao tốc (15 phút) với khách du lịch Trung Quốc và lúc về đi tàu gỗ du lịch (45 phút) với khách du lịch Nga.

Vì đi theo lời mời của bạn bè, nên trong chuyến đi ở khu vực Silent Bay Hòn Tre, ngoài các bạn Nga và Trung Quốc, chỉ có hai chúng tôi là người Việt Nam. Tôi hơi ngạc nhiên, khi ông bạn thông báo cho tôi rằng, phải chọn nơi bơi lội và tắm nắng: bãi Nga hay bãi Trung Quốc. Vì tiếng Nga là bản ngữ (thứ hai) nên tôi chọn bãi Nga, và quyết định làm một cuộc kiểm tra tâm lý nho nhỏ.

Chúng tôi ra bãi tắm tương đối sớm và chọn cho mình hai chỗ gần khu vực buffet, dưới tán cây và dười chòi lá. Sau khi “xí” 2 chỗ - giường nằm bằng quần áo và khăn tắm, chúng tôi bỏ đi chơi vòng quanh bãi biển và đảo.

Khoảng hơn một tiếng sau quay về, khu giường nằm đã kín chỗ. Tôi vừa chuẩn bị yên vị thì hai nàng Nga còn trẻ khá dễ coi bước đến và hỏi tôi bằng tiếng Anh: “Ông có thể nhường chỗ, để chúng tôi được cạnh nhau không?”. “Các cô cứ nói tiếng Nga đi, chuyện đổi chỗ thì yên tâm”, tôi trả lời bằng tiếng Nga giọng chuẩn Moscow.

Một nàng vui vẻ ra mặt hỏi tiếp: “Thật là dễ chịu. Ông từ đâu đến vậy?”. “Tôi đến từ Trung Quốc”, tôi trả lời và nhận thấy các nàng có vẻ kém vui hẳn.

Sau khi đổi chỗ, tôi và anh bạn lại tiếp tục đi chơi, đi tắm và đi ăn. Trên sân chơi bóng chuyền bãi cát, cũng như trong sân disco bong bóng ở Silent Bay, người Nga và người Trung Quốc chơi và nhảy lần lượt, họ không chơi chung, và cũng hầu như không nói chuyện với nhau.

Đến bữa ăn trưa, không hiểu vô tình hay cố ý, ông quản lý Silent Bay dặn chúng tôi là nên vào ăn ở nhà ăn Trung Quốc. Đồng thời, sau bữa ăn khi quay lại bãi tắm, chúng tôi không trao đổi thêm bất cứ một lời nào với những người Nga “hàng xóm” bãi tắm nữa.

Buổi chiều trên đường ra bến thuyền, từ xa tôi chứng kiến một bà Nga (người khác) đang trách móc người quản lý Silent Bay: “Tại sao đã thỏa thuận rồi, mà các ông vẫn “thả” bọn Tầu vào bãi chúng tôi, mà bọn này lại còn quá giỏi tiếng Nga. Thật là bực mình!”.

Không, các ông này người Việt đấy!”, ông quản lý Silent Bay trả lời và quay về phía chúng tôi: “Các anh chào một tiếng đi!”. Mặt bà khách du lịch Nga giãn ra trong nụ cười vui vẻ, khi thấy tôi chào bằng tiếng Việt và vẫy tay thân thiện.

Tôi từng nhiều năm làm việc ở Moscow. Đặc biệt trong gần 10 năm, tôi có văn phòng ở Trung tâm Thương mại chuyên kinh doanh áo lông thú lớn nhất Moscow, nơi có gần 500 cửa hàng, mà 80% là của các chủ Trung Quốc (phần lớn là người Hà Bắc). Tôi có nhiều dịp chứng kiến, trải nghiệm, đôi khi làm trung gian trong quan hệ giữa những người Nga và Trung Quốc. Vì vậy tôi không quá ngạc nhiên với những điều xảy ra ở bãi tắm.
 
Du khách Trung Quốc thường không được thiện cảm ở nhiều nơi - Minh họa: Internet
Du khách Trung Quốc thường không được thiện cảm ở nhiều nơi - Minh họa: Internet

Từ lâu tôi đã nhận thấy, kỳ thị là một hiện tượng văn hóa, có biểu hiện rất đa dạng và phong phú. Nặng thì là kỳ thị chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo, giàu nghèo, đia vị xã hội, giai cấp, giới tính. Nhẹ hơn thì là kỳ thị học thức, trí tuệ, ngành nghề, vùng miền, tuổi tác… Nước Mỹ là biểu tượng của sự trưởng thành liên tục nhờ cuộc đấu tranh quyết liệt và không ngừng nghỉ, đối với mọi biểu hiện kỳ thị.

Mức độ và biểu hiện kỳ thị phụ thuộc trực tiếp vào nguồn gốc văn hóa, trình độ nhận thức (dân trí) và một số vấn đề quá khứ lịch sử. Người Trung Quốc, Việt Nam và Nga (văn hóa Khổng giáo hoặc XHCN Nga, dân trí và mức độ tự do không cao) thường là trong vòng nửa nốt nhạc có thể tìm được vô số nhược điểm của nhau, của các dân tộc khác để không tôn trọng, để... kỳ thị và bỉ bôi cay đắng. Vì vậy, họ thường là dễ kỳ thị và khó ưa lẫn nhau.

Người Lào (dân trí chưa cao lắm, nhưng có đức tin Phật giáo vững chắc nên khiêm cung), người Nhật, Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Bắc Âu, Do Thái và nhiều nước Phương Tây khác (trình độ nhận thức, dân trí cao và tự do) trong vòng hai nốt nhạc có thể tìm ngay được một vài ưu điểm của các dân tộc khác, như Nga, Trung Quốc và kể cả Lào, Việt Nam để... học hỏi và tìm tiếng nói chung.

Người các quốc gia kể trên cũng không khó khăn để tìm thấy nhược điểm của các dân tộc khác, nhưng thường là họ nhắc đến trong những câu chuyện giễu cợt nhẹ nhàng.

Còn nói riêng ở Việt Nam, nhìn chung những nhận thức định kiến vùng miền kiểu “phải là người miền Bắc (mới) có lý luận”, hoặc “phải là người miền Nam mới hào sảng, phóng khoáng”, đều là cực đoan và rất không có lợi cho việc hiểu biết, nhận thức và chấp nhận nhau.

Trần Công Tâm, từ TP. HCM


 
 Từ khóa: Trung Quốc, kỳ thị
Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 3.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn